Cần chế tài mạnh hơn với tội phạm rửa tiền

(Pháp lý) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, Việt Nam đã trở thành đích nhắm của tội phạm quốc tế để thực hiện hành vi rửa tiền. Nhìn lại những “phi vụ” rửa tiền ở Việt Nam bị cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua có thể tựu chung lại 5 phương thức mà tội phạm thường sử dụng để rửa tiền chủ yếu sau: Rửa tiền thông qua việc đầu tư hoặc mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại; Rửa tiền thông qua kinh doanh chứng khoán; Rửa tiền thông qua đánh bạc; Rửa tiền thông qua hoạt động chuyển hối trái phép; Rửa tiền thông qua việc mua tài sản có giá trị lớn (như bất động sản) bằng tiền mặt.

Những vụ “rửa tiền” đình đám

Rửa tiền thông qua việc đầu tư hoặc mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại: Năm 2005, Công an Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước (năm 2006 là Cục phòng chống rửa tiền) đã ngăn chặn giao dịch nghi vấn liên quan đến hoạt động rửa tiền khi nhận được thông tin từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận được email từ một số doanh nhân Nigeria yêu cầu mở tài khoản 28 triệu USD, hứa hẹn sẽ chi lại 15% tổng số tiền.

Từ tháng 4/2004 đến tháng 7/2006, các cơ quan chức năng đã phát hiện James Edmund Corbett (công dân Australia, tạm trú tại phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) có dấu hiệu bất thường, nghi vấn là rửa tiền. James E. Corbett đã mở tài khoản vãng lai USD tại một số ngân hàng thương mại ở TP. Hồ Chí Minh, thông qua các tài khoản này, đã nhận hơn 3,2 triệu USD từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam, sau đó lần lượt chuyển cho một số công ty ở Việt Nam và ở nước ngoài.

Tháng 10/2008, Công an Đà Nẵng phát hiện 2 thủ phạm là Baggio Carlios Linska và Massamba Lendebe Vis (Quốc tịch Mozambique) khi bọn chúng đến một chi nhánh của ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng mở cùng lúc 2 tài khoản. Ngay sau khi mở được tài khoản, lập tức có 4,1 tỷ đồng được chuyển vào và tức tốc chúng làm thủ tục để rút tiền. Công an Đà Nẵng đã tiến hành tạm giữ Linska và Massamba Lendebe Vis. Riêng tên Niaty Lokasso Djamba (quốc tịch Công gô), người đã mở tài khoản và được chuyển số tiền hơn 3,34 tỷ đồng tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã tẩu thoát…

Hành vi chuyển tiền có nguồn gốc bất hợp pháp từ nước ngoài vào Việt Nam khá phổ biến. Đặc biệt, một số đối tượng băng nhóm tội phạm người gốc Phi vào Việt Nam sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại để đồng bọn ở nước ngoài chuyển tiền vào, sau đó rút hết tiền trong các tài khoản này.

 Cảnh sát khám xét nơi ở của những người có liên quan trong đường dây cá độ nghìn tỷ ở miền Tây
Cảnh sát khám xét nơi ở của những người có liên quan trong đường dây cá độ nghìn tỷ ở miền Tây)

Rửa tiền thông qua kinh doanh chứng khoán: Rửa tiền thông qua kinh doanh chứng khoán là dễ dàng và phổ biến, do đặc thù của chứng khoán là mọi người đều có quyền mua đi bán lại cổ phiếu để tái đầu tư trong khi giá cổ phiếu lại lên xuống thất thường. Trong hoạt động kinh doanh chứng khoán cũng dễ rửa tiền nhưng cho đến thời điểm hiện nay, các chuyên gia của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và các quản lý chức vụ của Bộ Công an Việt Nam và Cục Phòng chống rửa tiền trực thuộc Ngân hàng Nhà nước chưa phát hiện được vụ nào.

Rửa tiền thông qua đánh bạc: Việc rửa tiền thông qua đánh bạc cũng là phương pháp rửa tiền của bọn tội phạm. Các vụ điển hình tại Việt Nam trong những năm gần đây như: Ngày 14/3/2013, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bắt quả tang vụ đánh bạc tại lán tre thuộc xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bắt giữ 68 đối tượng. Đây là vụ đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa có tổ chức, quy mô lớn nhất miền Bắc. Các bị cáo bị nhận các mức án từ tù treo cho tới 54 tháng tù giam. Ngày 27/5/2014, Công an TP. Hồ Chí Minh triệt phá đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc (dưới hình thức thầu đề) rất lớn tại 14 điểm của đường dây thầu đề liên quan tới nhiều quận (Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận…) 28 đối tượng đã bị bắt giữ cùng với nhiều tang vật. Phương thức hoạt động của các đối tượng là nhận các phơi đề từ đại lý gửi về qua máy fax và chi trả qua thẻ ATM của 3 ngân hàng thương mại khác nhau, giao dịch có lúc đến hàng tỷ đồng/ngày…

Và mới đây, ngày 11/3, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Thanh Hóa (sinh năm 1958, nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) về tội Tổ chức đánh bạc, quy định tại Khoản 2, Điều 249 (Bộ luật Hình sự năm 1999).

Trước đó, Công an tỉnh Phú Thọ đã điều tra, khởi tố vụ án Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Mua bán trái phép hóa đơn và Rửa tiền xảy ra tại tỉnh này và một số địa phương khác.

Công an tỉnh Phú Thọ đang điều tra mở rộng vụ án. Bước đầu xác định, để rửa nguồn tiền thu lợi bất chính từ đánh bạc qua mạng, nhóm cầm đầu đã sử dụng một công ty kinh doanh trò chơi để chuyển hóa thành lợi nhuận kinh doanh, thu lợi bất chính. Trong vụ án này, nhóm tội phạm đã sử dụng công nghệ cao để thu tiền. Sau đó, họ thành lập doanh nghiệp bình phong để đầu tư, kinh doanh nhưng thực chất là để sử dụng nguồn tiền “bẩn” này. Đây có thể được xem là vụ lớn nhất, nghiêm trọng nhất từ trước đến nay bị cơ quan chức năng triệt phá liên quan đến hành vi rửa tiền.

Bị can Nguyễn Văn Dương (đeo kính) và Phan Sào Nam tại CQĐT - Ảnh: Bộ Công an
Bị can Nguyễn Văn Dương (đeo kính) và Phan Sào Nam tại CQĐT - Ảnh: Bộ Công an)

Rửa tiền thông qua hoạt động chuyển hối trái phép: Hoạt động chuyển hối trái phép cũng chính là hành vi rửa tiền. Theo thống kê của ngành Hải quan, chỉ tính riêng năm 2014, các đơn vị hải quan đã bắt giữ, xử lý 10 vụ mang ngoại tệ, vàng vượt định mức không khai báo với số tiền vi phạm hơn 57.000 USD, 880 triệu đồng và 105 lượng vàng.

Rửa tiền thông qua việc mua tài sản có giá trị lớn (như bất động sản) bằng tiền mặt: Trong thực tế, tội phạm rửa tiền không phải là loại tội phạm mới tại Việt Nam, nhưng việc điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến chứng cứ chứng minh, xác định chủ thể, tội danh. Vụ án Giang Kim Đạt tại Tổng công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) là điển hình của vấn đề mà người viết đề cập trong bài viết này. Theo đó, TAND TP. Hà Nội kết tội “Tham ô tài sản” quy định tại Điều 278 BLHS, đối với: Trần Văn Liêm – nguyên Tổng Giám đốc Vinashin Lines; Giang Kim Đạt – nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashin Lines; Trần Văn Khương – nguyên Kế toán trưởng Vinashin Lines. Đồng thời, các bị cáo Giang Kim Đạt và Giang Văn Hiển (bố đẻ Đạt) còn bị kết tội “Rửa tiền”quy định tại Điều 251 BLHS. Được biết, từ tháng 5/2006 đến tháng 6/2008, Trần Văn Liêm cùng đồng phạm đã tham ô, rửa tiền gần 16 triệu USD. Đây là số tiền mà Trần Văn Liêm cùng với Giang Kim Đạt đã kê khống nhằm thu lợi cá nhân thông qua hoạt động thuê, mua tàu của các công ty nước ngoài. Để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Đạt đã nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiển đứng tên tài khoản để nhận số tiền này, sau đó rút ra để mua các tài sản có giá trị nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp.

Điểm đáng chú ý của vụ án này, cùng một lúc các cơ quan tiến hành tố tụng, tiến hành điều tra, truy tố, xét xử tội “Tham ô tài sản” và tội “Rửa tiền” đối với bị cáo Giang Kim Đạt, đây là điều mà trước đó rất ít khi được áp dụng trong thực tiễn xét xử, cho lọai tội phạm này. Chẳng hạn, như vụ án Dương Chí Dũng xảy ra tại Vinalines. Trong số tiền xác định Dũng đã gây thất thoát, một phần được dùng vào việc mua căn chung cư cao cấp tại Sky City 88 Nguyễn Chí Thanh và căn chung cư Pacific trên phố Lý Thường Kiệt cho người tình Phan Thị Thảo đứng tên sở hữu. Nhưng Tòa án chỉ xét xử bị cáo Dũng về các tội “Tham ô tài sản”; “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 278; Điều 165 BLHS.

Theo thông tin trên báo Tiền Phong, một nguồn tin cho biết, lượng tiền trong đường dây cờ bạc do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu được “chuyển hóa” qua mua, bán hóa đơn lên đến hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu thể hiện qua mua bán thẻ cào điện thoại (nhiều hóa đơn có giá trị hơn 100 tỷ đồng – chủ yếu ở Hà Nội) – một trong những căn cứ để CQĐT khởi tố tội danh rửa tiền.

Cần chế tài mạnh hơn với tội phạm rửa tiền

Ở Việt Nam, lần đầu tiên quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 tội danh Hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có (Điều 251 BLHS). Đến ngày 19/6/2009, Điều 251 BLHS 1999 được Quốc hội Việt Nam sửa đổi thành tội Rửa tiền quy định tại khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 1999. Và mới đây, khi sửa đổi BLHS 2015, tội danh này được quy định ở Điều 324.

Ngày 18/6/ 2012, Luật Phòng, chống rửa tiền đã được thông qua, trong đó quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền. Đây là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia.

Ngày 25/11/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2112/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố giai đoạn 2015-2020.

Hiện nay, dù chưa có cuộc điều tra chính thức nào nhưng xét theo các tiêu chí chung với một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển, hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống tài chính, ngân hàng nói riêng đang trong quá trình hoàn thiện; Chính phủ đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; đa số người dân có thói quen thanh toán bằng tiền mặt; buôn lậu, ma túy, tham nhũng …chưa được kiểm soát hiệu quả thì quốc gia đó dễ bị tội phạm lạm dụng để rửa tiền.

Mặt khác, hoạt động rửa tiền thường diễn ra ở khu vực ngân hàng, kinh doanh chứng khoán, các quỹ đầu tư, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sòng bạc… Do đặc thù của hoạt động ngân hàng, tội phạm có thể sử dụng hệ thống ngân hàng để chuyển tiền bất hợp pháp sang quốc gia khác, do đó ngân hàng thường bị tội phạm lạm dụng để rửa tiền hơn các lĩnh vực khác.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước luôn đóng vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống rửa tiền. Theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 74/2005/NĐ-CP của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Trung tâm Thông tin phòng, chống rửa tiền (nay là Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) có chức năng chính là thu thập, phân tích và chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền cho các cơ quan điều tra. Theo Quyết định số 20/QĐ- TTg ngày 18-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, các giao dịch tại ngân hàng trong một ngày bằng tiền mặt có tổng giá trị từ 300.000.000 trở lên sẽ được báo cáo và lưu trữ tại hệ thống công nghệ thông tin tại Cục Phòng, chống rửa tiền.

Có thể nói, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực đời sống, tội phạm mang tính quốc tế gia tăng, trong đó phải kể đến tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo, gian lận thương mại … ngày càng phổ biến. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn này, việc tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố là yêu cầu cấp thiết cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống rửa tiền cho phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam; Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền như Ngân hàng nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp… trong việc hướng dẫn, kiểm tra chấp hành các biện pháp phòng, chống rửa tiền của các tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý.

Đặc biệt, cần tăng mức chế tài phạt đối với hành vi rửa tiền; ngăn chặn kịp thời và kiểm soát các giao dịch đáng ngờ. Theo quy định hiện tại, trường hợp người phạm tội (rửa tiền) bị truy cứu theo khung hình phạt tăng nặng thứ hai (phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng) chỉ bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Mức phạt này được đánh giá vẫn còn khá nhẹ so với hậu quả mà tội phạm rửa tiền gây ra cho nền kinh tế và xã hội.

Do đó, một trong những giải pháp đấu tranh phòng, chống có hiệu quả nhất đối với loại tội phạm này, theo tác giả, đó là hoàn thiện quy định về khái niệm tội phạm; hành vi khách quan của tội phạm, cả về phương tiện phạm tội và chủ thể của tội phạm nguồn và đặc biệt là quy định rõ hơn về tình tiết tăng nặng định khung và tăng hình phạt đối với loại tội phạm nguy hiểm này.

Điều 324 BLHS năm 2015 quy định về tội rửa tiền, như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có; b) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Có tính chất chuyên nghiệp; đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; e) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; g) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên; b) Thu lợi bất chính100.000.000 đồng trở lên; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.

4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Thành Chung

 

Link nội dung: https://phaply.net.vn/can-che-tai-manh-hon-voi-toi-pham-rua-tien-a191781.html