Giám sát, kiểm soát quyền lực nhìn từ vụ bắt hai tướng liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỉ

(Pháp lý) - Ông Phan Văn Vĩnh và ông Nguyễn Thanh Hóa, từ địa vị sĩ quan cấp tướng trong lực lượng Cảnh sát nhân dân trở thành bị can trong vụ án đánh bạc hàng ngàn tỷ đồng… Sự kiện này phản ánh nhiều vấn đề, trong đó không thể không nói đến những hạn chế, bất cập của công tác giám sát, kiểm soát quyền lực.

Đường dây đánh bạc ngàn tỷ được hai tướng “ bảo kê”

Ông Phan Văn Vĩnh (sinh năm 1955, quê Nam Định) từng là đại biểu Quốc hội khóa XII, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trước khi bị bắt , ông từng là Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an). Cơ quan chức năng xác định ông Vĩnh đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để giúp Nguyễn Thanh Hóa ( sinh năm 1958, nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50) và Nguyễn Văn Dương (một trong những người cầm đầu đường dây) tổ chức đánh bạc trên mạng bằng hình thức game bài RikVip. Trước đó, Nguyễn Thanh Hóa cũng bị khởi tố, bắt giam về tội Tổ chức đánh bạc.

 Bị can Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đã bị cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ) khởi tố, bắt tạm giam vì có liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ
Bị can Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa đã bị cơ quan cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ) khởi tố, bắt tạm giam vì có liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ)

Bước đầu cơ quan chức năng xác định tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là hơn 9.500 tỷ đồng (342 tỷ đồng/tháng), trong đó tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game chiếm 97%, tương đương 9.300 tỷ đồng. Tiền từ các ngân hàng là 168 tỷ đồng (chiếm 1,75%), tiền tham gia đánh bạc qua các đại lý được giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản ngân hàng khoảng hơn 5.600 tỷ đồng. Số tiền giao dịch hơn 9.500 tỷ đồng thu được phân chia cho các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, doanh nghiệp phát hành thẻ game, nhóm đối tượng tổ chức và trả thưởng cho con bạc.

Sau khi chiếm hưởng, nhóm tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền như đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài. Riêng Phan Sào Nam đã gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng của Singapore. Cơ quan điều tra đang xác minh về số tiền từng bên được hưởng để thu hồi.

Quá trình phá án, cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa, niêm phong tổng tài sản trị giá hơn 1.200 tỷ đồng (gồm hơn 1.000 tỷ đồng tiền mặt, 20 căn hộ trị giá 192,6 tỷ đồng) và 12 ôtô. Liên quan đến vụ việc, trong một lần khám xét ở Quảng Ninh, cơ quan tố tụng phải thuê xe tải để di chuyển vật chứng. Một lần khác tại TP.HCM, cơ quan điều tra cũng đã mất hơn 6 giờ để kiểm đếm số vàng và USD trị giá hàng trăm tỷ đồng mà Phan Sào Nam có ý định chuyển hóa vào bất động sản.

Những con số trên đây phản ánh quy mô hoạt động của đường dây đánh bạc lớn nhất bị phát hiện từ trước đến nay. Rõ ràng, nếu không có sự bao che, tiếp tay của hai viên tướng Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa với chức trách, nhiệm vụ được giao là chống tội phạm nói chung và tội phạm công nghệ cao nói riêng, thì các đối tượng không thể bành trướng phạm vi đánh bạc ghê gớm như vậy.

Điều đó còn cho thấy một thực tế trong vụ án này, đó là những người được trao quyền lực trở nên tha hóa, đồng phạm với tội phạm trong một thời gian dài, nhưng các thiết chế giám sát quyền lực đã tỏ ra kém hiệu quả, chậm phát hiện để ngăn chặn kịp thời.

Kiểm soát, giám sát quyền lực và những hạn chế

Hiến pháp 2013 quy định tại khoản 2, Điều 2: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Nguyên tắc này bắt nguồn từ nhận thức sâu sắc rằng quyền lực nhà nước là của nhân dân, thông qua quyền lập hiến của mình, nhân dân giao quyền, ủy quyền cho các cơ quan nhà nước... Hiến pháp đã phân công một cách minh bạch, để nhân dân kiểm soát và đánh giá hoạt động của các nhánh quyền lực mà nhân dân đã giao, đã ủy quyền.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng nêu rõ: “Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất; xác định rõ hơn quyền hạn và trách nhiệm của mỗi quyền”.

Như vậy, quyền lực cần phải có sự kiểm tra giám sát để tránh lộng quyền, lạm quyền, tha hóa, làm sai lệch hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước. Và bộ máy nhà nước đã có đủ những thiết chế để kiểm soát, giám sát quyền lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải khi nào những thiết chế ấy cũng hoạt động hữu hiệu.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (10-2016) đã chỉ rõ: “Công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm…”; “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra…”; Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm; “Công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn thiếu chặt chẽ. Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm…”; Sự buông lỏng đó đã kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều nhiệm kỳ với quan niệm đổi mới thì mọi việc “cởi mở”, “thoáng”, đến mức một bộ phận cán bộ, đảng viên coi thường kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước, coi thường tổ chức và tập thể dẫn đến quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý không được giám sát đầy đủ và kiểm soát chặt chẽ.

Điều đó dẫn đến có một thực tế là “một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm giữ khối lượng tài sản, nguồn vốn lớn của tập thể, của Nhà nước, đó là môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển”. Sự tham lam, gian giảo và cả sự lười biếng trong suy nghĩ và hành động có cơ hội phát triển. Tình trạng buông lỏng quản lý và giám sát, kiểm soát quyền lực đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp và các lĩnh vực vẫn rất đáng lo ngại…

Mới đây, tại cuộc họp tổng kết của hai Ban chỉ đạo 138 và 389, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình thẳng thắn: “cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực của các cơ quan chức năng còn bất cập, chưa hiệu quả”. Phó Thủ tướng cho rằng, vẫn còn một số ban, bộ, ngành chưa quan tâm, chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật. Còn biểu hiện bao che, thậm chí “bảo kê” cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng từng phát biểu: Ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn, một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm. Đặc biệt, một số cán bộ, công chức còn có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, sân sau mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri, nhưng qua một số vụ án lớn được xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ!

 Ảnh minh họa
Ảnh minh họa)

Làm gì để kiểm soát, giám sát quyền lực có hiệu quả?

Thực tế cho thấy, vấn đề kiểm soát và cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực nhà nước là một nhiệm vụ cấp bách trong quản lý nhà nước ở nước ta hiện nay. Cơ chế nào để hoạt động này có hiệu quả hơn là câu hỏi cấp thiết được đặt ra.

Theo quan điểm của GS.TS triết học Phạm Ngọc Quang thì cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước được hiểu là phương thức, quy trình, quy định và các thiết chế có liên quan đến việc kiểm soát quyền lực nhà nước, gắn kết chặt chẽ với nhau hợp thành một chỉnh thể, thông qua đó việc kiểm soát quyền lực nhà nước được thực hiện, nhằm ngăn ngừa, loại bỏ những nguy cơ, những việc làm sai trái của nhà nước, cơ quan, nhân viên nhà nước trong việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm cho quyền lực nhà nước được tổ chức và thực hiện theo đúng các quy định của Hiến pháp, pháp luật, đúng mục đích mong muốn và có hiệu quả.

Theo Giáo sư Trần Ngọc Đường, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài, tức là cơ chế để nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước hiện chưa được tăng cường đúng mức. Trong khi đó, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ các chủ thể cấu thành bộ máy Nhà nước, tức là kiểm soát bên trong bộ máy nhà nước giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng chưa thực sự hiệu quả.

Mặc dù cơ chế kiểm soát quyền lực được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 nhưng chưa được cụ thể hóa kịp thời, một số ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải tập trung, tăng cường xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước cả bên trong và bên ngoài.

Để kiểm soát quyền lực có hiệu quả, phải áp dụng nhiều biện pháp. Trước hết là sự phân công, phối hợp, minh bạch giữa các cơ quan thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mỗi cơ quan trong bộ máy nhà nước cần xác định rõ phạm vi, nhiệm vụ, trách nhiệm, nghĩa vụ, sẽ tạo nên hiệu quả hoạt động chung của bộ máy nhà nước trong việc thực thi quyền lực nhà nước.

Thứ hai, dân chủ phải gắn liền với kỷ luật, phải thực hành dân chủ rộng rãi, đồng thời siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, dân chủ thực chất và tập trung đúng đắn. Mọi cán bộ lãnh đạo, quản lý dù ở cấp nào đều phải sinh hoạt trong một tổ chức đảng, chịu sự quản lý của chi bộ mà mình sinh hoạt, của cấp ủy mà mình là thành viên. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc.

Thứ ba, xử lý nghiêm bằng kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý sai phạm với tinh thần thấu lý đạt tình. Kinh nghiệm cho thấy, nếu việc quản lý cán bộ, kiểm soát quyền lực được thực hiện tốt sẽ hạn chế những sai phạm của cán bộ.

Thứ tư, mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý không ngừng tự tu dưỡng, rèn luyện, tự quản lý, kiểm soát chính mình trước những tham vọng quyền lực và cám dỗ lợi ích vật chất trước sự tha hóa.

Trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay có hai loại giám sát là giám sát mang tính quyền lực nhà nước (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) và giám sát xã hội mang tính quyền lực nhân dân (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, phương tiện thông tin đại chúng và các cá nhân, cộng đồng…).

Giám sát xã hội của nhân dân tuy có đối tượng rộng rãi hơn nhưng có hạn chế là mang tính phát hiện, tư vấn, phản biện, không sử dụng biện pháp nhà nước để xử lý kết quả giám sát. Nếu người dân được giao quyền giám sát bằng cơ chế tương tự, thiết nghĩ người có quyền lực cũng phải e dè, không dám lạm quyền vì biết sẽ bị khiếu nại lên cấp cao hơn họ. Chúng ta thường nói đến lợi ích nhóm nhưng cũng cần hiểu bên cạnh nhóm lợi ích này luôn có nhóm lợi ích khác.

Đã đến lúc cần ban hành Luật giám sát xã hội đối với tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước; Xây dựng chương trình phối hợp giám sát giữa các cơ quan quyền lực nhà nước và hoạt động giám sát của nhân dân để bảo đảm giám sát có hiệu quả, hợp lý, khoa học. Đồng thời, cần ban hành quy chế phản biện xã hội đối với việc thực thi quyền lực nhà nước. Phản biện xã hội là điều kiện căn bản, thiết yếu phải công khai, minh bạch để nhân dân tham gia giám sát nhằm giúp cơ quan quản lý phòng, chống cán bộ, công chức lạm dụng quyền, bưng bít thông tin.

Tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Thông tin là cơ sở, điều kiện của giám sát, vì giám sát phải có các chứng cứ, chứng minh việc thực thi đúng hay không đúng pháp luật của các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước. Đó là những biện pháp không mới, nhưng cần điều chỉnh để nó thực chất và hiệu quả hơn.

Lễ ký Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn chủ tịch Ủy ban TUWMTTQVN Quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Lễ ký Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn chủ tịch Ủy ban TUWMTTQVN Quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN))

Thái  Đăng

Link nội dung: https://phaply.net.vn/giam-sat-kiem-soat-quyen-luc-nhin-tu-vu-bat-hai-tuong-lien-quan-den-duong-day-danh-bac-ngan-ti-a192787.html