Miguel Díaz-Canel: Làn gió mới của Cuba

Tân Chủ tịch Cuba Díaz-Canel khẳng định sẽ hiện đại hóa kinh tế nhưng sẽ vẫn giữ bản sắc xã hội chủ nghĩa, không chuyển sang tư bản.

Ngày 19-4, Cuba chính thức có tân chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ông Miguel Díaz-Canel được lựa chọn thay thế ông Raúl Castro. Sự kiện được chú ý không chỉ vì ông Díaz-Canel là người đầu tiên không mang họ Castro trở thành chủ tịch Cuba sau gần 60 năm mà còn vì chủ trương đổi mới Cuba thời gian tới.

Không tư bản hóa

Phát biểu sau khi chính thức trở thành tân chủ tịch Cuba, ông Díaz-Canel nói ông được lựa chọn để bảo vệ thành quả cách mạng Cuba trong giai đoạn quan trọng và lịch sử hiện tại, cam kết sẽ tạo dựng một chính phủ có trách nhiệm với người dân. Thừa nhận thay đổi là cần thiết, ông Díaz-Canel tuyên bố sẽ hiện đại hóa xã hội và nền kinh tế nhưng vẫn giữ bản sắc xã hội chủ nghĩa, không chuyển sang mô hình tư bản.

Tăng trưởng kinh tế Cuba khá chậm trong những năm gần đây dù Chủ tịch Raúl Castro đã có một số cải cách mở cửa thị trường năm 2011. Theo ý kiến nhiều nhà quan sát, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của ông Díaz-Canel trong cải cách kinh tế sẽ là thống nhất hệ thống tiền tệ kép của Cuba: Đồng peso dùng cho nội địa và đồng peso chuyển đổi dùng trong giao dịch quốc tế. Các nhà phân tích lo ngại nếu không quản lý đúng, sự hợp nhất hai đồng tiền này sẽ gây ra lạm phát ảnh hưởng đến người bình dân Cuba.

 Tân Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel (trái) và ông Raúl Castro tại phiên họp Quốc hội ngày 19-4. Ảnh: AP
Tân Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel (trái) và ông Raúl Castro tại phiên họp Quốc hội ngày 19-4. Ảnh: AP)

Tình hình hỗn loạn kinh tế và chính trị ở Venezuela sẽ thúc đẩy Cuba nỗ lực tìm kiếm đầu tư nước ngoài và gắn kết hơn với các nước để tránh những rủi ro tương tự. Tuy nhiên, một thách thức lớn trong phát triển kinh tế với ông Díaz-Canel là lệnh cấm vận thương mại của Mỹ từ năm 1962 đến nay vẫn chưa được gỡ bỏ hoàn toàn. Không có thương mại tự do với Mỹ, Cuba phải chọn chú trọng sản xuất nông nghiệp để có thể tự cung tự cấp. Cuba hiện phải nhập khẩu tới 80% nhu cầu thực phẩm và nhiệm vụ của ông Díaz-Canel sẽ là cắt giảm con số này.

Không chỉ kinh tế, ông Díaz-Canel cũng sẽ phải đối mặt với các thách thức ngoại giao trong quan hệ với Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump năm ngoái đã quyết định đảo ngược chính sách làm ấm quan hệ ngoại giao hai nước, thắt chặt cấm vận kinh tế bất kể nỗ lực bình thường hóa quan hệ của người tiền nhiệm Barack Obama.

Hiện đại, đầy năng lượng

Những mục tiêu trên dù đầy tham vọng nhưng vẫn rất khả quan khi tân chủ tịch Cuba được đánh giá là một làn gió mới trẻ trung, có năng lực cao và đầy năng lượng.

Ông Díaz-Canel vừa bước sang tuổi 58 vào ngày 20-4, kém người tiền nhiệm Castro tới 26 tuổi. Ông xuất thân là một kỹ sư điện tử, từng giảng dạy đại học. Ông Díaz-Canel tham gia chính trị từ những năm 20 tuổi, đã đảm đương nhiều vị trí trong chính phủ và Đảng Cộng sản Cuba, rồi được đề cử phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước từ năm 2013. Khoảng cách thế hệ không ngăn cản ông Díaz-Canel giành được lòng tin tưởng của hai người tiền nhiệm nhà Castro.

99,83% nghị sĩ Quốc hội Cuba ủng hộ ông Miguel Díaz-Canel trở thành tân chủ tịch Hội đồng Nhà nước, với 604 phiếu bầu và chỉ một nghị sĩ vắng mặt.

Vị tân chủ tịch được biết đến là một người hiện đại và thông minh, có cường độ làm việc và sự tập trung cực cao. Truyền thông Cuba cho biết ông Díaz-Canel làm việc đến 18 giờ mỗi ngày là chuyện rất bình thường. Là con người của công việc nhưng ông Díaz-Canel luôn giữ hình ảnh trẻ trung và năng động với quần jean và áo sơ mi chứ không chọn lựa quân phục như lãnh tụ Fidel Castro và cựu Chủ tịch Raúl Castro. Ông thích nhạc rock-’n’-roll, luôn mang bên mình một máy tính bảng và có tài khoản Facebook. Ông Díaz-Canel rất quan tâm báo chí, hay mời nhà báo tháp tùng trong các chuyến công tác, từng tham gia dẫn một chương trình phát thanh và thường xuyên đề cập chuyện cải cách báo chí. Một trong những mục tiêu ông đặt ra trong bài phát biểu trước Quốc hội ngày 19-4 là mở cửa Internet cho người dân. Phu nhân Liz Cuesta cũng thường xuyên xuất hiện bên chồng trong nhiều sự kiện lớn.

Cựu Thủ tướng Haiti Laurent Lamothe, người đã nhiều lần tiếp xúc với ông Díaz-Canel, nhận xét ông là một biểu tượng cho sự thay đổi ở Cuba. Trong khi đó, theo ông Brian Lattell, người từng là trưởng nhóm phân tích về Mỹ Latinh của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), ông Díaz-Canel “trẻ trung, cuốn hút và có khả năng gây ấn tượng mạnh” là một lựa chọn hợp lý cho Cuba. Ông López Levy, cựu chuyên viên phân tích tình báo, thì dự đoán dù Cuba không có thay đổi nào về chính trị trong thời gian tới nhưng ông Díaz-Canel chắc chắn sẽ đưa đất nước chuyển mình sang kinh tế thị trường. Mục tiêu cải thiện quan hệ với Mỹ không đơn giản nhưng có khả năng sẽ đạt được khi bản thân ông Díaz-Canel rất ủng hộ bình thường hóa quan hệ song phương.

Nga sẵn sàng củng cố quan hệ đối tác chiến lược

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện chúc mừng ông Miguel Díaz-Canel trở thành tân chủ tịch Cuba. Ông Putin tin tưởng Cuba dưới sự lãnh đạo của ông Díaz-Canel sẽ tiếp tục đạt được các mục tiêu của cuộc cách mạng Cuba, đạt được cột mốc mới trong phát triển xã hội và kinh tế. Theo ông Putin, quan hệ Nga-Cuba dựa trên truyền thống hữu nghị lâu dài và tôn trọng lẫn nhau, Nga sẵn sàng tiếp tục củng cố quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác tích cực với Cuba ở mọi lĩnh vực. Ông Putin cũng có một bức điện đến ông Raúl Castro, gửi lời cám ơn vì những hợp tác hiệu quả giữa Cuba và Nga trong thời gian qua, tin tưởng ông Castro với vai trò lãnh đạo Đảng Cộng sản Cuba sẽ tiếp tục hỗ trợ cho quan hệ đối tác chiến lược hai nước.

Theo PLO

Link nội dung: https://phaply.net.vn/miguel-diaz-canel-lan-gio-moi-cua-cuba-a192860.html