Nghịch lý “thu nhiều, nộp ít” ở khối FDI

Theo công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp thuộc khu vực FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) đang tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng con số đóng góp cho ngân sách nhà nước lại thấp nhất. Trong khi đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước, mặc dù tạo ra lợi nhuận thấp nhất nhưng lại đóng góp cao nhất cho ngân sách nhà nước.

 Samsung Việt Nam có nhiều đóng cho ngân sách tỉnh Thái Nguyên, nhưng số lượng chưa tương xứng với lợi nhuận
Samsung Việt Nam có nhiều đóng cho ngân sách tỉnh Thái Nguyên, nhưng số lượng chưa tương xứng với lợi nhuận)

Lợi nhuận cao nhất, đóng góp thấp nhất

Số liệu công bố ngày 6/2 của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, tính đến hết năm 2016, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp (DN) năm 2016 đạt 712,947 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực doanh nghiệp tăng 12,3% (thấp hơn mức tăng của vốn 16,3% và doanh thu 15,1%).

Cũng theo số liệu này, tổng số vốn đăng ký của DN thành lập mới năm 2017 là 1.295,9 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm 2016. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2016. Nếu tính cả 1.869,3 nghìn tỷ đồng của hơn 35,2 nghìn lượt DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2017 là 3.165,2 nghìn tỷ đồng, gấp 6 lần con số tổng GDP.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK thông tin, nếu phân chia theo khu vực kinh tế, các DN công nghiệp và xây dựng tạo ra lợi nhuận chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ DN, đồng thời là khu vực có tốc độ tăng lợi nhuận nhanh nhất giai đoạn 2010-2016.

Theo đó, năm 2016 các DN công nghiệp và xây dựng tạo ra 447,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 62,7% lợi nhuận của toàn bộ DN). Trong số này thì DN công nghiệp đã tạo ra 424,1 nghìn tỷ đồng. Còn DN khu vực dịch vụ tạo ra 261 nghìn tỷ đồng (chiếm 36,6% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp). Trong khi đó, dù được đánh giá là một thành phần đóng góp không nhỏ cho GDP nhưng DN khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016 chỉ tạo ra 4,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,7% lợi nhuận của toàn bộ doanh nghiệp), giảm bình quân 10,9%/năm.

Số liệu công bố mới nhất của TCTK cũng cho thấy, khu vực doanh nghiệp FDI mặc dù có số lượng DN, số lao động, vốn chiếm tỷ lệ không cao trong toàn bộ DN nhưng tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các thành phần kinh tế còn lại. Năm 2016, các DN FDI tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ DN).

Các DN ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ lớn nhất về số DN, lao động và vốn, nhưng chỉ tạo ra khối lượng lợi nhuận rất khiêm tốn và ở mức thấp nhất trong các thành phần kinh tế. Năm 2016 các DN ngoài nhà nước tạo ra 188,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ DN). Năm 2016 các DN nhà nước tạo ra 197,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,7% lợi nhuận của toàn bộ DN).

Tuy nhiên, chuyện lạ… cũng đã được chỉ ra trong báo báo này. Theo đó, mặc dù tạo ra lợi nhuận thấp nhất trong các thành phần kinh tế, nhưng các DN ngoài nhà nước lại đóng góp vào ngân sách nhà nước cao nhất với 434,7 nghìn tỷ đồng, bình quân tăng 17,0%/năm giai đoạn 2010-2016. Các DN nhà nước năm 2016 đóng góp 277,3 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10,4%/năm giai đoạn 2010 - 2016.

Điểm gây ngạc nhiên nhất mà báo cáo chỉ ra chính là vấn đề ở khu vực FDI. Báo cáo cho biết, khu vực này mặc dù tạo ra lợi nhuận lớn nhất nhưng các DN FDI lại có tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp nhất trong các thành phần kinh tế với 250,9 nghìn tỷ đồng năm 2016, tăng bình quân 16,9%/năm giai đoạn 2010-2016.

Được ưu đãi?

Lý giải về việc tỷ lệ tăng vốn cao hơn doanh thu và cao hơn các chỉ tiêu khác trong kinh doanh, ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (TCTK) cho rằng, hiện nay các DN đang tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu tăng quy mô vốn và lao động, trong khi kết quả lại chưa đạt như kỳ vọng do năng suất, chất lượng lao động của Việt Nam rất thấp, thấp hơn cả Lào và Campuchia.

Nhận định việc tổng số vốn đăng ký trong năm 2017 gấp 6 lần tổng GDP của cả nước là một con số khá… ảo, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng TCTK khẳng định, việc các DN đăng ký vốn ảo là hiện tượng có thật, vẫn xuất hiện trong nền kinh tế Việt Nam, nhưng hiện nay vẫn chưa có cách nào để kiểm soát con số vốn thật sự đưa vào nền kinh tế.

“Riêng TCTK, con số vốn đưa ra để tính toán không phải tổng số vốn đăng ký mà TCTK chỉ dựa vào số vốn giải ngân theo từng giai đoạn nên có thể yên tâm về chất lượng thống kê hàng năm của TCTK”, ông Lâm khẳng định.

Số liệu ảo cũng được đề cập đến trong phần tính toán tổng số DN mới thành lập đang hoạt động. Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (TCTK), thì số DN thành lập mới có xu hướng tăng cao, đặc biệt trong 2 năm qua, trên 11.000 DN/năm. Trong số liệu công bố này, có thể chia ra làm 3 con số khác nhau, đó là số liệu công bố của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số liệu này luôn lớn nhất. Số liệu khác đến từ bộ phận chuyên môn của Tổng cục Thuế, căn cứ trên số lượng mã số thuế đăng ký luôn đứng thứ 2. Và số liệu thực tế các DN của TCTK luôn đứng “chót” do TCTK chỉ tính toán trên cơ sở những DN đang hoạt động.

Cũng trong buổi công bố số liệu này, phần đóng góp cho ngân sách nhà nước của khu vực FDI được quan tâm hơn cả, do họ có lợi nhuận cao nhất trong các thành phần kinh tế, nhưng lại đóng góp thấp nhất cho ngân sách nhà nước. Lý giải về vấn đề này, ông Thúy cho rằng, có 2 nguyên nhân, thứ nhất là do chủ trương thu hút FDI của các địa phương, nguyên nhân thứ hai là DN FDI chủ yếu tập trung vào đầu tư công nghệ cao, trong khi lĩnh vực này luôn có những ưu đãi nhất định từ Chính phủ.

Theo ông Thúy, hiện nay, các DN sản xuất công nghệ cao có chính sách rất ưu đãi về thuế, trong khi, các DN sản xuất công nghệ cao lại đa phần là DN khối FDI nên họ nghiễm nhiên được ưu đãi lớn như: miễn thuế thu nhập DN hoàn toàn trong 4 năm đầu tiên, 3 năm sau nộp thuế 10% và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo… Ngoài ra, DN FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao lại còn được miễn thuế trong hoạt động xuất nhập khẩu nên số lượng đóng góp cho ngân sách nhà nước cảng giảm hơn.

Thậm chí, theo ông Thúy, có nhiều địa phương thực hiện rất nhiều chính sách ưu đãi để thu hút FDI, đã từng có những DN lựa chọn địa phương thực hiện dự án dựa vào các ưu đãi của chính quyền tỉnh đó. Đây là câu chuyện cũng đã được bàn nhiều ở các kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, cần phải khống chế “trần” ưu đãi FDI ở các địa phương để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng.

FDI chiếm hơn 45% lợi nhuận toàn bộ DN

Số liệu công bố mới nhất của TCTK cũng cho thấy, khu vực doanh nghiệp FDI mặc dù có số lượng DN, số lao động, vốn chiếm tỷ lệ không cao trong toàn bộ DN nhưng tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các thành phần kinh tế còn lại. Năm 2016, các DN FDI tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ DN).

Theo Bao Phapluat

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nghich-ly-thu-nhieu-nop-it-o-khoi-fdi-a189934.html