Trong Phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long sáng 19/3 tại UBTVQH, những nội dung nóng như giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có tình trạng khiếu kiện lòng vòng, kéo dài và tình trạng việc chuẩn bị dự thảo văn bản hướng dẫn kèm theo một số dự án Luật mang tính hình thức, đối phó… đã được đặt ra.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo còn lòng vòng
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, có cần thiết cải tiến quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo không? Và nếu có, thì quy trình này cần cải tiến theo hướng nào để khắc phục hiệu quả những hạn chế hiện nay?
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, những vụ việc này tập trung vào công tác thi hành án dân sự, bổ trợ tư pháp trong cấp lý lịch (luật sư, quốc tịch, cấp phiếu lý lịch tư pháp…), hay một số vấn đề trong hành chính tư pháp. Nhấn mạnh đây là những lĩnh vực được Bộ Tư pháp ưu tiên xử lý trong khiếu nại tư pháp, song Bộ trưởng cũng thừa nhận, trong thực tế cũng có trường hợp đã giải quyết hết theo quy trình, nhưng người dân chưa đồng tình, nên văn bản trả lời đi trả lời lại, có văn bản chuyển lòng vòng. Trong trường hợp này, nếu giải trình theo con đường hành chính chưa tạo sự thỏa mãn, thì cần đưa ra Tòa án giải quyết. Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thừa nhận, “có một số vụ việc cụ thể, cán bộ, công chức trong ngành giải quyết chưa rốt ráo”.
Bộ trưởng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra theo từng vụ việc. Với nhóm vụ việc kéo dài, sẽ phải lập danh sách cụ thể từng vụ việc, trong đó ghi rõ lý do kéo dài. Công tác tiếp công dân được thực hiện hàng tháng, do Bộ trưởng, hoặc lãnh đạo Bộ trực tiếp tham gia. Trong công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp lập Tổ công tác, do Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự phụ trách chỉ đạo và lập danh sách các vụ việc, quá trình giải quyết từng vụ việc. Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định:“Tinh thần chung là giải quyết khiếu nại, tố cáo công minh, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được quy định”.
Chất lượng văn bản
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Trương Minh Hoàng đề cập việc thời gian qua việc thực hiện chương trình xây dựng luật pháp lệnh chưa được tuân thủ chặt chẽ, nhiều luật được đưa vào, rút ra liên tục và việc này thường xuyên lặp lại. Trách nhiệm vấn đề này thuộc về ai?
Bộ trưởng Tư pháp khẳng định trước hết là việc xây dựng luật có tiến bộ đáng kể thời gian qua, nhất là sau khi có luật Ban hành văn bản pháp luật năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016). Tuy nhiên, ông Long cũng xác định, đến nay vẫn chưa khắc phục được tình trạng xin lùi, xin rút, xin điều chỉnh, bổ sung các dự án luật hàng năm. Năm 2016 số dự án phải rút giảm từ con số 11 dự án của năm trước xuống còn 3 vào năm 2017 và chỉ còn 1 vào năm 2018. Năm 2018, số lượng dự án luật phải xin bổ sung vào chương trình lại tăng đột biến, trên dưới 10 dự án luật.
Lý do có sự thay đổi đó là do là vì khi lên dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa lường hết được diễn biến. Ví dụ, riêng luật Quy hoạch được ban hành đã kéo theo 11 dự án luật phải sửa ngay trong tổng số 25 dự án luật mà Quốc hội yêu cầu.
Ngoài ra, thực tế, theo ông Long đúng là có những người lãnh đạo cơ quan ban ngành chưa quan tâm đúng mức việc xây dựng thể chế, pháp luật.
Để khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng, cần chủ động rà soát trước hệ thống pháp luật để đảm bảo tính khả thi. Sau nữa là việc chủ động thẩm định luật. Ông Long hứa sẽ cố gắng thể hiện rõ ràng quan điểm dự luật đã đủ điều kiện trình hay chưa, đề nghị siết chặt kỷ cương hành chính để nhắc nhở các bộ chậm trễ trong việc này.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi hỏi, pháp luật của chúng ta có hai vấn đề rất đáng quan tâm, có những chính sách Chính phủ không trình, nhưng cơ quan thẩm tra đề xuất và có những chính sách khác nhau giữa cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội. Hiện nay xử lý mối quan hệ này như thế nào và Bộ trưởng tham mưu Chính phủ giải pháp gì để đáp ứng nhu cầu cuộc sống và nâng cao chất lượng ban hành pháp luật của chúng ta hiện nay?
Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có ý tưởng rất tiến bộ là lập đề nghị và tách quy trình lập chính sách thành quy trình riêng, làm trước và làm kĩ. Theo yêu cầu của luật, phải bóc tách từng chính sách và đánh giá riêng từng chính sách, tác động chính sách đến đâu, nếu đưa chính sách này thì hệ quả đối với xã hội…, sau đó trình chính sách này lên Chính phủ xem xét, thông qua.
Trong thời gian qua, xảy ra số lượng chính sách bổ sung quá trình sau, nhưng phải quay trở lại đánh giá xem xét thông qua. Trên thực tế, liên quan đến câu chuyện luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục, trong đó đánh giá hai chính sách về lương, thu nhập với giáo viên. Đây là bổ sung ban đầu, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo có đánh giá.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết qua theo dõi từ đầu khóa đến nay, có nhiều dự án luật quá chậm so với yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; một số dự án luật từ khi trình cho tới khi họp chỉ 2 ngày và là 2 ngày cuối tuần; tình trạng này khiến cơ quan thẩm tra gặp khó khăn. Ngoài ra, nhiều dự án Luật có vấn đề về chất lượng, báo cáo hình thức, không ký, không đóng dấu; đánh giá tác động chay, chỉ có nửa trang và không kèm theo số liệu chứng minh… Đại biểu chất vấn quan điểm của Bộ Tư pháp về việc xử lý đối với hành vi kê khai không trung thực, không giải trình được về tài sản, thu nhập tăng thêm một cách hợp lý được đề cập trong dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời, trong các phiên họp thường kỳ, lãnh đạo Chính phủ luôn nêu rõ, các bộ trưởng, trưởng ngành phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và chịu trách nhiệm về việc trình đúng thời hạn, đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự thảo luật. Xét về nhiệm vụ chính trị, Bộ trưởng, trưởng ngành không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật cũng là căn cứ để lấy phiếu tín nhiệm.
Về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), theo Bộ trưởng, dự thảo Luật có nội dung khó và còn ý kiến khác nhau. Bộ Tư pháp đã báo cáo thẩm định từ trước, quá trình soạn thảo cũng tham gia ý kiến cụ thể. Chính phủ có đề xuất là đối với thu nhập, tài sản nguồn gốc bất minh, không giải trình được phần tăng thêm thì đánh thuế thu nhập cá nhân, mức thuế suất 45%. Đây là quan điểm của Chính phủ, tôi với tư cách thành viên Chính phủ tuân thủ ý kiến này. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận thì chúng tôi có ý kiến bổ sung.
Ông Long cho biết, theo tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, phần thu nhập, tài sản chứng minh được thì không sao, còn nếu không chứng minh được sẽ tịch thu hoặc xử lý hình sự, như Trung Quốc là tịch thu và hình sự ngay. Với Việt Nam, để thực hiện tinh thần trên ngay lập tức thì chưa được, không khả thi, nên quan điểm của Bộ Tư pháp là đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc, phải thực hiện trình tự tố tụng tư pháp dân sự, đưa ra toà xem xét giống như đưa ra toà các trường hợp chiếm hữu tài sản không có căn cứ”, ông Long nói.
Chậm trễ xây dựng Nghị định hướng dẫn
Quan tâm về vấn đề có hay không việc chậm trễ trong xây dựng Nghị định hướng dẫn kèm theo các văn bản quy phạm pháp luật mang tính chất đối phó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nhận định nguyên nhân cốt lõi là nhiều dự án luật chất lượng không bảo đảm, cho nên từ khi trình QH cho đến khi thông qua thay đổi quá nhiều.
Bộ trưởng Lê Thành Long nói, nếu khái quát chung trong sức ép về mặt thời gian cùng lúc trình dự thảo Luật và dự thảo Nghị định hướng dẫn, thì rõ ràng chất lượng dự thảo Nghị định khó bảo đảm; còn đối phó hay không có lẽ cần có điều kiện, thời gian suy xét thêm. Cũng theo Bộ trưởng Lê Thành Long, khi bàn đến vướng mắc này, phải bàn đến vấn đề lớn hơn, đó là quy trình làm luật. Và phải thừa nhận thực tế có những dự thảo văn bản khi Chính phủ trình sang, rồi đến thẩm tra của các Ủy ban thì đều có sự thay đổi, nếu không muốn nói là có nhiều nội dung thay đổi… Chính phủ trình, các Ủy ban của QH tham mưu, chỉnh lý, với những vấn đề không thống nhất với nhau, QH đề xuất Chính phủ xem xét tiếp thu. Vừa qua đã có một số dự án Luật, như Luật Quy hoạch – QH xem xét thông qua trong 3 kỳ họp; dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), dự án Luật về hội… Ở đây, “rõ ràng có vấn đề liên quan đến chất lượng chuẩn bị, tôi cơ bản đồng tình với nhận xét của các đại biểu”, Bộ trưởng nói.
Trở lại với việc xử lý chất lượng luật như thế nào, thừa nhận đây là sự cố gắng của cơ quan trình, nhưng Bộ trưởng Lê Thành Long vẫn cho rằng, “cần xem xét quy trình làm luật”. Khi Chính phủ giao cho một cơ quan trình dự án luật, thì cơ quan đó có trách nhiệm bảo vệ những ý kiến của mình trước UBTVQH, trước QH. Trong trường hợp không bảo vệ được thì phải chấp nhận trường hợp không thông qua. “Nếu chúng ta cứ cố gắng dung hòa các ý kiến để có được dự án luật tròn trĩnh trình QH thông qua, nhiều khi sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án Luật”, Bộ trưởng Lê Thành Long thẳng thắn.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ: Về nguyên tắc, luật và pháp lệnh phải quy định chi tiết, rõ ràng để bảo đảm thi hành được ngay. Trong Luật Ban hành văn bản QPPL, văn bản quy định chi tiết quy định những vấn đề về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và vấn đề chưa có tính ổn định. Và khi soạn thảo dự án luật phải đồng thời soạn thảo cả dự thảo Nghị định.
“Chúng tôi cũng biết rằng, trong quá trình thảo luận, có thể có nội dung thuộc chính sách trình ban đầu có sự thay đổi. Khi ấy, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan cùng ngồi với nhau để chuẩn bị cả dự thảo nghị định với nội dung trình có sự thay đổi về ban đầu như thế. Và cuối cùng nhằm bảo đảm mốc cùng thời điểm khi luật có hiệu lực”. Nhưng “đúng là có một số dự án luật, dự thảo Nghị định khi trình sang QH mang tính hình thức, đối phó, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói.
Lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói: Bộ Tư pháp là cơ quan được giao chức năng thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị, Bộ trưởng cho biết có hay không tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong văn bản của bộ, ngành, địa phương?
Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, sử dụng thuật ngữ “lợi ích nhóm” e rằng là khái quát hơi mạnh. Nhưng thực tế, dù quy trình làm luật hiện nay cơ bản đã ổn, thì cơ quan chủ trì soạn thảo bằng cách này hay cách khác, có phần dành thuận lợi hơn cho ngành mình. Những văn bản có biểu hiện cục bộ thường được thể hiện qua việc đưa các quỹ, tổ chức, chế độ, chính sách trong đạo luật không phải chuyên ngành và đề ra một số điều kiện tham gia thị trường.
Qua rà soát các văn bản hiện hành, Bộ Tư pháp nhận thấy, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII đã yêu cầu không quy định tổ chức trong văn bản pháp luật của ngành, và hiện việc xây dựng các chính sách cơ bản bám sát tinh thần Nghị quyết. Do quy trình, thủ tục trong Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 tương đối chặt chẽ, với từng tầng, từng nấc, từng công đoạn đánh giá tác động rõ ràng, nên lợi ích nào đó sâu hơn cho ngành sẽ tương đối khó đưa vào văn bản quy phạm pháp luật của ngành.
Với Bộ Tư pháp, Bộ đã đưa ra 4 yêu cầu với cán bộ, công chức, thậm chí coi như là cẩm nang với từng cá nhân khi thẩm định văn bản QPPL. Cụ thể là, yêu cầu mỗi cán bộ, công chức phải tuân thủ đúng quy trình; có đủ năng lực, trình độ để khi phát hiện vấn đề có nhận định thuyết phục; tuân thủ đúng quy trình, thủ tục từ quá trình lập đề nghị, đến lập dự thảo, trình QH cho ý kiến, xem xét, thông qua.
Theo Tapchitoaan.vn
Link nội dung: https://phaply.net.vn/chat-van-bo-truong-bo-tu-phap-nhieu-van-de-nong-a191290.html