Sức sống Trường Sa

Quá nhiều cảm xúc cho người mới ra đảo. Từ những điều giản đơn như chậu nước ngọt, chiếc khăn lau, bánh xà phòng đặt ở nơi dễ thấy nhất để khách tự nhiên sử dụng. Nhẹ khoát bàn tay trong dòng nước mát, nghĩ đến đảo bao năm khát nước mà xúc động rưng rưng.

Tuần tra trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Quốc Việt
Tuần tra trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Quốc Việt)

Đến hẹn lại đi, tháng 4 đến tháng 6 hàng năm thường sóng yên biển lặng, cũng là thời điểm lý tưởng cho các đoàn công tác đến thăm Trường Sa. PV báo Pháp luật Việt Nam cùng gần 200 thành viên Đoàn công tác số 5 rời cảng Cát Lái, TP HCM đi Trường Sa vào tháng 4/2017. Hải trình 10 ngày thăm 8 điểm đảo và 1 nhà giàn bắt đầu.

Lính hải quân còn là những “nhà tổ chức sự kiện” quá tài ba. Từ đôi dép nhựa chống trượt, mũ cối, túi chống ướt đựng đồ… đều trang bị chu đáo cho khách. Con tàu hiện đại như khách sạn. Giờ đi Trường Sa “quá sướng”, truyền hình đầy đủ, máy lạnh ro ro, cà phê nóng đá đều có. Ngày 4 bữa sáng trưa chiều tối, đúng giờ vào vị trí, nhiều người đi biển mà khỏe hơn ở đất liền.

Mươi năm trước, một năm chỉ 2 lần tàu ra đảo, đôi dép cũng thiếu, thông tin không có. Nay mỗi năm có hàng chục đoàn đi Trường Sa, khoảng cách giữa đảo và đất liền ngày một nối gần. Chỉ riêng năm 2017 đã có 16 đoàn với gần 3000 thành viên, chưa kể những chuyến tàu hàng đều đặn ra vào. Chuyến tàu nào cập đảo cũng lỉnh kỉnh chở hàng và quà từ đất liền.

 Vườn lan trên đảo An Bang
Vườn lan trên đảo An Bang)

“Công viên sinh thái” giữa biển Đông

Sau 2 ngày làm quen sóng gió, nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là đảo chìm Đá Lớn. Dù đã biết hải quân có tài trồng rau song ai nấy không khỏi trầm trồ. Nắng bỏng rát và gió mặn chát, nhưng mồng tơi lá nào lá nấy to bằng bàn tay. Bầu đất tốt um. Rau muống thẳng tắp. Cải mới lên mầm mơn mởn. Lá húng, lá chanh đều xanh mướt…

Đảo Đá Lớn không chỉ có đá như tên gọi, đã có cây lá làm “mềm” màu đá. Hoa giấy, hoa cúc rộ lên khoe sắc. Phía bên kia cầu cảng, mấy chú lợn béo trục béo trục tròn chạy loanh quanh. Đàn chó ngoe nguẩy đuôi chạy lăng xăng. Con nào con nấy to lừng lững, bơi lội giỏi, bắt cá “thành thần”.

Thượng úy Lê Văn Dũng, chỉ huy trưởng điểm đảo cho biết, có khi chỉ vài tháng đơn vị đã tự tăng gia và đưa vào bữa ăn hơn 1 tấn rau xanh, hơn 600kg cá tươi, chia sẻ 1700 lít nước ngọt cho các tàu cá... Với một đảo chìm khắc nghiệt như Đá Lớn, đó là nỗ lực phi thường.

 Một góc đảo Nam Yết. Ảnh: Quốc Việt
Một góc đảo Nam Yết. Ảnh: Quốc Việt)

Ở Trường Sa Đông, chiến sĩ còn bội thu hơn. Một năm tăng gia gần 6 tấn rau xanh, hơn 2 tấn cá, hơn 1,5 tấn thịt các loại. Không chỉ đảm bảo bữa ăn tươi cho chiến sĩ và hỗ trợ ngư dân, các đảo còn có quà gửi lại đất liền. Rau xanh là thế mạnh của các đảo nổi.

Kinh nghiệm hàng chục năm trồng rau ở đảo của hải quân giờ có khi chép thành sách được. Xưa chỉ có san hô và cát trắng, những hạt giống lênh đênh từ đất liền ra vẫn nảy mầm vươn xanh. Thì nay có đất chở từ đất liền ra, có khay nhựa, có thùng composie, có “công nghệ” che muối rửa mặn chắt lọc từ bao thế hệ chiến sĩ. Nhiều đảo ở Trường Sa đã được ví như “công viên sinh thái” giữa biển Đông.

Như đảo Sinh Tồn, nếu không nhìn bốn bề sóng vỗ và cát trắng, tưởng như nơi đây cũng giống như bất kỳ làng quê yên bình nào trong đất liền. Giếng nước, sân chùa, nhà dân, trường học, trụ sở ủy ban, trạm y tế… Giàn mướp vàng hoa, bí bầu sai lúc lỉu.

Không biết do biển trời hào sảng hay do sức sống kỳ diệu mà những đứa trẻ trên đảo đều rắn chắc, mập mạp. Khách hỏi chuyện, bọn trẻ ríu rít kể sáng đi học, chiều nghịch cát tắm biển. Nếu về đất liền “du lịch” thì thích nhất kem với bánh mì. Hai chữ “Sinh Tồn” đã chất chứa sức sống kỳ diệu, ý chí bám biển bám đảo của con người lẫn cây lá nơi này.

Còn ở “thủ phủ” Trường Sa Lớn, những công trình kiên cố từ sân bay, bến tàu, cầu cảng… được dựng xây trên nền thổ nhưỡng vốn là cát san hô phủ lớp mùn mỏng lẫn phân chim. Không chỉ như pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển Đông, Trường Sa Lớn nay điện sáng lung linh, cây xanh ngát bốn mùa. Những tán bàng vuông làm dịu cái nắng bỏng cháy.

 Chiến sĩ đảo chìm Đá Thị chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh: Quốc Việt
Chiến sĩ đảo chìm Đá Thị chăm sóc vườn rau xanh. Ảnh: Quốc Việt)

Vượt lên nắng gió khắc nghiệt

Dân Trường Sa đón khách nồng hậu như đón người thân trở về. Bàn đá dưới tán cây bên ly nước mát ban chiều, chén trà nóng ban đêm, câu chuyện thân tình lẫn trong sóng gió rì rào.

Ai cũng nói “nhớ đất liền lắm, nhưng giờ đỡ rồi”. Nước mặn đã lọc thành nước ngọt. Chưa kể những giếng nước ngọt “trời ban” giúp thỏa cơn khát cho quân dân trên đảo. Hệ thống điện gió, điện mặt trời đủ cung cấp điện quanh năm. Cuộc sống tiện nghi dần với vô tuyến, tủ lạnh, nồi cơm điện… Ngày ngày chồng đi biển, vợ ở nhà chăm rau. Sóng di động “căng đét”, thông tin cập nhật từng phút.

Chị Nguyễn Bình Phương Ái, một người dân Trường Sa Lớn vui vẻ: “Ở đảo sướng hơn đất liền là rau sạch, thịt sạch, hải sản quanh năm. Không khí trong lành. Trẻ nhỏ không lo mắc nghiện điện tử”.

 Chăm sóc vườn hoa trên đảo Trường Sa Đông
Chăm sóc vườn hoa trên đảo Trường Sa Đông)

Một phụ nữ khác hóm hỉnh: “Không lo mất tiền mỹ phẩm nữa. Nắng Trường Sa thì kem chống nắng cũng đầu hàng. Còn có cái “sướng” là đồ dùng thay mới thường xuyên. Thứ nào bằng sắt thép cũng bị hơi muối ăn mòn. Che chắn kĩ lắm nhưng gỉ sét cả”. Khắc nghiệt thế mà chị cười nhẹ tênh.

Ngoài tủ cấp đông bảo quản thực phẩm, một số đơn vị nghĩ cách chế được cả “tủ lạnh thiên nhiên” là những thanh gỗ ghép lại với nhau như cái lồng chứa cá tươi, buộc miếng xốp cho bập bềnh trong nước. Vừa tiện đến bữa kéo lên, vừa dụ được hải sản bơi lượn xung quanh cho… vui. Hải sản Trường Sa nổi tiếng giàu có: Tôm cá các loại, rùa, ốc, rong biển…. Có những loại đặc sản “đếm con tính tiền” trên đất liền như ốc nhảy, ở đây lại quá dồi dào, thường được gửi cả bì lớn chiêu đãi các đoàn công tác.

Nguồn hải sản phong phú như món quà hào phóng của biển bù đắp cho nắng gió khắc nghiệt nơi này. Dân đảo vì thế có thêm thú chơi “sang” là sưu tập vỏ sò, vỏ ốc với kích thước, hình dáng độc lạ, hay từ những “nguyên liệu” trên làm thành vật trang trí như chậu hoa, cây cảnh. Đây cũng là những món quà “made in Trường Sa” thường tặng khách đến đảo.

 Trẻ em trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Chí Hùng
Trẻ em trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Chí Hùng)

Quá nhiều cảm xúc cho người lần đầu ra đảo. Từ những điều giản đơn như chậu nước ngọt, chiếc khăn lau, bánh xà phòng đặt ở nơi dễ thấy nhất để khách tự nhiên sử dụng. Nhẹ khoát bàn tay trong dòng nước mát, nghĩ đến đảo bao năm khát nước mà xúc động rưng rưng.

Với vị trí ở giữa biển Đông, Trường Sa có thế mạnh về dịch vụ hàng hải, nghề cá đối với tàu thuyền đi lại và đánh bắt hải sản trong khu vực, đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước.

Hiện nhiều đảo như Sinh Tồn, Song Tử Tây, Núi Le, Tốc Tan đã có âu tàu hiện đại cung ứng dịch vụ hậu cần, sửa chữa cho tàu cá, cứu hộ cứu nạn… Trong tương lai rất gần, những âu tàu trên sẽ được hiện đại hóa, đủ sức chứa hàng ngàn tàu lớn nhỏ neo đậu. Cảng cá, khu bảo tàng biển đi vào hoạt động, đảo sẽ nhộn nhịp như các phố cảng trên bờ.

Trường Sa không còn là “giấc mơ xa”.

Theo Bao Phapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/suc-song-truong-sa-a190262.html