Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm, TAND TP.HCM triệu tập 63 cá nhân tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 115 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.
Như BizLIVE đã đưa tin, từ ngày 8/5/2018, TAND TP.HCM bắt đầu tiến hành xét xử sơ thẩm vụ bà Hứa Thị Phấn (nguyên cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Tín - sau đổi thành ngân hàng VNCB và nay là ngân hàng CB, nguyên chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư phát triển Phú Mỹ) về hbiai tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín.
Cùng bị xét xử về 2 tội danh trên còn có 2 bị cáo là Ngô Kim Huệ, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín, Giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ và bị cáo Bùi Thị Kim Loan, kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ.
Bị cáo Lâm Kim Dũng bị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và 24 bị cán khác bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo quyết định của tòa, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam – CB tham gia với tư cách nguyên đơn dân sự.
63 cá nhân, cơ quan tổ chức được tòa triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, trong đó có 16 ngân hàng gồm CB, Ngân hàng TMCP An Bình, Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam – CN Trung tâm Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Kiên Long, Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quốc Tế, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đông Á, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Ngân hàng TMCP Bảo Việt, và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội.
Có 4 công ty chứng khoán được triệu tập cùng với tư cách trên gồm CTCK VNDirect, CTCK Sài Gòn, CTCK FPT, và CTCK Đại Việt.
Ngoài ra còn có 42 đơn vị khác được tòa triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, Chi cục thuế quận 3, Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, Tập đoàn SSG, Công ty Nam Ô tô, CTCP Đầu tư phát triển Phú Mỹ, Công ty TNHH Phú Nguyện, Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang, Công ty TNHH Đầu tư địa ốc Phúc Nguyễn, Công ty TNHH SGD Bất động sản Phương Trang, Công ty TNHH TM CN Thiên Tân, Công ty TNHH Thép Long An, Công ty TNHH Phương Trang Đà Lạt, CTCP BĐS Phương Trang Long An, CTCP Taxi Phương Trang, Công ty TNHH TMDVXD Tường Vĩ…
Bị án Phạm Công Danh (đại diện toàn bộ các cá nhân góp vốn cổ phần nhóm Thiên Thanh), nguyên Chủ tịch Ngân hàng VNCB (sau này là CB), nguyên Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh cũng được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Tòa cũng triệu tập 115 người tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi liên quan và là người làm chứng.
Theo quyết định xét xử của tòa, có 23 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Trong đó 4 luật sư gồm Phạm Ngọc Trung, Trương Vĩnh Thúy, Lưu Văn Tám, Trương Thị Minh Thơ bào chữa cho bị cáo hứa thị phấn. Luật sư Nguyễn Thị Thanh Thảo, Vũ Văn Tiến bào chữa cho bị cáo Bùi Thị Kim Loan.
2 luật sư gồm Phan Trung Hoài, Nguyễn Huy Thiệp tham gia bảo vệ cho người có quyền lợi liên quan là CTCP Đầu tư Phương Trang.
Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Phạm Lương Toản giữ vai trò Chủ tọa phiên tòa. Dự kiến phiên tòa kéo dài đến 31/5/2018.
Theo cáo trạng, Ngân hàng Đại Tín tiền thân là Ngân hàng Rạch Kiến huyện Cần Đước (Long An). Năm 2007, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho đổi tên thành Ngân hàng Đại Tín.
Đầu năm 2007, bị cáo Hứa Thị Phấn cùng CTCP Đầu tư Phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng, đứng tên giúp bị cáo Phấn (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ), đã tham gia mua hơn 254 triệu cổ phần của Ngân hàng Đại Tín, tương đương hơn 2.547 tỷ đồng, chiếm 84,92% vốn điều lệ và giữ chức vụ Cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng này.
Bị cáo Phấn lợi dụng việc nắm giữ lượng lớn vốn, nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín, thâu tóm toàn bộ HĐQT, Ban điều hành và cán bộ, nhân viên 2 chi nhánh Sài Gòn, Lam Giang; lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, hoạt động tín dụng và hoạt động thu chi tiền mặt; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái Luật Kế toán, Luật các TCTD và Điều lệ Ngân hàng Đại Tín để rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng hơn 12.000 tỷ của Ngân hàng Đại Tín.
Thông qua 5 hành vi phạm tội gồm 1.Nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại 1.105 tỷ đồng; 2.Hạch toán thu khống, để bị cáo Phấn sử dụng trái pháp luật hơn 5.256 tỷ đồng; 3. Thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ, chiếm đoạt và sử dụng hơn 3.581 tỷ đồng; 4. Chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín đầu tư trái luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.037 tỷ đồng; 5. Nâng khống 25 bất động sản khác bán cho Ngân hàng Đại Tín, để chiếm đoạt và sử dụng 1.024 tỷ đồng.
Các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trên là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng tình hình tài chính của Ngân hàng Đại Tín rất xấu và bị NHNN xếp loại ngân hàng loại D (loại yếu kém). Thể hiện tại ngày 29/2/2012, tổng tài sản thực còn hơn 20.846 tỷ đồng (giảm so với sổ sách gần 6.000 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu âm hơn 2.800 tỷ đồng và lỗ lũy kế hơn 6.000 tỷ đồng, gấp 2 lần vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong BCTC đã được kiểm toán thời điểm hợp nhất 31/12/2011.
Hậu quả đó có nguyên nhân chủ yếu là do hành vi phạm tội của bị cáo Hứa Thị Phấn và đồng phạm gây ra.
Theo quyết định tách “đại án” thành nhiều “án con” của Cơ quan điều tra Bộ Công an, giai đoạn này TAND TP.HCM sẽ xét xử bị cáo Hứa Thị Phấn và đồng phạm liên quan đến 2 hành vi gồm nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại 1.105 tỷ đồng và hạch toán thu khống và đẩy dư nợ khống cho Công ty Phương Trang, để bị cáo Phấn sử dụng trái pháp luật hơn 5.256 tỷ đồng. Tổng số tiền gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín là hơn 6.362 tỷ đồng.
Theo Bizlive
Link nội dung: https://phaply.net.vn/xet-xu-vu-ba-hua-thi-phan-toa-trieu-tap-4-cong-ty-chung-khoan-16-ngan-hang-a192687.html