Xử lý tham nhũng, lãng phí tài sản công đã nghiêm minh chưa?

(Pháp lý) - Có một thực tế là hầu hết các hành vi vi phạm dẫn đến thất thoát tài sản công trong các đại án được đưa ra xét xử gần đây, các bị can thường bị truy tố Tội cố ý làm trái các quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Chế tài đối với tội danh này nhẹ hơn so với các tội danh về chức vụ khác…

Nhiều ý kiến chuyên gia pháp luật cho rằng để Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đi vào cuộc sống thì cần vận dụng triệt để các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) để xử lý và trừng trị nghiêm minh những đối tượng gây thất thoát, lãng phí, xà xẻo, tham nhũng tài sản công.

Tình hình thất thoát, lãng phí, tham nhũng tài sản công phức tạp

Năm 2017, báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ nêu con số: 3 quý của năm 2017 đã có 8 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân về các tội danh tham nhũng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016. Báo cáo của Chính phủ nêu nhận định, công tác phòng, chống tham nhũng tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.

Hầu hết các bị cáo trong các vụ đại án tham nhũng gần đây bị truy tố Tội cố ý làm trái các quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng (trong ảnh: bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại PVN và PVC tháng 1/2018).
Hầu hết các bị cáo trong các vụ đại án tham nhũng gần đây bị truy tố Tội cố ý làm trái các quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng (trong ảnh: bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại PVN và PVC tháng 1/2018).)

Về kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng, báo cáo của Chính phủ nêu khá nhiều con số cụ thể. Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, 136 vụ việc (tăng 177% so với 2016), 207 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 117%) được phát hiện. Cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã thụ lý điều tra 354 vụ án, 785 bị can phạm tội về tham nhũng (khởi tố mới 202 vụ, 438 bị can so với cùng kỳ năm trước tăng 60 vụ, 103 bị can). Viện kiểm sát các cấp thụ lý giải quyết 255 vụ, 571 bị can (trong đó án mới 215 vụ, 527 bị can). Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 345 vụ với 799 bị cáo (giảm 4,4% số vụ), đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng5,7% số vụ). Trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 49,7% (tăng 2% so với cùng kỳ). Số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 15,7% (tăng 3,7% so với cùng kỳ).

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo 138/CP diễn ra sáng 7/3, đại diện Bộ Công an nhấn mạnh những tiêu cực, tham nhũng tiềm ẩn trong quản lý, vận hành ở các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước... gây thất thoát lớn nguồn vốn của nhà nước.

Quý I năm 2018, đã có nhiều đại án tham nhũng được đưa ra xét xử như: 2 đại án tại PVN, Đại án tại ngân hàng xây dựng, Đại án Huyền Như… Đây đều là những đại án gây thất thoát hàng trăm tỉ đến cả nghìn tỉ.

Bổ sung nhiều quy định pháp luật hình sự nghiêm minh

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công (Điều 10). Theo đó, nghiêm cấm: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công. Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng. Sử dụng xe ô tô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức. Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật. Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công. Chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật… (có bổ sung thêm 1 số hành vi nghiêm cấm so với Luật năm 2008).

  Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử vụ án gây thất thoát 800 tỷ xảy ra tại PVN
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử vụ án gây thất thoát 800 tỷ xảy ra tại PVN)

Đồng thời, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) với nhiều quy định sắc bén hơn, cụ thể: Điều 179 về Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; Điều 219 về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Điều 220 về Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 221 về Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 222 về Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 224 về Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 353 về Tội tham ô tài sản; Điều 354 về Tội nhận hối lộ; Điều 356 về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đều 360 về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Khó khăn, hạn chế trong chứng minh, truy tìm chứng cứ “vụ lợi”

Từ lâu, dư luận lên án việc lãng phí tài sản công. Có nhiều ý kiến cho rằng, lãng phí còn gây thiệt hại nhiều hơn tham nhũng. Bởi vậy, Bộ luật Hình sự sửa đổi mới đã quy định việc gây thất thoát, lãng phí tài sản công là tội phạm với chế tài nghiêm khắc. Tuy nhiên công tác điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo trong các đại án còn gây không ít băn khoăn.

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, một chuyên gia pháp luật hình sự từng là Thẩm phán cho rằng: Hầu hết những vụ án tham nhũng được các cơ quan bảo vệ pháp luật đưa ra ánh sáng gần đây đều gây thiệt hại trăm tỉ, nghìn tỉ, nhưng hầu hết các bị cáo chỉ bị truy tố Tội cố ý làm trái các quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng mà không phải là các tội như Nhận hối lộ hay Tội đưa hối lộ, Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.... Tội cố ý làm trái được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng mà không có yếu tố vụ lợi (yếu tố vụ lợi không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm mà chỉ là tình tiết tăng nặng định khung đối với hành vi phạm tội).

Như vậy là các bị cáo cố ý làm trái nhưng không có yếu tố vụ lợi. Điều này theo ý kiến của không ít chuyên gia pháp luật nhận định là không phù hợp với thực tế khách quan, bởi làm gì có ai cố tình làm trái, cố tình vi phạm pháp luật để tạo ra thuận lợi (thậm chí tạo ra lợi lộc) cho các đơn vị, công ty khác mà hoàn toàn vô tư, không vụ lợi? Vì không có hồ sơ các vụ việc cụ thể nên tôi cho rằng, hạn chế trên có thể do xác định chưa đủ các tình tiết của vụ án nên có thể cơ quan điều tra không thể quy kết các bị can tội nặng hơn. Hoặc do quá trình chứng minh tội phạm còn khó khăn và hạn chế.

Tuy nhiên vị chuyên gia này cũng lạc quan cho rằng: Thực tế trong các vụ án gần đây cho thấy đã có những biến chuyển nhất định trong việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Đồng thời một số bị cáo hiếm hoi bị xử Tội nhận hối lộ có ý thức khắc phục hậu quả để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Hay một dẫn chứng khác: với một số kết luận về vi phạm trong BT, BOT (Các lĩnh vực hợp tác công tư, theo quy định mới của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì khi giao BT hay BOT phải thực hiện đấu thầu – PV), vị chuyên gia này cho rằng: Thiệt hại cho nhà nước và người dân do BT và BOT là rõ ràng. Tuy nhiên, khởi tố để điều tra những vi phạm đó là vấn đề khó đặt ra do hạn chế của quản lý và pháp luật. Theo tôi, hạn chế khiến BT và BOT lộng hành gây thiệt hại cho người dân đó là do năng lực quản lý, năng lực ban hành chính sách của ta hạn chế. Chế tài hình sự đối với vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản công rất quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là ta phải nâng cao năng lực quản lý của nhà nước.

Điều 219. Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí

1.Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.


Điều 220. Tội vi phạm qui định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư; b) Vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư; c) Vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án; d) Vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Phan Tĩnh

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/xu-ly-tham-nhung-lang-phi-tai-san-cong-da-nghiem-minh-chua-a192525.html