Đường dây đánh bạc ngàn tỷ: Mua bán hóa đơn trái phép để hợp pháp hóa “tiền bẩn” và trốn thuế?

(Pháp lý) - Liên quan đến vụ án đánh bạc nghìn tỷ do Công an Phú Thọ điều tra, tính đến nay, cơ quan điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố 88 bị can, trong đó có ông Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục phòng, chống tội phạm công nghệ cao C50.

Mới nhất, ngày 9/4, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục khởi tố 4 bị can trong đường dây đánh bạc ngàn tỷ về tội tổ chức đánh bạc và mua bán trái phép hóa đơn. Đó là các bị can: Châu Nguyên Anh (39 tuổi, giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thanh toán điện tử VNPT - VNPT Epay); Phạm Quang Minh (33 tuổi, Giám đốc kinh doanh VNPT Epay) bị khởi tố về tội Tổ chức đánh bạc và Mua bán trái phép hóa đơn. Bị can Nguyễn Đình Chiến (42 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ TNC Việt Nam; Phó Giám đốc Công ty cổ phần CT&T; Phó Giám đốc Công ty Phân phối thẻ Việt Nam) và Lê Anh Tuấn (34 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ TNC) bị khởi tố tội Mua bán trái phép hóa đơn.

Các bị can nêu trên được xác định đã cung cấp dịch vụ nạp tiền đánh bạc bằng thẻ cào cho đường dây tổ chức đánh bạc Rikvip/Tip.club và mua bán trái phép hóa đơn nhằm hợp thức hoá tiền do phạm tội mà có.

Trước đó, theo tài liệu của cơ quan điều tra cho biết: Đường dây đánh bạc trực tuyến do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam điều hành thông qua hai cổng game Rikvip và Tip.club đã thu hút gần 43 triệu tài khoản, trung bình mỗi người ba tài khoản, tương đương trên 14 triệu người tham gia các trò chơi trên hệ thống game trực tuyến. Tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583 tỷ đồng. Trong đó, tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỷ đồng, chiếm 97%; tiền từ các ngân hàng là 168 tỷ đồng, chiếm 1,75%.

Châu Nguyên Anh (trái) và Phạm Quang Minh vừa bị Cơ quan an ninh điều tra Công an Phú Thọ khởi tố, bắt giam do liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ
Châu Nguyên Anh (trái) và Phạm Quang Minh vừa bị Cơ quan an ninh điều tra Công an Phú Thọ khởi tố, bắt giam do liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ)

Doanh nghiệp thanh toán trung gian "xơi" đậm

Cơ quan điều tra bước đầu xác định các doanh nghiệp thanh toán trung gian hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng trong đường dây đánh bạc ngàn tỉ qua mạng.

Các công ty thanh toán trung gian được cho là mắt xích quan trọng trong đường dây đánh bạc ngàn tỉ và số tiền mà các doanh nghiệp này hưởng lợi từ hành vi phạm pháp luật lên tới hơn 258 tỉ đồng.

Trong vụ án này, tiền tham gia đánh bạc trong đường dây này được thực hiện qua 2 đường chính là cổng thanh toán và hệ thống đại lý. Điều tra bước đầu xác định, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là hơn 9.583 tỉ đồng.

Theo tìm hiểu của Phóng viên, để con bạc nạp tiền chơi bạc, các đối tượng tổ chức đường dây đã thông qua các pháp nhân do nhóm lập ra hợp tác với các cổng trung gian thanh toán (VNPT EPAY, Ngân Lượng, HOMEDIRECT và Giải trí số) để con bạc có thể sử dụng thẻ cào viễn thông, thẻ game nạp vào game bài.

Ngoài ra, đường dây còn hợp tác với cổng thanh toán quốc gia NAPAS để con bạc nạp tiền từ tài khoản ngân hàng; phát hành thẻ game Vcard và Gocoin để con bạc nạp tiền chơi bạc.

Các cổng trung gian thanh toán cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến nhưng việc quản lý còn lỏng lẻo, khiến các DN trung gian thanh toán như VNPT EPAY, Ngân lượng, Home Direct, Giải trí số dễ dàng cung cấp dịch vụ cho game bài RIKVIP/ TIP.CLUB để con bạc tham gia đánh bài trong thời gian dài.

Liên quan đến 4 lãnh đạo DN vừa bị khởi tố do đã cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến, mua bán hoá đơn nhằm hợp thức hoá đầu vào cho nhóm tổ chức đánh bạc, riêng Công ty CP thanh toán điện tử VNPT (VNPT EPAY) có 2 người gồm Giám đốc điều hành và Phó giám đốc kinh doanh.

Một số dịch vụ mà VNPT EPAY cung cấp, trong đó dịch vụ thanh toán trung gian đã tiếp tay cho đường dây đánh bạc qua mạng ( ảnh chụp từ màn hình)
Một số dịch vụ mà VNPT EPAY cung cấp, trong đó dịch vụ thanh toán trung gian đã tiếp tay cho đường dây đánh bạc qua mạng ( ảnh chụp từ màn hình))

Tiền “ảo” thành tiền thật và ngược lại

Nhận xét về đường dây đánh bạc ngàn tỷ, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm (Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Trong vụ án đánh bạc online, có nhiều hành vi vi phạm diễn ra một cách liên hoàn gồm: đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền, in ấn, phát hành, mua bán và sử dụng hóa đơn trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong vụ án, vai trò của các nhà mạng và trung gian là một trong những kênh thu hút tiền đóng vai trò rất quan trọng trong việc hút dòng tiền từ các con bạc về nhà cái.

Theo như sơ đồ, cách thức, tổ chức hoạt động của đường dây này, dòng tiền từ con bạc đến về nhà cái có 3 đường gồm: nạp thẻ điện thoại, thẻ game qua hệ thống trung gian để mua RIK và một kênh nữa là chuyển tiền qua tài khoản để mua RIK.

Luật sư Kiệm phân tích thêm: Lợi nhuận thu được từ đánh bạc là một dạng tiền “bẩn” hay tiền bất hợp pháp, khó có thể hợp thức hóa về mặt tài chính. Do đó, đã xuất hiện một số công ty, nhà phát triển game online kinh doanh, mua bán các thẻ game, thẻ điện thoại, đăng ký sử dụng dịch vụ nhắn tin GTGT thông qua các đầu số với các nhà mạng...Các đơn vị cung cấp dịch vụ thiết lập một hệ thống có kết nối (trực tiếp hoặc gián tiếp) với các nhà mạng như Viettel, Mobiphone, Vinaphone…để cung cấp dịch vụ về thẻ cào. Tức là khi người chơi nạp thẻ, hệ thống có kết nối với các nhà mạng sẽ nhận biết là thẻ đó có sử dụng được hay không? Sau khi nạp thì hệ thống sẽ hủy mã thẻ và nạp tiền ảo vào tài khoản của người chơi. Số tiền khách đã nạp sẽ được phía nhà mạng trả (trực tiếp hoặc gián tiếp) vào tài khoản của đơn vị cung cấp dịch vụ đánh bài. Với các đơn vị tổ chức đánh bạc thì dòng tiền ảo do được chuyển thành các thẻ cào và được hợp thức hóa thành một dịch vụ “hợp pháp” là mua bán thẻ game, thẻ cào điện thoại từ các nhà cung cấp. Số tiền luân chuyển trong sới bạc được các công ty này “rửa” thành các mã thẻ cào điện thoại, thẻ game và chuyển thành tiền mặt ước tính lên tới khoảng 20.000 tỷ VNĐ mỗi năm. Ngoài ra, còn một số ít tiền được nạp thông qua hình thức nhắn tin sms qua các dịch vụ GTGT cũng được các đơn vị sử dụng và có sự ăn chia % theo tỷ lệ tương ứng với các nhà mạng của người dùng.

Các hệ thống đánh bạc trực tuyến muốn nhận được tiền phải có kết nối với hệ thống của các nhà mạng để thực hiện quá trình kiểm tra thẻ nạp. Các nhà mạng hiện nay lại không ký hợp đồng trực tiếp với những đơn vị kinh doanh mã thẻ, thông thường sẽ ký qua một đơn vị trung gian.

Từ vụ án đánh bạc nghìn tỷ do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu cho thấy một hoạt động rửa tiền với mô hình mới trực tuyến. Theo đó, các dòng tiền được quy đổi thành các mã thẻ, nạp thành tiền ảo trong game đánh bạc. Số tiền ảo này được “núp bóng” dưới hình thức kinh doanh mã thẻ cào điện thoại, thẻ game với các đơn vị trung gian. Các đơn vị trung gian sẽ làm việc trực tiếp với các nhà mạng để biến đổi tiền ảo thành tiền thật và ngược lại.

Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam – hai bị can cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ
Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam – hai bị can cầm đầu đường dây đánh bạc nghìn tỷ)

Mua bán hóa đơn trái phép để hợp pháp hóa “tiền bẩn” và trốn thuế?

Phân tích về vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, ông Trần Văn Lũy, nguyên Chi cục trưởng chi cục thuế huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình có quan điểm: Để hợp pháp hóa số lợi nhuận bất hợp pháp khổng lồ, các công ty cung cấp dịch vụ game trực tuyến phải mua khống hóa đơn đầu vào để hợp pháp hóa chi phí, kê khai khấu trừ thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Trong trường hợp không mua hóa đơn bất hợp pháp để khai khống, dòng tiền đánh bạc, sau khi trừ đi phần chia cho nhà mạng sẽ không khớp, nghĩa là “lạy ông tôi ở bụi này”.

Còn ông Lưu Văn An, nguyên cán bộ thanh tra Cục thuế Hà Nội cho rằng: Để trốn thuế và hợp pháp hóa dòng tiền “bẩn” các doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến đường dây đánh bạc ngàn tỷ mua hóa đơn, kê khai khống chi phí đầu vào như xăng xe, thuê nhà, thiết bị vật tư, máy móc…với mục đích giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, hợp pháp hóa dòng tiền “bẩn”. Cũng theo vị cán bộ thanh tra thuế này, việc che dấu hành vi phạm pháp về thuế không hề dễ. Bởi, tất cả những mã hóa đơn kê khai thuế của cá nhân, tổ chức trong đó có liên quan đến đường dây đánh bạc xuyên quốc gia nêu trên đều thể hiện trên hồ sơ thuế (kê khai điện tử). Theo đó, cá nhân, tổ chức đã kê khai thuế thì không có cách nào để sửa, che lấp, giấu diếm hành vi vi phạm pháp luật về thuế. Đây là mấu chốt để cơ quan Thanh tra thuế, cơ quan Công an tìm ra bằng chứng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp của đường dây tội phạm đánh bạc ngàn tỷ nêu trên.

Theo thông báo của Bộ Công an: “…Các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, Vinaphone, MobiFone) được hưởng từ 15,5-16,3%. Lợi ích của các doanh nghiệp viễn thông khi cung cấp dịch vụ cho hoạt động đánh bạc này là không nhỏ…”. Câu hỏi đặt ra là, các nhà mạng nêu trên thực hiện pháp luật về thuế như thế nào? Lợi nhuận được hưởng là tang vật của vụ án, sẽ được xử lý ra sao? Hai vấn đề này tới đây cần được cơ quan điều tra làm rõ.

Mua bán hóa đơn trái phép có thể bị xử tới 5 năm tù

Bộ luật Hình sự năm 2009 qui định về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước:

1- Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Hóa đơn, chứng từ có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn; đ) Thu lợi bất chính lớn; e) Tái phạm nguy hiểm; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 150 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.


3 thách thức cần giải quyết

Quản lý các ứng dụng và hoạt động của chúng trên môi trường mạng; quản lý hoạt động thẻ cào điện thoại và thẻ game; các dịch vụ trung gian thanh toán - đó là 3 thách thức cần giải quyết để ngăn chặn triệt để hoạt động đánh bạc qua mạng tại Việt Nam.

Tùng Lâm (tổng hợp)

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/duong-day-danh-bac-ngan-ty-mua-ban-hoa-don-trai-phep-de-hop-phap-hoa-tien-ban-va-tron-thue-a192447.html