Xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2: Các công ty "ma" lập hồ sơ khống vay 1800 tỷ đồng như thế nào?

Ngày 11/1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi làm rõ quy trình duyệt hồ sơ khống để vay 1.800 tỷ đồng của các công ty “hữu danh vô thực” do Danh và đồng phạm lập ra.

Bị cáo Phan Huy Khang, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank bị quy kết về hành vi giúp sức cho Phạm Công Danh có được tiền, sử dụng trái phép, gây thiệt hại cho VNCB. Khang khai về quá trình làm hồ sơ cho 6 công ty (Công ty của Phạm Công Danh) vay tiền.

Theo bị cáo Khang, các khoản vay mà Sacombank ký là cho các công ty vay chứ không phải cá nhân ông Danh. Khi cho vay, nhân viên Sacombank đã thực hiện đầy đủ và đúng quy trình. Những hồ sơ cho vay được giao cho các bộ phận chuyên của ngân hàng xem xét.

 

 Áp giải bị cáo Phạm Công Danh đến Tòa
Áp giải bị cáo Phạm Công Danh đến Tòa)

Trong lần gặp Phạm Công Danh cùng Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Quốc Viễn (Trưởng ban kiểm soát VNCB), Khang có mời Phan Đình Tuệ (nguyên thành viên Hội đồng tín dụng Sacombank, phó Tổng giám đốc) đến dự và Khang thông báo chủ trương của Trầm Bê và giới thiệu Mai là đại diện cho VNCB; Khương, Viễn đại diện các công ty vay vốn. Sau đó giao cho Phan Đình Tuệ thực hiện. Danh nêu lý do: Các công ty con đang có nhu cầu vay tiền để kinh doanh vật liệu xây dựng. Khang thống nhất cho Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB.

Bị cáo Khang khai: "Khi ông Trầm Bê giao nhiệm vụ, bị cáo thấy đúng thì mới triển khai, thấy hợp lý thì cho vay. Khi nhận hồ sơ từ cấp dưới chuyển lên, tôi không thấy hồ sơ có gì bất thường”. Theo Khang, ông Trầm Bê không áp đặt phải cho ông Danh vay.

Bị cáo Khương và Viễn khai nhận đã đến Sacombank gặp Tuệ và đem theo 6 bộ hồ sơ pháp nhân bản photocopy và bản phân chia vốn vay cho 6 công ty của Danh để Tuệ nắm “chủ trương vay tiền” của VNCB. Khương đã chỉ đạo cấp dưới lập khống báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013. Việc hoàn thiện 6 hồ sơ toàn bằng các tài liệu “ma” như “báo cáo kết quả kinh doanh”, “báo cáo lưu chuyển tiền tệ”… được hoàn tất nhanh chóng và được 6 lái xe, bảo vệ, nhân viên tiếp thị đóng vai “giám đốc” các công ty đóng dấu chuyển đến Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và chi nhánh quận 8.

Khi cấp dưới trình hồ sơ các khoản vay của 6 công ty, mặc dù hồ sơ cho vay đều là các hồ sơ lập khống, các công ty vay vốn đều không có hoạt động kinh doanh, không thẩm định... nhưng Sacombank vẫn cho vay. Cáo trạng quy kết việc Khang và đồng phạm không kiểm tra sau khi cho vay, bỏ mặc cho Phạm Công Danh sử dụng tiền vay trái quy định; khi cho vay đã tính trước khoản lãi vay của 12 tháng để yêu cầu VNCB dùng tiền gửi bảo lãnh và hết hạn cho vay đã tự thu hồi tiền vay thông qua tiền gửi đã gây thiệt hại cho VNCB 1.835 tỷ đồng.

Tại tòa, luật sư bào chữa bị cáo Phạm Công Danh đã hỏi Khang về việc VNCB ký hợp đồng tiền gửi không kỳ hạn tại chi nhánh Hưng Đạo và Quận 8. Ông Khang khai: "Bị cáo không nhớ rõ nội dung trong hợp đồng nhưng sau khi các bên có liên quan không thực hiện đúng hợp đồng thì Sacombank đã thanh toán xử lý hợp đồng và xem xét số tiền còn dư đã trả lại cho VNCB".

Về mục đích vay tiền, các luật sư hỏi Phạm Công Danh có thông báo cho Trầm Bê biết hay không? Danh cho rằng: "Bị cáo chỉ trình bày cho Trầm Bê việc các công ty con đang có nhu cầu vay tiền để “kinh doanh vật liệu xây dựng”. Theo Danh, bị cáo Trầm Bê không biết bản chất việc vay tiền, còn thực tế ông Bê có biết hay không thì bị cáo cũng không rõ.

Luật sư Bùi Phương Lan, bào chữa cho Phạm Công Danh hỏi bị cáo Trầm Bê về quy trình cho vay tại Sacombank. Theo Trầm Bê khai, bị cáo biết Danh là Chủ tịch HĐQT VNCB không thể vay tiền tại VNCB nên đã đồng ý cho Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB. Danh trực tiếp gặp Phan Huy Khang, Thành viên HĐTD, Tổng giám đốc Sacombank thống nhất cho Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB.

Theo ông Bê, quy trình vay vốn thì hạn mức của ai người đó chịu trách nhiệm. Hạn mức phê duyệt của ông là từ trên 150 tỷ đến 1.800 tỷ đồng. Nếu trên 1.800 tỷ phải trình lên HĐQT. Vì vây ông Danh mới gặp ông trước để tránh gặp rắc rối. Khi xem xét khoản vay hợp lý thì ông đồng ý.

Các luật sư bào chữa cũng đã hỏi bị cáo Phan Thành Mai về hành vi hành vi làm trái của Nguyễn Việt Hà và đồng phạm trong việc nhận ủy thác đầu tư số tiền 903 tỷ đồng từ VNCB qua Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Lộc Việt…

Theo Congly

Link nội dung: https://phaply.net.vn/xet-xu-pham-cong-danh-va-dong-pham-giai-doan-2-cac-cong-ty-ma-lap-ho-so-khong-vay-1800-ty-dong-nhu-the-nao-a189031.html