Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, hướng tới xây dựng BHXH điện tử chuyên nghiệp, hiện đại

Trong năm 2017, BHXH Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động nghiệp vụ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, cấp mã số định danh quản lý người tham gia BHXH, BHYT trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình; khai trương và vận hành Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin, Trung tâm dịch vụ khách hàng, phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân, NLĐ các vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN. Công tác thu, phát triển đối tượng tham gia, giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN, cấp, trả sổ BHXH và cấp thẻ BHYT... đạt được nhiều kết quả ấn tượng, đã tạo tiền đề thuận lợi để ngành BHXH tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, hướng tới đảm bảo an toàn quỹ BHXH và coi người tham gia BHXH là đối tượng phục vụ.

Ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam thông tin về tình hình giải quyết nợ đọng BHXH năm 2017 .
Ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam thông tin về tình hình giải quyết nợ đọng BHXH năm 2017 .)

Năm 2017, toàn Ngành đã triển khai công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, thanh tra liên ngành tại 16.083 đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BHTN, truy thu về quỹ BHXH, BHYT hàng trăm tỷ đồng. Qua công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, đã phát hiện 42.263 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 88,2 tỷ đồng; 50.734 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 47,3 tỷ đồng. Tổng số tiền các đơn vị được thanh tra, kiểm tra nợ là trên 2.776 tỷ đồng; số tiền nợ sau thanh tra, kiểm tra là 1.312 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi nợ qua công tác thanh tra, kiểm là 52,7%). Đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 505 đơn vị sử dụng lao động. Năm 2017 là năm đầu tiên trong nhiều năm, số nợ đọng BHXH giảm từ mức 3,7% (cuối năm 2016) xuống dưới 3% so với kế hoạch thu được giao; từng bước kiểm soát được chi phí KCB BHYT bất hợp lý, đảm bảo an toàn quỹ BHYT...

Tại Hà Nội - địa phương luôn dẫn đầu cả nước về nợ BHXH, BHXH Thành phố đã tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, đơn vị nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, đốc thúc công tác thu hồi nợ, đảm bảo quyền lợi an sinh cho NLĐ; triển khai có hiệu quả việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa 5 ngành (gồm: BHXH, Công an, Sở LĐ - TB và XH, LĐLĐ Thành phố, Cục Thuế). Năm 2017, lần đầu tiên BHXH Thành phố có tỷ lệ nợ đọng BHXH giảm sâu nhất trong nhiều năm qua (giảm 1.113 tỷ đồng tiền nợ BHXH so với năm 2016, hiện số nợ đọng BHXH của TP còn lại là 1.304 tỷ đồng). Còn tại Kiên Giang, năm 2017 đã chấm dứt tình trạng “âm quỹ” BHYT bởi BHXH tỉnh đã thực hiện tốt công tác phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB. Qua đó đã phát hiện và cảnh báo kịp thời những chi phí bất hợp lý, đồng thời cũng chủ động tháo gỡ nhiều vướng mắc còn tồn tại trong KCB BHYT.

Năm 2017, số người tham gia BHXH “cán mốc” 13,9 triệu người, bằng 100,8% kế hoạch; số người tham gia BHYT đạt khoảng 79,9 triệu người, bằng 102,1% so với kế hoạch, đạt độ bao phủ BHYT khoảng 85,6%, vượt 3,4% so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đạt khoảng 291.321 tỷ đồng, bằng 101,6% so với kế hoạch; tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp phải tính lãi khoảng 5.737 tỷ đồng, bằng 2,9% so với kế hoạch thu BHXH được giao (giảm 0,8% so với năm 2016). Toàn Ngành ước giải quyết cho 142.000 người hưởng BHXH hàng tháng; 717.000 lượt người hưởng trợ cấp một lần; 9,1 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 620.000 người hưởng chế độ BH thất nghiệp; hỗ trợ học nghề cho 32.000 người; KCB BHYT cho trên 166 triệu lượt người…

Năm 2017 cũng là năm đầu tiên BHXH Việt Nam triển khai tổ chức bàn giao sổ BHXH cho NLĐ theo quy định của Luật BHXH năm 2014, theo đó, số lượng sổ BHXH bàn giao cho NLĐ là 10,1 triệu sổ, đạt 72,34% so với tổng số sổ BHXH phải trả. 100% số người tham gia BHYT được cấp thẻ BHYT, trong đó có gần 58 triệu người đã được cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH. Ước số chi BHXH, BHYT, BHTN toàn Ngành là 270.236 tỷ đồng. Trong đó, chi BHXH từ nguồn Ngân sách 44.875 tỷ đồng, chi BHXH từ Quỹ BHXH 132.140 tỷ đồng; chi Quỹ BHTN 8.721 tỷ đồng và chi KCB BHYT dự kiến 84.500 tỷ đồng.

BHXH Việt Nam đã tăng cường công tác quản lý chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; kiểm soát chặt chẽ các thủ tục chi trả các chế độ, nhất là các chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ, BNN và trợ cấp thất nghiệp, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ theo quy định; tăng cường quản lý các quỹ BHXH, BHYT, bảo đảm cân đối thu, chi hiệu quả và an toàn; xây dựng dự toán thu, chi hàng năm và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước giai đoạn 3 năm theo đúng quy định của pháp luật; bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của Ngành; tổ chức điều hành dự toán chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bưu điện kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác chi trả các chế độ BHXH, BHTN; quản lý chặt chẽ người hưởng, báo tăng, báo giảm kịp thời và đảm bảo an toàn tiền mặt.

Theo dự kiến chậm nhất đến năm 2020 sẽ thực hiện cấp đầy đủ sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT và kết nối với cơ sở dữ liệu thẻ an sinh xã hội do Bộ LĐ - TB và XH quản lý, dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý; từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo hiểm (1 trong 6 danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần được ưu tiên triển khai theo Quyết định 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ) để tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Đến nay, BHXH Việt Nam đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tổng số đơn vị đăng ký giao dịch điện tử lên tới trên 236 nghìn đơn vị; số hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử khoảng 2,4 triệu hồ sơ trên tổng số 6,64 triệu hồ sơ giao dịch (tỷ lệ là 36%).

Trong quý 4/2017, lần đầu tiên BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức đấu thầu thuốc quốc gia. BHXH Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 đối với 05 hoạt chất với tổng giá trị trên 1.000 tỷ đồng; giá kế hoạch được phê duyệt đã giảm từ 5 đến 15% so với các mặt hàng trúng thầu tại các tỉnh, thành phố trong 12 tháng trước đó. Các nhà thầu trúng thầu đã cam kết đảm bảo chất lượng thuốc, khả năng cung ứng và tiến độ cung ứng thuốc để phục vụ người bệnh.

Năm 2017 là năm BHXH Việt Nam được Chính phủ đánh giá hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị với những kết quả ấn tượng, tạo những bước tiến lớn trong việc triển khai tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT ngày một hiệu quả, đóng góp xứng đáng vào thành công chung về kinh tế - xã hội. Điều này đã củng cố niềm tin của Đảng, Chính Phủ, người tham gia BHXH, là điều kiện để ngành BHXH phát triển hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân. Năm 2018, BHXH Việt Nam đề ra 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng tập trung thực hiện các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính Phủ; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHYT theo hộ gia đình. Tiếp tục phối hợp với Bộ LĐ – TB và XH, Bộ Y tế, Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện dự thảo sửa đổi bổ sung các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật ATVSLĐ trình Chính phủ ban hành; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố triển khai kịp thời các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Tiếp tục nghiên cứu, thí điểm việc thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT giấy sang phương thức điện tử….

Kim Tùng

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bao-hiem-xa-hoi-viet-nam-dam-bao-quyen-loi-cua-nguoi-tham-gia-bhxh-huong-toi-xay-dung-bhxh-dien-tu-chuyen-nghiep-hien-dai-a189593.html