Các nỗ lực thực thi pháp luật về phòng chống tham nhũng đã góp phần quan trọng tạo tâm lý không muốn, không dám đưa hối lộ của các doanh nghiệp
Bên cạnh đó, việc đưa ra xét xử các vụ tham nhũng nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... gần đây cũng khiến doanh nghiệp (DN) thận trọng hơn rất nhiều khi thực hiện các giao dịch kinh doanh có liên quan đến đưa hối lộ.
Trên đây là một trong những phát hiện chính của nhóm nghiên cứu đánh giá thực hiện Thúc đẩy sáng kiến liêm chính trong DN Việt Nam giai đoạn 2012-2017, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Diễn đàn Các nhà lãnh đạo DN quốc tế (IBLF Global) tại Anh thực hiện.
Theo một điều tra của Diễn đàn DN Việt Nam 2017, rủi ro tham nhũng cao ở Việt Nam đã đặt ra những thách thức lớn đối với các công ty đa quốc gia. Tham nhũng đang là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á khác. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 81 về đạo đức và tham nhũng, xếp thứ 109 về các khoản chi không chính thức và hối lộ trong tổng số 137 nước. Còn theo dữ liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới, tham nhũng được coi là vấn đề gây khó khăn thứ 3 trong kinh doanh ở Việt Nam.
VCCI cho biết một nghiên cứu khác của Trung tâm Quản trị xã hội (Gensogor) cho thấy sự tin tưởng của các công ty vào khả năng phát hiện và xử phạt tham nhũng tại Việt Nam rất hạn chế. Phần lớn các DN nhỏ và vừa (NVV) tham gia tiểu dự án "Hướng dẫn các DNNVV phòng ngừa tham nhũng" năm 2017 của VCCI cho rằng tham nhũng là vấn đề nghiêm trọng, phá hoại môi trường kinh doanh và một khi đã bắt đầu thì không bao giờ dừng lại.
Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI công bố hằng năm, tỉ lệ các công ty cho biết phải trả khoản phí không chính thức tăng từ 50% năm 2013 lên 64% năm 2014 và không thay đổi ở mức 66% trong 2 năm 2015, 2016. Chỉ đến năm 2017, tỉ lệ này mới bắt đầu giảm nhẹ, còn 59%.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết trong công cuộc phòng chống tham nhũng, DN vừa là nạn nhân vừa là tác nhân. Xây dựng liêm chính trong DN trở thành một trong những nhu cầu quan trọng nhất trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, để DN hướng tới chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện nay, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào vấn đề cải thiện chỉ số tham nhũng và cải thiện tình trạng tham nhũng. Do đó, từ năm 2006 đến nay, VCCI tích cực thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến liêm chính trong kinh doanh nhằm góp phần tạo sự thay đổi tích cực các thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam. Trong đó, nội dung xây dựng bộ công cụ chống hối lộ cho DNNVV, đào tạo trực tiếp cho DN, khuyến nghị chính sách lên Thủ tướng Chính phủ về thành lập Sáng kiến tăng cường hợp tác liêm chính giữa DN và Chính phủ là nhằm huy động sức mạnh tập thể, phòng chống tham nhũng, hối lộ trong khu vực nhà nước và khu vực DN tại Việt Nam. Các khuyến nghị này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ.
Theo ông Lộc, bộ công cụ chống tham nhũng cho DN được xây dựng trên cơ sở biên soạn lại bộ công cụ dựa trên kinh nghiệm quốc tế của nhóm các nước phát triển G20 để phù hợp với bối cảnh môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật và thực trạng DNNVV Việt Nam. Nhiều DN đã tham gia đăng ký khóa tập huấn "Các bước đi thực tế trong hỗ trợ DNNVV phòng ngừa tham nhũng".
Bộ công cụ này được xem là nỗ lực đầu tiên giải quyết vấn đề tham nhũng theo quan điểm của DNNVV với nhiều thông tin hữu ích về các quy định, lời khuyên và tư vấn thiết thực về phương pháp phòng chống tham nhũng. Nó còn chỉ dẫn những địa chỉ để DN có thể tìm tới khi cần trợ giúp và tư vấn. Để thực hiện, VCCI thành lập và vận hành một trung tâm trợ giúp song song với một trung tâm do chính DNNVV tự thành lập.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, cho biết mục đích của việc xây dựng công cụ là nhằm huy động sức mạnh tập thể, phòng chống tham nhũng, hối lộ trong khu vực nhà nước và khu vực DN tại Việt Nam. Khi 80% DN sử dụng bộ công cụ này, việc phòng chống tham nhũng trong nội bộ DN sẽ có hiệu quả, đồng thời lan tỏa đến hiệu quả chung của công tác phòng chống tham nhũng mà cả nước đang tiến hành trên nhiều lĩnh vực.
Không hối lộ sẽ gặp nhiều khó khăn
Đánh giá kết quả thực hiện Thúc đẩy sáng kiến liêm chính của nhóm nghiên cứu thuộc VCCI vừa tiến hành cho thấy mức độ đón nhận và thực hiện ở các DN là khác nhau, phụ thuộc vào quy mô cũng như tính chất DN đa quốc gia hay DN Việt Nam. Nhìn chung, các sáng kiến chưa dẫn đến hành động cụ thể ở mức độ công ty hoặc tạo ra thay đổi đáng kể trong môi trường kinh doanh. Đặc biệt, DNNVV vẫn tin không hối lộ sẽ gây nhiều khó khăn và khó có thể tồn tại, bảo đảm hoạt động kinh doanh. Trong thực tế, các DN này phải đối mặt với mâu thuẫn giữa bảo đảm đạo đức kinh doanh và tạo ra lợi nhuận. Họ lo ngại về rủi ro khi tố cáo tham nhũng và thiếu nguồn lực để giải quyết các yêu cầu hối lộ. Báo cáo cũng nhận định các biện pháp Chính phủ đang thực hiện tập trung nhiều vào cưỡng chế và trừng phạt, chứ không phải những biện pháp khuyến khích thực thi pháp luật chống tham nhũng hiệu quả. Do đó, muốn xây dựng liêm chính trong DN, cần chứng tỏ được lợi ích dài hạn của các DN khi thực hiện đạo đức và sự tuân thủ trong kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng hệ thống tuân thủ và văn hóa liêm chính trong các DN thông qua các chương trình phổ biến và đào tạo. Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng Ban Pháp chế VCCI: Vẫn phải gọi tham nhũng là "chi phí không chính thức" Ai cũng hiểu nội hàm câu chuyện chống tham nhũng nhưng trong thực tế đều phải nói tránh thành "chi phí không chính thức". Trong báo cáo PCI, chúng tôi phải sử dụng thuật ngữ "chi phí không chính thức" để lấy khảo sát DN. Nếu không, họ ngại cung cấp thông tin. DN hiện còn ngại chống tham nhũng vì cho rằng nếu tố cáo tham nhũng có thể thắng được một lần nhưng sau này khó hoạt động. Chống tham nhũng cần có 2 yếu tố. Một là, tăng tính minh bạch, ở đâu có thông tin thì ở đó tham nhũng giảm. Một chủ tịch tỉnh nói với tôi rằng ông từng thực hiện công bố thuế khoán trên một địa bàn. Chỉ một năm sau, tiền thuế thu được tăng lên gấp đôi. Vì cùng kinh doanh trên địa bàn, họ biết quy mô của nhau thế nào, tự giám sát lẫn nhau nên cán bộ thuế cũng phải tự điều chỉnh. Đây là cách chống tham nhũng hiệu quả mà không tốn chi phí. Hai là, nỗ lực trong xây dựng chính sách pháp luật để chống tham nhũng thì không bao giờ đủ, phải thay đổi quy trình và giám sát thực hiện. Chúng ta có những quy định vô thưởng vô phạt, không ai thực hiện cũng không sao nhưng khi bị cơ quan chức năng "sờ" đến là có tội. Cần khắc phục tình trạng này để DN chân chính không bị thiệt. Về phía cơ quan nhà nước cũng phải chủ động phòng chống tham nhũng. Hai năm qua, Bộ Tài chính đã đặt hàng chúng tôi có các nghiên cứu đánh giá mức độ hài lòng của DN với cơ quan thuế và hải quan. Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ rằng ông biết các nghiên cứu này là tốt nhưng rất chạnh lòng khi cả xã hội quan tâm "mổ xẻ" những số liệu về nhũng nhiễu của công chức ngay sau khi được báo chí đăng tải. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn quyết tâm làm, điều này cho thấy khi người đứng đầu đã vượt qua được thì chống tham nhũng sẽ có hiệu quả. Bà VIRGINIA B.FOOTE, đồng Chủ tịch Nhóm Công tác quản trị và liêm chính - Diễn đàn Kinh tế tư nhân: Còn tiêu tiền mặt thì khó chống tham nhũng Quan trọng là làm sao tìm ra giải pháp hỗ trợ DN Việt Nam chống tham nhũng. Có nhiều hạn chế để DN thực hiện liêm chính. Một là, hệ thống kế toán của Việt Nam chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, nhiều DN vẫn sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán. Hai là, DN vẫn không né tránh được các chi phí không chính thức. Ba là, Việt Nam vẫn sử dụng thanh toán tiền mặt. Người dân Việt Nam rất nhạy bén với công nghệ, tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại di động rất cao nhưng lại có tới 90% giao dịch thanh toán vẫn dùng tiền mặt. Giao dịch tiền mặt với tỉ lệ như vậy thì rất khó chống tham nhũng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải giảm tỉ lệ tiêu tiền mặt nhưng cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để không giao dịch tiền mặt trong cả Chính phủ và DN. Cuối cùng, cần phải quy định giới hạn đâu là một món quà, giá trị bao nhiêu được coi là quà. |
Theo NLD
Link nội dung: https://phaply.net.vn/xay-dung-bo-cong-cu-chong-tham-nhung-cho-doanh-nghiep-a191594.html