Từ vụ đánh bạc nghìn tỉ vừa được phát hiện: Cần hành lang pháp lý cho thanh toán thẻ cào

Những ngày qua, thông tin đường dây đỏ đen nghìn tỷ không phép trên mạng Rikvip được phơi bày đã gây xôn xao dư luận. Từ kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Phú Thọ, số tiền chơi bạc được nạp chủ yếu từ thẻ cào điện thoại. Do đâu mà một phương tiện thanh toán tiện lợi cho các dịch vụ điện thoại lại trở thành phương tiện thanh toán cho game cờ bạc?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa)

Thẻ cào điện thoại – một tiện ích bị lợi dụng

Nhìn lại lịch sử thì loại hình thanh toán qua thẻ cào điện thoại này đã xuất hiện tại Việt Nam từ 20 năm nay, và xuất phát điểm của nó không “tội lỗi” như một bộ phận dư luận đang lên án.

Dịch vụ di động có mặt ở Việt Nam đến nay được 25 năm đánh dấu bằng việc mạng MobiFone ra đời. Tuy nhiên, thẻ cào điện thoại, còn gọi là thẻ nạp, thẻ viễn thông, xuất hiện năm 1999, khi mạng di động VinaPhone tiên phong phát triển thuê bao trả trước. Thẻ cào điện thoại (còn) được các nhà cung cấp dịch vụ di động đưa ra thị trường để phục vụ việc thanh toán cước cho thuê bao trả trước. Đáng chú ý, trong số hơn 120 triệu thuê bao di động hiện nay thì hầu hết là thuê bao trả trước (được biết 3 nhà mạng lớn Viettel, MobiFone, VinaPhone mỗi nhà mạng có trên dưới 2 triệu thuê bao trả sau).

Và để phục vụ một lượng khách hàng đông đảo này, các nhà mạng lớn đặc biệt là VNPT (VinaPhone), Viettel, MobiFone đã phát triển hệ thống kênh phân phối với hàng chục nghìn đại lý, điểm bán sim điện thoại, thẻ nạp đến tận nhà hộ dân, từ các cửa hàng, điểm bán ở khu vực trung tâm đến các điểm bán tại nhà, quán nước trong ngõ, ngách, thôn, xóm và cả vùng sâu, vùng xa.

Cùng với mạng lưới phân phối thẻ cào điện thoại rộng khắp trên toàn quốc, vươn tới tất cả các đại lý, cửa hàng nhỏ lẻ… tỷ lệ thuê bao di động Việt Nam cũng tăng lên nhanh chóng. Người dân có thể tiếp cận dịch vụ, nạp tiền nhanh chóng, tiện lợi, đơn giản, trong bối cảnh mà các kênh thanh toán ngân hàng, trực tuyến…. chưa có điều kiện phổ cập tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa….

Có thể nói rằng, thẻ cào điện thoại của các nhà mạng ra đời với mục đích chính là phục vụ cho thuê bao của mình. Theo thời gian, cùng với sự phát triển của các hình thức dịch vụ mới như truyền hình OTT, thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến, thẻ cào bắt đầu được mở rộng thanh toán, trả tiền cho những dịch vụ này.

Có thể nói, bản chất việc thanh toán bằng thẻ cào điện thoại không xấu, nhưng nó đã bị một bộ phận nhỏ lợi dụng các kẽ hở trong quản lý để thực hiện hành vi bất chính. Việc nhìn nhận những giá trị tích cực của thẻ cào, cũng như nhận diện đầy đủ các nguy cơ, rủi ro, từ đó siết lại cơ chế quản lý, tăng cường chế tài xử phạt, các biện pháp phòng tránh… là rất cần thiết lúc này.

Vậy từ câu chuyện này, đặt ra vấn đề, nên quản lý với thẻ viễn thông như thế nào khi nhu cầu sử dụng thẻ cào để nạp tiền điện thoại là rất lớn và có thật, đa số người dân vẫn lựa chọn nạp thẻ cào khi chi trả các dịch vụ viễn thông? Như thế, có nên “cấm hẳn” việc dùng thẻ cào điện thoại và coi nó như một “tội đồ toàn diện” hay không? Nếu có một cơ chế quy định đủ rõ ràng, đủ chặt chẽ để “luật hóa” công cụ này, cho phép nó tồn tại và hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, thì chúng ta sẽ tận dụng được những lợi thế gì cho chiến lược thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ?

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa)

Thẻ cào nằm ở đâu trong quản lý nhà nước?

Khái niệm thẻ thanh toán dịch vụ thông tin di động được định nghĩa theo điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 14/2012/TT-BTTTT (quy định giá cước dịch vụ thông tin di động mặt đất) là “thẻ được nạp sẵn tiền dùng để thanh toán giá cước khi sử dụng dịch vụ thông tin di động. Mệnh giá thẻ bằng số tiền được nạp sẵn trong thẻ”.

Đồng thời, tại khoản 1, Điều 10, Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật viễn thông, thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông được xác định là hàng hóa viễn thông chuyên dùng và gắn liền với việc cung cấp dịch vụ viễn thông chuyên dùng được doanh nghiệp viễn thông phát hành.

Từ hai quy định trên, có thể coi bản chất của thẻ thanh toán dịch vụ thông tin di động là một bộ phận của thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông và là một dạng thẻ hàng hóa viễn thông chuyên dùng, được các doanh nghiệp viễn thông phát hành.

Tuy nhiên, ngoại trừ việc “định nghĩa” và quy định khái niệm thẻ cào điện thoại một cách cơ bản nhất như vậy, thì Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật không có bất cứ quy định, điều chỉnh chi tiết nào khác để làm cơ sở cho việc quản lý loại hình thẻ này.

Do vậy, định nghĩa thế nào là “hàng hóa chuyên dùng”? Liệu thẻ cào thanh toán cho các dịch vụ như thương mại điện tử, trò chơi điện tử - là các dịch vụ trên nền Internet – thì có được coi là không đúng với mục đích sử dụng ban đầu hay không?

Hơn nữa, quy định về trách nhiệm quản lý thẻ cào viễn thông cũng chưa rõ ràng: loại “hàng hóa chuyên dùng” này thuộc về quản lý của cơ quan nào: Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ chủ quản lĩnh vực viễn thông – Internet – công nghệ) hay Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan ngang Bộ quản lý lĩnh vực thanh toán)?

Điều này dẫn tới tình trạng tranh cãi xung quanh việc các nhà mạng cho phép người dùng sử dụng thẻ cào để làm công cụ thanh toán cho các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên nền viễn thông là “phạm luật” hay “luật không cấm nên được làm”.

Luồng ý kiến ủng hộ cho rằng, việc dùng chung thẻ cào để thanh toán luôn cho các dịch vụ gia tăng khác sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm, giảm thiểu chi phí khi không phải phát sinh thêm các hình thức thẻ cào riêng biệt cho từng loại hình dịch vụ khác nhau và cũng không bị cấm trong các văn bản hiện hành. Trong khi đó, luồng ý kiến khác cho rằng, dùng thẻ cào điện thoại để thanh toán các dịch vụ khác, chẳng hạn như trong vụ việc Rikvip, là sai phạm, trái với công năng.

Cần hành lang pháp lý cho thanh toán thẻ cào

Hoạt động quản lý thanh toán thẻ cào hiện còn tồn tại nhiều bất cập và thiếu các quy định chi tiết điều chỉnh những nội dung cơ bản nhất. Cụ thể, phạm vi sử dụng, thanh toán cho dịch vụ; cơ chế phát hành thẻ, mã thẻ; quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, cơ quan, tổ chức; cơ chế kê khai, lưu trữ, tính thuế, kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động phát hành thẻ, phân phối thẻ… chưa được đề cập đến trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nào. Với bản chất là thẻ trả trước cho dịch vụ thông tin di động, Bộ Thông tin và Truyền thông có thể là đơn vị chủ trì xây dựng Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định quy định về thẻ trả trước cho các dịch vụ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Còn nếu coi thẻ cào điện thoại như một công cụ thanh toán, thì Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thích hợp nhất để ban hành các quy định cụ thể về thẻ điện thoại, tương tự như Thông tư 19/2016/TT-NHNN mà cơ quan này đang quy định về thẻ trả trước ngân hàng (thông tin thẻ, phát hành, sử dụng và hạn mức thẻ).

Tất nhiên, trong thực tế thì Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước sẽ cần các cơ chế phối hợp chặt chẽ với nhau để có thể giám sát, quản lý đủ chặt khâu phân phối thẻ trả trước ra thị trường từ các nhà mạng, các đơn vị trung gian thanh toán…, đặc biệt là trong các hạng mục như nguyên tắc phát hành và sử dụng thẻ, các hành vi thanh toán bị cấm, quyền và nghĩa vụ của các bên phát hành/phân phối, các chế tài xử phạt khi phát hiện sai phạm… Quy định mới này sẽ điều chỉnh 2 nhóm đối tượng chính là các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc phát hành, thanh toán, sử dụng các loại thẻ trả trước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông tại Việt Nam, cũng như các tổ chức, cá nhân sử dụng thẻ và các tổ chức, cá nhân chấp nhận sử dụng thẻ như một phương tiện hỗ trợ thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ của mình.

Việc có một hành lang pháp lý chi tiết, rõ ràng, đầy đủ về thanh toán thẻ cào, thay vì cấm triệt để hình thức thanh toán này, sẽ cùng lúc đạt được nhiều mục tiêu. Một mặt, thẻ cào vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ của số đông người dùng, là kênh tiếp cận khách hàng đơn giản, rẻ tiền, rộng khắp nhất của các nhà cung cấp dịch vụ, mặt khác, nếu được quản lý và khai thác hiệu quả, thẻ cào còn có thể góp phần vào việc thúc đẩy chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, mở rộng các cơ hội kinh doanh và phát triển dịch vụ mới cho nhà mạng, đơn vị trung gian thanh toán và các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông – Internet trong nước, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đang rất mệt mỏi và không cân sức.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán thẻ cào, dự kiến hoàn thiện trong tháng 5/2018.

Theo Bao Phapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-vu-danh-bac-nghin-ti-vua-duoc-phat-hien-can-hanh-lang-phap-ly-cho-thanh-toan-the-cao-a192302.html