Đó là kiến nghị ông Lê Hoàng Châu-Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đưa ra tại Hội nghị “Quán triệt thực hiện chỉ thị 04 của UBND TPHCM về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn'.
Hội nghị do HoREA tổ chức vào sáng nay (4/4), tại TPHCM, với sự tham của ông Huỳnh Cách Mạng – Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đại diện Sở cảnh sát PCCC, đại diện Sở Xây dựng và nhiều chuyên gia, nhà đầu tư bất động sản tại thành phố.
Còn nhiều tồn tại và sai phạm
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, còn một số tồn tại và sai phạm điển hình có thể dẫn đến mất an toàn PCCC ở chung cư, nhà cao tầng.
Cụ thể, trên địa bàn thành phố hiện có 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975 không có hệ thống PCCC. Đáng chú ý, nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm… dẫn đến nguy cơ cháy tiềm ẩn rất đáng quan ngại.
Ông Châu cũng cho hay, nhiều chung cư nhà ở cao tầng lại được cấp phép xây dựng trong đường nhỏ hoặc trong hẻm nên tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy ra cháy. Theo ông Châu, có trường hợp cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng thiếu đường vào cho xe chữa cháy phòng khi xảy ra sự cố. Mặt khác, cũng có trường hợp chủ đầu tư dự án chừa đường vào cho xe chữa cháy nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng theo qui định của Luật PCCC, nên xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được.
Ngoài ra, nhiều chung cư nhà ở tái định cư, chung cư nhà ở xã hội và một số nhà ở thương mại đang bị người tiêu dùng quan ngại về chất lượng xây dựng. Trong đó, công trình PCCC chất lượng thấp, hoạt động không ổn định, thiếu tin cậy.
Lý giải tình trạng hệ thống PCCC trong nhiều chung cư có chất lượng kém, ông Châu cũng nêu ra nhiều ví dụ. Điển hình như, có chung cư do hệ thống báo cháy kém chất lượng, liên tục “’báo cháy giả”, nên cư dân có thói quen “bình thản” khi nghe báo cháy dẫn đến việc chủ quan, “ỷ lại” trong trường hợp xảy ra cháy thật. Đáng nói, nhiều nơi còn tắt luôn hệ thống báo cháy để khỏi bị “làm phiền”. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các cư dân sống trong chung cư trở nên bị động khi có cháy nổ xảy ra.
Chưa hết, việc cửa ngăn khói ở các tầng trong chung cư bị chèn, bị mở thông để tiện đi lại khiến khi xảy ra cháy thì cửa này không còn tác dụng ngăn khói khỏi xâm nhập. Đặc biệt, hệ thống PCCC và thiết bị PCCC bị xuống cấp, lão hóa, hư hỏng không được bảo hành, bảo dưỡng, bảo trì theo qui định nên khi xảy ra cháy thật thì không vận hành chữa cháy được.
Liên quan đến việc các chủ đầu tư còn mắc phải sai phạm và có phần “xem nhẹ” công tác phòng chống cháy nổ, ông Châu đưa ra dẫn chứng: “Một số chủ đầu tư chưa thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy đã đưa cư dân vào ở như Chung cư Thái An 3, 4. Hay như Chung cư Bảy Hiền Tower (tọa lạc tại số 9 Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình) đã đưa hơn 20 hộ dân vào ở tại thời điểm năm 2016, dù công trình đang thi công dang dở, thi công sai giấy phép xây dựng và không có hệ thống phòng cháy, chữa cháy”.
Kiến nghị hoàn thiện các quy phạm pháp luật
Thông tin tại hội thảo, Chủ tịch HoREA cũng cho hay, một số đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư cao tầng chưa có năng lực đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nhiệp, nên đã quản lý lỏng lẻo, không chuyên nghiệp. Chính vì thế, khi có sự cố cháy xảy ra thì không xử lý, ứng phó kịp thời, hiệu quả; thậm chí còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vụ cháy Chung cư Carina vừa qua.
“Vụ cháy chung cư Carina Plaza vừa qua bắt nguồn từ sự cố phát cháy xe gắn máy Attila trong hầm để xe của chung cư, sau 9 phút mới gây ra cháy lan. Nếu phát hiện và xử lý dập lửa ngay trong 9 phút đầu tiên, có thể chỉ bằng 1 bình chữa cháy thông thường thì đã không gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy.
Ngoài ra, hợp đồng giữa chủ đầu tư hoặc Ban Quản trị chưng cư này với đơn vị vận hành chung cư chưa thật chặt chẽ, chưa phân định rõ trách nhiệm của các bên”, Chủ tịch HoREA nêu ví dụ.
Chính vì thế, để “siết chặt” hơn nữa việc thực hiện công tác PCCC ở chung cư, nhà cao tầng theo chỉ thị 04 của UBND TPHCM, HoREA đã kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật có liên quan. Trong đó, Hiệp hội bất động sản TPHCM kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở với các nội dung như: Quy định trách nhiệm chủ đầu tư dự án nhà chung cư phải thi công đường vào chữa cháy đúng thiết kế lòng đường và đạt tải trọng cho xe chữa cháy; Qui định các thành viên Ban Quản trị chung cư phải được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về quản lý, vận hành chung cư, trong đó có kiến thức, kỹ năng về PCCC; Phải công khai danh sách các chung cư không đảm bảo an toàn PCCC hoặc không mua bảo hiểm bắt buộc để công luận giám sát…
Đồng thời, HoREA cũng kiến nghị quy định khu vực để xe của dự án nhà chung cư cao tầng xây dựng mới phải tách biệt với khu ở để giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy (tương tự như qui định của Singapore), với hệ số sử dụng đất phù hợp để nhà đầu tư thực hiện, thu hồi vốn. Bởi lẽ, tầng hầm giữ xe trong chung cư thường là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy nổ.
Chia sẻ tại hội thảo, nói về việc phòng chống cháy nổ ở chung cư, nhà cao tầng, ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành còn cho rằng, ngoài việc thực hiện theo chỉ thị 04 của UBND TPHCM, các chủ đầu tư cần “tuân thủ” một số vấn đề trong khâu xây dựng. Điển hình như: hệ thống điện phải được lắp đặt âm trong sàn bê tông, sảnh tầng phải thông thoáng và cần có giếng trời trong nhà chung cư để khi có cháy nổ, khói sẽ theo giếng trời đi ra ngoài, hạn chế phần nào ngạt khói cho cư dân.
Hơn nữa, các chung cư cần thiết phải xây dựng sân thượng, thậm chí là liên kết các sân thượng của nhiều dãy nhà để các cư dân sống ở tầng cao có chỗ “lánh nạn” tạm thời trong khi chờ cơ quan chức năng đến ứng cứu trong trường hợp có cháy nổ xảy ra.
Theo Congly
Link nội dung: https://phaply.net.vn/can-hoan-thien-cac-quy-pham-phap-luat-de-dam-bao-an-toan-pccc-doi-voi-nha-cao-tang-a192101.html