Năm 2017 tiếp tục là một năm gặt hái nhiều thành công của Bộ, ngành Tư pháp, tạo tiền đề tích cực cho những nhiệm vụ công tác trong năm 2018. Nhân dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc để nhìn lại những dấu ấn đáng ghi nhận trong một số lĩnh vực công tác do Thứ trưởng phụ trách chỉ đạo.
Tích cực triển khai thi hành 2 đạo luật quan trọng
Năm qua đã chứng kiến bước hoàn thiện pháp luật quan trọng của ngành Tư pháp, trong đó có việc Quốc hội thông qua Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) sửa đổi và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) sửa đổi với nhiều quy định mới, hướng đến phục vụ người dân. Xin Thứ trưởng cho biết những việc Bộ đã và đang làm để nhanh chóng đưa những quy định mới ấy vào cuộc sống?
- Xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Bộ Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, bảo đảm sự phát triển vững chắc của đất nước. Điều này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi chúng ta đang nỗ lực thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và thực hiện Hiến pháp năm 2013. Trong lĩnh vực quản lý của ngành Tư pháp, năm 2017 Bộ Tư pháp đã tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 dự án Luật là Luật TNBTCNN và Luật TGPL và đúng như phóng viên đã nhận định, việc Quốc hội thông qua 02 dự án Luật nói trên đã hoàn thiện thêm một bước đáng kể thể chế trong hai lĩnh vực TNBTCNN và TGPL. Lãnh đạo Bộ và các đơn vị liên quan xác định rõ việc thông qua Luật là mở đầu cho một giai đoạn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, cố gắng và việc làm cụ thể để đưa Luật vào cuộc sống. Vì vậy, Bộ Tư pháp đã và đang triển khai nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có:
Một là, đối với Luật TGPL: ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TGPL (Quyết định số 1355/QĐ-TTg) và Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật TGPL của Bộ Tư pháp (Quyết định số 1767/QĐ-BTP). Kế hoạch đã xác định 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, từ việc xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, công tác phổ biến, quán triệt, xây dựng tài liệu cho đến việc tổ chức tập huấn, kiện toàn tổ chức TGPL và nâng cao năng lực đội ngũ người thực hiện TGPL.
Đối với việc xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động TGPL. Như vậy, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật TGPL đã được ban hành đầy đủ và đảm bảo có hiệu lực đồng thời với Luật kể từ ngày 01/01/2018. Công tác TGPL năm 2018 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức thi hành hiệu quả Luật TGPL năm 2017.
Đối với các hoạt động khác như phổ biến, quán triệt, xây dựng tài liệu cho đến việc tổ chức tập huấn, kiện toàn tổ chức TGPL và nâng cao năng lực đội ngũ người thực hiện TGPL để triển khai thi hành Luật cũng đã được Bộ quan tâm thực hiện, trong đó có 02 Hội nghị triển khai thi hành Luật được tổ chức ở 02 khu vực phía Nam và phía Bắc; 01 tọa đàm về Luật TGPL năm 2017 được phát trên sóng truyền hình VTV1, nhiều bài giới thiệu về Luật TGPL năm 2017 được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Hai là, đối với Luật TNBTCNN: Đây là đạo luật có nhiều quy định mới, khá phức tạp và việc tổ chức thi hành đúng các quy định của Luật luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của Nhà nước và người dân. Bởi thế, Quốc hội đã dành 01 năm để chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức thi hành Luật khi có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.
Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực triển khai và phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiều việc khác nhau để triển khai thi hành Luật TNBTCNN và Luật TGPL. Điều đáng mừng là tất cả đang đều theo đúng các Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quyết tâm cao mới thay đổi được nhận thức và thói quen hiện nay
Năm 2017, công tác đăng ký biện pháp bảo đảm (BPBĐ) tiếp tục có bước phát triển, góp phần vào việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về tạo điều kiện cho doanh nghiệp, khởi nghiệp. Mong Thứ trưởng chia sẻ thêm định hướng tiếp tục hoàn thiện thể chế trong công tác này?
- Trong nền kinh tế thị trường, khuôn khổ pháp luật về các BPBĐ nói chung và đăng ký các BPBĐ nói riêng có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi nói về các doanh nghiệp khởi nghiệp. Trên cơ sở các luật mới ban hành gần đây, nhất là Bộ luật Dân sự 2015, trong năm 2017, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tiến hành khảo sát, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu pháp luật kể cả kinh nghiệm quốc tế để tham mưu, đề xuất với Chính phủ các định hướng và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về đăng ký BPBĐ.
Theo đó, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2017/NĐ-CP về đăng ký BPBĐ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với lĩnh vực đăng ký BPBĐ bằng động sản, trừ tàu bay, tàu biển, đạt mức độ 4 về dịch vụ công trực tuyến từ ngày 10/7/2017. Kết quả này mang lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính như tiết kiệm thời gian, chi phí, đặc biệt là tính minh bạch trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Về định hướng tiếp theo của công tác đăng ký BPBĐ thì phải nhìn nhận rõ một thực tế là còn nhiều việc phải làm vì khuôn khổ pháp luật về đăng ký tài sản hiện nay đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập do nhiều nguyên nhân khác nhau và hệ quả là việc dùng các tài sản này làm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cũng bị ảnh hưởng. Việc Quốc hội phải ban hành Nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu và thực trạng khó khăn xử lý tài sản bảo đảm tại ngân hàng, các tổ chức tín dụng và cơ quan thi hành án dân sự dẫn đến có người đặt ra câu hỏi về giá trị đích thực của việc đăng ký BPBĐ. Do đó, tôi cho rằng cần có nghiên cứu đánh giá toàn diện hơn khuôn khổ pháp luật trong lĩnh vực này, kể cả quy định pháp luật tố tụng, thi hành án dân sự... để có các đề xuất, định hướng hoàn thiện phù hợp. Hiện tại, Bộ Tư pháp đang phối hợp các bộ, ngành và địa phương tiến hành công việc nghiên cứu này. Đồng thời, trong năm 2018, Bộ Tư pháp sẽ cố gắng tổ chức thi hành tốt Nghị định số 102 nêu trên và tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với công tác đăng ký BPBĐ, nắm bắt tình hình để có tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong đăng ký BPBĐ.
Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2018 của Chính phủ có nhấn mạnh “đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật (THPL) theo tinh thần thượng tôn pháp luật”. Với chức năng quản lý nhà nước trong công tác tổ chức THPL, Bộ Tư pháp dự kiến ra sao về những nhiệm vụ, giải pháp để thiết thực triển khai Nghị quyết này?
- Tôi cho rằng chúng ta có thể dễ dàng thống nhất được với nhau là pháp luật được ban hành ra không phải để tồn tại trên giấy mà phải được tổ chức thực hiện đúng, phải được tuân thủ bởi tất cả mọi người. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có vẻ chưa đi theo mong muốn của chúng ta và thậm chí có người còn lý giải cho việc không tuân thủ pháp luật của mình là do quy định pháp luật có vấn đề. Chính phủ đã nhận ra thực trạng này và thể hiện rõ định hướng “đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức THPL theo tinh thần thượng tôn pháp luật” tại Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Theo tôi, đây là định hướng lớn và việc thực hiện để đạt được mục tiêu “thượng tôn pháp luật” đòi hỏi rất nhiều công việc phải làm, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và người dân và quan trọng là phải có thời gian và quyết tâm cao mới thay đổi được nhận thức và thói quen hiện nay. Với chức năng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về THPL được quy định tại Nghị định số 96/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp đã chuẩn bị triển khai một số công việc sau:
Một là, tham mưu, đề xuất tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác tổ chức THPL.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về theo dõi THPL và tổ chức THPL, trong đó trọng tâm là đề ra các giải pháp để tổ chức thi hành tốt pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống cùng với việc trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về một số giải pháp đổi mới công tác tổ chức THPL và tổ chức thực hiện tốt Đề án sau khi được phê duyệt.
Ba là, tăng cường phối hợp liên ngành giữa trung ương và địa phương trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi THPL, tổ chức THPL, tăng cường kiểm tra các bộ, ngành và địa phương theo kế hoạch được ban hành.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thi-hanh-phap-luat-doi-hoi-su-tham-gia-cua-ca-he-thong-chinh-tri-a190358.html