(Pháp lý) - 1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy…”
“…Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng nhắc lại phát biểu khi tiếp xúc cử tri Hà Nội, tại phiên họp thứ 12 (diễn ra sáng 31/7), về chỉ đạo phòng, chống tham nhũng 6 tháng cuối năm 2017.
2. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng”
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau): “Phải chăng có vùng cấm đối với các đối tượng liên quan đến những vụ án tham nhũng ?”, chiều 18/11 (kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV), Thủ tướng nêu rõ Đảng, Nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng, tiêu cực... “Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng. Hệ thống hành pháp phối hợp tư pháp cùng các cấp ngành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đúng pháp luật, kịp thời và công khai”, Thủ tướng nói.
3. Đại biểu QH Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an: “Chặn Internet thì chúng ta không chơi được với ai”.
Ngày 13/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật An ninh mạng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng đây là vấn đề rất khó. Ban soạn thảo xác định là vấn đề an ninh phi truyền thống, có sự quan tâm chung của quốc tế, từng quốc gia, của tất cả các diễn đàn song phương, đa phương… Tuy nhiên theo ông Lâm, nếu vì đảm bảo an ninh, không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ mạng thì rất lạc hậu, không thể "chơi được với ai" hay hội nhập với thế giới.
4. Đại biểu QH Nguyễn Hồng Vân: “Người ta xây dựng nhà trái phép thì phải cưỡng chế và dỡ bỏ, còn đề bạt cán bộ sai lại “phạt cho tồn tại” thì không phù hợp và cần giải pháp mạnh hơn”.
Đề cập đến yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, ĐBQH Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) đã thẳng thắn phát biểu như vậy tại QH ngày 30/10. Ông cho rằng thực trạng đề bạt cán bộ, đề bạt bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, không đúng quy trình hoặc vượt quá số lượng thì đâu đó vẫn còn hiện tượng “phạt cho tồn tại” như trong quản lý xây dựng cơ bản.
5. Đại biểu QH Nguyễn Sỹ Cương: “Chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm”
Tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội ngày 31/10 (kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV), ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã làm nóng nghị trường với nhận định: “Chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm” - ông Cương nói và cho rằng nhiều địa phương cứ lập dự án trồng rừng để phá rừng với lý do “tận thu”.
6. Đại biểu QH Dương Trung Quốc nói về vụ Đồng Tâm: Cần nhìn nhận đây là một sự “khủng hoảng về lòng tin” chứ không nên thuần túy chỉ coi là một vụ án hình sự.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 2/11, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhắc lại sự việc ở Đồng Tâm (Hà Nội) và cho rằng cần nhìn nhận đây là một sự “khủng hoảng về lòng tin” chứ không nên thuần túy chỉ coi là một vụ án hình sự.
7. Đại biểu QH Phạm Thị Minh Hiền: “Biệt phủ vẫn sừng sững, không ít “củi tươi” vẫn an toàn sau những bức xúc”
Phát biểu thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, chiều 6/11, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cử tri cả nước. Thế nhưng, các vụ khởi tố điều tra vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ, tăng gần 21% về số vụ và trên 21% số bị can. Những biệt thự, biệt phủ vẫn sừng sững và không ít “củi tươi”, “củi khô” vẫn an toàn sau những ồn ào, bức xúc của xã hội.
8. Đại biểu QH Mai Thị Phương Hoa: “Có tuyên bản án nghiêm khắc đến đâu mà không thu hồi được tài sản tham nhũng thì chống tham nhũng chưa triệt để”.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đã nhấn mạnh như vậy, khi thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 vừa được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Bà Hoa cho biết tổng kết 10 năm thi hành luật cho thấy thiệt hại hơn 59.700 tỷ đồng và 400 ha đất nhưng thu hồi rất thấp, chỉ 7,82% và tài sản , 54,7% về đất…
9. Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa: “Nhiều điều luật chưa chặt chẽ vô tình khiến doanh nghiệp ngoại thắng thầu nhưng không thực hiện đúng cam kết”
Tại buổi thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), sáng 15/11, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng hàng tỷ đô la từ thu hút đầu tư nước ngoài đã không đem lại kết quả tương xứng với những ưu đãi Nhà nước dành cho nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài chuyển giá, trốn thuế. Nhiều điều luật chưa chặt chẽ vô tình khiến doanh nghiệp ngoại thắng thầu nhưng không thực hiện đúng cam kết.
“…Nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi nước mắt vì bị mất thị trường ngay trên chính đất nước mình, ngay cả khi được chào mua lại với giá ba đời ăn không hết” – ông Nghĩa nói.
VŨ LÊ MINH (TỔNG HỢP)
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhung-phat-ngon-an-tuong-ve-phap-luat-nam-2017-a189521.html