Ông Trầm Bê đã sử dụng quyền của mình tại Sacombank chỉ đạo cấp dưới cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng gây thiệt hại nghiêm trọng.
Theo dự kiến, phiên tòa xét xử ông Trầm Bê (SN 1959, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) sẽ kéo dài một tháng từ ngày 8-1 đến ngày 9-2-2018.
Ngoài ông Trầm Bê; Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh); Phạm Huy Khang (SN 1973, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) và 19 đồng phạm khác cũng bị xét xử về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Cái bắt tay của ông Trầm Bê
Sau khi chuyển nhượng Ngân hàng TMCP Đại Tín (viết tắt là Trustbank, có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng) từ nhóm Phú Mỹ do đại gia Hứa Thị Phấn đại diện, Phạm Công Danh đã tiếp quản và đưa người của mình vào điều hành mọi hoạt động, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Khi nhóm cổ đông mới quản trị, điều hành VNCB, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới dùng 29 pháp nhân đứng tên hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV; gây thiệt hại cho VNCB 6.123,7 tỉ đồng. Tính riêng thương vụ giữa ông Danh và Trầm Bê về khoản vay 1.800 tỉ đồng đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền 1.835,8 tỉ đồng.
Ông Trầm Bê khai nhận đã bàn bạc, trao đổi với Phạm Công Danh và Phan Huy Khang; chỉ đạo Khang cho Danh vay tiền.
Cụ thể, giữa tháng 4-2013, ông Danh sang Sacombank gặp Trầm Bê đặt vấn đề vay khoảng 2.000 tỉ đồng. Ông Trầm Bê đồng ý cho Danh vay nhưng phải có tài sản đảm bảo là bất động sản hoặc tiền gửi. Sau đó, Trầm Bê dẫn Danh xuống phòng làm việc của Khang và thống nhất Sacombank cho Danh vay từ 1.300 tỉ đồng đến tối đa là 1.800 tỉ đồng nhưng phải có tài sản đảm bảo.
Sau đó vài ngày, ông Danh gặp Khang và Khang mời Trầm Bê xuống phòng làm việc, báo cáo là thống nhất cho Danh vay 1.800 tỉ đồng dùng tiền gửi từ VNCB để làm tài sản đảm bảo.
Lý do ông Danh chỉ vay được 1.800 tỉ đồng vì Trầm Bê với chức danh là Chủ tịch Hội đồng tín dụng chỉ được phép phê duyệt tối đa là 1.800 tỉ đồng, nếu cho vay trên số tiền này phải trình lên HĐQT quyết định sẽ mất thời gian. Hơn nữa nếu trình lên HĐQT sẽ có nhiều ý kiến đối với khoản vay lớn.
Sau đó, ông Bê giao cho Khang tổ chức thực hiện. Việc bàn bạc cho vay chỉ có 3 người là Phạm Công Danh, Trầm Bê và Phan Huy Khang.
Trầm Bê cho rằng Phạm Công Danh khi đó là Chủ tịch HĐQT của VNCB không được phép vay tiền tại VNCB nhưng có thể vay ở Sacombank nên đồng ý cho ông Danh vay nhưng phải có tài sản đảm bảo.
Khi cấp dưới trình hồ sơ các khoản vay của 6 công ty, mặc dù hồ sơ chưa đầy đủ nhưng Trầm Bê vẫn phê duyệt do có tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB.
Sau khi bị bắt giam, Phạm Huy Khang khai rõ rằng chính ông Trầm Bê đã dẫn Phạm Công Danh đến phòng làm việc của Khang để giới thiệu cho ông Danh vay tiền.
Hai ngày sau đó, Danh tiếp tục sang phòng làm việc của Khang và hai bên đã đồng ý cho Danh vay 1.800 tỉ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi từ Trustbank chuyển sang.
Đến ngày 19-4-2013, Phạm Công Danh cùng Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Phạm Quốc Viễn, Phan Đình Tuệ đã có cuộc họp tại phòng làm việc của Khang. Mặc dù hồ sơ chưa đầy đủ nhưng Khang vẫn phê duyệt do có tài sản đảm bảo.
Trong phi vụ này, Phạm Công Danh tiết lộ bí mật có mối quan hệ thân thiết với ông Trầm Bê từ khi ông Bê còn ở Ngân hàng TMCP Phương Nam. Chính ông Bê là người đã móc nối cho Danh gặp Khang để trình phương án kinh doanh, hồ sơ để vay 1.800 tỉ đồng từ Sacombank.
Như vậy, Trầm Bê và Phan Huy Khang đã giúp sức cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng của Sacombank. Sau khi nhận lệnh từ Trầm Bê, Phan Huy Khang đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện cho 6 công ty do Phạm Công Danh chỉ định vay 1.800 tỉ đồng, thế chấp bằng 1.854 tỉ đồng tiền gửi của VNCB.
Quá hạn vay, 6 công ty không trả được nợ, Sacombank đã thu nợ gốc và tiền lãi vay từ tiền gửi của VNCB tại Sacombank, gây thiệt hại cho VNCB số tiền 1.835,8 tỉ đồng (trong đó gốc 1.800 tỉ đồng và lãi là 35,8 tỉ đồng).
Cho vay nhưng không thẩm định
Ông Phan Đình Tuệ (Phó tổng giám đốc Sacombank) khai rằng không quen biết với Phạm Công Danh mà thực hiện theo chỉ đạo của Phan Huy Khang. Khi người của Phạm Công Danh mang hồ sơ pháp nhân của 6 công ty đề nghị vay vốn thì ông Tuệ cho gọi Bùi Văn Thành (chủ tịch HĐTD, giám đốc Sacombank Chi nhánh Hưng Đạo), Trần Thị Hải Triều (Giám đốc Sacombank Chi nhánh quận 8) đến phân bổ giao cho Chi nhánh Hưng Đạo cho 2 công ty vay 600 tỉ đồng; Chi nhánh quận 8 cho 4 công ty vay 1.200 tỉ đồng với tài sản đảm bảo khoản vay là tiền gửi của Trustbank.
Ông Tuệ yêu cầu Bùi Văn Thành và Trần Thị Hải Triều liên hệ với Mai Hữu Khương là đầu mối của 6 công ty có nhu cầu vay tiền, cho vay theo đúng quy định của Sacombank.
Tuy nhiên, theo Bộ Công an, hồ sơ vay vốn của 6 công ty không được thẩm định thực tế hoặc thẩm định sơ sài hồ sơ về năng lực tài chính, nguồn vốn tự có và nguồn trả nợ vốn vay từ các hợp đồng nguyên tắc để xác định tính khả thi, hiệu quả của phương án vay vốn và khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng nên xét xem quyết định cho vay chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện cho vay theo quy định.
Về hợp đồng bảo lãnh, phía Trustbank chỉ có ông Phan Thành Mai (là người đại diện pháp luật) ký, không có chữ ký của người quản lý rủi ro hoạt động bảo lãnh cũng như người thẩm định khoản vay bảo lãnh nhưng vẫn được duyệt cho vay.
Kê biên tài sản ông Trầm Bê
Tài sản của ông Trầm Bê đã bị kê biên gồm: Quyền sử dụng đất tại một căn nhà mặt tiền đường An Dương Vương (quận Bình Tân) và một căn nhà đường Hồng Bàng (quận 6, TP HCM).
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đề nghị phong tỏa 4 tài khoản của Công ty CP Quản lý Quỹ Lộc Việt với số tiền là 33 tỉ đồng. Đồng thời, Bộ Công an cũng đã có văn bản phong tỏa 16.000 cổ phần của Công ty CP Quản lý Quỹ Lộc Việt tại Công ty CP Đất May mắn.
Theo NLD
Link nội dung: https://phaply.net.vn/bi-mat-cua-ong-tram-be-trong-thuong-vu-cho-vay-1-800-ti-dong-a188793.html