Syria tan hoang trong vòng xoáy nội chiến

Từ giữa năm 2012, khi nhiều nhóm vũ trang đối lập hình thành chống lại lực lượng của chính phủ, một hình thái nội chiến đã thực sự xuất hiện tại Syria và ngày càng phát triển vượt mọi tầm kiểm soát.

Nội chiến trong 7 năm đã biến một đất nước tươi đẹp bên bờ Địa Trung Hải thành đống đổ nát không hình hài - Ảnh: REUTERS
Nội chiến trong 7 năm đã biến một đất nước tươi đẹp bên bờ Địa Trung Hải thành đống đổ nát không hình hài - Ảnh: REUTERS)

Mầm mống vũ trang đầu tiên là nhóm "sĩ quan tự do" hình thành đầu tháng 7-2011 tại một trại tị nạn sơ khai bên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ giáp biên giới Syria.

Đứng đầu nhóm này là trung tá Hussein Harmoush cùng khoảng 40 sĩ quan quân đội Syria đào ngũ.

Đối lập vũ trang hình thành và lan rộng

Đây là khởi đầu của lực lượng mà sau này thường được nhắc đến với danh xưng "Quân đội Syria tự do".

Nhóm vũ trang đối lập này do Thổ Nhĩ Kỳ làm "bà đỡ", nên nhiều năm sau đó cũng được Mỹ, phương Tây và Ả Rập vùng Vịnh ủng hộ, tài trợ.

Cũng từ thời gian đó, tại hầu khắp các địa phương trong nước hình thành rất nhiều nhóm vũ trang tự phát tại chỗ để chống lại chính quyền.

Vô số các danh xưng khác nhau ra đời mà mọi nỗ lực thống nhất các nhóm này qua nhiều năm đều bất thành.

Để được "chính danh", đa số các nhóm này đều tự nhận họ là "thành viên của quân đội tự do". Nhưng thực chất các nhóm tự phát trong nước hoàn toàn không chịu tác động nào từ "bộ chỉ huy quân đội tự do" lưu vong ở Thổ Nhĩ Kỳ.

 Trung tá Hussein Harmoush, một trong những người lập ra lực lượng "Quân đội Syria tự do" - Ảnh: REUTERS
Trung tá Hussein Harmoush, một trong những người lập ra lực lượng "Quân đội Syria tự do" - Ảnh: REUTERS)

Phiến quân Hồi giáo cực đoan vượt trội

Trong quá trình tự sàng lọc, các nhóm mang tư tưởng Hồi giáo "thánh chiến" ngày càng nổi trội về tính tổ chức và ý chí chiến đấu, bởi họ sẵn sàng "tử vì đạo".

Các nhóm Hồi giáo này cũng dễ dàng hợp tác với nhau để hình thành những tổ chức lớn và hoạt động trên diện rộng trong nước.

Họ kết nối liên lạc được với các thế lực Hồi giáo bên ngoài, nhất là từ các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.

Cho đến cuối năm 2015, các phần tử thánh chiến từ khắp nơi và đủ loại "chi viện vật chất" vẫn dễ dàng vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria để tiếp sức cho các nhóm vũ trang đối lập có sẵn trong nước.

Từ năm 2014, tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS) xuất hiện tại Syria và nhanh chóng bành trướng sang Iraq, trở thành mối hiểm họa thực sự đối với cả thế giới.

Diễn biến này khiến Mỹ và phương Tây càng thêm lo ngại "lợi bất cập hại" nếu tiếp tay cho đối lập vũ trang lật đổ Tổng thống al-Assad trong khi chưa có lực lượng ôn hòa nào đủ sức ngăn cản Hồi giáo cực đoan tiếm quyền.

Từ đó, Mỹ và phương Tây chấm dứt tài trợ vũ khí cho đối lập, dù trước đó sự tài trợ này vẫn bị hạn chế cả về số lượng và chủng loại.

Mỹ cấm cung cấp cho đối lập các loại vũ khí hạng nặng, nhất là tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không, bởi nếu các vũ khí hiện đại này rơi vào tay Hồi giáo cực đoan và khủng bố thì sẽ có ngày quân Mỹ "lãnh đủ".

Sau khi IS coi như bị xóa sổ vào nửa cuối năm 2017, các nhóm vũ trang đối lập có thực lực lớn còn lại ở Syria đều mang bản sắc Hồi giáo nguyên gốc.

 Hai tay súng của nhóm phiến quân Jaysh al-Islam ở gần thị trấn Douma đầu năm 2017 - Ảnh: REUTERS
Hai tay súng của nhóm phiến quân Jaysh al-Islam ở gần thị trấn Douma đầu năm 2017 - Ảnh: REUTERS)

Nga và chính quyền của Tổng thống al-Assad có nhiều cơ sở và bằng chứng để luôn coi nhiều trong số các nhóm phiến quân này là "khủng bố".

Ba nhóm quan trọng nhất trụ lại ở Đông Gauta, tiếp giáp nội thành thủ đô Damascus, đều thuộc loại này. Một trong số đó là Jeish al-Islam (có nghĩa là "Đạo quân Hồi giáo") vừa buộc phải rút khỏi Douma sau khi xảy ra vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học tại thành phố này hồi đầu tháng 4.

Trong khi đó, tổ chức gọi là "Quân đội tự do" đã được Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng như lực lượng phối hợp trong các chiến dịch do Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện để thiết lập một khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở phía bắc tỉnh Aleppo của Syria.

Chính quyền Syria thắng thế nhờ quân đội bên ngoài

Trong quá trình nội chiến, chính quyền của Tổng thống al-Assad đã hai lần đứng trước nguy cơ khó trụ vững trước sức mạnh của các loại đối lập và áp lực từ bên ngoài.

Lần thứ nhất là đầu năm 2013. Khi ấy, Tổng thống al-Assad đã phải nhờ cậy vào sự trợ giúp của Iran dựa theo một hiệp ước hợp tác chiến lược đã ký giữa hai nước từ thập niên 1980.

Tháng 4-2013, lực lượng vũ trang của tổ chức Hồi giáo Shiite Libăng, nổi tiếng với danh xưng Hezbollah, chính thức được Iran đưa vào chiến đấu bảo vệ chính quyền Syria.

 

Một điểm tập kết vũ khí của quân đội Chính phủ Syria - Ảnh: REUTERS
Một điểm tập kết vũ khí của quân đội Chính phủ Syria - Ảnh: REUTERS)

Cùng với Hezbollah, Iran còn đưa vào Syria nhiều toán dân binh dòng Shiite khác, đến từ Afghanistan, Iraq, Pakistan...

Nhờ sự trợ giúp đắc lực của các lực lượng do Iran điều phối, chính quyền Syria đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết khu vực hành lang biên giới Syria - Libăng, quan trọng nhất là giải phóng được thành phố Homs ở miền trung đất nước, nơi luôn là thánh địa của lực lượng Anh em Hồi giáo.

Sau việc Hezbollah nhảy vào cuộc nội chiến, các thế lực bên ngoài, trong đó có Mỹ, tăng cường trợ giúp các nhóm vũ trang đối lập, khiến cục diện chiến trường trở lại bất lợi cho phe Chính phủ Syria.

Đến mùa hè 2015, chính Tổng thống al-Assad phải ra lệnh rút bỏ một số tỉnh ở đông bắc đất nước, "bỏ cho người Kurd tự quản", để tập trung về bảo vệ hai khu vực chiến lược là thủ đô Damascus và vùng duyên hải tây bắc đất nước, nơi có quê hương của dòng họ al-Assad ở tỉnh Latqiya. Tháng 7 năm ấy, Tổng thống al-Assad bí mật đến Matxcơva.

Hai tháng sau, quân đội Nga lần đầu tiên đổ bộ vào Syria ở khu vực ven biển tây bắc nước này. Ngày 30-9-2015, không quân Nga bắt đầu thực hiện các cuộc không kích trực tiếp đánh phá các căn cứ của đối lập.

Đó là dấu mốc quyết định để khởi đầu một quá trình lật ngược cán cân so sánh lực lượng tại Syria theo hướng hoàn toàn có lợi cho phe của Tổng thống al-Assad.

Các nhóm phiến quân ô hợp làm sao trụ được khi đối thủ của họ là một cường quốc quân sự như Nga.

Theo Tuoitre

Link nội dung: https://phaply.net.vn/syria-tan-hoang-trong-vong-xoay-noi-chien-a192699.html