(Pháp lý) - Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Luật sư Nguyễn Quang Ngọc – Trưởng ban pháp chế Hội truyền thông số cho rằng: “Nếu giữ nguyên các quy định trong Dự Luật An ninh mạng có nguy cơ luật chồng luật, quản lý chồng lên quản lý sẽ làm khó cho doanh nghiệp và người dân”.
Phóng viên: Được biết ông là người trực tiếp tham gia nhiều hội thảo góp ý cho dự Luật An ninh mạng, khi đọc dự Luật những điều gì làm ông băn khoăn nhất?
Luật sư Nguyễn Quang Ngọc: Đồng ý rằng, khi bàn về tính cần thiết của dự Luật, Bộ Công an cho rằng Luật An ninh mạng nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Bởi, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng phức tạp đặt ra yêu cầu cấp thiết trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Cần thiết có những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống Nhà nước, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động. Hơn nữa, các quy định của Luật còn hướng đến để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Tuy nhiên khi đọc dự Luật, điều tôi băn khoăn nhất là phạm vi điều chỉnh không rõ ràng, phạm vi điều chỉnh của Luật bao trùm lên nhiều luật khác, dự luật liệt kê nhiều hành vi vi phạm nhưng không có chế tài đi kèm. Điều đó đặt ra thực tế, liệu khi Luật An ninh mạng ra đời thì có cần phải sửa Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và nhiều Luật khác không?
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, dự Luật An ninh mạng và Luật An toàn thông tin mạng 2015 có nhiều điểm trùng lặp, ý kiến của ông là thế nào?
Tôi đánh giá cao tinh thần tích cực của dự Luật An ninh mạng, nhưng cũng bày tỏ sự lo ngại nếu luật không được thiết kế kỹ lưỡng thì sẽ có nguy cơ chồng chéo với Luật An toàn thông tin mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng năm 2015. Thực tế thì phạm vi điều chỉnh, cũng như các nhóm đối tượng điều chỉnh của 2 Luật này đang na ná giống nhau. Một số thuật ngữ thay đổi nhưng bản chất không thay đổi. Không chỉ vậy, nó còn trùng lặp với nhiều quy định sẵn có trong lĩnh vực này.
Xin ông dẫn ra các quy định cụ thể?
Như nhận xét của tôi ở phần trên, do phạm vi điều chỉnh của Dự Luật An ninh mạng khá rộng, gần như bao quát hết các vấn đề liên quan tới bảo vệ an ninh mạng và các hoạt động trên không gian mạng, bởi vậy dễ trùng lặp về nội dung và chồng chéo về thẩm quyền quản lý nhà nước với các văn bản luật khác đang có hiệu lực như Luật Cơ yếu, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng 2015... Đồng thời chồng lấn với các quy định đã có của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự.
Cụ thể: trong Bộ luật Hình sự đã có một nhóm tội “Tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và mạng viễn thông” quy định rõ hành vi và chế tài đối với từng hành vi vi phạm. Các tội danh này đã được nghiên cứu, bổ sung trong Bộ Luật hình sự 2015 khá sát với tình hình thực tiễn. Từ Điều 285 - Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Điều 286 - Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; Điều 287 - Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; Điều 288 - Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; Điều 289 - Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Điều 290 - Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Điều 291 - Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; Điều 292 - Tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông; Điều 293 - Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh; Điều 294 - Tội cố ý gây nhiễu có hại…
Trong dân sự, muốn xử lý được các hành vi xâm phạm quyền thì phải có yêu cầu từ người bị xâm phạm. Như vậy, khi quyền và lợi ích bị xâm hại, khi người bị xâm phạm chứng minh được thiệt hại thì có thể yêu cầu đòi bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện thời.
Một hạn chế nữa của dự Luật đó là đề cập đến những hành vi vi phạm nhưng còn thiếu các chế tài?
Các hành vi vi phạm được Dự Luật An ninh mạng liệt kê tại các điều 8, điều 16, điều 17, điều 18… nhưng các vi phạm này được liệt kê nhưng hầu hết là không có chế tài. Không xác định rõ, vi phạm nào bị xử lý hình sự, vi phạm đến mức độ nào bị xử lý hành chính. Chưa có đối chiếu trong việc xác định việc vi phạm luật này dẫn chiếu đến dân sự thì có đồng nhất không? Vi phạm luật này dẫn chiếu đến luật hình sự thì có phải sửa Bộ luật Hình sự không? Cơ quan soạn thảo cần xem xét để thể chế đồng nhất các quy định này.
Có ý kiến cho rằng, Dự Luật còn có quy định gây khó cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. Ý kiến ông thế nào?
Kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Kinh doanh trong lĩnh vực này gồm kinh doanh sản phẩm an toàn thông tin mạng và kinh doanh dịch vụ an toàn thông tin mạng được xác định trong Luật Đầu tư và được cụ thể hóa tại Luật An toàn thông tin mạng. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với bộ, ngành có liên quan thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ. Giấy phép nhập khẩu sản phẩm an toàn thông tin theo danh mục, sản phẩm được thực hiện chứng nhận công bố hợp chuẩn, hợp quy trước khi nhập khẩu.
Trong khi đó, dự Luật An ninh mạng lại quy định, Bộ Công an thẩm định về năng lực, điều kiện đối với DN cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng. Từ kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, tôi cho rằng dự Luật An ninh mạng đang theo hướng bổ sung một số thủ tục hành chính nữa đối với việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ này. Việc bổ sung sẽ gây chồng chéo giữa các luật, gây khó cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ gặp khó, thậm chí phải chuyển thị trường kinh doanh. Bởi vậy, cơ quan soạn thảo cần lắng nghe các ý kiến góp ý, không nên tạo thêm các rào cản trong quản lý đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ an toàn thông tin.
Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!
Phan Phan
Link nội dung: https://phaply.net.vn/truong-ban-phap-che-hoi-truyen-thong-so-ban-khoan-pham-vi-dieu-chinh-cua-du-luat-a191029.html