Sau 18 lần gây vỡ đường ống cấp nước sông Đà, 9 bị cáo bị đưa ra xét xử do vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Vì sao 9 bị cáo hầu tòa vụ vỡ đường ống cấp nước sông Đà? Gây vỡ đường ống cấp nước sạch sông Đà 18 lần, làm thiệt hại lớn cho chủ đầu tư dự án, 9 bị cáo phải hầu tòa ngày mai, 5/3 tại TAND Hà Nội.
Hôm nay (5/3), TAND Hà Nội đưa 9 bị cáo liên quan vụ vỡ đường ống cấp nước sông Đà ra xét xử về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự 1999.
Phiên xử dự kiến kéo dài 10 ngày. HĐXX gồm 3 thành viên do nữ thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu làm chủ tọa.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, năm 2009, dự án cấp nước sạch sông Đà cho người dân Hà Nội được chủ đầu tư là Tổng công ty Vinaconex đưa vào vận hành sau 5 năm thi công. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho hàng trăm nghìn hộ dân thủ đô.
9 bị cáo bị truy tố:
1. Hoàng Thế Trung, 58 tuổi, nguyên Giám đốc BQL dự án.
2. Nguyễn Văn Khải, 57 tuổi, nguyên Phó giám đốc BQL dự án.
3. Trương Trần Hiển, 61 tuổi, nguyên Trưởng phòng Vật tư, thiết bị.
4. Trần Cao Bằng, 64 tuổi, nguyên Giám đốc Vinaconex.
5. Vũ Thanh Hải, 58 tuổi, nguyên Trưởng phòng sản xuất Vinaconex.
6. Đỗ Đình Trì, 50 tuổi, nguyên cán bộ công ty giám sát dự án Viwase.
7. Nguyễn Biên Hùng, 68 tuổi, nguyên cán bộ Viwase.
8. Hoàng Quốc Thống, 63 tuổi, nguyên cán bộ Viwase.
9. Bùi Minh Quân, 46 tuổi, nguyên cán bộ Viwase.
Tuy nhiên, trong khi vận hành, từ tháng 2/2012 đến tháng 10/2016, tuyến ống 18 lần gặp sự cố khiến 23 cây ống dẫn nước cốt sợi thủy tinh bị vỡ. Hậu quả khiến doanh nghiệp phải dừng cấp gần 2 triệu m3 nước trong gần 400 giờ; chi gần 17 tỷ đồng khắc phục.
Theo kết luận giám định của Bộ Xây dựng, nguyên nhân gây vỡ do quá trình sản xuất ống cốt sợi thủy tinh chưa tiến hành chặt chẽ, ống được sản xuất có chất lượng không đồng đều.
Ban quản lý (BQL) dự án và nhà thầu giám sát chưa kiểm tra kỹ chất lượng ống dẫn nước trong quá trình thi công, nên khi phát hiện có sản phẩm ống không đảm bảo chất lượng đã không thực hiện kiểm tra lại theo quy định.
Bộ Xây dựng cũng kết luận nguyên nhân gây vỡ đường ống nước là do chất lượng ống cốt sợi thủy tinh không đảm bảo thiết kế và độ bền đạt thời gian 50 năm.
Theo cơ quan công tố, bị cáo Hoàng Thế Trung; Nguyễn Văn Khải và Trương Trần Hiển với vai trò là các đại diện của chủ đầu tư, đã ký 73 biên bản nghiệm thu cung cấp ống, xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống cốt sợi thủy tinh và phụ kiện dùng cho dự án với đại diện nhà thầu cung cấp. Ba bị cáo phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về thiệt hại.
Về phía nhà thầu, VKSND Tối cao truy tố 2 bị cáo Trần Cao Bằng và Vũ Thanh Hải là đại diện nhà thầu cung cấp ống cốt sợi thủy tinh, đã ký 73 biên bản nghiệm thu sản phẩm với đại diện chủ đầu tư.
Bị cáo Đỗ Đình Trì và 3 cán bộ cấp dưới bị truy tố với vai trò là đại diện cho đơn vị giám sát.
Liên quan vụ án, tháng 7/2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố thêm 7 bị can, trong đó có ông Phí Thái Bình (cựu Chủ tịch HĐQT Vinaconex - người sau này giữ chức Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội) về hành vi Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, gần nửa năm sau, VKSND Tối cao đã quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố đối với ông Bình và 6 người khác.
Theo Zing
Link nội dung: https://phaply.net.vn/sang-nay-9-bi-cao-hau-toa-sau-18-lan-vo-duong-ong-cap-nuoc-song-da-a190678.html