Minh bạch tài sản là “thanh kiếm” góp phần chống tham nhũng

“Đến thời điểm này Việt Nam đã cần thiết làm một luật dành riêng cho đăng ký tài sản chưa?”. Đó là câu hỏi đặt ra tại hội thảo kinh nghiệm quốc tế về đăng ký tài sản và đề xuất hoàn thiện chính sách cho Việt Nam do Bộ Tư pháp và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ phối hợp tổ chức ngày 30/3.

 

 Quy định về đăng ký tài sản đang tồn tại nhiều văn bản khác nhau (hình minh họa)
Quy định về đăng ký tài sản đang tồn tại nhiều văn bản khác nhau (hình minh họa))

Trả lời câu hỏi trên, các chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất Việt Nam phải xây dựng một luật riêng về đăng ký tài sản vì nó góp phần bảo vệ quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức; thúc đẩy việc khai thác tài sản, tạo thị trường giao dịch tài sản lành mạnh, tiếp thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội (KTXH); đẩy mạnh việc công khai minh bạch về tài sản, thu nhập để chống tham nhũng, rửa tiền, trốn thuế...

Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công

Sự kiện công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2017 đã diễn ra vào sáng 4/4 tại Hà Nội. Cơ hơn 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành phố đã được phỏng vấn trong giai đoạn khảo sát hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2017.

Kết quả phân tích dữ liệu thống kê PAPI năm 2017 được công bố cho thấy một xu thế tích cực, đó là cải thiện được ghi nhận ở 5 trong 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, gồm: “Công khai, minh bạch”, “Trách nhiệm giải trình với người dân”, “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. “Thủ tục hành chính công” và “Cung ứng dịch vụ công”, mặc dù mức cải thiện ở từng chỉ số nội dung là khác nhau.

Riêng trong chỉ số lĩnh vực nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, báo cáo PAPI năm 2017 cho biết, trong 6 chỉ số nội dung được đo lường năm 2017, chỉ số này gia tăng đáng kể nhất.

Người dân có cảm nhận và trải nghiệm tốt hơn về công tác phòng, chống tham nhũng; chỉ có 17% người trả lời cho biết họ đã phải đưa hối lộ khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giảm so với tỉ lệ 23% của năm 2016; tỉ lệ người người trả lời cho biết họ đã phải hối lộ nhân viên y tế tại bệnh viện công tuyến huyện/thành phố giảm từ 17% vào năm 2016 xuống còn 9% năm 2017.

Hơn một nửa số tỉnh, thành phố đạt mức gia tăng đáng kể về điểm ở nội dung này trong năm 2017. Quảng Ninh, Bạc Liêu, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lào Cai, An Giang được người dân ghi nhận nhiều nhất cho những nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

“Nhìn chung theo đánh giá của người dân cho thấy hiện tượng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi đưa hối lộ của cán bộ, công chức có thuyên giảm so với năm 2016”, Báo cáo đánh giá và nhấn mạnh, năm 2017 là năm chứng kiến sự gia tăng về điểm ở chỉ số lĩnh vực “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, từ 5,8 điểm năm 2016 lên 6,15 điểm năm 2017. Mức gia tăng này có ý nghĩa đáng kể bởi nếu so với kết quả năm 2013, thì chỉ số này liên tục giảm qua các năm cho tới năm 2017 mới có dấu hiệu cải thiện. Người dân đánh giá nỗ lực kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền năm 2017 là tốt hơn so với vài năm trước.

Tuy nhiên, ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú LHQ và Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam khẳng định, cũng cho rằng, điểm trung bình toàn quốc của chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công vẫn thấp hơn so với mức điểm của năm 2012. Điều này cho thấy mặc dù có những thay đổi theo hướng tích cực, các cơ quan hữu quan vẫn còn nhiều việc phải làm để phòng ngừa tham nhũng.

Công khai, minh bạch tài sản

Tại hội thảo kinh nghiệm quốc tế về đăng ký tài sản và đề xuất hoàn thiện chính sách cho Việt Nam nói trên, bà Nguyễn Chi Lan (Phó cục trưởng Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp) cho rằng: “Với thực trạng quy định về đăng ký tài sản nằm rải rác, không khớp nối này khiến cho công tác quản lý nhà nước đối với các tài sản gặp khó khăn.

Đặc biệt là khó khăn trong việc thu thuế chuyển nhượng tài sản, trong việc công khai minh bạch tài sản đối với hoạt động chống tham nhũng và người dân chưa thực sự có được sự an toàn pháp lý trong các giao dịch về tài sản”.

Ông Nguyễn Hưng Quang (Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự) dẫn chứng, hiện Việt Nam chưa có thứ hạng cao về phòng chống tham nhũng (đứng thứ hạng 113/170). Luật Phòng chống tham nhũng yêu cầu những người có chức vụ và quyền hạn phải có trách nhiệm kê khai tài sản, tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập đúng hạn cũng đạt 99,5%, công khai đạt tỷ lệ 98,35. Tuy nhiên qua 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng mới xác minh được 4.895 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.

“Thực tế công tác kê khai tài sản chưa đảm bảo có được đủ thông tin về nguồn gốc tài sản. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng” - ông Hưng nói.

Một trong những vấn đề được các chuyên gia, nhà quản lý đề cập nhiều tại hội thảo là giá trị pháp lý của việc đăng ký tài sản. Ông Đặng Trường Sơn (ngân hàng ACB) cho hay nhiều trường hợp ký kết hợp đồng tài sản đã được cơ quan chức năng về xác minh, làm đủ hết các bước nhưng đến khi có tranh chấp ra tòa, chỉ cần một tờ giấy viết tay nói tài sản này trước đó đã có giao dịch thì tài sản đó bị đóng băng.

“Doanh nghiệp người ta mất nhiều tiền của và công sức đổ vào tài sản đó, người ta cũng đã tin tưởng vào đăng ký tài sản rồi mà lại không được bảo vệ. Đây chính là bất cập của hoạt động đăng ký tài sản hiện nay” - ông Sơn nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng hệ thống pháp luật và các thiết chế về đăng ký tài sản chưa hoàn thiện cũng cản trở quá trình giao dịch, đưa tài sản vào khai thác sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Hưng Quang dẫn chứng, muốn tích tụ ruộng đất thì hiện tại người nông dân và doanh nghiệp cần ký kết thỏa thuận về quyền sử dụng đất. “Thế nhưng ký thỏa thuận rồi thì đăng ký tài sản đó ở đâu. Nếu người nông dân trước đó đã đem thửa đất đó đi giao dịch thì quyền lợi của doanh nghiệp xử lý như thế nào?” - ông Quang đặt câu hỏi.

Chiều 14/3, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2017 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2018.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm 2017, thành phố triển khai nhiều hoạt động quy mô chống tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, kết quả định lượng rất hạn chế. Công tác chống tham nhũng, lãng phí chưa mang lại sự hài lòng.

Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM đúc kết nguyên nhân của kết quả trên là do “ba không” và “hai một”. Theo ông Nhân, “ba không” thể hiện ở ba nội dung chương trình lớn nhưng kết quả đưa lại là con số “0”.

Thứ nhất, toàn thành phố có hơn 37.000 bản kê khai thu nhập của cán bộ, công chức. Nhưng báo cáo nêu ra lại không có ai bị xử lý tham nhũng.

Thứ hai, thành phố chưa phát hiện tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo. “Thành phố có gần 10 triệu dân, khiếu nại, tố cáo mỗi năm có đến cả nghìn. Nhưng báo cáo kết luận là chưa phát hiện tham nhũng qua giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chắc chưa đúng, thống kê chưa hết. Đọc mà thấy giật mình”, ông Nhân nói.

Thứ ba, năm 2017 thành phố tổ chức 43 đoàn kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu tại 63 đơn vị và kết quả là chưa xử lý trường hợp nào. “Tổ chức hoạt động lớn như vậy mà chưa xử lý được người đứng đầu nào cả, rõ ràng là thiếu hiệu quả”, Bí thư Nhân nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra 2 hoạt động nhưng kết quả phát hiện chỉ có một.

Cụ thể, kết quả phát hiện xử lý tham nhũng qua tự kiểm tra nội bộ phát hiện 1 trường hợp. Còn hoạt động thanh tra cũng phát hiện một trường hợp có dấu hiệu tham nhũng chuyển qua cơ quan điều tra.

Theo Bao Phapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/minh-bach-tai-san-la-thanh-kiem-gop-phan-chong-tham-nhung-a192584.html