(Pháp lý) - Tháng 2 vừa qua, Tổ chức Minh bạch quốc tế ( TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng ( CPI) 2017 xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.. Theo đó, năm 2017, đảo quốc New Zealand tiếp tục dẫn đầu – quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới với 89 điểm, giảm nhẹ 1 điểm so với năm 2016. Vậy những yếu tố quan trọng nào giúp New Zealand ít tham nhũng? Cơ quan tư pháp và hoạt động tố tụng ở New Zealand có gì đặc biệt? Sau đây, Pháp lý xin thông tin tới bạn đọc.
Chỉ số cảm nhận tham nhũng 2017 ở các quốc gia có gì đặc biệt?
Đan Mạch, sau nhiều năm dẫn đầu hoặc đồng hạng, đã lùi xuống vị trí thứ 2 với 88 điểm. Phần Lan, Na Uy và Thụy Sĩ đồng hạng với 85 điểm. Tại châu Á, Singapore, với 84 điểm, giữ vị trí số 1 của khu vực.
Bảng xếp hạng CPI năm 2017 cũng chứng kiến một số cuộc đổi ngôi đáng chú ý tại Đông Nam Á. Trong khi các quốc gia như Việt Nam (107), Thái Lan (96) nhích nhẹ lên các thứ hạng cao hơn, không ít nước bị tụt hạng so với năm 2016 như Malaysia (sụt 7 bậc, hạng 62/180), Philippines (sụt 10 bậc, hạng 111/180), Lào (sụt 13 bậc, hạng 135/180). Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu, tăng 2 điểm (tăng 6 bậc) so với khảo sát năm 2016. Tổ chức Hướng Tới Minh Bạch (TT) - Cơ quan đầu mối của TI tại Việt Nam ghi nhận những tín hiệu tích cực trong nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.
Không ngạc nhiên khi Somalia, quốc gia được các học giả quốc tế dẫn chứng cho thuật ngữ "quốc gia thất bại" là nước đứng cuối bảng. Quốc gia tham nhũng nhất châu Á năm 2017 theo TI là Afghanistan (hạng 177/180).
Đôi nét về cơ quan lập pháp của New Zealand
New Zealand là một quốc gia quân chủ lập hiến với một thể chế đại nghị. Ở quốc gia này, Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia. Bà được đại diện bởi một Toàn quyền, vốn được bổ nhiệm dựa trên sự đề cử từ Thủ tướng. Còn quyền lập pháp thuộc về Nghị viện, được bầu cử dân chủ.
Cụ thể, Nghị viện New Zealand theo thể chế đơn viện, còn gọi là Viện Dân biểu New Zealand, bao gồm 120 thành viên. Cuộc bầu cử Nghị viện được tổ chức cứ ba năm một lần dưới dạng đại diện tỷ lệ gọi là Thành viên Tỷ lệ Hỗn hợp (MMP). Thành viên Tỷ lệ Hỗn hợp thường có 120 ghế trong Nghị viện; một ghế phụ thỉnh thoảng có thể được thêm vào nhằm đảm bảo sự đại diện tỷ lệ. Trong tổng số các ghế tại Nghị viện, có 65 ghế (được bầu chọn trực tiếp bởi cử tri) được thay thế cho các thành viên cũ, bao gồm cả 7 ghế dành cho thổ dân Maori. Còn 55 ghế được phân bổ tương ứng với tỷ lệ ủng hộ mà người dân dành cho mỗi chính đảng.
Phần còn lại là Hạ viện, gồm các nghị sỹ do cử tri từ 18 tuổi trở lên bầu ra. Khi một chính đảng hay nhiều chính đảng nhận được sự ủng hộ của đa số tại Hạ viện thì chính đảng đó hay liên minh chính đảng đó có quyền đứng ra thành lập Chính phủ và điều hành đất nước. Chính phủ có trách nhiệm trả lời Nghị viện về các chính sách và chương trình hành động của mình. Những vấn đề này được đưa ra tranh luận tại Hạ viện và các ủy ban được lựa chọn sẽ tiến hành thẩm tra.
Đáng chú ý, mối quan hệ kiềm chế đối trọng nhau giữa cơ quan hành pháp - lập pháp còn thể hiện ở chỗ thành viên của Hội đồng Hành pháp (vốn là một hội đồng chính thức bao gồm tất cả bộ trưởng trong Chính phủ Hoàng gia) phải là thành viên của Nghị viện và phần lớn trong số đó nằm trong thành phần Nội các. Nội các là cơ quan đưa ra những chính sách quan trọng do Thủ tướng lãnh đạo. Thủ tướng là người được chọn ra từ những người đứng đầu đảng cầm quyền hay liên minh giữa các đảng nắm đa số trong Nghị viện. Đây là cơ chế quyền lực cao nhất của Chính phủ.
Cơ quan tư pháp và việc tranh tụng ở New Zealand
Điểm đáng chú ý nhất là ở New Zealand không có cơ quan Công tố độc lập mà Nhà nước phối hợp cùng với các Văn phòng Luật sư để trao cho các Văn phòng này thực hành quyền công tố tại phiên toà hình sự ở các Toà án, từ Toà án cấp cơ sở đến Toà án tối cao. Ở New Zealand có 16 Văn phòng Luật sư kiểu này, họ là các Công ty luật được Nhà nước ký hợp đồng và giao cho họ thẩm quyền đại diện cho Nhà nước thực hành quyền công tố tại phiên toà đồng thời làm nhiệm vụ tư vấn cho các cơ quan Nhà nước trong việc truy tố…
Hệ thống Toà án ở New Zealand được tổ chức thành 4 cấp: Toà án cấp cơ sở, Toà án cấp cao, Toà án cấp phúc thẩm và Toà án tối cao. Toà án cấp cơ sở giải quyết 95% số vụ án xảy ra ở New Zealand, đó là các vụ án hình sự do một thẩm phán xét xử, thẩm phán Toà án này có thẩm quyền xét xử đến 20 năm tù, các tranh chấp dân sự dưới 250.000 Đô la New Zealand. Toà án cấp cao xét xử các vụ án có bồi thẩm đoàn và các tranh chấp dân sự có giá trị trên 250.000 đô la New Zealand; Toà án cấp phúc thẩm giải quyết các kháng cáo, kháng nghị của Toà án cấp cao; Toà án tối cao xét xử những vụ án có kháng cáo, kháng nghị của Toà án cấp dưới nhưng có liên quan đến việc giải thích pháp luật và các bản án đó trở thành khuôn mẫu án lệ cho Toà án cấp dưới áp dụng trong hoạt động xét xử.
Điểm chú ý trong hệ thống xét xử ở New Zealand là việc xét xử sơ bộ trước khi xét xử chính thức được chuẩn bị rất kỹ. Có nghĩa là trước khi đưa vụ án ra xét xử chính thức ở thủ tục có bồi thẩm đoàn thì việc xét xử sơ bộ để xem xét, đánh giá chứng cứ và áp dụng các biện pháp tư pháp khác đối với người phạm tội được xem xét rất thận trọng.
Khi có hành vi phạm tội xảy ra - cảnh sát là cơ quan thực hiện việc điều tra tội phạm và người phạm tội và cảnh sát là cơ quan duy nhất thực hiện việc điều tra tội phạm. Cơ chế xét xử sơ bộ cho phép cơ quan thực hiện quyền công tố trong quá trình tư vấn cho Nhà nước truy tố người phạm tội ra trước Toà án, chỉ áp dụng biện pháp xử lý hình sự khi có đầy đủ chứng cứ buộc tội và việc buộc tội phải phục vụ lợi ích của cộng đồng. Nếu xét thấy không cần thiết phải truy tố để xử lý hình sự thì có thể tư vấn cho Nhà nước áp dụng các biện pháp cưỡng chế, giáo dục khác như lao động công ích. Trước khi đưa ra truy tố, các bên có thể thoả thuận, thương lượng với nhau về việc áp dụng các biện pháp tư pháp sao cho phù hợp và có hiệu quả. Luật sư Nhà nước thực hiện chức năng công tố có thể thương lượng, thoả thuận cùng với Luật sư bào chữa, bị hại, bị cáo về việc có truy tố hay không truy tố. Việc truy tố một vụ việc ra trước Toà án để xét xử phải nhằm mục đích giải quyết những trường hợp có tính chất bức xúc trong xã hội và có tính chất phòng ngừa chung.
Khi xét xử các vụ án hình sự, trước khi thẩm phán quyết định hình phạt thường tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý nhà tù ở New Zealand về mức hình phạt sẽ được áp dụng đối với bị cáo đó. Mặc dù đây không phải là điều kiện có tính chất bắt buộc đối với thẩm phán nhưng có ý nghĩa tham khảo rất quan trọng và là một thủ tục bắt buộc đối với các thẩm phán trước khi quyết định hình phạt. Bởi vì ngoài các điều kiện để quyết định hình phạt đối với người phạm tội do pháp luật quy định, việc tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý, giáo dục người phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng, vì thông qua việc cải tạo, giáo dục người phạm tội trong các trại giam, cơ quan này có thể thấy rõ được việc áp dụng hình phạt như thế nào để cải tạo, giáo dục người phạm tội có hiệu quả…
Những yếu tố quan trọng giúp New Zealand ít tham nhũng
Cũng như nhiều quốc gia, New Zealand là thành viên của Công ước về chống hối lộ các công chức nước ngoài của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) từ năm 2001. New Zealand cũng đã ký kết Công ước về chống tham nhũng của LHQ năm 2003.
Nước này có 2 văn bản điều chỉnh các hành vi liên quan đến các tội tham nhũng, nhận hối lộ, đó là Luật Hình sự năm 1961 và Luật Các khoản hoa hồng bí mật năm 1910.
Luật Hình sự New Zealand xác định rõ các đối tượng là chủ thể của tội tham nhũng, nhận hối lộ, đó là các thẩm phán, nhân viên tòa án, công chứng cho đến các bộ trưởng, đại biểu quốc hội, công an, công chức…
Hình phạt nặng nhất, 14 năm tù, có thể áp dụng với các thẩm phán phạm tội. Đối với các chủ thể còn lại, hay đối với người đưa hối lộ thì hình phạt nặng nhất là 7 năm. Điều đó cũng thể hiện rõ, “người nắm rõ luật mà phạm luật” thì phải bị xử nặng hơn.
Trong khu vực tư nhân, các hành vi “đưa và nhận hối lộ” sẽ được điều chỉnh bởi luật Các khoản hoa hồng bí mật năm 1910. Các chủ thể tội nhận hối lộ bao gồm luật sư, môi giới chứng khoán, giám đốc doanh nghiệp… Tuy nhiên, hình phạt được quy định nhẹ hơn so với hình phạt trong luật Hình sự.
Có lẽ số lượng văn bản pháp luật không phải là yếu tố mang tính quyết định tới cuộc chiến chống tham nhũng ở New Zealand. Điều quan trọng là hiệu quả của các cơ chế, qui trình của việc đưa ra ánh sáng các trường hợp phạm tội.
Để nâng cao hiệu quả trong việc phòng chống tham nhũng, các yếu tố như nguyên tắc pháp quyền, sự độc lập của cơ quan tư pháp, phản biện và trách nhiệm giải trình, minh bạch, tự do báo chí và trình độ dân trí đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Nguyên tắc pháp quyền
Nguyên tắc pháp quyền bao gồm các yếu tố như quyền lực của các cơ quan nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, và Tòa án) chỉ được thực thi khi pháp luật ủy quyền; pháp luật phải tuân theo tiêu chuẩn của sự hợp lý, công bình, ví dụ như các đạo luật phải mang tính ổn định, rõ ràng; pháp luật phải đảm bảo các cơ chế chống lại sự lạm quyền của các cơ quan công quyền; mọi người bình đẳng trước pháp luật.
Sự độc lập của tư pháp
Hệ thống Tòa án được tổ chức theo 4 cấp: tòa án khu vực, tán cấp cao, tòa phá án (phúc thẩm) và tòa án tối cao.
Tòa án khu vực xét xử đối với hầu hết các vụ việc từ dân sự, kinh tế, thương mại đến hình sự. Tuy nhiên đối với các vụ án dân sự, kinh tế, thương mại có giá trị từ 200,000 NZ đô la trở lên hay các tội phạm nghiêm trọng sẽ được xét xử bởi Tòa án cấp cao.
Báo chí
Báo chí là một phần rất quan trọng trong việc phát hiện, đưa tin, tố giác tham nhũng. Quyền tự do báo chí ở New Zealand được đảm bảo bởi các quy định của pháp luật. Hơn nữa, các phương tiện truyền thông đa đạng dưới các hình thức khác nhau, cũng độc lập sẽ giúp quyền tự do báo chí được thực thi trên thực tế.
Trình độ dân trí
Dân trí và tham nhũng có mối quan hệ tỉ lệ nghịch với nhau. Một nghiên cứu về mối quan hệ giữa trình độ dân trí và mức độ tham nhũng ở 63 quốc gia đã chỉ ra rằng nước nào tham nhũng càng cao thì nước đó có trình độ dân trí thấp.
New Zealand là nước ít tham nhũng nhất và cũng nằm trong nhóm 5 nước có trình độ dân trí cao nhất thế giới.
Trách nhiệm giải trình của Chính phủ
Trách nhiệm giải trình của chính phủ là việc các cán bộ của cơ quan công quyền có nghĩa vụ giải thích các chính sách, quyết định và hành vi của họ tới người dân. Trách nhiệm giải trình được thực hiện thông qua các cơ chế khác nhau (chính trị, luật pháp và hành chính) nhằm ngăn ngừa tham nhũng cũng như đảm bảo rằng các cán bộ của cơ quan công quyền luôn chịu trách nhiệm trả lời trước người dân. Sau khi trả lời, các cán bộ này có thể phải chịu những trách nhiệm nhất định, ví dụ như bỏ phiếu tín nhiệm, cách chức…
Ngoài ra, Chính phủ mở và minh bạch cũng là một nhân tố quan trọng. Dựa trên nền tảng dân chủ, Chính phủ New Zealand luôn cam kết minh bạch hóa các dữ liệu từ các cơ quan công quyền để đảm bảo người dân có thể tiếp cận các thông tin chính xác, kịp thời.
Đặc biệt, New Zealand đang khuyến khích các cơ quan nhà nước đăng tải dữ liệu và thông tin lên mạng Internet để người dân dễ tiếp cận thông tin hơn, điều này cũng mang lại lợi ích đối với cộng đồng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, các thông tin về bí mật đời tư phải được bảo vệ.
New Zealand là một đảo quốc tại khu vực Tây Nam của Thái Bình Dương. Về địa lý, New Zealand gồm hai đại lục chính là đảo Bắc và đảo Nam và các đảo nhỏ hơn. New Zealand nằm cách khoảng 1.500 kilômét (900 mi) về phía Đông Nam của Úc qua biển Tasman và cách khoảng 1.000 kilômét (600 mi) về phía Nam của Nouvelle-Calédonie, Fiji và Tonga. Thủ đô của New Zealand là Wellington, còn thành phố đông cư dân nhất là Auckland. Ngày nay, đa số trong dân số 4,5 triệu của New Zealand có huyết thống châu Âu; người Maori bản địa là dân tộc thiểu số đông dân cư nhất, tiếp đến là người châu Á và người các đảo Thái Bình Dương. Ngành xuất khẩu len từng thống trị kinh tế New Zealand, song hiện nay xuất khẩu các sản phẩm bơ sữa, thịt và rượu vang, cùng với du lịch gia tăng tầm quan trọng. Điểm đáng chú ý nhất là ở New Zealand không có cơ quan Công tố độc lập mà Nhà nước phối hợp cùng với các Văn phòng Luật sư để trao cho các Văn phòng này thực hành quyền công tố tại phiên toà hình sự ở các Toà án, từ Toà án cấp cơ sở đến Toà án tối cao. Có lẽ số lượng văn bản pháp luật không phải là yếu tố mang tính quyết định tới cuộc chiến chống tham nhũng ở New Zealand. Điều quan trọng là hiệu quả của các cơ chế, qui trình của việc đưa ra ánh sáng các trường hợp phạm tội. Chính phủ mở và minh bạch cũng là một nhân tố quan trọng. Dựa trên nền tảng dân chủ, Chính phủ New Zealand luôn cam kết minh bạch hóa các dữ liệu từ các cơ quan công quyền để đảm bảo người dân có thể tiếp cận các thông tin chính xác, kịp thời. |
Hà Trang (tổng hợp)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/new-zealand-quoc-gia-it-tham-nhung-nhat-the-gioi-a191379.html