Nét đặc sắc trong tết cổ truyền người Thái Mường Lò - Yên Bái

(Pháp lý) - Mường Lò là cội nguồn của người Thái. Theo nhiều sự kiện lịch sử, thì người Thái đã xuất hiện từ rất lâu đời từ khoảng thế kỉ XI ,họ chọn nơi cư ngụ là một miền quê đất lành, trong xanh tại Mường Lò (ngày nay thuộc thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái ). Người thái Tây Bắc nói chung và người thái Mường Lò nói riêng còn giữ được nhiều những phong tục tập quán, trong đó phải kể đến Tết cổ truyền của người Thái.

Quanh năm có rất nhiều cái tết, nhưng người thái Mường Lò chỉ ăn ba cái tết chính. Thứ nhất là “Chiêng Xam” (Tết Thanh Minh ) được tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch, sau đó là “Xíp Xí” (Theo tiếng thái có nghĩa là ngày 14) được tổ chức vào 14/7 âm lịch hàng năm, và cái Tết quan trọng nhất vẫn là Tết Nguyên Đán – Tết cổ truyền của toàn dân tộc Việt Nam và được người Thái gọi bằng cái tên khác là “Bươn Chiêng ‘’

Người thái Mường Lò ăn Tết Nguyên Đán cùng đồng bào các dân tộc anh em trên cả nước. Tuy nhiên, phong tục đón năm mới của người Thái không kém phần thú vị, mà có rất nhiều nét đặc trưng riêng hấp dẫn , mang đậm bản sắc dân tộc .

Cơm Lam – Món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết cổ truyền người Thái
Cơm Lam – Món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết cổ truyền người Thái)

Đồng bào Thái Mường Lò không cần phải chuẩn bị tết quá sớm như những đồng bào Thái nơi khác, vì theo họ: Bất cứ việc gì từ ruộng đồng, nương rẫy cho đến việc trong nhà thì đều nên giải quyết trước tết, có nợ nần gì hay cho ai vay mượn gì thì đều nên thu xếp trả cho xong, những thành viên trong nhà dù đang đi làm ăn xa hay đang ở đâu thì phải trở về đón tết cùng gia đình,như vậy thì gia đình mới đón tết vui vẻ.

Từ ngày 26/12 âm lịch,bà con bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, người phụ nữ trong gia đình thì phải quét dọn mọi ngóc ngách dưới sàn, dưới sân, lối vào nhà hay cả truồng trại… sao cho tất cả phải thật sạch sẽ. Còn người đàn ông là trụ cột trong gia đình mới được dọn dẹp trên bàn thờ tổ tiên: Thay bát hương quét dọn, lau chùi , dán giấy đỏ xung quanh bàn thờ , sắp xếp lại tất cả mọi thứ trên bàn thờ, để lên đó nải chuối, bánh kẹo, buộc thêm 2 cây mía ở cạnh hai bên tượng trưng cho hai chiếc thang để đón tổ tiên về ăn tết cùng con cháu.

Đến sáng 29 Tết, người Thái mổ lợn, chế biến thành nhiều món khác nhau như lạp sườn, nem thích, thịt sấy, thịt nộm… và chọn ra vài miếng thịt thật ngon để làm nhân bánh, còn lại thì để treo gác bếp ra giêng ăn dần. Chiều 30 Tết, người Thái bắt đầu gói bánh, bánh ngày tết của người Thái thường là "Pảnh khảu đăm”(Bánh chưng đen) sau đó mang đem luộc.

Đêm giao thừa hay còn gọi là “Pông chay”. Họ chuẩn bị một bữa cơm tất niên với sự góp mặt của những thành viên trong gia đình, họ ngồi ăn cơm lam, uống rượu cần cùng nhau ôn lại những chuyện vui, buồn trong năm cũ sắp qua. Sau khi ăn xong, người Thái chuẩn bị mâm cơm cúng, đồ cúng sau giao thừa.

Theo ông Lò Văn Biến (ở bản Cang Nà – Mường Lò )- người nghiên cứu về văn hóa Thái cho biết: “Mâm cơm cúng giao thừa của người Thái có rất nhiều món và phải tùy theo điều kiện của mỗi gia đình nữa, nhưng cơ bản cũng phải có các món ăn như : “Pa pỉnh tộp”(Cá suối nướng), “nhứa tô cáy”( gà luộc cả con), thịt nướng, thịt sấy, nem thính, xôi ngũ sắc, mọoc, rau đồ… Và xung quanh mâm cơm bày đầy đủ bát đũa , chén rượu, để thêm chai rượu trắng do nhà mình tự nấu . Bên cạnh mâm cơm, người Thái còn để thêm xung quanh các loại đồ thổ cẩm, khăn, váy áo mới,bạc nén.. như vậy ông bà tổ tiên mới vui…”

 Người Thái đang gói bánh chưng để chuẩn bị cho Tết cổ truyền
Người Thái đang gói bánh chưng để chuẩn bị cho Tết cổ truyền)

Chuẩn bị mâm cơm cúng xong, chính các ông , các bố - những người trụ cột trong gia đình sẽ tự thắp hương , rót rượu vào ly, rồi gọi hồn ông bà tổ tiên về đây ăn tết. Ngoài mâm cơm bàn thờ tổ tiên ở trong nhà thì còn phải có một mâm cơm cúng thần bếp, thần thổ địa ở dưới sân nhà. Xong xuôi mọi việc, sau đó cả đêm các con cháu trong nhà thay phiên nhau thắp hương,không để hương tắt .

Một số những điều kiêng kỵ trong ngày Tết của người Thái là : Không được quét dọn nhà cửa vào mùng một Tết, không được cãi nhau, nói to tiếng với nhau, ai xin gì không cho, bị đòi nợ cũng không giải quyết trong những ngày Tết, phải đợi ra Tết tính sau,.. thì cả năm mới suôn sẻ trong làm ăn.

Sáng mùng một Tết, mọi người trong gia đình mặc quần áo mới tề tựu đông đủ để thực hiện nghi lễ chúc Tết và mừng tuổi. Con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, chúc ông bà cha mẹ sức khỏe, ông bà cha mẹ chúc con cháu học hành giỏi giang, làm ăn tấn tới . Trẻ con được mừng tuổi bằng một ít tiền để lấy lộc. Sau đó, mọi thành viên trong gia đình ngồi lại bên mâm cơm cùng nhau ăn uống nói chuyện vui vẻ.

Không giống như người Kinh kiêng đi xa vào mùng một Tết. Từ sáng hôm mùng một Tết, người Thái đi khắp họ hàng gần xa chúc Tết nhau. Đến nhà nào họ cũng đón tiếp nhau bằng một mâm cơm, chum rượu cần, để đáp lại sự đón tiếp ấy họ chúc lại nhau, hát cho nhau nghe và không thể thiếu những lời “khắp chúc muôn” (Hát chúc mừng ), “khắp sòn côn” (hát dạy làm người ), “khắp báo sao” (hát dao duyên), “Khắp Xư”(ngâm thơ)…lúc ăn uống.

Cùng với nhiều hoạt động văn hóa trong ngày Tết, chính quyền địa phương còn tổ chức thêm nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác như lễ hội Lồng Tồng,Hạn Khuống, Múa Xòe,…đây cũng là dịp để mọi người giao lưu, là cơ hội để các cặp thanh niên, nam nữ gặp gỡ tìm hiểu và thành đôi dựng vợ gả chồng.

Nếu đã từng được tham gia, chứng kiến không khí Tết Nguyên Đán cùng đồng bào người Thái ở Mường Lò–Nghĩa Lộ dù chỉ một lần, chắc chắn rằng ấn tượng về ngày Tết ở nơi này sẽ làm chúng ta nhớ mãi khó quên!.

VĂN LỘC – HOÀNG THOÁN

Link nội dung: https://phaply.net.vn/net-dac-sac-trong-tet-co-truyen-nguoi-thai-muong-lo-yen-bai-a190245.html