Doanh nghiệp “hưởng lợi” tiền tỷ nhờ “lỗ hổng” chính sách

(Pháp lý) - Chuyện doanh nghiệp được hưởng lợi hàng nghìn tỷ không xuất phát từ năng lực sản xuất kinh doanh mà là do chính sách pháp luật có lỗ hổng không còn là chuyện hiếm, chuyện giật mình nữa. Có những lỗ hổng do quản lý không theo kịp thực tiễn. Nhưng cũng không loại trừ có những lỗ hổng do “nhóm lợi ích” cố tình tạo ra để trục lợi.

Doanh nghiệp “hưởng lợi” tiền tỷ

Cuối tháng 1/2018, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán về việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015 – 2016. Theo kết quả kiểm toán, các đại lý kinh doanh xăng dầu đầu mối đã được hưởng chênh lệch lớn. Việc hưởng lợi này xuất phát từ chính sách tính thuế chưa hợp lý của cơ quan điều hành giá xăng dầu. Kiểm toán Nhà nước cho biết năm 2015 và 5 kỳ điều hành đầu tiên năm 2016, Liên Bộ Công Thương – Bộ Tài chính áp thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường từ các thị trường khác MFN (20%) trong điều hành "không phù hợp với thực tế phát sinh tại các đầu mối nhập khẩu, dẫn tới giá cơ sở tăng lên, tạo một khoản thặng dư lớn cho các đơn vị đầu mối". Theo tính toán, nhờ khoản chênh lệch về thuế nhập khẩu này, 10 thương nhân đầu mối được kiểm toán đã hưởng lợi khoảng hơn 3.375 tỷ đồng. Từ kỳ điều hành cuối tháng 3/2016, việc tính toán giá cơ sở tại Liên Bộ được áp dụng thuế bình quân gia quyền, tuy có hợp lý hơn, nhưng chỉ mang tính tình thế, không giải quyết được tận gốc vấn đề, vì vẫn phát sinh chênh lệch thuế nhập khẩu giữa xây dựng và thực tế. Theo đó, 10 thương nhân đầu mối trong năm 2016 vẫn phát sinh chênh lệch hơn 1.433 tỷ đồng.

Theo cơ quan kiểm toán, có ít nhất khoảng gần 4.800 tỉ đồng doanh nghiệp xăng dầu được hưởng lợi từ chính sách thuế (ảnh minh họa)
Theo cơ quan kiểm toán, có ít nhất khoảng gần 4.800 tỉ đồng doanh nghiệp xăng dầu được hưởng lợi từ chính sách thuế (ảnh minh họa))

Phân tích cụ thể, cơ quan kiểm toán cho biết, qua kiểm toán sổ sách thực tế riêng mặt hàng dầu diesel các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được hưởng lợi khi thuế nhập xăng từ ASEAN (ATIGA- 10%) từ 5-25% trong năm 2015; và 0,6 - 10% năm 2016. Đây là nhân tố tác động chính làm giá cơ sở thực tế tại đơn vị thấp hơn so với giá cơ sở do Liên Bộ điều hành, khiến doanh nghiệp tăng thêm lợi nhuận khoảng 4.800 tỷ đồng. Đơn vị lãi nhiều nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khoảng 3.000 tỷ đồng. Tuy phát hiện ra chênh lệch tài chính lớn trên 4.800 tỷ đồng, nhưng Kiểm toán Nhà nước chỉ kiến nghị các đơn vị đầu mối được kiểm toán nộp vào ngân sách các khoản thuế phải nộp tăng thêm 252 tỷ.

Không chỉ doanh nghiệp xăng dầu hưởng lợi lớn do “lỗi” từ chính sách, thời gian qua, các cơ quan chức năng (Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan công an) còn chỉ rõ doanh nghiệp ở một số lĩnh vực khác cũng thu lợi ngàn tỉ không dựa vào năng lực sản xuất kinh doanh… mà “dựa vào” những bất cập, lỗ hổng từ chính sách pháp luật, trong đó đáng lưu ý là lĩnh vực đất đai. Nhiều địa phương vận dụng chính sách pháp luật đất đai mỗi nơi một kiểu, doanh nghiệp thì hưởng lợi, nhưng ngân sách thì thất thu nghìn tỷ…

Những “ lỗ hổng” chính sách “đáng ngờ”?

Phân tích về những lỗ hổng chính sách trong kinh doanh xăng dầu, Luật sư Trần Hồng Cường – Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á cho biết: Theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là giá để làm căn cứ điều hành giá xăng dầu trong nước, trong đó thuế nhập khẩu để tính giá được căn cứ vào thuế nhập khẩu ưu đãi theo nguyên tắc tối huệ quốc (MFN). Với cách tính thuế cũ theo Nghị định 83/2014 và Thông tư 78/2015/TT-BTC ngày 20/5 thì mức thuế suất áp dụng để tính giá cơ sở xăng dầu áp dụng theo với xăng là 20%, dầu diesel và mazut là 10% và dầu hỏa là 13%. Tuy nhiên, theo xu hướng hội nhập, có nhiều mức thuế theo như các hiệp định thương mại tự do (FTAs), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), nguyên tắc tối huệ quốc (MFN). Điều đáng phê phán ở đây là lợi thế khi hội nhập không được các cơ quan quản lý nhà nước tận dụng để mang lại lợi ích cho người dân. Chỉ sau khi Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, mới đây, Bộ Tài chính cho biết "đang nghiên cứu để điều tiết, khắc phục chênh lệch trong giá cơ sở (nếu áp dụng các mức thuế khác nhau)". Từ năm 2016, tất cả các mặt hàng dầu từ ASEAN vào Việt Nam đều được hưởng thuế suất 0%. (Đây là thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam. Năm 2015, trong tổng cộng hơn 10 triệu tấn xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam thì quá nửa được nhập từ ASEAN: từ Singapore là 3,84 triệu tấn, từ Thái Lan là 2,28 triệu tấn). Trong khi đó, với mặt hàng xăng RON 92, mức thuế suất nhập khẩu từ ASEAN trong năm 2015 và 2016 vẫn là 20% nhưng từ năm 2016, do hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã được ký kết nên thuế suất nhập khẩu mặt hàng này từ Hàn Quốc chỉ còn 10%.

Giá đất xác định theo các phương pháp do các địa phương lựa chọn thường thấp hơn giá thị trường dẫn đến thất thoát NSNN (ảnh minh họa)
Giá đất xác định theo các phương pháp do các địa phương lựa chọn thường thấp hơn giá thị trường dẫn đến thất thoát NSNN (ảnh minh họa))

Dựa trên “lỗ hổng” giữa chính sách pháp luật và thực tế về thuế nhập khẩu các đơn vị kinh doanh xăng dầu đã được hưởng lợi nhuận hàng trăm tỉ. Thực tế, các doanh nghiệp xăng dầu đã sớm nhận ra vấn đề chênh thuế này khi cơ cấu nguồn nhập khẩu chuyển dịch nhanh chóng sang các nước khác về ASEAN và Hàn Quốc trong năm 2014, 2015 và 2016. Nếu năm 2014, Việt Nam chỉ nhập chưa đến 50% từ nguồn Asean thì con số đã tăng nhanh tới 73% trong 2 tháng đầu năm 2016. Thậm chí, nếu tính tổng nguồn nhập của ASEAN và Hàn Quốc trong tháng 1/2016, con số sẽ chiếm tới hơn 90%, Luật sư Cường cho biết.

Vạch ra những điểm bất hợp lý trong Nghị định 83, ông Phạm Ngọc Hùng – Phó Chủ tịch Quỹ chống hàng giả Việt Nam chỉ rõ, Nghị định 83 cho phép tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự đàm phán, tự ký kết hợp đồng và tự nhập khẩu. Điều này vô hình chung đã tạo ra những lỗ hổng về giá nhập khẩu, thuế và các loại phí. Thứ nhất, tất cả các doanh nghiệp được phép chủ động đàm phán ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài để nhập khẩu, nhưng giá bán lại do nhà nước quy định được xây dựng. Nhưng trong nhập khẩu xăng dầu có hai loại giá, là giá “thơm”, tức là ký hợp đồng dài hạn giá bao giờ cũng rẻ. Giá còn lại là giá mua chuyến theo ngày bao giờ cũng đắt hơn giá “thơm” từ 8 -10%. Song khi xây dựng giá bán ra thị trường, nhà nước lại dựa trên giá mua theo chuyến. Chính cách xây dựng giá như vậy, các doanh nghiệp đã nghiễm nhiên hưởng chênh lệch từ 8 – 10% rồi. Ông Hùng phân tích tiếp, Việt Nam ký rất nhiều hiệp định với Hàn Quốc và các nước ASEAN, nên có đến 90% lượng xăng dầu nhập khẩu đều có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á và Hàn Quốc để được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu. Với cách xây dựng giá như vừa nói ở trên, thì đây là vấn đề thứ hai doanh nghiệp được hưởng lợi. Thứ ba, các công ty nhập khẩu xăng dầu, họ thường mua vào lúc giá rẻ lưu ở kho nước ngoài hoặc lưu ở mấy kho ngoại quan (tức là hàng chưa nhập khẩu) và lúc giá có chiều hướng tăng lên họ bắt đầu đẩy vào trong nước. Như vậy, họ nghiễm nhiên hưởng mức giá chênh lệch đó. Điều này khiến người dân không biết thị trường xăng dầu được mua bán như nào.

Một vấn đề lớn, được dư luận quan tâm trong nhiều năm qua là những “ lỗ hổng” chính sách liên quan đất đai. Phân tích về những điểm bất cập trong chính sách liên quan đến đất đai, Luật sư Vũ Văn Thiệu – Hãng Luật INCIP cho biết: Thứ nhất, có thể đề cập đến lỗ hổng về cơ chế nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường tái định cư. Năm 1993, Luật Đất đai quy định Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết để sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng tuy nhiên quy định còn chung chung nên khó thi hành trên thực tế. Đến năm 2003 đã rành mạch hơn trong việc công bố mục đích thu hồi đất. Luật Đất đai năm 2003 đã xác định rõ tiêu chí nào là vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Song, đến Luật Đất đai 2013 lại chọn phương án nghiêng về Nhà nước thu hồi đất nhiều hơn, đặc biệt là Nhà nước thu hồi đất vì lý do kinh tế còn gây nhiều băn khoăn trăn trở. Về thu hồi đất, nhiều người tán thành, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, còn nếu vì lợi ích của DN thì bắt buộc DN phải tự thỏa thuận với người sử dụng đất.

Một loạt kẽ hở khác liên quan đến công tác quản lý đất đai gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng được chỉ ra từ lâu, nhưng chậm có giải pháp khắc phục. Theo đó, có tình trạng một số doanh nghiệp nhà nước nắm giữ “đất vàng” khi không còn sử dụng hoặc thuộc diện phải di dời đã không trả lại đất cho Nhà nước mà kêu gọi hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn góp nhằm thu lợi riêng.

Một ví dụ khác liên quan đến lĩnh vực bán đấu giá tài sản Nhà nước hiện nay được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, Điều 28 quy định về việc niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản đang có nhiều điểm bất hợp lý. Cụ thể, Nghị định yêu cầu đối với tài sản bán đấu giá bất động sản thì đồng thời với việc niêm yết, tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ba ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi có tài sản bán đấu giá về việc bán đấu giá tài sản, thời hạn thông báo công khai chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá. Điều 30 quy định người không có quyền mua tài sản bán đấu giá chỉ chung chung là người không đủ điều kiện tham gia mua tài sản đối với một số loại tài sản theo quy định của pháp luật. Nhưng thường các công ty đấu giá đặt ra các tiêu chí nhằm hạn chế tối đa khả năng tiếp cận của các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu mà các tiêu chí đó hướng đến các doanh nghiệp, cá nhân đã được “nhắm đến” từ trước, do vậy giá trị tài sản được đấu giá trong không ít thương vụ thường thấp hơn, không đúng với giá thị trường gây thất thoát rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Khi quản lý không theo kịp thực tiễn

Kết quả điều tra vụ án “sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền” xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố, bước đầu cơ quan điều tra đã xác định, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583,2 tỉ đồng (342 tỉ đồng/tháng), trong đó, tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỉ đồng, chiếm 97%; tiền từ các ngân hàng là 168 tỉ đồng, chiếm 1,75%.

Khoản tiền 9.583,2 tỉ đồng thu được qua các cổng thanh toán được phân chia cho các doanh nghiệp (DN) viễn thông, DN cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, DN phát hành thẻ game, nhóm đối tượng tổ chức (Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam). Trong đó, ước tính DN viễn thông hưởng khoảng 1.402 tỉ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông); DN trung gian thanh toán hưởng khoảng 258,4 tỉ đồng; nhóm Nguyễn Văn Dương hưởng khoảng 1.600 tỉ đồng; nhóm Phan Sào Nam hưởng khoảng 1.850 tỉ đồng; khoảng 2.645 tỉ đồng trả thưởng cho "con bạc".

Công an tỉnh Phú Thọ sau khi triệt phá đường dây đánh bạc online nghìn tỷ đã phát hiện nhiều lỗ hổng trong công tác viễn thông (trong ảnh: thế giới của Rikvip là những trò chơi bài bạc thịnh hành)
Công an tỉnh Phú Thọ sau khi triệt phá đường dây đánh bạc online nghìn tỷ đã phát hiện nhiều lỗ hổng trong công tác viễn thông (trong ảnh: thế giới của Rikvip là những trò chơi bài bạc thịnh hành))

Về những lỗ hổng đối với những doanh nghiệp viễn thông, Luật sư Cường phân tích, tại khoản 1, Điều 3, Thông tư 14/2012/TT-BTTTT quy định, "thẻ thanh toán thông tin di động là thẻ được nạp sẵn tiền dùng để thanh toán giá cước khi sử dụng dịch vụ thông tin di động. Mệnh giá thẻ thanh toán bằng số tiền có sẵn trong thẻ." Đồng thời, tại khoản 1, Điều 10, Nghị định 25/2011/NĐ-CP và văn bản sửa đổi có quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật viễn thông, thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông (hay thẻ thanh toán thông tin di động và thường gọi là thẻ cào) được coi là thẻ hàng hóa viễn thông chuyên dùng và gắn liền với việc cung cấp dịch vụ viễn thông chuyên dùng được doanh nghiệp viễn thông phát hành.

Quy định này chỉ rõ thẻ thanh toán thông tin di động là phương tiện tài chính (một dạng tiền kỹ thuật số) sử dụng trong dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đến nay chưa có văn bản pháp luật nào kiểm soát sự lưu thông của loại phương tiện tài chính này (từ lúc phát hành thẻ cho đến khi tiêu dùng cuối cùng).

Tại khoản 4, Điều 3, Thông tư số 05/2012/TT-BTTTT về phân loại dịch vụ viễn thông, "Dịch vụ viễn thông cộng thêm là dịch vụ tăng thêm tính năng, tiện ích cho người sử dụng dịch vụ viễn thông, là một phần không tách rời và được cung cấp cùng với các dịch vụ viễn thông cơ bản và giá trị gia tăng." Game trực tuyến là dịch vụ gia tăng thêm tính năng, tiện ích cho người sử dụng dịch vụ viễn thông, nên được các nhà mạng coi là dịch vụ cộng thêm, là một trong những dịch vụ viễn thông.

Theo quy định tại Thông tư 46/2014/TT-NHNN và Nghị định 80/2016/NĐ-CP hướng dẫn về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, điều kiện cần và đủ của các loại hình trung gian thanh toán là hệ thống dịch vụ phải kết nối với hệ thống tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, dịch vụ thanh toán Game (cổng trung gian thanh toán hay ví điện tử...) lại không ký hợp đồng ba bên giữa ngân hàng - đơn vị hỗ trợ thanh toán - nhà mạng. Người dùng chỉ cần thanh toán bằng thẻ cào di động, không thanh toán bằng tài khoản ngân hàng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước không coi đây là trung gian thanh toán để quản lý.

Như vậy, do chính sách pháp luật không kiểm soát được việc thanh toán bằng thẻ cào từ khi phát hành đến khi tiêu dùng cuối cùng, nên mặc dù các doanh nghiệp viễn thông được hưởng lợi lớn từ các hoạt động bất hợp pháp nhưng theo Luật sư Cường, không thể xử lý họ được bởi pháp luật chưa điều chỉnh. Trong trường hợp này pháp luật chưa theo kịp thực tiễn.

Nguyễn Hòa

 

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/doanh-nghiep-huong-loi-tien-ty-nho-lo-hong-chinh-sach-a192134.html