Để Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống: Còn nhiều việc phải làm

(Pháp lý) - Sau gần 4 tháng có hiệu lực thi hành, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn chưa hỗ trợ được nhiều cho cộng đồng doanh nghiệp, vì hệ thống văn bản dưới luật chưa đầy đủ. Luật được giới doanh nghiệp nhỏ và vừa kỳ vọng từ lâu, nhưng để Luật đi vào cuộc sống chắc còn nhiều việc phải làm…

Luật được các DNNVV kỳ vọng…

Ngày 12/6/2017, Quốc hội chính thức ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Theo quy định của Luật, có 8 loại hỗ trợ mà doanh nghiệp sẽ nhận được từ phía Nhà nước, đó là: Hỗ trợ tiếp cận tín dụng, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ mặt bằng sản xuất; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, luật còn quy định những DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sẽ được hưởng thêm nhiều hỗ trợ nữa từ phía Nhà nước. Đặc biệt, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sẽ được cho vay, tài trợ bởi quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018, nhưng để Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống, thì còn nhiều việc phải làm
Có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018, nhưng để Luật Hỗ trợ DNNVV đi vào cuộc sống, thì còn nhiều việc phải làm)

Việc ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa lớn mạnh. Theo thống kê, khu vực doanh nghiệp này chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp trong nước, đóng góp khoảng 50% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách, chiếm khoảng 31% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và quan trọng là đang tạo ra 51% tổng việc làm của Việt Nam. Tuy nhiên, việc hỗ trợ, tạo điều kiện hoạt động cho nhóm doanh nghiệp này từ ngày luật có hiệu lực thi hành vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia khi trao đổi đều cho rằng để DNNVV được hỗ trợ theo các quy định của Luật thì... còn nhiều việc phải làm.

Vì sao vậy?

Mở đầu câu chuyện với Phóng viên Pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Văn phòng Luật SB Law khẳng định, Luật Hỗ trợ DNVVN tuy đã có hiệu lực nhưng chưa đi vào thực tế được nhiều. Bởi vì luật quy định rất chung chung, nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả thì cần phải có các văn bản hướng dẫn. Ví dụ như hỗ trợ về pháp lý, phải có một Nghị định của Chính phủ ban hành. Còn hỗ trợ tín dụng, đổi mới công nghệ hoặc chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp theo tôi đánh giá tác động cũng chưa nhiều. Lý do là các văn bản hướng dẫn các quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV vẫn chưa đầy đủ.

Ông Tô Hoài Nam (bên phải), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam trong một Hội thảo
Ông Tô Hoài Nam (bên phải), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam trong một Hội thảo)

Đánh giá về việc hỗ trợ các doanh nghiệp do nữ làm chủ được quy định trong luật, bà Mai Thị Thùy – Chủ tịch Hội nữ DNNVV thành phố Hà Nội cho biết, trước đây các doanh nghiệp nói chung vẫn thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Nhưng từ ngày Quốc hội bấm nút thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa được hỗ trợ gì nhiều. Đối với luật này, ngay từ những ngày góp ý xây dựng, chúng tôi đã đấu tranh rất nhiều để đưa khái niệm DNNVV do nữ làm chủ vào luật. Vì hiện doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm 35% tổng số DNNVV của cả nước. Và trải qua rất nhiều cuộc họp, hội thảo, luật đã đưa khái niệm thế nào là DNNVV do nữ làm chủ vào luật. Mặc dù trong luật có quy định rõ những chính sách ưu đãi về thuế, xúc tiến thương mại, hỗ trợ vốn... đối với các doanh nghiệp do nữ làm chủ. Ngay sau khi luật có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ đã đến các sở, ban ngành của thành phố Hà Nội như sở Công thương, sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị được hỗ trợ. Song các cơ quan lại trả lời luật quy định chung chung lắm, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên họ không biết phải hỗ trợ doanh nghiệp như nào cả. Như vậy, thành ra các doanh nghiệp chưa được hưởng lợi gì từ Luật Hỗ trợ DNNVV cả.

Cùng quan điểm với bà Thùy, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV tỉnh Bắc Giang cũng cho rằng, đến thời điểm này Luật Hỗ trợ DNNVV chưa hỗ trợ được nhiều cho doanh nghiệp, nên về cơ bản vẫn chưa có sự thay đổi gì so với thời điểm khi chưa có luật. Dù đã có quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng chuyện tiếp cận vốn vẫn rất khó khăn. Ngân hàng vẫn yêu cầu phải có bảo hiểm tín dụng và có tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng kêu khó khăn về tiếp cận đất đai, mở rộng sản xuất.

Đánh giá về nguyên nhân tổng quát hơn, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNVVN Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp lên tiếng về luật chưa tác động nhiều đến họ là rất đúng, lý do là luật này mới có hiệu lực từ đầu năm 2018. Trong đó có một số nội dung áp dụng được ngay, nhưng nhiều nội dung phải chờ Nghị định hướng dẫn. Thực tế, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định hướng dẫn, còn 2 Nghị định tới đây sẽ ban hành. Bộ Tư pháp cũng đang chuẩn bị ban hành văn bản hỗ trợ khung pháp lý cho DNNVV. Phải thừa nhận rằng, các văn bản có độ trễ hơn 3 tháng so với hiệu lực của luật. Nhưng so với những luật trước đây thì tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn rất tốt, được xây dựng đồng loạt. Khi các Nghị định được triển khai một cách tích cực sẽ giải quyết được những thắc mắc của doanh nghiệp.

Theo ông Nam, Luật này cũng đưa ra cách thức hỗ trợ, cơ quan hỗ trợ tương đối rõ ràng, xây dựng trên nền tảng sát với nhu cầu của doanh nghiệp. Ví dụ như chính sách tín dụng, Luật này quy định ngoài việc cho vay vốn bằng tài sản đảm bảo thì cũng nâng cao tỷ lệ các doanh nghiệp tín chấp nhiều hơn, đối với doanh nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp thì tiếp cận tín dụng hy vọng sẽ dễ hơn. Với các doanh nghiệp sáng tạo thì việc tiếp cận đất đai cũng được ưu đãi, quyền tài sản của doanh nghiêp như quyền sở hữu cũng được đặt ra rõ ràng hơn. Tuy nhiên, trong thực tế sẽ có những vấn đề mà luật chưa tiên lượng hết, nhưng hiện nay chúng ta đang triển khai thì cần phải có niềm tin về đạo luật này. Tôi đánh giá đây là đạo luật tương đối tốt của Việt Nam.

“Về mặt nguyên lý, bao giờ luật cũng đi chậm hơn so thực tế cuộc sống, nhất là các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân vốn rất năng động. Về tương lai, cơ quan chức năng phải sửa đổi luật cho phù hợp. Chắc chắn sau này luật sẽ có một số điều, một số vấn đề bất cập so với thực tế. Tuy nhiên, hiện tại luật này cũng đã có sự tiên lượng, ví dụ như hình thành nhiều quỹ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp. Tức là ngoài hình thức áp dụng tín dụng bình thường, còn có các quỹ hỗ trợ, luôn thúc đẩy khai thác nguồn lực từ bên ngoài, thay vì hỗ trợ từ Nhà nước”, ông Nam bình luận.

Hộ kinh doanh “sợ” lên doanh nghiệp

Thống kê từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, hiện nay khu vực hộ kinh doanh cá thể có số lượng rất lớn với khoảng 4,671 triệu hộ kinh doanh, tổng tài sản ước tính 655 ngàn tỷ đồng, tạo ra 2,188 triệu tỉ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỉ đồng tiền thuế mỗi năm và giải quyết 7,945 triệu việc làm cho lao động. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh lại đang rất “sợ” lên doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà bày tỏ lo lắng, vì hiện nay chưa có quy định hỗ trợ cụ thể như thế nào về thuế; về các trình tự, thủ tục đăng kí kinh doanh... Do đó, mọi việc vẫn chưa rõ ràng, vẫn chưa có quy định đầy đủ để thúc đẩy hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

 PGS. TS Đinh Trọng Thịnh trao đổi với PV Pháp lý
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh trao đổi với PV Pháp lý)

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, khi lên doanh nghiệp, phải có con dấu, có bộ phận kế toán, sổ sạch hạch toán, rồi bảo hiểm, hợp đồng cho lao động… khiến họ tăng thêm chi phí. Bên cạnh đó, lên doanh nghiệp phải có báo cáo thuế, doanh thu cho cơ quan chức năng. Những thủ tục hành chính này tương đối phiền phức, khiến hộ kinh doanh gia đình không hào hứng.

Quan trọng hơn, ông Thịnh cho rằng khi lên doanh nghiệp thì phải báo cáo rất nhiều, phải tiếp các đoàn kiểm tra như quản lý thị trường, thuế, môi trường…Việc kiểm tra đâu chỉ là kiểm tra không rồi về, đi kèm với kiểm tra là các chi phí chính thức và không chính thức, rất tốn kém. Do vậy, cả chi phí không chính thức lẫn chính thức đều lớn lên khiến họ lo lắng và không muốn lên doanh nghiệp. Theo đó, ông Thịnh cho rằng, muốn hộ kinh doanh lên doanh nghiệp tất cả chi phí, các khoản đóng góp đều phải công khai minh bạch. Nhà quản lý không thể dùng mệnh lệnh hành chính để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, thay vào đó phải khuyến khích động viên bằng đòn bẩy kinh tế, tạo môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý và phù hợp với quy mô và tính chất kinh doanh. Điều quan trọng trong chính sách này là khuyến khích, vận động làm sao để các hộ kinh doanh tự thấy được lợi ích khi chuyển đổi thành doanh nghiệp. Khi đã lên doanh nghiệp sẽ không phải thường trực nỗi lo lắng phải đối diện với nhiều nguy cơ về chi phí ngầm, thanh kiểm tra và hàng loạt những thủ tục hành chính, chi phí không chính thức, lại thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận về khoa học công nghệ, năng lực quản lý…

Cần xác định rõ lĩnh vực ưu tiên và đổi mới tư duy cán bộ phục vụ doanh nghiệp

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cho rằng, điều đáng lo nhất của luật này là tính khả thi và nguồn lực vật chất, còn thủ tục hành chính thì chắc sẽ có những chuyển biến tốt. Việc có thực hiện tốt luật này hay không là phụ thuộc vào quyết tâm của các địa phương. Ở một số địa phương, trước khi có luật này họ đã dành nguồn lực cho việc hỗ trợ DNNVV. Vì thế, sau khi có luật, có được hành lang pháp lý chuẩn, họ sẽ hỗ trợ rất tốt cho các DNNVV. Với những địa phương không có sự quan tâm sẽ không có sự hỗ trợ rõ ràng. Nhiều nơi cứ nói chưa có nghị định, thông tư thì chưa thể hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng kể cả khi các văn bản hướng dẫn rồi, nếu họ trì trệ cũng chưa thể làm được.

 Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương trao đổi với PV Pháp lý
Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương trao đổi với PV Pháp lý)

Cũng theo ông Hiền, các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV nêu trong luật chưa có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động đối với các DNNVV. Bởi vậy, khi thiết kế các chính sách, chương trình hỗ trợ DNNVV cần có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động đối với các DNNVV để vừa đảm bảo tính khả thi, vừa tuân thủ những cam kết trong các hiệp định FTA đã và sẽ ký nhằm tránh được các vụ kiện có thể có sau này.

Theo ông Hiền, Việt Nam muốn là một quốc gia có thế mạnh, cạnh tranh quốc gia thực sự ở lĩnh vực nào trong tương lai phụ thuộc vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực đó. Điều này có liên quan đến việc hoạch định, triển khai chính sách hỗ trợ có chủ đích dài hạn của quốc gia. Trong điều kiện nguồn lực của Việt Nam còn yếu và thiếu mọi bề, trước mắt chúng ta cần phải tập trung hỗ trợ một số lĩnh vực như: áp dụng công nghiệp cao để sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; phần mềm; du lịch và dịch vụ du lịch gắn với văn hoá truyền thống; dịch vụ du lịch - khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ; giáo dục và dịch vụ giáo dục…

“Việc xác định được đâu là các ngành, nghề lĩnh vực ưu tiên của Quốc gia trong một giai đoạn nhất định là cực kỳ quan trọng, là định hướng cho cả một quốc gia nên đòi hỏi phải có tầm nhìn, xác định rõ cơ sở, lý do lựa chọn; điều này sẽ thống nhất tất cả các điều khoản hỗ trợ của luật. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thay đổi mạnh mẽ hơn nữa cách thức hỗ trợ theo kiểu Nhà nước có cái gì thì hỗ trợ cái đó, mà phải là doanh nghiệp cần cái gì thì Nhà nước hỗ trợ cái đó. Để làm được điều đó, những người xây dựng, thực hiện chính sách hỗ trợ phải có mặt nhiều doanh nhân dày dạn kinh nghiệm (cả trong và ngoài nước), nhất là các chương trình như hỗ trợ chuẩn đoán và tư vấn cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, chương trình hội nhập, ông Hiền hiến kế.

Cũng theo ông Hiền, Luật và các văn bản hướng dẫn Luật cần thiết kế để tránh mâu thuẫn vì các bộ, ngành, nhất là các địa phương hiện nay đều có xu hướng tận thu từ doanh nghiệp; cần có con số cụ thể phục vụ cho việc hỗ trợ, ưu đãi được tính theo quy mô kinh tế địa phương để thấy được việc triển khai có ý nghĩa thật trong thực tế.

Tránh tình trạng chỉ có mấy chính sách hỗ trợ rõ ràng như chính sách hỗ trợ về thuế thì bắt buộc các địa phương phải chấp hành. Song song đó, Luật và các văn bản hướng dẫn Luật phải thiết kế sao để gắn quyền lợi và trách nhiệm của địa phương vào hiệu quả phát triển DNNVV. Việc cấp ngân sách địa phương phải tỷ lệ thuận với lượng hạ tầng giao thông và đất sạch phục vụ cho DNNVV; số lượng DNNVV được thành lập và hoạt động hiệu quả từ 3 năm trở lên... Ông Hiền cho rằng, một trong những yếu điểm "chết người" của DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp là không có hoặc thiếu kinh nghiệm thương trường, thiếu hiểu biết pháp luật... nên cần phải được hỗ trợ pháp luật một cách bài bản, thường xuyên và liên tục.

Theo đánh giá của ông Hiền, nhiều chương trình hỗ trợ thất bại bởi những người đi hỗ trợ chưa từng kinh doanh bao giờ nên không thể hiểu được nghiệp kinh doanh. Nó cũng giống như người không biết bơi đi tư vấn cho người khác bơi. Điều này nói nên rằng, Hội đồng phát triển DNNVV quốc gia không nên có tổ chức giống như các cơ quan hành chính Nhà nước, nặng về phân cấp quan chức các cấp, mà trái lại đó phải là nơi tập hợp các chuyên gia, doanh nhân uy tín trong và ngoài nước được thuê để thực hiện công việc này.

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/de-luat-ho-tro-dnnvv-di-vao-cuoc-song-con-nhieu-viec-phai-lam-a193108.html