(Pháp lý) - Kim Ngọc là một quan chức nổi tiếng bởi dám làm vì dân và dám chịu trách nhiệm bằng cả sinh mệnh chính trị của mình. Cuộc đời ông tạo không ít cảm xúc cho người cùng thời và người của những thế hệ sau viết về ông. Cuộc đời ông đã được dựng thành phim, thành tiểu thuyết. Dựa trên những tư liệu quý giá lưu trữ về ông, chúng tôi thực hiện bài viết này…
Người hiểu cơn bĩ cực của dân
Ai đã trải qua những năm tăm tối của nền kinh tế bao cấp mới thấu hiểu những điều mà ông Kim Ngọc đau đáu. Đó là giai đoạn mà đất nước thiếu thốn đủ thứ, cuộc sống của người dân khó khăn đến cùng cực. Từng vật dụng tối thiểu gắn với đời sống của con người như cái lốp xe hỏng không có để thay, gói thuốc lào để mốc, kem đánh răng để lâu hóa thành vôi, thịt ươn, cá thối được cấp để làm thức ăn cho người...Khó khăn chất chồng, não nề cảnh xếp hàng để mua đồ bằng tem phiếu.
Những con người tưởng là chân thật nhất xã hội là nông dân, cũng hóa thành xảo trá. Trong lao động hợp tác xã (HTX), người nông dân bị buộc phải làm ăn gian dối, cày bừa qua quýt làm đất đá nhổn nhổn, cấy lúa cong queo, thừa thớt, đóng góp cho HTX thì mang tính đối phó cho xong… Tất cả là bởi cách thức đánh giá cào bằng trong HTX. Khó khăn sinh ra thêm khó khăn. Khi ấy người dân đặt câu hỏi với những người lãnh đạo mình: “Thóc công điểm chia không đủ nấu cháo. Tôi hỏi ông, bụng ông lép kẹp có đi bừa nổi không?”
Ngay cuộc sống của “quan đầu tỉnh” cũng chính là ông Kim Ngọc (sau này được dựng thành phim) cũng gặp không ít khó khăn. “Ngày xưa như tôi bây giờ được coi là quan đầu tỉnh. Vợ đẹp, con ngoan, ô tô nhà lầu, kẻ hầu người hạ chẳng thiếu thứ gì. Bây giờ thì năm đứa con cả trai lẫn gái, đứa nào cũng mặc quần vá, vợ tôi phải lấy cái thế của vợ Bí thư Tỉnh ủy để mua năm cái bao đựng đường về giặt rồi nhuộm để may quần áo cho con...” trăn trở của chính Bí thư Tỉnh ủy về cuộc sống của mình.
Con người của Kim Ngọc là con người luôn trăn trở. Chứng kiến nông dân trong hợp tác xã xây dựng chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế tập thể ông nhận thấy: “Lịch sử cha ông ta có những giai đoạn mất nước nhưng làng chưa bao giờ mất. Nếu chúng ta phá bỏ làng, dồn dân vào một cụm như doanh trại quân đội thì chẳng khác gì chúng ta xẻ thịt một cơ thể cường tráng ra thành từng mảnh, bấy giờ chẳng còn gì. Cho nên tôi nghĩ, không biết có đúng hay không nhưng chúng ta phải xây dựng Chủ nghĩa xã hội theo phong tục tập quán của ta, từ phương thức canh tác đến cộng đồng làng xã… Phải để cho nông dân làm chủ mảnh ruộng của mình, được chủ động trong kế hoạch sản xuất”
Từ suy nghĩ này ông quyết định phải thay đổi cơ chế quản lý lao động nông nghiệp của HTX, trong đó có phương thức khoán hộ. Nghị quyết 68 NQ/TƯ ngày 10/9/1966 của tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra đời trong bối cảnh như vậy. Đặt vào những năm tháng ấy, khi mà tư tưởng bảo thủ, giáo điều, duy ý chí đang mạnh, khi một số chủ trương, chính sách, Nghị quyết lệch pha với thực tế cuộc sống, tạo thành những lỗ hổng tiêu cực nhưng vẫn áp cho cơ sở và cơ sở phải chấp hành thì việc đưa khoán hộ vào nông nghiệp chẳng khác gì loạt đại bác công phá. Ông Kim Ngọc khi đó trở thành người đứng vào vị trí chịu áp lực tổn hại đến cả sinh mệnh chính trị.
Quả ngọt của Khoán hộ
“Nếu mất chức Bí thư Tỉnh ủy mà dân được no đủ thì mình cũng mãn nguyện”. Câu nói đó là của Cố Bí thư Tỉnh Ủy Kim Ngọc – Cha đẻ của mô hình khoán. Với khoán hộ, ông đã trải qua giai đoạn “mang nặng, đẻ đau”. Rồi cũng như không ít bậc cha mẹ, ông đã không sống đủ lâu để thấy “đứa con” của mình sống sót, trưởng thành, phát triển. Thực tế đã chứng minh Nghị quyết khoán hộ đem lại phép màu cho địa phương. Chỉ qua hai vụ khoán, năng suất từ chỗ hai tấn đến 2 tấn rưỡi/1ha đã lên đến 5 tấn, có nơi 7 tấn. Tổng sản lượng toàn tỉnh Vĩnh Phúc tăng đột biến…
Thế nhưng đường đi của cái mới thì luôn gập ghềnh. Lãnh đạo cấp cao hơn không đồng thuận với ý tưởng mà ông đề ra. Ngày 6/11/1968 thì lãnh đạo cấp trên đã phê bình gay gắt chủ trương khoán hộ của Kim Ngọc. “Việc khoán ruộng cho họ đã dẫn đến hậu quả tai hại là phát triển tư lợi, làm phai nhạt ý thức tập thể của xã viên, thủ tiêu phong trào thi đua yêu nước trong HTX, kìm hãm và đẩy lùi cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp, giảm nhẹ vai trò của lao động tập thể XHCN, phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ, đẩy HTX nông nghiệp vào con đường thoái hóa và tan rã”.
Hồi nhớ lại nhìn nhận của những con người trong giai đoạn đó, tác giả Vân Thảo, người khởi bút cuốn Bí Thư tỉnh Ủy chia sẻ: Tôi biết chuyện khoán hộ của ông Kim Ngọc – Cố bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc ngay từ khi ông bị phê phán đi ngược lại đường lối tập thể hóa… Bấy giờ tôi đang ở trong quân đội, không có thông tin đầy đủ nên tôi hoàn toàn ủng hộ việc phê phán sai lầm của ông Kim Ngọc. Gần năm mươi năm, câu chuyện khoán hộ của ông Kim Ngọc bị thời gian vùi lấp, không còn thấy ai nhắc tới.
Chủ trương khoán hộ của Kim Ngọc phải trải qua không ít gập ghềnh. Còn nhớ, ngày 12/12/1968 ,Ban Bí thư yêu cầu Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (lúc này đã gộp hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ chấn chỉnh việc khoán hộ mà thực chất là cấm khoán hộ). Mặc dù cha đẻ của Khoán hộ phải làm bản kiểm kiểm thừa nhận “quan điểm lập trường còn mơ hồ nên chưa quán triệt đường lối, nguyên tắc, chính sách của Đảng trong việc quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp” nhưng thực tế khoán chui đã diễn ra khắp các vùng nông thôn. Tháng 8/1979, ba tháng sau ngày ông Kim Ngọc mất, Tỉnh ủy Vĩnh Phú ra nghị quyết chủ trương khoán cây màu vụ đông, đến năm 1980 tiếp tục khoán cây lúa. Sau đó, Trung ương bắt đầu cho áp dụng chế độ khoán trong toàn bộ nền nông nghiệp Việt Nam với tên gọi “khoán 10”.
“Nông dân ta no ấm, trước hết là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Nhưng trong quá trình xây dựng đất nước thì chúng ta phải cảm ơn Kim Ngọc, một đảng viên sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân… Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa cái mới đến, bây giờ đất nước có phát triển là nhờ lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong…”Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ngợi khen.
Thông điệp hiện thời…
Không chỉ là người trăn trở với khoán hộ, trong suốt quá trình công tác, Bí thư Kim Ngọc còn luôn trăn trở về những vấn đề hệ trọng của Đảng. Đây là những vấn đề vẫn còn nguyên tính thời sự trong giai đoạn hiện nay. Kim Ngọc nói: “Xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa không thể để những loại cơ hội trong Đảng, những người thoái hóa biến chất, những người không đủ tiêu chuẩn, những người chân ngoài dài hơn chân trong. Đảng cũng không phải là nơi chứa chấp họ hàng cha chú, địa vị, phe cánh. Đây hoàn toàn là một tổ chức của những người cộng sản đóng vai trò tiên phong. Chúng ta sẽ không sợ phải cho ra quá nhiều, miễn là chúng ta làm đúng, để số đảng viên còn lại là những người trung thành nhất của Chủ nghĩa xã hội, một lòng, một dạ với tập thể như một khối thép nam châm có khả năng lôi cuốn quần chúng đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Trong những câu chuyện viết về gia đình Kim Ngọc còn được lưu giữ, người viết ấn tượng nhất là cách mà ông dạy dỗ, dặn dò những đứa con. Kim Sơn là người con cả của ông, từng theo bố vào ở trong rừng chiến khu, ông nhận được tình yêu từ những cái ôm của bố trên những chiếc giường rẻ quạt hoặc ván ghép. Kim Sơn có thời bé với quần nâu, áo vải, lang thang chơi ngịch cùng con em cán bộ, nông dân. Lương thực thì có gì dùng đấy. Có lần Kim Sơn đi học ở nước ngoài, anh ngỏ ý muốn xin cha mình lời dặn dò. Kim Ngọc đã dặn con: Trong phe ta, kỹ thuật chính xác của người Đức vẫn là số một. Sau này đất nước muốn thăng tiến giàu mạnh không thể không có một nền tảng kỹ thuật và công nghệ mạnh…
Khi người con hỏi thêm, thì cha lại dặn: “Thì con là người Việt, biết thêm một nền văn hóa khác không có nghĩa là con từ bỏ một nền văn hóa hiện có của mình. Không bao giờ có một nền văn hóa lại có thể tiêu diệt một nền văn hóa”.
Kim Sơn bày tỏ băn khoăn vì lời dặn chưa đủ như anh mong muốn. Người cha lại dặn tiếp: Chẳng lẽ bố dặn chưa đủ. Cuộc đời con là của con. Tất cả những điều con có được đều phải từ hai bàn tay mình – Người cha mở hai bàn tay sần chai trước mặt – Ta cũng có thể là cái bệ phóng nhưng cũng có thể là hồ nước níu giữ con khi con không có khả năng bơi lội. Dù con có đứng chân ở đâu thì vẫn là đứng trên nền tảng văn hóa Việt. Bố hoàn toàn tin khi con xa nhà… Đến dặn con, ông cũng thể hiện là người nghĩ lớn, bởi những lời dặn dò phần nhiều là vì cái chung, vì đất nước. Ngay cả lời dặn cuối cùng, tưởng chừng là dành cho cá nhân nhưng thực chất cũng là cho cái chung, vì đất nước.
Còn với Kim Nam, người em của Kim Sơn sau này làm đến chức Giám đốc Sở Tư Pháp Vĩnh Phúc, hiện là Chủ tịch Hội Luật gia Vĩnh Phúc cũng từng chia sẻ: Bố tôi là người luôn tin ở các con và dạy dỗ các con bằng chính sự nêu gương đến khắc khổ của bản thân…
Cuốn tiểu thuyết Bí Thư Tỉnh Ủy có lẽ là cuốn sách sâu sắc bậc nhất về cuộc đời của ông Kim Ngọc. Đó là một cuốn tiểu thuyết không phải một sự hư cấu thuần túy văn học. Ở đây, tác giả chỉ sử dụng thủ pháp văn học để nói về một sự kiện lịch sử có thật và về một người anh hùng có thật. Sự kiện đó là khoán trong nông nghiệp Việt Nam – Một vấn đề và cũng là một sự thách đố có ý nghĩa sinh tử đối với số phận nền kinh tế Việt Nam.
* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn Bí thư Tỉnh Ủy và tuyển tập các bài viết về Bí thư Tỉnh Ủy Kim Ngọc
Minh Hải
Link nội dung: https://phaply.net.vn/co-bi-thu-tinh-uy-kim-ngoc-va-nhung-thong-diep-hien-thoi-a191384.html