Đại gia ngân hàng Hứa Thị Phấn không có lời khai, xét xử ra sao?

Vụ gây thất thoát 6.300 tỉ đồng của bà Hứa Thị Phấn sắp được xét xử nhưng điều đáng lưu ý là bà Phấn bệnh nặng, tổn thương sức khỏe 93%, cơ quan điều tra không thể lấy lời khai.

Bà Hứa Thị Phấn bị truy tố trong vụ thất thoát hơn 6.000 tỉ đồng nhưng lại bị mất sức khỏe đến 93% - Ảnh: TL
Bà Hứa Thị Phấn bị truy tố trong vụ thất thoát hơn 6.000 tỉ đồng nhưng lại bị mất sức khỏe đến 93% - Ảnh: TL)

Viện kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án cố ý làm trái, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về cho vay xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank - nay là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - VNCB).

Trong vụ án này, bà Hứa Thị Phấn - nguyên cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ - bị truy tố về hai tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.

Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện kể từ khi bà Phấn bị khởi tố, bà Phấn đều không thể hợp tác với cơ quan điều tra, không có lời khai vì bị bệnh và tổn thương sức khỏe đến 93%.

Chỉ đạo làm trái gây thất thoát 6.300 tỉ đồng

Hồ sơ vụ án thể hiện bà Hứa Thị Phấn là cổ đông lớn, nắm quyền chi phối điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín, thâu tóm toàn bộ HĐQT, ban điều hành để lũng đoạn mọi hoạt động ngân hàng để chiếm đoạt, sử dụng hàng ngàn tỉ đồng.

Bà Phấn đã thông qua các bị can khác chỉ đạo Công ty TrustAsset của Ngân hàng Đại Tín (Công ty không có chức năng thẩm định giá) thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu của bà Phấn lên 1.268 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra xác định số tiền này cao gấp 8 lần giá trị trường của căn nhà.

Bà Phấn còn chỉ đạo việc mua bán lòng vòng căn nhà sau đó bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Phấn còn bị truy tố về hành vi vi hạch toán thu chi khống vi phạm các quy định của pháp luật.

Tổng số tiền bà Hứa Thị Phấn chỉ đạo thu khống để sử dụng bất hợp pháp hơn 5.256 tỉ đồng.

"Hỏi không nói, gọi không trả lời"

Theo hồ sơ của các cơ quan tố tụng, trước khi bị khởi tố bị can vào ngày 22-3-2017 bà Hứa Thị Phấn đã nhập viện để điều trị bệnh.

Cụ thể, bà Hứa Thị Phấn đã nhập viện từ ngày 6-3-2017 để cấp cứu và các điều tra viên không thể ghi được lời khai.

Hồ sơ cũng cho thấy, nhiều lần cán bộ điều tra đến bệnh viện để hỏi cung nhưng bà Phấn luôn trong tình trạng khó tiếp xúc, gọi và hỏi đều không trả lời.

Các luật sư của bà Phấn cũng đề nghị hoãn các buổi hỏi cung cho đến khi sức khỏe của bà Phấn tốt hơn.

Cho đến khi Viện KSND Tối cao ra cáo trạng truy tố bà Hứa Thị Phấn và các đồng phạm trong vụ án thì sức khỏe của bà Phấn vẫn chưa hồi phục.

Theo kết luận giám định sức khỏe của bà Phấn do cơ quan giám định pháp y về sức khỏe của Trung tâm pháp y TP.HCM thực hiện thì bà Phấn hiện bị tổn thương cơ thể do bệnh đến 93%.

Cụ thể, bà Phấn bị cao huyết áp giai đoạn 2, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, thoái hóa khớp gối.. và không có khả năng đi lại.

Bị cáo không có lời khai, xét xử thế nào?

Theo ông Thân Quốc Hùng - thẩm phán TAND tỉnh Bắc Giang, nếu bị cáo không đủ sức khỏe ra tòa mà đồng ý xét xử vắng mặt thì sẽ xét xử vắng mặt bị cáo nếu đầy đủ lời khai và chứng cứ trong hồ sơ bút lục.

Trong một số trường hợp, nếu bị cáo bị bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng thì có thể tạm đình chỉ vụ án để chờ bị cáo chữa bệnh và có thời hạn "chứ không phải muốn chữa đến bao giờ thì chữa".

Theo ông Bùi Quang Sơn, tuy Bộ luật Tố tụng Hình sự chỉ quy định cụ thể về việc hoãn xét xử hoặc xét xử vắng mặt bị cáo do tình trạng bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, như thế nào là bệnh hiểm nghèo thì có thông tư của Bộ Công an hướng dẫn.

"Theo tôi, đối với những bệnh mà bị can đang mắc phải thì vẫn có thể có mặt được tại phiên tòa. Còn việc bị cáo có khai hay không khai thì không quan trọng vì còn có lời khai của các bị cáo, nhân chứng cùng các bằng chứng khác. Việc bị cáo có mặt tại tòa nhằm đảm bảo quyền lợi của họ", ông Sơn nói.

Trong khi đó, ông Trương Việt Toàn - Phó chánh Tòa Hình sự, TAND TP Hà Nội thì cho rằng, muốn biết rõ tình trạng sức khỏe của bị can thì phải thành lập Hội đồng giám định sức khỏe để từ đó mới có thể quyết định bị can, bị cáo có thể tham gia phiên tòa hay không.

"Cần phải thành lập Hội đồng giám định sức khỏe của bị can, bị cáo trước khi mở phiên tòa xét xử", ông Toàn nói.

Theo Tuoitre

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dai-gia-ngan-hang-hua-thi-phan-khong-co-loi-khai-xet-xu-ra-sao-a192306.html