(Pháp lý) - Thêm một lần thế giới đi qua 365 ngày với những xung đột sâu sắc. Lại tiếp tục xảy ra những trận chiến đẫm máu. Lại tràn ngập những dòng người tị nạn. Và hơn thế, dịp cuối năm 2017, thế giới phải lo lắng một năm mới với những cuộc chiến và nguy cơ trên diện rộng.
Điểm sáng le lói
Năm 2017, điểm lạc quan đáng kể nhất trong số các cuộc chiến kéo dài trên phạm vi toàn thế giới là tình hình chiến sự Syria đã hạ nhiệt. Vòng đám phán thứ 8 về tình hình Syria do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bảo trợ diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan đã phác thảo kế hoạch tổ chức Đại hội đối thoại dân tộc Syria vào cuối tháng 1/2018. Kế hoạch do Nga đề xuất này mang mục đích tăng cường thảo luận nhằm đạt được thỏa thuận chính trị cuối cùng- mục tiêu bị đình trệ lâu nay trong các vòng đàm phán hòa bình Syria do Liên hợp quốc bảo trợ tại Geneva, Thụy Sĩ. Thêm một tín hiệu lạc quan khác cho tình hình xung đột tại Syria, đó là sau nhiều năm theo đuổi chính sách nhằm loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã có sự thay đổi. Washington sẵn sàng chấp nhận việc Tổng thống al-Assad tiếp tục nắm quyền cho tới cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo tại Syria dự kiến vào năm 2021.
Những diễn biến lạc quan về tình hình chính trị tại Syria bắt nguồn từ thực tế chiến trường. Ba năm sau khi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố thành lập cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” trên những vùng lãnh thổ chiếm đóng được trải dài từ Iraq tới Syria, tổ chức khủng bố khét tiếng này cơ bản đã sụp đổ trong năm 2017. Ước tính khoảng 60.000 tay súng thánh chiến đã bị tiêu diệt, trong đó có nhiều thủ lĩnh cấp cao. Các thành trì lớn của IS như Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria đều đã được giải phóng.
Khi cuộc chiến với IS tại Syria đã giành được thắng lợi, quân đội Nga, liên quân do Mỹ đứng đầu không còn nhiều lý do ở lại quốc gia Trung Đông này. Vì thế, lần lượt những cuộc rút quân đang được thực hiện, để Syria tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đẫm máu kéo dài gần 7 năm qua và cướp đi hơn 340.000 sinh mạng, hàng triệu người phải ly tán, di cư.
Tình hình chiến sự tại Syria đã lắng dịu, tuy nhiên, con đường hòa hợp của quốc gia Trung Đông này vẫn đầy chông gai. Phe đối lập vẫn bảo vệ quan điểm Tổng thống al-Assad không được giữ bất kỳ vai trò gì trong chính phủ chuyển tiếp. Trong khi đó, với vai trò chủ đạo trong chiến thắng trước IS, không dễ gì chính quyền do Tổng thống al-Assad chấp nhận điều kiện của phe đối lập. Điều ấy có nghĩa, Syria mới bình yên có một “nửa”. “Nửa” còn lại là nguy cơ xung đột giữa chính phủ đương nhiệm và lực lượng đối lập.
Kết cục, nền hòa bình cho Syria vẫn còn là điều gì đó xa vời!
Cuộc chiến và nguy cơ trên diện rộng
Năm 2017 đi qua với một nỗi lo lắng xảy ra vào đúng tháng cuối cùng. Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel tới Jerusalem. Điều đó đồng nghĩa với việc Washington công nhận thành phố cổ này là thủ đô của Israel.
Trên bình diện quốc tế, ngay lập tức, tuyên bố của ông D.Trump gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ. Hàng loạt cuộc biểu tình ủng hộ Palestine diễn ra tại khắp các nước từ Âu sang Á. Hội đồng Bảo an tiến hành một cuộc bỏ phiếu nhằm yêu cầu Mỹ rút lại tuyên bố. 14/15 phiếu thuận, duy nhất Mỹ dùng quyền phủ quyết dự thảo. Tại phiên họp bất thường của Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng với nội dung tương tự cuộc họp của Hội đồng Bảo an, kết quả là 128 phiếu thuận, 9 phiếu chống, 35 phiếu trắng.
Tại Jerusalem, những cuộc biểu tình của người Palestine đã đụng độ với cảnh sát Israel. Hàng chục người đã bị thương. Thành phố cổ kính biến thành một chiến trường hỗn loạn.
Việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel tới Jerusalem luôn là vấn đề nhạy cảm. Các Tổng thống tiền nhiệm của ông D.Trump luôn né tránh việc đưa ra quyết định vì lo ngại việc phải chịu trách nhiệm về một bước lùi trong tiến trình hòa bình Trung Đông.
Dù tiếp tục tuyên bố vẫn theo đuổi những giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel- Palestine nhưng trên thực tế, Tổng thống D.Trump đã đẩy hai quốc gia này dấn sâu vào mâu thuẫn. Trong suốt hàng trăm năm, Jerusalem là trái tim chính trị, hành chính và tinh thần của Palestine. Gần 1/3 hoạt động kinh tế của Palestine tập trung quanh Đông Jerusalem. Với tầm quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội và tôn giáo của Đ
ông Jerusalem thì sẽ không thể có một nhà nước Palestine độc lập nếu không có Đông Jerusalem. Trong khi đó, Israel luôn theo đuổi một cách có hệ thống các chính sách nhằm bảo đảm sự kiểm soát độc quyền đối với thành phố này.
Trong hàng thập niên qua, khó có thể kiểm đếm những cuộc thương thảo trên phạm vi quốc tế nhằm tìm kiếm giải pháp cho xung đột Palestine- Isarel. Giải pháp về hai nhà nước độc lập đã trở thành giải pháp khả thi nhất về mặt lý thuyết. Trong khi, trên thực tế, việc hai nhà nước có chung một thủ đô là điều rất bất khả thi.
Cũng liên quan tới nhà nước Do Thái, cuộc chiến giữa quân đội Israel với phong trào Hồi giáo Hamas đóng trên Dải Gaza vẫn chưa một ngày hạ nhiệt. Những ngày cuối năm 2017, liên tiếp những vụ tấn công qua lại nổ ra. Tính riêng trong tháng 12, tổng cộng, đã có hơn một chục vụ phóng tên lửa từ Gaza bắn vào lãnh thổ Israel kể từ sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ D.Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Đáp lại, quân đội Israel sử dụng cả lực lượng không quân và xe tăng tấn công vào một số mục tiêu quân sự của phong trào Hồi giáo Hamas đóng trên Dải Gaza.
Chưa hết, những vụ tấn công bằng tên lửa của quân đội Israel vào lãnh thổ Syria càng khiến khu vực Trung Đông thêm nóng bỏng. Lại có những thường dân bị thiệt mạng, trong khi, những cuộc tấn công quân sự vẫn không ngừng gia tăng! Khu vực Trung Đông chưa thể có một ngày bình yên nếu Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái, tìm cách giành đất của người Palestine, trong khi các tay súng Palestine vẫn tiến hành các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu Do Thái. "Chảo lửa" Trung Đông không thể hạ nhiệt nếu những cuộc chiến giữa Israel và thế giới Arab vẫn tiếp diễn.
Cùng một Trung Đông đắm sâu trong vòng xoáy xung đột, những hành động của Triều Tiên trong năm 2017 đang tạo ra một nguy cơ chiến tranh rất lớn, có khả năng biến thành một cuộc chiến hạt nhân.
Chỉ tính riêng năm 2017, ngoài một vụ thử hạt nhân, Triều Tiên đã thực hiện hơn 20 vụ thử tên lửa, trong đó có những vụ thử thành công tên lửa liên lục địa có tầm bắn lên tới trên 10.000km. Khả năng phát triển vũ khí công nghệ cao của quốc gia này đã vượt xa khỏi những dự báo của các chuyên gia quân sự của NATO. Thậm chí, theo tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trong năm 2018, nước này phát triển công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để Triều Tiên trở thành một “cường quốc hạt nhân”.
Trước viễn cảnh Triều Tiên sở hữu những quả tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn tới bất cứ nơi nào trên thế giới, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều đã có những động thái đáp trả. Theo tờ Telegraph (Anh) , Mỹ đang lên kế hoạch cho một vụ tấn công "phủ đầu" nhằm vào Triều Tiên để chặn đứng chương trình hạt nhân của nước này. Một trong số các lựa chọn là phá hủy một trong những bãi thử tên lửa trước khi được Bình Nhưỡng sử dụng để tiến hành vụ phóng thử mới. Ngoài ra, các kho vũ khí của Triều Tiên cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công.
Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản nỗ lực tăng cường khả năng quân sự bằng việc đẩy mạnh sản xuất và các thương vụ mua bán vũ khí. Đặc biệt, Nhật Bản lần đầu tiên sẽ mua các loại tên lửa tầm xa để đối phó với tình trạng an ninh quốc gia “ngày càng nguy hiểm.”
Những cuộc xung đột khác
Năm 2017, cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm qua tại Yemen khiến khoảng 12.000 người thiệt mạng, trong đó đa số là dân thường, gần 40.000 người bị thương, 3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, 2/3 dân số cần cứu trợ nhân đạo, vẫn chưa kết thúc. Thậm chí, những ngày cuối năm, tình hình chiến sự càng nóng lên khi liên quân do Saudi Arabia đứng đầu tăng cường các vụ không kích.
Yemen rơi vào cảnh hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Saleh kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa. Tháng 3/2015, liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi. Liên hợp quốc cho rằng đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Các vụ giao tranh đã ngăn cản xe cứu thương và các đội y tế tiếp cận người bị thương, khiến người dân không dám ra ngoài để mua lương thực và nhu yếu phẩm. Hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc cũng bị tê liệt trong bối cảnh hàng triệu người Yemen phải sống dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài để tồn tại. Trong khi đó, các vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ giữa các bên đối địch tại Yemen từ trước tới nay chưa thể giúp chấm dứt xung đột tại quốc gia này.
Kể từ tháng 4/2014, thời điểm xung đột xảy ra tại khu vực miền Đông Ukraine, đến nay, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), đã có hơn 2.500 dân thường thiệt mạng (trong tổng số khoảng 10.000 người thiệt mạng), khoảng 9.000 người bị thương.
Khoảng 200.000 người sống dọc chiến tuyến giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai thường xuyên hứng chịu cảnh tên rơi đạn lạc, thiệt mạng và mất nhà cửa. Khoảng 1.500 cuộc đụng độ giữa hai bên diễn ra mỗi tháng khiến cuộc sống của người dân luôn bị đe dọa.
Nhóm tiếp xúc về Ukraine, bao gồm đại diện của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Nga, Ukraine và 2 nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng, bắt đầu các cuộc đàm phán từ giữa năm 2014 nhằm thúc đẩy việc thực thi các thỏa thuận hòa bình Minsk về giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, xung đột vẫn liên tiếp xảy ra. Các lệnh ngừng bắn liên tục bị vi phạm. Mới đây nhất, chỉ trong vòng 24 giờ, quân đội Ukraine đã bắn về phía các quận của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) dọc theo giới tuyến hơn 1.200 quả đạn pháo.
Hồi tháng 9/2017, Nga đã đề nghị Hội đồng Bảo an cho phép triển khai một phái bộ vũ trang hạng nhẹ đến bảo vệ các quan sát viên quốc tế của OSCE đang thực thi nhiệm vụ giám sát cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine. Moskva muốn lực lượng này chỉ hoạt động ở dọc đường giới tuyến giữa các lực lượng của chính quyền Kiev với các tay súng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine và việc triển khai này phải được các bên liên quan đồng thuận. Tuy nhiên, phía Ukraine đã phản đối đề xuất này và tuyên bố phái bộ của Liên hợp quốc phải được phép tuần tra trên toàn khu vực xung đột và biên giới giữa Nga với vùng lãnh thổ mà lực lượng đòi độc lập đang kiểm soát.
Châu Phi, mảnh đất của đói nghèo nhưng chưa một ngày bình yên. Nội chiến và xung đột liên tiếp xảy ra tại Congo khiến quốc gia này chưa thể thoát khỏi khó khăn với hơn một nửa dân số (khoảng 4,2 triệu người) vẫn sống trong nghèo đói. Phiến quân Các lực lượng dân chủ liên minh (ADF) gốc Uganda hoạt động ở phía Đông của Congo trong hơn 20 năm qua và đã gây ra cái chết cho hàng ngàn người sống tại khu vực này.
Tại Nam Sudan, những cuộc đụng độ giữa quân chính phủ và lực lượng phiến quân liên tiếp xảy ra tại các tỉnh Rup-Kuai, Leer, Wesstern Lakes, Latjoor, Fangak thuộc miền Bắc và Amadi, Yei-River thuộc miền Trung. Các lực lượng đối lập vũ trang gần đây tăng cường các hoạt động thù địch nhằm thu hút sự chú ý của Cơ quan phát triển liên chính phủ (IGAD) để có thể được hiện diện trong cuộc họp tái thiết hòa bình.
Nam Sudan giành độc lập sau khi tách ra từ Sudan vào năm 2011 nhưng lại rơi vào cuộc nội chiến kể từ năm 2013 sau khi Tổng thống Salva Kiir bãi nhiệm Phó Tổng thống Riek Machar. Thỏa thuận hòa bình 2015 về chấm dứt xung đột đã suy yếu sau khi nhiều cuộc giao tranh mới nổ ra vào tháng 7/2016, đã khiến lãnh đạo phe đối lập Machar phải sống lưu vong. Nội chiến khiến nước này rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Gần 5 triệu người Nam Sudan hiện đang thiếu lương thực. Dự báo, hơn 1,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Nam Sudan sẽ bị suy dinh dưỡng vào năm 2018, trong đó có gần 300.000 em bị suy dinh dưỡng ở mức "có nguy cơ tử vong cao".
Tại Nigeria, cuối tháng 12/2017, các nhóm chiến binh Boko Haram đã giành quyền kiểm soát thị trấn Magumeri, nằm cách thủ phủ Maiduguri của bang Borno khoảng 50 km về phía Bắc. Quân đội nước này buộc phải rút lui sau các cuộc giao tranh dữ dội. Sau khi lực lượng tăng viện của quân đội được triển khai, Boko Haram đã nhanh chóng bị đánh bật khỏi thị trấn Magumeri. Kể từ cuộc nổi dậy cách đây 8 năm nhằm thiết lập một nhà nước Hồi giáo, nhóm phiến quân Boko Haram đã phát động các cuộc tấn công ở Nigeria, Cameroon, Niger và Cộng hòa Chad - các quốc gia thuộc lưu vực hồ Chad, khiến ít nhất 20.000 người thiệt mạng và 2,6 triệu người rời bỏ nhà cửa. Mặc dù có sự hiện diện của Lực lượng an ninh đa quốc gia từ các nước thuộc lưu vực sông Chari, bao gồm cả Chad và Cameroon, để chống Boko Haram, tuy nhiên nhóm khủng bố này vẫn tiếp tục các hành động bạo lực và giết hại bừa bãi.
Năm 2018- năm của hy vọng
Một năm mới thường đi cùng những hy vọng mới. Và niềm hy vọng lớn nhất của người dân tại những quốc gia có xung đột vũ trang luôn là hòa bình. Tuy nhiên, thực tế, hòa bình luôn là điều khó đến, đặc biệt tại những vùng đất có “truyền thống” xung đột. Năm 2017 là một minh chứng rất rõ rệt cho điều này.
Nhưng dẫu gì, niềm hy vọng vẫn luôn tồn tại. Hơn thế, hòa bình lại là niềm hy vọng chung của cả nhân loại. Và khi cả nhân loại vẫn còn chung một ý chí, những mâu thuẫn, những xung đột sẽ có cơ hội được giải quyết.
Huy Đăng
Link nội dung: https://phaply.net.vn/the-gioi-chua-binh-yen-a189515.html