“Lỗ hổng pháp luật”, “lỗ hổng chính sách”, “lỗ hổng quản lý”…là những cụm từ được nhắc tới nhiều trong thời gian qua. Trong nhiều vụ việc xảy ra, khi truy tìm nguyên nhân, một trong những nguyên nhân thường được chỉ ra là do lỗ hổng chính sách, lỗ hổng quản lý, lỗ hổng pháp luật. Thực tế cho thấy đã có những lỗ hổng “ góp phần” gây thất thoát ngân sách nhưng lại giúp doanh nghiệp (DN) hưởng lợi nghìn tỉ, có những lỗ hổng vô tình giúp sức cho tội phạm tham nhũng, rửa tiền… lộng hành.
Nếu những lỗ hổng đó là do khả năng, trình độ xây dựng chính sách pháp luật hay trình độ quản lý của con người có hạn thì đi một lẽ và thật khó để qui kết trách nhiệm. Nhưng không loại trừ có những lỗ hổng lại do chính những người có quyền ban hành chính sách pháp luật cố tình tạo ra để cùng “ nhóm lợi ích” trục lợi thì thật nguy hiểm khôn lường.
Văn bản trái pháp luật có chiều hướng gia tăng
Trao đổi với báo chí hồi tháng 2 vừa qua, Ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết sắp tới sẽ “ưu tiên” kiểm tra các văn bản tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh và kiến nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong ban hành văn bản trái pháp luật bị “tuýt còi”.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, so với năm 2016, tổng số văn bản được kiểm tra theo thẩm quyền năm 2017 tăng 45% và số văn bản phát hiện trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền tăng 20,5%. “Các con số này phần nào phản ánh công tác kiểm tra, xử lý văn bản ngày càng hiệu quả hơn. Tuy nhiên cũng cảnh báo tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật vẫn còn nhiều, thậm chí có chiều hướng gia tăng”- ông Ba nói.
Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trên cả nước hiện nay vẫn còn một số vướng mắc, bất cập. Việc phát hiện một số văn bản trái pháp luật chưa kịp thời, có trường hợp văn bản trái pháp luật được áp dụng gây hậu quả tiêu cực về kinh tế - xã hội. Trong khi đó, việc xử lý một số văn bản trái pháp luật, nhất là khắc phục hậu quả, xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật còn hạn chế, vướng mắc....Mặc dù vậy văn bản do cấp bộ và cấp tỉnh ban hành vẫn có xu hướng tăng cùng với nhiều vấn đề kinh tế - xã hội mới, phức tạp nảy sinh, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Lỗ hổng chính sách gây thất thu ngân sách ngàn tỉ…
Xin dẫn chứng một kết luật của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) hồi tháng 1/2018 vừa qua đối với chính sách ngành xăng dầu. Theo đó, KTNN nhận định: Những bất cập trong cách tính thuế và điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Tài chính - Công thương trong năm 2015 - 2016 đã giúp doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi lớn lên tới hàng nghìn tỉ đồng.
Lỗ hổng ở đây được chỉ ra là thuế nhập khẩu chưa phù hợp, tạo chênh lệch không hợp lý và cách điều hành bất cập. Theo cơ quan kiểm toán, có ít nhất khoảng gần 4.800 tỉ đồng doanh nghiệp xăng dầu được hưởng lợi từ chính sách thuế.
Nhưng có lẽ những kẽ hở, lỗ hổng trong chính sách quản lý về đất đai hiện nay là có “vấn đề” hơn cả, nguy cơ thất thoát tiền thuế, nguy cơ tham nhũng trục lợi từ lĩnh vực này rất lớn. Chỉ thanh kiểm tra 7 địa phương (Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, TP.HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa) mà cơ quan kiểm toán đã chỉ ra 7 địa phương này gây thất thoát gần 4.000 tỷ đồng. Nguyên nhân được kiểm toán chỉ ra là do việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của các địa phương này chưa sát với nhu cầu, tình hình sử dụng đất thực tế; chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết còn yếu kém. Đáng lưu ý là việc xác định giá đất. Cụ thể, theo cơ quan kiểm toán, việc giao đất thực hiện các dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không thông qua đấu giá tiền sử dụng đất nên không xác định được giá thị trường. Đặc biệt, giá đất xác định theo các phương pháp do các địa phương lựa chọn thường thấp hơn giá thị trường dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư số 36 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn xác định giá đất thì có 5 phương pháp xác định giá đất. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi địa phương áp dụng một phương pháp xác định giá đất khác nhau, hoặc áp dụng cùng một phương pháp nhưng cách hiểu khác nhau dẫn đến xác định số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách khác nhau. Đây có lẽ cũng là một lỗ hổng không nhỏ tạo cơ hội cho các địa phương “lách” luật, gây thiệt hại ngân sách.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc gây thất thoát hàng nghìn tỷ ở các địa phương nêu trên hay việc “giúp” các DN hưởng lợi nghìn tỷ do chính sách bất cập không đơn thuần là do năng lực cán bộ yếu kém, thiếu hiểu biết pháp luật, thậm chí không đơn thuần là do chính sách pháp luật có lỗ hổng. Mà ở đây có sự ưu ái, vận dụng chính sách theo hướng có lợi cho DN, có dấu hiệu khuất tất. Cần phải chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra để làm rõ trách nhiệm pháp lý cá nhân liên quan.
Hay một lỗ hổng khác nguy hiểm không kém. Lỗ hổng này không làm thất thoát ngân sách nhưng lại vô tình giúp sức cho tội phạm và giúp một số DN hưởng lợi tiền tỉ.
Tháng 3 vừa qua, một vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng được công an tỉnh Phú Thọ phá đó là đường dây game bạc nghìn tỉ. Từ quá trình điều tra, Bộ Công an cho rằng, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài khó có thể thực hiện được với quy mô lớn như Rikvip nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào.
Các cổng trung gian thanh toán đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến nhưng việc quản lý còn rất lỏng lẻo, do thiếu hành lang pháp lý chặt chẽ, hoạt động này không được Ngân hàng Nhà nước coi là hoạt động trung gian thanh toán để quản lý, trong khi Bộ Thông tin và Truyền thông không quản lý hoạt động thanh toán bằng thẻ cào.
Phải “truy” trách nhiệm cá nhân gây ra “lỗ hổng” chính sách
Có lẽ chưa bao giờ cụm từ “lỗ hổng pháp luật”, “lỗ hổng chính sách”, “lỗ hổng quản lý”… được nhắc tới nhiều thời gian qua. Có những lỗ hổng “góp phần” gây thất thoát ngân sách ngàn tỉ, có những lỗ hổng giúp DN hưởng lợi nghìn tỉ, có những lỗ hổng vô tình giúp sức cho tội phạm tham nhũng, rửa tiền… lộng hành. Có những lỗ hổng là do vô ý, do trình độ quản lý có hạn, không dự liệu trước được thực tế xảy ra để luật hóa. Tuy nhiên không loại trừ có không ít những lỗ hổng chính sách do con người cố tình tạo ra để trục lợi (mà nười ta còn gọi là trục lợi chính sách hay tham nhũng chính sách).
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) tại Đảng bộ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý trong việc tham mưu, đề xuất các chính sách phải tuyệt đối tránh “lợi ích nhóm”, chống “tham nhũng chính sách”.
Khác với hành vi “tham nhũng vặt” dễ nhận diện, “tham nhũng chính sách” là loại tham nhũng cực kỳ nguy hiểm nhưng phát hiện lại rất khó . Thực tế cho thấy tình trạng tham nhũng chính sách xảy ra chủ yếu ở những ngành, lĩnh vực, địa phương mà cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực còn lỏng lẻo, bè phái, và việc phản biện chính sách còn hời hợt, bị xem nhẹ hoặc triển khai hình thức. Bên cạnh đó, tình trạng cán bộ, công chức vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” vì lợi ích cá nhân mà ban hành, phê duyệt những chính sách bất cập, gây thiệt hại cho xã hội.
Nếu những lỗ hổng đó là do khả năng, trình độ xây dựng chính sách pháp luật hay trình độ quản lý của con người có hạn thì đi một lẽ và thật khó để qui kết trách nhiệm cá nhân. Nhưng có những lỗ hổng lại do chính những người có quyền ban hành chính sách pháp luật cố tình tạo ra để cùng “ nhóm lợi ích” trục lợi thì thật nguy hiểm khôn lường.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) , thời gian tới, Cục sẽ ưu tiên kiểm tra các văn bản tác động trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư, kinh doanh, tiến tới hoàn thành việc kiểm tra ngay sau khi ban hành và trước thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản. Gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra văn bản với soạn thảo, thẩm định và theo dõi thi hành pháp luật, tăng cường năng lực xử lý những tình huống văn bản sai tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội. Đồng thời phải thực hiện xử lý văn bản trái pháp luật, nhất là những văn bản trái pháp luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, lợi ích của Nhà nước, xã hội. Đôn đốc quyết liệt, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý dứt điểm những trường hợp chậm xử lý văn bản trái pháp luật. Đặc biệt sẽ kiến nghị xem xét trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong ban hành văn bản trái pháp luật…
Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan trong quá trình hoạch định chính sách cũng là một giải pháp cần thiết để chặn tham nhũng chính sách. Hiện nay, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta đã được sửa đổi nhằm minh bạch hóa quá trình hoạch định chính sách và kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình này, nhưng trên thực tế, việc minh bạch hóa với quy trình kiểm tra, kiểm soát quá trình này còn chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Nếu làm tốt việc minh bạch hóa thông tin trong quá trình hoạch định chính sách, cũng như kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ quá trình này, tự nó sẽ là một kênh quan trọng để góp phần làm giảm động cơ tham nhũng của các đối tượng.
Cũng có ý kiến đề xuất nghiên cứu giao cho một cơ quan chuyên môn có thẩm quyền độc lập tiến hành sàng lọc toàn bộ hệ thống chính sách, pháp luật. Cơ quan này có nhiệm vụ “bịt các lỗ hổng về quy phạm pháp luật”, vô hiệu hóa, tháo gỡ các phần “cài đặt” lợi ích của các nhóm, loại bỏ các điều khoản bất hợp lý trong các chính sách mà từ đó các loại “giấy phép con”, các thủ tục “xin - cho”,... xuất hiện. Biện pháp này có thể giúp loại bỏ dần những mảnh đất màu mỡ, những cơ hội cho tham nhũng tồn tại và phát triển. Đây cần được coi là một kênh quan trọng để kiểm soát quyền lực và ngăn ngừa nguy cơ quyền lực bị lạm dụng vì lợi ích của các nhóm.
Tuy nhiên theo chúng tôi, có một giải pháp gốc của giải pháp đó là phải kiên quyết qui trách nhiệm pháp lý đối với những cá nhân cố ý ban hành ra chính sách pháp luật có lỗ hổng. Bởi thực tế cho thấy, qua mỗi vụ việc xảy ra, thường chỉ phát hiện ra lỗ hổng và kiến nghị bít lỗ hổng chính sách, song hầu như hiếm khi truy được trách nhiệm để xử lý đối với người cố ý tạo ra lỗ hổng chính sách pháp luật. Xưa nay hiếm có ai bị xử lý hình sự hay bị bồi hoàn, bồi thường nếu cố ý ban hành chính sách pháp luật có lỗ hổng gây thiệt hại cho dân cho nước. Có lẽ đây mới chính là lỗ hổng của mọi lỗ hổng mà chúng ta cần bít trước. Tới đây Bộ luật Hình sự nên bổ sung tội danh có liên quan đến vấn đề này để có cơ sở xử lý.
Phương Anh
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bit-lo-hong-chinh-sach-phap-luat-phai-truy-trach-nhiem-ca-nhan-a192253.html