Đa dạng các vi phạm liên quan quản lý và thực hiện BHXH
Trong lĩnh vực BHYT hiện nay có một số Y, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên khác trong các bệnh viện đã chiếm đoạt thuốc chữa bệnh trong quá trình khám bệnh và cấp phát thuốc bằng các thủ đoạn lập khống toàn bộ hoặc một số chứng từ thanh toán thuốc BHYT. Đây là trường hợp vi phạm nhằm chiếm đoạt tài sản của quỹ BHXH đã chuyển từ dạng tiền tệ sang vật chất và việc quản lý khối tài sản này thuộc trách nhiệm của người có chức vụ, quyền hạn trong bệnh viện. Một ví dụ điển hình: Năm 2010, bác sĩ Lưu Tố Lan công tác Bệnh viện Chợ Rẫy, Hồ Chí Minh chiếm đoạt 3,9 tỉ đồng tiền BHYT. Với thủ đọan trên, bác sỹ Lan đã làm giả hồ sơ khám chữa bệnh, kê toa thuốc khống để lấy thuốc theo chế độ BHYT đem bán. Ngoài ra, bác sỹ Lan đã cấu kết cùng nhân viên, bác sĩ bệnh viện tuyến dưới thu gom thẻ BHYT, lấy giấy chuyển viện khống sau đó kê đơn khống lấy thuốc theo BHYT đem bán lấy tiền chia nhau.
Trong khi thi hành công vụ tại bệnh viện cũng có tình trạng bác sỹ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc, cấp giấy ra viện, giấy khám thai không đúng quy định hoặc cố ý lập sai hồ sơ bệnh án điều trị nội trú cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Đây là thủ đoạn của một số bác sỹ tại cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận và cấp các loại giấy tờ nêu trên mà không có người bệnh. Các bác sĩ có thể đưa người nhà vào làm xét nghiệm đắt tiền nhưng lại ghi xét nghiệm đó cho bệnh nhân khác có thẻ BHYT được thanh toán 100 % hoặc kê những đơn thuốc đắt tiền cho những bệnh nhân có thẻ BHYT đang điều trị tại bệnh viện nhưng thực tế lại không sử dụng cho bệnh nhân đó.
Ngoài ra, trong lĩnh vực giám định sức khỏe cũng có hiện tượng cấp biên bản giám định tỉ lệ suy giảm khả năng lao động không đúng quy định của lĩnh vực chuyên môn để người tham gia BHXH hưởng chế độ BHXH trái pháp luật. Đây là thủ đoạn của một số bác sĩ của Hội đồng giám định y khoa các cấp có thẩm quyền khám và xác định tỉ lệ suy giảm khả năng lao động không đúng tình trạng thương tật, bệnh tật, mức suy giảm khả năng lao động đối với người được giới thiệu đi giám định khả năng lao động để hưởng các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động - nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất… Bằng thủ đoạn này, họ đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia các chế độ BHXH hưởng các chế độ BHXH trái pháp luật, gây thiệt hại cho quỹ BHXH.
Những hành vi cấu thành tội gian lận BHYT có hiệu lực từ 1/1/2018
Từ ngày 1/1/2018, những người thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng; Giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
Ngoài ra, khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm.
Đặc biệt, có những người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên. Đối với những trường hợp này người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, với những quy định pháp luật trong Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực từ 1/1/2018 đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với những hành vi vi phạm trong quản lý, thực hiện BHYT, BHXH và BHTN góp phần bảo toàn quỹ BHXH, BHYT và bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người lao động và nhân dân tham gia bảo hiểm.
PV
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhan-dien-mot-so-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-trong-linh-vuc-bao-hiem-xa-hoi-a189999.html