Một điểm mới cũng được đưa vào dự thảo Luật Đơn vị hành chính – Kinh tế đặc biệt là bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại từng đặc khu.
Nhiều nội dung tại dự thảo Luật Đơn vị hành chính – Kinh tế đặc biệt như: thành lập Ban Tư vấn phát triển đặc khu, thời hạn cho thuê đất, mô hình chính quyền đặc khu kinh tế, những ưu đãi thu hút đầu tư… sẽ được cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật này.
Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, tên gọi của dự thảo Luật được bổ sung cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh là “Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc”. Dự thảo Luật sau khi được chỉnh lý gồm 6 chương, 88 điều và 6 Phụ lục.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại từng đặc khu thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu.
Về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, sau khi được rà soát, dự thảo Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện chỉnh lý bao gồm 131 ngành, nghề, tăng 23 ngành nghề so với Danh mục Chính phủ trình. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định mở về việc áp dụng ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để tạo cơ chế năng động, sáng tạo, linh hoạt trong quản lý, điều hành hoạt động kinh tế - xã hội và thử nghiệm chính sách tại từng đặc khu.
Ông Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, về ngân sách đặc khu, Điều 39 dự thảo Luật được chỉnh lý quy định rõ ngân sách đặc khu là một cấp ngân sách thuộc hệ thống ngân sách nhà nước, tương đương ngân sách cấp huyện để xác định nguồn thu, nhiệm vụ chi, việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách đặc khu thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật này.
Một điểm mới cũng được đưa vào dự thảo Luật là bổ sung quy định thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại từng đặc khu thông qua Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu, đặc biệt là trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cấp trên được Luật này phân quyền cho Chủ tịch UBND đặc khu.
Tuy nhiên, về Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng, quyền hạn Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu tương đối lớn, khi quy định chủ tịch đặc khu phải xin ý kiến của Ban khi quyết định một số đầu việc. Hiện nay, quy định về kiểm tra, giám sát đối với Chủ tịch UBND đặc khu tương đối nhiều, nếu lập thêm ban này nữa thì sẽ thêm ràng buộc cho chủ tịch đặc khu. Vì thế, không cần thiết phải thành lập Ban tư vấn hỗ trợ phát triển đặc khu.
Liên quan đến mô hình chính quyền đặc khu, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, trước đây dự thảo Luật giao nhiều thẩm quyền cho trưởng đặc khu thì có e ngại tình trạng lạm quyền, nhưng lần này quay lại mô hình HĐND - UBND thì không phù hợp.
Theo đại biểu này, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thì tổ chức chính quyền cũng phải đặc biệt, phải vượt trội về thẩm quyền và cơ chế vận hành để phát triển thông thoáng hơn.
Theo TTXVN
Link nội dung: https://phaply.net.vn/se-co-nhieu-diem-moi-trong-du-thao-luat-ve-dac-khu-kinh-te-a192421.html