Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho PV biết, cơ quan này sẽ rà soát, phối hợp cơ quan chức năng để xử lý các vấn đề liên quan theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về rà soát và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý việc sử dụng các hình thức thanh toán trên internet liên quan tới các hành vi vi phạm pháp luật.
Trao đổi với PV, đại diện NHNN cho biết, đang cho rà soát tình hình và tổng hợp toàn bộ hoạt động thanh toán theo chỉ đạo.
Về cách thức hoạt động của cổng thanh toán, một chuyên gia lĩnh vực này chỉ ra: Cổng thanh toán thực chất chỉ là nơi kết nối các ngân hàng với các đơn vị cung cấp hàng hóa dịch vụ, trong đó có các đơn vị bán mã thẻ điện thoại và mã thẻ game. Cổng thanh toán không được phép quy đổi tiền ảo, mã thẻ và các vật phẩm ảo trong trò chơi điện tử thành tiền thật. “Nếu chủ tài khoản sử dụng tiền từ tài khoản ngân hàng của họ để mua thẻ viễn thông đó là việc bình thường hợp pháp. Còn việc dùng thẻ viễn thông để đánh bạc đó mới là vấn đề bất hợp pháp”, chuyên gia nêu ý kiến.
Còn lãnh đạo một ngân hàng cổ phần am hiểu về công nghệ thông tin thì chia sẻ: việc sử dụng hệ thống tiền đánh bạc đang xảy ra nhiều với những người mua thẻ cào và nạp tiền để chơi game. “Ở đây, các công ty đánh bạc đã lạm dụng kẽ hở bên ngoài sử dụng thẻ cào như một phương tiện, đặc biệt khi việc mua bán thẻ cào luôn dễ dàng, không cần định danh nhân thân”, ông nói.
Theo ông này, hiện các giao dịch bất thường trên hệ thống ngân hàng đang được kiểm soát khá chặt. “Dù một ngày có mấy chục triệu giao dịch nhưng chỉ cần một cá nhân nạp tiền với tần suất bất thường (ví như nạp thẻ điện thoại 10 triệu đồng/ngày qua việc thanh toán từ tài khoản ngân hàng, hay doanh nghiệp có giao dịch bất thường theo quy định, chắc chắn họ sẽ đặt nghi vấn ngay. Ngay tại ngân hàng tôi, việc báo cáo giao dịch hằng ngày vẫn làm rất chặt theo đúng quy định”, vị lãnh đạo ngân hàng này cho biết.
Kiểm soát trung gian thanh toán, cách nào?
Thanh toán điện tử được đánh giá là mảnh đất “màu mỡ”. Theo NHNN, đến cuối tháng 10/2017 đã có 25 tổ chức không phải là ngân hàng được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Trong đó có những cái tên nổi bật như Napas, Vnpay, M_service, Wepay, Viet union... Thống kê cho thấy, giá trị giao dịch qua ví điện tử năm 2016 đạt 53.109 tỷ đồng, tăng tới 64% so với năm 2015.
Tại Thông tư 39/2014/TT-NHNN quy định: Có 2 loại dịch vụ trung gian thanh toán như sau: Dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử (gồm dịch vụ chuyển mạch tài chính; Dịch vụ bù trừ điện tử; Dịch vụ cổng thanh toán điện tử); Dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán (gồm dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử; Dịch vụ Ví điện tử). Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải xây dựng và thực hiện quy định nội bộ và tuân thủ theo quy định của NHNN về các nguyên tắc quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử, tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống rửa tiền và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.
Hồi tháng 10/2017, NHNN đã có văn bản số 8104/NHNN-TT yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo an toàn hoạt động, tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động trung gian thanh toán.
“Làm cách nào có thể kiểm soát các doanh nghiệp trung gian thanh toán để biết họ đã thực hiện đúng chức năng khi cấp phép?”. Theo một chuyên gia thanh toán, trước hết cần dùng công nghệ để giám sát giao dịch bất thường; yêu cầu phải giám sát nếu làm sai thì cảnh báo; vừa ràng buộc về mặt pháp lý. Bên cạnh đó các công ty công nghệ cũng phải vào cuộc giám sát.
“Có 2 việc quan trọng cần phải làm. Thứ nhất, cần quản lý tốt hơn dịch vụ thẻ cào. Đây là lỗ hổng lớn trong thời gian vừa qua. Thứ hai, cần tăng cường quản lý giám sát đối với các hệ thống thanh toán khác nhau, đặc biệt là các hệ thống thanh toán gắn với công nghệ thông tin như hệ thống thanh toán qua Internet”.
Chuyên gia Cấn Văn Lực, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam.
Theo Báo Tiền Phong
Link nội dung: https://phaply.net.vn/ra-soat-cac-hoat-dong-thanh-toan-lien-quan-vu-danh-bac-hon-9-000-ty-a191498.html