Công khai bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án: Ý nghĩa, thực trạng và giải pháp

Ngày 16/3/2017, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn về việc đăng tải các bản án, quyết định lên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án.

Nghị quyết này hướng dẫn về nguyên tắc, thủ tục công bố bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án; trách nhiệm của Tòa án trong việc công bố bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, việc công khai bản án, quyết định lên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án đã bước đầu đi vào nề nếp, mang lại những hiệu quả thiết thực đối với công tác chung của Tòa án nhân dân các cấp. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn trong triển khai thực hiện chủ trương này, cần có những giải pháp để mang lại hiệu quả cao hơn nữa.

Là một trong các cơ chế hữu hiệu để nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của Tòa án, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xét xử

Việc công khai bản án, quyết định của Tòa án là đảm bảo quyền con người theo quy định của Hiến pháp năm 2013, đó là quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật, cụ thể là thông tin về hoạt động xét xử của Tòa án.

Quyền con người được ghi nhận trong Hiếp pháp năm 2013 có rất nhiều quy định, trong đó có quyền tiếp cận thông tin. Tại Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…”. Đồng thời, lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các nguyên tắc thực hiện quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền tiếp cận thông tin (Điều 14, 16, 21, 28 Hiến pháp năm 2013). Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, thực hiện chủ trương của Đảng, đồng thời nội luật hóa một số quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhiều văn bản pháp luật và văn bản dưới luật đã được ban hành quy định về quyền được thông tin và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và nắm giữ.

Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tiếp nhận các thông tin của Tòa án và Tòa án có trách nhiệm công khai minh bạch trong hoạt động của mình; đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Việc công khai bản án, quyết định trên Cổng tin điện tử của Tòa án đã cụ thể hóa những quyền này một cách thiết thực và hiệu quả. Thông qua việc các bản án, quyết định của Tòa án được đăng tải sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho người dân tiếp cận công lý, người dân sẽ được biết kết quả xét xử những vụ án nghiêm trọng, những vụ, việc nổi cộm của xã hội; qua đó, người dân sẽ có những đóng góp, phản hồi thể hiện thái độ của dư luận đối với công tác xét xử của Tòa án, mặt khác người dân được thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của Tòa án.

Đảm bảo quyền con người còn thể hiện ở quy định các bản án, quyết định được công bố thì các thông tin về nhân thân, bí mật đời tư, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh… đều phải được mã hóa hoặc không công bố những bản án, quyết định có người tham gia tố tụng chưa đủ 18 tuổi.

Việc công khai bản án, quyết định của Tòa án là biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Tòa án, đặc biệt là Thẩm phán.

Khi các bản án được công khai, điều đó có ý nghĩa rằng Hội đồng xét xử và cá nhân Thẩm phán sẽ phải cẩn trọng hơn đối với bản án nói riêng và cả hoạt động tố tụng nói chung. Về hình thức, bản án sẽ phải đảm bảo trình bày đúng quy định, văn phong, lập luận, từ vựng của Thẩm phán phải mang tính chuẩn mực ngày càng cao. Về nội dung, muốn có một bản án chất lượng, đòi hỏi toàn bộ quá trình tố tụng trước đó phải được thực hiện nghiêm túc, việc nghiên cứu tài liệu, chứng cứ phải đầy đủ, khách quan, căn cứ pháp luật được vận dụng phải chính xác…Với những yêu cầu cao như vậy, các Thẩm phán phải bằng mọi biện pháp để thường xuyên trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng xét xử và tu dưỡng ý thức trách nhiệm với công việc. Nói cách khác, việc các bản án được công khai sẽ giúp các Thẩm phán không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ qua việc nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng những đánh giá khách quan của người dân về các bản án.

Đối với cơ quan quản lý, trên cơ sở đánh giá các bản án có thể đánh giá, phân loại, quy hoạch, phát triển cán bộ cũng như sàng lọc những Thẩm phán yếu kém về chuyên môn, thiếu trách nhiệm; qua đó, đưa ra những giải pháp phù hợp trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, định hướng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, ban hành những quy định để giải quyết các vướng mắc pháp luật.

Hội nghi tập huấn viết bản án, quyết định giám đốc thẩm
Hội nghi tập huấn viết bản án, quyết định giám đốc thẩm)

Việc công khai bản án, quyết định của Tòa án góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Công bố bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án, góp phần thể hiện tính công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án; tạo điều kiện để nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của Toà án. Trên cơ sở đánh giá của dư luận xã hội, của những chuyên gia pháp luật (luật gia, luật sư, các nhà nghiên cứu…) đối với những phán quyết trong bản án hoặc chính từ sự so sánh các bản án giải quyết các vấn đề có nội dung tương tự nhau thì những đánh giá, nhận định thiên lệch, những quyết định bất bình đẳng được tạo ra do cố ý hoặc vô ý sẽ gần như không thể tồn tại. Do vậy, có thể đánh giá việc công khai bản án là một trong những công cụ hữu hiệu để ngăn ngừa, hạn chế các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong công tác xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Việc công khai bản án, quyết định của Tòa án là một hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật hiệu quả trong thời đại hiện nay.

Trong thời đại bùng nổ của sự phát triển công nghệ thông tin, mọi người có thể tiếp cận với thông tin một cách dễ dàng, nhanh chóng; việc công khai bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án sẽ tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận các quy định pháp luật một cách dễ dàng, nhanh chóng, hiệu quả và trực quan nhất. Một người dân có thể dễ dàng biết được quy định cũng như hướng giải quyết tình huống pháp lý liên quan đến bản thân; các doanh nghiệp có thể tìm các bản án, quyết định mà mình quan tâm để tham khảo, rút kinh nghiệm cho hoạt động kinh doanh hoặc chọn phương án giải quyết phù hợp nhất khi xẩy ra tranh chấp; các trường đào tạo chuyên ngành luật có những ví dụ sinh động, thiết thực để phục vụ công tác dạy và học…

Cuối cùng, có thể khẳng định việc công khai bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án là một bước chuyển biến quan trọng của hệ thống Tòa án nhân dân, là một trong các cơ chế hữu hiệu để nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của Toà án, có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động xét xử và chế độ trách nhiệm của Thẩm phán, Hội thẩm, góp phần đẩy mạnh truyền pháp luật hiệu quả, đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp người dân nhận thức sâu sắc, về các hành vi trái với quy định của pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Thực tiễn triển khai thực hiện

Mặc dù đem lại rất nhiều tác động tích cực đối với hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân cũng như đối với xã hội nhưng trên thực tế thì việc công khai bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án vẫn còn có những hạn chế, khó khăn. Cụ thể, việc đăng tải các bản án, quyết định chưa đầy đủ, một số bản án được đăng tải vẫn còn những sai sót về mặt hình thức, chưa được mã hóa hoặc mã hóa chưa đúng quy định, việc đăng tải chưa đảm bảo thời hạn theo quy định, việc tìm kiếm bản án, quyết định đã được đăng tải chưa thực sự thuận lợi…

Quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, về cơ bản các Tòa án đã thực hiện nghiêm túc chủ trương công khai bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án và đã được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Tòa án nhân dân ghi nhận, khen thưởng, tiêu biểu như Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh (gần 900 bản án, quyết định đã được đăng tải), Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa (đã đăng tải 819 bản án, quyết định), Tòa án nhân dân thành phố Nam Định (với 300 bản án, quyết định được đăng tải)… Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chậm triển khai thực hiện hay thực hiện chưa hiệu quả.

Giải pháp đẩy mạnh thực hiện, nâng cao chất lượng

Để chủ trương công khai bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án thực sự đi vào hoạt động của của Tòa án nhân dân các cấp một cách đồng bộ và mang lại hiệu quả cao hơn nữa, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết, Công văn hướng dẫn về việc thực hiện chủ trương trên (Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/03/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc đăng tải các bản án, quyết định lên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án; Công văn số 144/TANDTC-PC ngày 4/7/2017 hướng dẫn việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân), tổ chức Hội nghị trực tuyến về tập huấn viết các bản án và quyết định giám đốc thẩm của Tòa án nhân dân, xây dựng và khai trương Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án…

Khai trương Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án
Khai trương Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án)

Đối với các Thẩm phán cần phải thực hiện quán triệt về tư tưởng, phải coi việc công khai bản án, quyết định là nhiệm vụ quan trọng, cần được thực hiện nhanh chóng ngay sau khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Khi thực hiện công khai bản án, quyết định cần được thực hiện đúng các quy định về mã hóa thông tin, đảm bảo bí mật đời tư, bí mật kinh doanh…

Lãnh đạo các Tòa án phải có biện pháp kiểm tra, thống kê thường xuyên và định kỳ đối với việc công khai bản án, quyết định. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm túc đối với những trường hợp vi phạm theo Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về ban hành quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân.

Cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn đối với đội ngũ cán bộ, đặc biệt là Thẩm phán về thực hiện chủ trương công khai bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án.

Kiến nghị, đề xuất Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn cụ thể hơn về việc cho công bố những quyết định công nhận thỏa thuận của cấp sơ thẩm, phúc thẩm vì đây cũng là những thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật, có thể làm cơ sở tham khảo khi có những tranh chấp tự thương lượng hoặc công tác hòa giải cơ sở hiệu quả hơn; hướng dẫn về việc mã hóa thông tin cho phù hợp vì qua thực tế thấy rằng việc mã hóa thông tin đối với đơn vị hành chính cấp quận, huyện là không cần thiết. Đồng thời, cần nâng cấp Cổng Thông tin điện tử Tòa án nhân dân, thay đổi giao diện, sửa phần mềm để việc cập nhật bản án, tìm kiếm bản án đã được công bố thuận lợi hơn.

Sau một thời gian triển khai thực hiện có thể khẳng định việc công khai bản án, quyết định trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa sâu sắc, mang tính đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của hệ thống Tòa án nhân dân; là một hoạt động hiệu quả trong công cuộc cải cách tư pháp, đưa hệ thống Tòa án nhân dân phát triển theo hướng ngày càng trong sạch, vững mạnh, là biểu tượng của công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo Tapchitoaan

Link nội dung: https://phaply.net.vn/cong-khai-ban-an-quyet-dinh-tren-cong-thong-tin-dien-tu-cua-toa-an-y-nghia-thuc-trang-va-giai-phap-a190538.html