Vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê: Trả hồ sơ điều tra bổ sung 6 vấn đề

Tòa cho rằng có nhiều nội dung chưa được làm rõ nên quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung 6 vấn đề nổi cộm trong vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê.

Sau nhiều ngày nghị án, sáng nay (7.2) TAND TP.HCM đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh) cùng đồng phạm về việc thực hiện các hành vi gây thất thoát cho VNCB hơn 6.000 tỷ đồng.

Trong vụ án này, bị cáo Phạm Công Danh cùng 45 bị cáo khác bị truy tố và đưa ra xét xử về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại 4 ngân hàng: Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CB), Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn – Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Phiên tòa kéo dài trong một tháng (từ 8.1), tuy nhiên sau nhiều ngày nghị án TAND TP.HCM đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Chủ tọa phiên tòa, Chánh án TAND TP.HCM Phạm Lương Toản cho biết do có nhiều tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ, các cơ quan tố tụng không thể bổ sung tại tòa nên HĐXX phiên tòa quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra làm rõ.

Cụ thể tòa yêu cầu làm rõ các vấn đề: Các bị cáo nguyên là cán bộ các ngân hàng khai không quen biết Phạm Công Danh, làm việc đúng chức năng nhiệm vụ, không tư lợi; làm rõ lời khai của bị cáo Trầm Bê liên quan đến vụ án, đồng thời ý kiến của bị cáo Bê cho rằng vì sao chỉ khởi tố ông trong khi lãnh đạo các ngân hàng khác thì không; điều tra việc ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định cho Công ty Phong Hiệp vay để tránh bỏ lọt tội phạm.

Đặc biệt tòa yêu cầu điều tra về hành vi chiếm đoạt tài sản ngân hàng của Phạm Công Danh, số tiền chiếm đoạt, thời gian chiếm đoạt; làm rõ nội dung đề nghị của VKS về việc thu hồi 6.126 tỷ đồng từ 3 ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank; điều tra làm rõ các vấn đề liên quan đến số tiền 4.500 tỷ đồng dùng để tăng vốn điều lệ VNCB.

Với các vấn đề trên, hồ sơ vụ án, lời khai của các bị cáo tại tòa cũng như các nội dung trong phần tranh luận vẫn chưa được làm rõ nên cần thiết trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Các bị cáo tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa.)

Theo hồ sơ, năm 2013 và 2014, Phạm Công Danh chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và nhân viên thuộc tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Phạm Công Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV; đồng thời dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng trên để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay. Sau đó, bị 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB với tổng số tiền hơn 6.129 tỷ đồng.

Các công ty làm hồ sơ vay khống không thực hiện kinh doanh theo phương án cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Còn VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được số tiền bảo lãnh từ các công ty, từ đó dẫn đến thiệt hại cho VNCB hơn 6.000 tỷ đồng. Cụ thể, hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang Sacombank, cho vay, bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty gây thiệt hại cho VNCB trên 1.835 tỷ đồng; hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi tại TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.740 tỷ đồng. Và hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại BIDV bảo lãnh và trả nợ cho 12 công ty của mình vay vốn, gây thiệt hại trên 2.550 tỷ đồng.

Ngoài ra, cáo trạng còn xác định hành vi làm trái của Nguyễn Việt Hà và đồng phạm trong việc nhận ủy thác đầu tư số tiền 903 tỷ đồng từ VNCB qua Công ty cổ phần quản lý Quỹ Lộc Việt, giúp Phạm Công Danh có 900 tỷ đồng để dùng cho mục đích cá nhân.

Do kết luận giám định xác định thiệt hại thuộc về ngân hàng VNCB nên trong quá trình điều tra VNSND Tối cao đã yêu cầu về việc thu hồi hơn 6.126 tỷ đồng cho VNCB để khách phục hậu quả. Tuy nhiên cơ quan điều tra chưa thực hiện, do đó VKSND Tối cao đề nghị trong phiên tòa tới đây HĐXX và đại diện VKS tiếp tục điều tra công khai tại phiên tòa để xác định các khoản tiền phải thu hồi do hành vi cố ý làm trái của các bị can, người liên quan gây ra.

Theo Danviet

Link nội dung: https://phaply.net.vn/vu-an-pham-cong-danh-tram-be-tra-ho-so-dieu-tra-bo-sung-6-van-de-a189931.html