Bộ Tư pháp: Thực hiện hiệu quả công tác thẩm định đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Năm 2017, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 4.462 văn bản (gồm 618 văn bản của Bộ, cơ quan ngang Bộ và 3.844 văn bản của địa phương), tăng 1.824 văn bản so với năm 2016; bước đầu phát hiện 156 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành (26 văn bản của các Bộ, ngành, 130 văn bản của HĐND, UBND cấp tỉnh); đến nay, có 73 văn bản có kết luận kiểm tra trong năm 2017 đã được xử lý; các văn bản còn lại đang được Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc cơ quan ban hành xử lý theo quy định.

 Hội nghị giao ban công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp
Hội nghị giao ban công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp)

Công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo chuyên đề, địa bàn và theo các nguồn thông tin được thực hiện kịp thời. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ thực hiện kiểm tra 03 chuyên đề (Nội vụ; Giao thông vận tải; Lao động - Thương binh và Xã hội); kiểm tra liên ngành tại 06 địa phương (Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Kiên Giang, Hưng Yên, Hải Phòng). Bên cạnh việc tự kiểm tra, các Bộ, ngành đã ngày càng chú trọng hơn vào việc kiểm tra văn bản có liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành mình nhưng do địa phương, các Bộ, ngành khác ban hành như: Bộ Tài chính kiểm tra 1.141 văn bản; Bộ Nội vụ kiểm tra 1.026 văn bản; Bộ Quốc phòng kiểm tra 731 văn bản; Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra 506 văn bản; Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra 494 văn bản, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kiểm tra 461 văn bản...

Bên cạnh đó, cả nước đã thực hiện rà soát được 50.480 văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, lập và công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý, góp phần giúp cho hệ thống pháp luật được minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong áp dụng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình trạng xin lùi, rút dự án ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn. Số lượng văn bản “nợ đọng” quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thuộc thẩm quyền ban hành của các Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn còn (hiện nay, có 04 Bộ còn nợ tổng số 09 thông tư), chưa đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng nợ đọng từ năm 2017. Chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, số văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền được phát hiện tăng cao so với năm 2016 (tăng 346 văn bản).

Việc tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều Bộ, ngành, địa phương còn mang tính hình thức, không phát hiện được văn bản sai sót; chưa kịp thời kiểm tra, chưa theo kịp được tiến độ ban hành văn bản. Một số văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền đã có Kết luận kiểm tra và đôn đốc xử lý nhưng vẫn chưa được tiến hành xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, chưa đúng hình thức và thời hạn theo quy định…

Trong năm 2018, Bộ Tư pháp sẽ tập trung thực hiện tốt công tác thẩm định đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật ở các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua như: Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, Luật trợ giúp pháp lý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, gắn với triển khai hiệu quả Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, Đề án một số giải pháp đổi mới công tác tổ chức thi hành pháp luật sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Chủ động phản ứng chính sách pháp luật, phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật, không phù hợp với thực tiễn, nhất là các vấn đề pháp lý liên quan đến người dân, doanh nghiệp; khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết. Tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Theo Nọichinh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/bo-tu-phap-thuc-hien-hieu-qua-cong-tac-tham-dinh-de-nghi-xay-dung-van-ban-du-an-du-thao-van-ban-quy-pham-phap-luat-a188727.html