(Pháp lý) - Khi có án xảy ra, các chiến sỹ công an, kiểm sát viên, thẩm phán cùng vào cuộc để bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý. Góp phần vào bảo vệ công lý, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Luật sư. Số báo cuối năm 2017, Phóng viên Pháp lý xin điểm lại vài ghi chép về những việc làm hiệp nghĩa của nhóm luật sư vần công (cùng chia sẻ công sức để bảo vệ người yếu thế) trong một số vụ án có hậu, với mục đích gửi đến bạn đọc niền tin yêu vào công lý – lẽ phải, lẽ công bằng và những giá trị nhân văn luôn ở quanh ta.
Đạo đức là giá trị đẹp mà công lý gây dựng
Quá trình tác nghiệp Phóng viên, tôi có duyên may được tiếp xúc nhiều với Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TP. HCM). Không chỉ sắc sảo trong các luận cứ bảo vệ thân chủ, Luật sư Phạm Công Út còn là người khéo dẫn chuyện bằng những cảm xúc chân thành. Và đặc biệt, Luật sư Út có rất nhiều kỷ niệm đẹp với thân chủ của ông.
Luật sư Phạm Công Út chia sẻ: Là luật sư của nhiều vụ án với quá nhiều thân chủ mà tôi có thể quên tên họ. Thế nhưng những cảm giác khi tiếp xúc với họ… tôi sẽ không bao giờ quên. Có những thân chủ cho tôi thấy cuộc đời ngoài kia còn có nhiều chuyện tốt đẹp, những hạt giống ân tình mà người hiệp sĩ công lý gieo đi, sẽ luôn được nhận về những quả ngọt.
Luật sư kể lại cho Phóng viên nghe về một vụ án mới đây mà ở đó đạo đức và công lý đan xen nhau.
Đó là vụ án xảy ra trong một gia đình, xuất phát từ việc phân chia tình thương và của cải vật chất không đồng đều. Cha giận đánh con, con giận muốn bỏ tù cha, thế nhưng nhờ sự khuyên bảo của HĐXX và của những luật sư của nhóm “luật sư vần công”, xung đột dần được hòa giải, mang đến một kết thúc án có hậu. Đó là vụ án xảy ra ở Cần Thơ, ông Mách chỉ là một nông dân nghèo, giận chuyện tranh chấp đất đai, ông dùng dao đâm 3 con, cháu bị thương tích. Theo kết luận giám định pháp y, tổng số % thương tật mà ông gây ra cho các con là 12 %. Các con của ông đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và tuyên phạt tù cha ruột của mình. Ngoài ra, các con của ông còn yêu cầu ông bồi thường…
Tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 8, bị cáo Mách nói: “Tụi nó đàn áp tui quá nên tôi phải tự vệ, quơ trúng ai thì người đó chịu chứ tôi không biết là trúng ai nữa”. Đại diện VKS đề nghị bị cáo Mách mức án từ 9 tháng đến 12 tháng tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo với lý do bị cáo lớn tuổi, sức khỏe yếu. Tuy nhiên các bị hại lại phản bác không đồng ý cho cha được hưởng án treo mà yêu cầu bỏ tù người cha. Sau đó, HĐXX tuyên phạt ông Mách 3 tháng tù.
Diễn biến vụ án sau phiên sơ thẩm được nhiều báo đài tường thuật chi tiết. Đó có lẽ là câu chuyện đau lòng bởi không chỉ liên quan đến công lý mà còn đi liền với đạo lý. Ngay sau phiên xử, hoạt động kinh doanh của những người con gặp khó. Người đời lên án, không tới mua hàng. Trước sức ép đó, chỉ có 1 người con viết đơn xin cho cha. Đây là vụ án được khởi tố theo quy định của khoản 1 điều 154 BLHS, khởi tố theo yêu cầu của bị hại. Đơn không rõ ràng nên không xác định được có phải là người bị hại rút đơn không?
Nhóm luật sư vần công chúng tôi đã bào chữa miễn phí cho ông Mách. Luật sư Út nhớ lại: Ra tòa, khuyên can nhiều nhất là HĐXX, tiếp đến là luật sư. Sau khi được khuyên giải, các bị hại rút đơn trong phiên phúc thẩm. Luật lại không quy định về việc rút đơn thì xử trí thế nào trong phiên phúc thẩm bởi vậy sau khi thuyết phục được những người con khác rút đơn, HĐXX, VKS và LS lại tiếp tục tranh luận với nhau làm thế nào cho đúng về tố tụng.
Trong rất nhiều vụ án mà nhóm luật sư vần công làm trong năm qua, thường là các thân chủ nghèo, bị oan sai, có dấu hiệu bị bức hại. Trong vụ án trên, ông Mách không oan, nhưng nhóm luật sư vần công vẫn xuất hiện?! Họ xác định vì bảo vệ đạo đức xã hội, trong đó là đạo đức của những người làm con và đạo đức của người làm cha. Kết thúc phiên tòa, TAND TP Cần Thơ đã tuyên miễn hình phạt tù với ông Đinh Công Mách. Phán quyết của hội đồng xét xử đã nhận được những tràng vỗ tay đồng tình của nhiều người tham dự phiên tòa.
“Ông Mách chỉ là một nông dân, nóng nảy thì ông đánh con, ông chỉ nghĩ đơn giản đó là cách biểu lộ thái độ, quyền năng của mình. Thế nhưng, ông cũng nhận ra rằng đó là thái độ không đúng đắn. Sau khi được tòa miễn hình phạt, ông Mách dưng dưng nói với những luật sư bảo vệ mình: Cảm ơn rất nhiều luật sư đã giúp tôi. Xin gửi các luật sư một chút lộ phí… Nói rồi ông đưa những đồng tiền chắt chiu cho nhóm luật sư bảo vệ miễn phí cho mình. Tất nhiên những luật sư đã bảo vệ ông không nhận, nhưng sau cử chỉ ấy, luật sư hiểu được rằng, họ bỏ ra công sức và tiền bạc để giúp đỡ người khác, họ nhận được sự hàm ơn chân thành”.
“Chiến thuật” gỡ oan và lòng tin vào công lý
Đầu tháng 11 vừa qua, tôi thấy Luật sư Phạm Công Út - Trưởng nhóm luật sư vần công chia sẻ những dòng tâm tư: Rồi sẽ như những tháng trước, mỗi tháng các luật sư trong nhóm thường phải cùng nhau vượt gần 10.000 cây số để đến với những phiên toà vùng cao, vùng thấp, vùng khỉ ho, vùng cò gáy để tham gia những phiên toà. Có khi năm ba chục luật sư như một "ban chuyên án", bào chữa chỉ cho một bị cáo kêu oan nhưng nghèo rớt mồng tơi, có khi hơn chục luật sư cùng bảo vệ cho một bị đơn cô thế trong một phiên toà tranh chấp dân sự. Chẳng ai có đủ tiền để thuê ngần ấy luật sư chỉ để bào chữa, bảo vệ cho riêng mình cả, nhưng những luật sư vẫn cứ lên rừng, cứ xuống biển một cách hào hứng, khí thế như những chiến binh.
Mới đây, tôi nhận tin vui từ Luật sư rằng ông vừa góp phần gỡ oan cho một bị cáo. Đó là Trần Hoàng Anh, một bị cáo ở Cà Mau vừa chính thức được đình chỉ điều tra vì không phạm 2 tội đã bị truy tố. Hoàng Anh bị các cấp tòa ở Cà Mau khép vào nhiều tội. Trong đó có 2 tội tham ô tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Gặp Luật sư tại trại giam, hỏi anh về những công việc đã làm, anh thuật lại không thiếu một chi tiết dù nhỏ. Một anh Phó chủ tịch trẻ, có nhiều bằng cấp, có suy nghĩ mạch lạc, có trình độ tốt…
Sau khi một luật sư trong nhóm, nhận bào chữa cho anh, thì cả nhóm đã xúm vào bảo vệ anh, rất nhiều luật sư bảo vệ anh miễn phí. Để đấu tranh và xác định một bị cáo bị oan là cả một quá trình khó khăn và nhọc nhằn đối với không ít các luật sư. Qua rất nhiều phiên tòa, mỗi phiên tòa những luật sư của nhóm vần công làm rõ một vấn đề cụ thể. Chứng minh về hành vi chưa đủ cấu thành tội, chứng minh vi phạm tố tụng, chứng minh vi phạm thẩm quyền…. Cuối cùng tòa án buộc phải chuyển vi phạm của anh sang cơ quan điều tra hình sự của quân đội. Nhờ đó, vào cuối tháng 11/2017, kết thúc quá trình điều tra, Cơ quan điều tra hình sự khu vực 6 đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Hoàng Anh vì hành vi của anh không cấu thành tội phạm.
Luật sư Phạm Công Út cho rằng: Với luật sư thì mọi nhận định đều phải dựa trên pháp luật. Thế nhưng khi “liều” nhận xét về Hoàng Anh, ông cho rằng: Đó là một trường hợp hy hữu mà tôi từng chứng kiến. Anh không chỉ có được niềm tin với những luật sư bào chữa, mà anh còn có được niềm tin vững chắc từ gia đình. Mặc dù con rể bị truy cứu hình sự bằng hàng loạt tội danh nghiêm trọng nhưng tôi thấy những người thân trong gia đình họ tin tưởng tuyệt đối và thương mến nhau hết sức. Cũng vì thấy niềm tin, tình yêu và sự gắn bó giữa họ mà chúng tôi cố gắng để bào chữa cho anh khỏi những tội danh bị cáo buộc đầy khiên cưỡng.
Chờ thêm những phiên tòa có hậu…
Chị Trần Thị Tuyết là bị cáo trong một vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Chị Tuyết là thủ quỹ một công ty, qua nhiều lần quản trị và thay đổi thì chị vẫn được tiếp tục chọn làm thủ quỹ. Đến ngày 11/4/2013, chị có đơn xin nghỉ việc, công ty tiến hành đối chiếu chứng từ, sổ sách và phát hiện tồn quỹ tiền mặt 716 triệu đồng, nhưng chị Tuyết báo cáo chỉ tồn 15 triệu đồng. Sau đó, đại diện công ty tố cáo chị Tuyết.
Theo cáo buộc, chị Tuyết đã lợi dụng sơ hở trong quản lý tài chính của công ty, từ đó dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền của công ty. Tại phiên tòa sơ thẩm (lần 1) của TAND tỉnh Tiền Giang dù chị Tuyết phủ nhận việc chiếm đoạt tiền và kêu oan, Tòa vẫn tuyên án chị Tuyết 12 năm tù. Sau án sơ thẩm, chị Tuyết kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm của TAND Cấp cao, chị Tuyết liên tục kêu oan và yêu cầu làm rõ các biên bản bàn giao quỹ trong các giai đoạn thay đổi giám đốc công ty. Mặt khác, cấp phúc thẩm cũng nhận định, tại kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm thừa nhận công ty Bảo Định nhiều lần thay đổi giám đốc, kế toán, ghi chép sổ sách, chứng từ kế toán không đầy đủ, khi thiếu tiền chi, lãnh đạo công ty có chủ trương vay mượn. Bị cáo Tuyết khai có vay mượn ngoài và trong nội bộ công ty (theo chỉ đạo của giám đốc) để công ty dùng chi cho hoạt động công ty. Từ những nhận định trên, cấp phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Viện KSND tỉnh Tiền Giang để điều tra lại.
Vào thời điểm hiện tại đã có hơn 36 luật sư được TAND tỉnh Tiền Giang cấp giấy bảo vệ cho chị Tuyết trong phiên tòa sơ thẩm lần 2. Ngoài ra, còn rất nhiều luật sư khác cũng đang làm thủ tục để bảo vệ cho chị Tuyết. Qua nghiên cứu hồ sơ, các luật sư nhận thấy chị Tuyết có dấu hiệu hàm oan và dù chị xin tại ngoại vì có con nhỏ nhưng không được giải quyết cũng khiến các luật sư tích cực hơn trong việc bảo vệ cho chị Tuyết. Những luật sư của nhóm luật sư vần công tích cực bảo vệ chị Tuyết và họ tin chờ ở một phiên tòa có hậu.
“Luật sư vần công”: Chỗ dựa của những người yếu thế
Theo Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc: Nhóm luật sư vần công hay còn gọi là hội đồng luật sư là một mô thức hoạt động nghề nghiệp được hình thành từ sáng kiến của một số luật sư có nhiều kinh nghiệm và bản lĩnh trong hoạt động tranh tụng, qua đó tập hợp được nhiều luật sư có cùng chí hướng tham gia tố tụng, chủ yếu là bào chữa trong các vụ án hình sự, mà đối tượng nhận được trợ giúp là các bị can - bị cáo kêu oan, bị can - bị cáo có gia cảnh khó khăn, bị can - bị cáo có dấu hiệu bị bức hại.
Các luật sư trong nhóm cùng nhau chung sức để giúp giải quyết một vụ án của luật sư này phụ trách, tiếp đến lần sau cũng các luật sư này giúp hỗ trợ giải quyết vụ án do một luật sư khác phụ trách…! Nếu như người nông dân tham gia “vần - đổi công” để nhằm xuống giống hay thu hoạch nông sản kịp thời vụ, thì các luật sư trong nhóm cũng giúp nhau giải quyết tốt vụ án khi bị trùng lịch xét xử của Tòa án hay lịch làm việc của các cơ quan tố tụng khác…!
Vì là sự tập hợp mang tính tự nguyện tự giác cao của các luật sư cùng chí hướng, với tính nổi trội là năng động, sẵn sàng xông pha và không vụ lợi, nên Luật sư vần công hay Hội đồng bào chữa thu hút được nhiều thành viên là các luật sư “thiện chiến” của nhiều tỉnh thành trong cả nước tham gia tố tụng với tinh thần thiện nguyện giải quyết các vụ án, thể hiện sinh động thiên chức “hiệp sĩ” của nghề nghiệp luật sư, theo đúng nghĩa chân chính của từ này! Với những ưu điểm như nêu trên, nhóm luật sư vần công là một trong những giải pháp nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động luật sư, cải thiện hình ảnh luật sư trong mắt người dân, góp phần hạn chế và khắc phục oan sai trong tố tụng, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc cải cách nền tư pháp nước nhà.
Nói về những cái được khi tham gia những hoạt động bảo vệ công lý theo lẽ riêng, Luật sư Phạm Công Út lạc quan: Thù lao của các luật sư là những lời tri ân và những lẵng hoa rực rỡ. Chỉ thế thôi mà các luật sư cứ đùa nhau về việc treo bảng bán nhà để lao vào những phiên toà như thế… Nếu mọi người, mọi nghề mà giữ được sự đồng cảm với những thân phận thì xã hội này chắc là sẽ đẹp hơn”.
Phan Phan
Link nội dung: https://phaply.net.vn/luat-su-van-cong-va-nhung-cau-chuyen-nhan-van-tren-chang-duong-bao-ve-cong-ly-a188597.html