Bức tranh thương mại điện tử Việt Nam tuy đang tăng trưởng thần kỳ suốt mấy năm qua nhưng vẫn còn đó không ít “vùng xám” pháp lý với những ngổn ngang chưa có lời giải thỏa đáng.
Quản lý thuế và tiền ảo, lỗ hổng cần vá
Sự tăng trưởng thần kỳ của thương mại điện tử Việt Nam gần như ai cũng biết nhưng sự đóng góp nghĩa vụ cho ngân sách lại là một “vùng xám” pháp lý với rất nhiều khó khăn, cả về phía cơ quan thuế lẫn người kinh doanh thương mại điện tử.
Theo bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Chính sách thuế Thu nhập doanh nghiệp (thuộc Vụ Chính sách - Tổng cục Thuế), hiện nay hệ thống mã ngành áp cho các hoạt động kinh doanh vẫn chưa quy định cho thương mại điện tử nên cơ quan thuế rất khó xác định nghĩa vụ thuế của các cá nhân, doanh nghiệp (DN) đang kinh doanh trực tuyến.
Đó là chưa kể hiện tại Việt Nam chủ yếu vẫn dùng hóa đơn giấy. Một số DN tuy đã đăng ký kê khai dùng hóa đơn điện tử nhưng số này vẫn rất ít và hệ thống hóa đơn điện tử của DN cũng chưa kết nối với cơ quan thuế. Bởi vậy nên thật khó mà xác định doanh thu chính xác từ các hoạt động kinh doanh này.
Bên cạnh đó, chỉ riêng việc xác định bản chất giao dịch để xác định mức thuế cũng là vấn đề khó với cán bộ thuế. Những tổ chức kinh doanh lớn như UBER và GRAB thì mới nhận được sự “quan tâm” thỏa đáng để có hướng dẫn nộp thuế riêng, còn lại vô số mô hình kinh doanh online khác thì ngành thuế vẫn chưa thể nào “quản” hết.
Ngoài ra, cũng tương tự như nhiều nước khác, Việt Nam hiện vẫn còn lỗ hổng lớn trong thu thuế nhà thầu của các DN nước ngoài. Những tổ chức này tuy không hiện diện tại Việt Nam nhưng lại có thu nhập phát sinh từ Việt Nam. Thực tế, nhiều DN mua dịch vụ quảng cáo trên các website nước ngoài nhưng không hề kê khai thực hiện nộp thuế nhà thầu. Rồi rất nhiều cá nhân, tổ chức bán hàng trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… cũng không hề xuất hóa đơn; khi giao hàng thì nhờ các công ty vận chuyển thu tiền hộ, hoặc inbox cho khách hàng yêu cầu thanh toán qua kênh riêng, hoặc có kê khai doanh thu với cơ quan thuế nhưng vẫn chỉ là khai “tượng trưng”. Do đó, ngành thuế rất gian nan khi xác định doanh thu từ các hoạt động như vậy.
Từ phía người kinh doanh online, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đồng tình “kinh doanh là phải nộp thuế nhưng nộp sao cho thuận tiện, vinh dự, vẻ vang chứ không phải đi xin để được nộp thuế mãi mà chẳng được”. Thêm vào đó, “khái niệm tiền số, tiền ảo và blockchain đang ngày càng trở nên phổ biến và chắc chắn có tác động nhất định đến các hoạt động kinh doanh online nhưng hiện nay vẫn chưa có hệ thống quy định rõ ràng nào điều chỉnh các vấn đề này”, vị Chủ tịch VECOM ưu tư.
Sẽ sửa luật để quản lý thuế trong kinh doanh online
Hiện tại, ngành thuế chủ yếu vẫn đang trong “tâm thế” khuyến khích DN và cá nhân kinh doanh online tự kê khai nộp thuế. Tính chung cả năm 2017, riêng TPHCM đã gửi thư mời đến 14.500 cá nhân, tổ chức kinh doanh trực tuyến lên kê khai nộp thuế, nhưng cho đến nay mới lập được biên bản xác định số liệu với khoảng 4.000 trường hợp.
Bởi thế nên bà Mạnh Thị Tuyết Mai cho hay trước mắt, cơ quan thuế sẽ phối hợp các nhà mạng và công ty vận chuyển để đưa người kinh doanh online vào diện quản lý thuế.
Ngành thuế hiện đang nghiên cứu đề án Hóa đơn điện tử trình Chính phủ ngay trong năm 2018 này nhằm khuyến khích các DN kết nối hệ thống hóa đơn điện tử với cơ quan thuế. Ngành thuế cũng sẽ mở Cổng thông tin điện tử để người kinh doanh online có thể kê khai, đăng ký và nộp thuế, đồng thời sử dụng hóa đơn điện tử ngay trên giao diện này.
Còn về lâu dài, Tổng cục Thuế đang được giao chủ trì Luật Quản lý thuế sửa đổi. Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ dành hẳn một chương quản lý thuế cho giao dịch thương mại điện tử, với các quy định bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế.
Tất nhiên, mỗi ngành thuế khó có thể “quản” nổi một thị trường thương mại điện tử đang tăng trưởng đến hai con số mỗi năm. Vì vậy rất cần nhiều giải pháp phối hợp từ các bộ ngành có liên quan khác. Theo đó, có lẽ đã đến lúc cần quy định những khoản thanh toán dịch vụ xuyên biên giới phải thông qua cổng thanh toán nội địa của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS).
Bởi đây là đầu mối thống nhất để cơ quan thuế có thể xác định chính xác doanh thu các hoạt động kinh doanh online. “Tôi đề xuất với những giao dich thanh toán qua ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước cần giao ngân hàng thương mại đứng ra khấu trừ nộp thay thuế trước khi chuyển tiền cho bên bán hàng, đặc biệt khi bên bán là các tổ chức, DN nước ngoài”, lãnh đạo Phòng Chính sách thuế TNDN (Vụ chính sách - Tổng cục thuế) nhấn mạnh.
Vị đại diện ngành thuế cũng tin rằng Bộ Thông tin và Truyền thông có thể phối hợp đề nghị các tổ chức nước ngoài như Facebook, Google… đặt văn phòng tại Việt Nam để thuận tiện hơn cho công tác quản lý thuế; song cũng theo ông Nguyễn Thanh Hưng, chính sách thuế rất quan trọng nhưng với những thay đổi liên quan tới luật thì chỉ có Quốc hội mới được quyền điều chỉnh. “Tác động tới Quốc hội không dễ, mà nói như Vụ Chính sách - Tổng cục Thuế thì có thể phải sửa hàng loạt luật như: Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập DN, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Quản lý thuế sửa đổi, Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu…”.
Trong khi mọi giải pháp có tính bước ngoặt cho quản lý thuế với thương mại điện tử hãy còn là “dự kiến” thì thương mại điện tử Việt Nam vẫn đang được dự báo tiếp tục tăng trưởng đến 25% mỗi năm và thậm chí có thể còn tăng nhanh hơn nữa theo những đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Chính Phủ
Link nội dung: https://phaply.net.vn/quan-ly-thue-voi-thuong-mai-dien-tu-vung-xam-con-qua-lon-a191532.html