Tìm hiểu về 15 tội danh mới thuộc nhóm các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Kỳ 1)

(Pháp lý) - Trong lĩnh vực kinh tế, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) có hiệu lực thi hành từ năm 2018 đã bổ sung thêm 15 tội danh mới; đồng thời sửa đổi, loại bớt những tội danh cũ, lạc hậu…để tránh sự tùy tiện trong áp dụng, đảm bảo sự minh bạch, không bỏ lọt tội phạm, tạo môi trường kinh doanh an toàn.

Pháp lý xin lần lượt giới thiệu tóm lược những dấu hiệu pháp lý đặc trưng của 15 tội danh mới này để độc giả (đặc biệt là những người có hoạt động kinh doanh) nắm vững pháp luật, tuân thủ pháp luật để kinh doanh an toàn.

Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng

 Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quyết toán hoàn thành dự án cầu Phú Mỹ (nguồn ảnh: news.zing.vn)
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm trong công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quyết toán hoàn thành dự án cầu Phú Mỹ (nguồn ảnh: news.zing.vn))

Tội danh này được quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018). Theo đó: 1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư; vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư; vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án; vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án…gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; 2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; 3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm; 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Sau đây là cách nhận biết những dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội danh này:

Khách thể của tội này là xâm phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; Chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Các chủ thể khác là chủ thể của tội phạm này với vai trò đồng phạm.

Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Cụ thể làm trái, vi phạm quy định về quyết định chủ trương đầu tư; vi phạm quy định về lập, thẩm định chủ trương đầu tư; vi phạm quy định về quyết định đầu tư chương trình, dự án; vi phạm quy định về tư vấn, thiết kế chương trình, dự án.

Về mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, trong đó có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp (người phạm tội biết rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, mong muốn cho hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra).

Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí

Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí như sau: “1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng. 3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

 Cảnh vắng lặng tại khu trưng bày sản phẩm làng nghề được đầu tư xây dựng trên diện tích 1ha với tổng dự toán 15 tỷ đồng ở Phú Yên – một trong những công trình lãng phí tiền tỉ (nguồn ảnh: cand.vn)
Cảnh vắng lặng tại khu trưng bày sản phẩm làng nghề được đầu tư xây dựng trên diện tích 1ha với tổng dự toán 15 tỷ đồng ở Phú Yên – một trong những công trình lãng phí tiền tỉ (nguồn ảnh: cand.vn))

Tội phạm này có các dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản sau: Về mặt khách thể, tội phạm này xâm phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Đối tượng của tội phạm là tài sản Nhà nước.

Chủ thể của tội phạm này phải là người được giao quản lý, sử dụng tài sản; đồng thời vẫn phải đạt độ tuổi luật định (từ 16 tuổi trở lên) và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự; Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm này là hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tài sản. Hành vi trên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau: Gây thất thoát, lãng phí tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; Dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm. Hậu quả của hành vi: gây thiệt hại về tài sản.

Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Có nghĩa là, người thực hiện hành vi vi phạm, nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Tội vi phạm quy định về cạnh tranh

Tội vi phạm quy định về cạnh tranh được quy định tại Điều 217 Bộ luật Hình sự 2015.

1. Người nào trực tiếp tham gia hoặc thực hiện các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh thuộc một trong các trường hợp sau đây: Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; b) Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thỏa thuận; c) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan 30% trở lên thuộc một trong các trường hợp: thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, nguồn cung dịch vụ; thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua bán hàng hóa, dịch vụ; thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; thỏa thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng.

 Nhiều Bộ, ngành đã đồng loạt lên tiếng kiến nghị xử lý Grab và Uber khuyến mại tràn lan, vi phạm Luật Cạnh tranh (nguồn ảnh: vietq.vn)
Nhiều Bộ, ngành đã đồng loạt lên tiếng kiến nghị xử lý Grab và Uber khuyến mại tràn lan, vi phạm Luật Cạnh tranh (nguồn ảnh: vietq.vn))

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Phạm tội 02 lần trở lên; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường hoặc vị trí độc quyền thị trường; Thu lợi bất chính 5.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho người khác 3.000.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm; Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng

Vi phạm quy định về xây dựng là hành vi vi phạm trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác. Tội danh này được quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự.

Các yếu tố cấu thành tội phạm: Chủ thể của tội phạm này tuy không phải là chủ thể đặc biệt, nếu là chủ thể đặc biệt thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật. Tội vi phạm quy định về xây dựng là tội phạm xâm phạm đến sự an toàn về xây dựng mà cụ thể là sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hoặc trong các lĩnh vực khác.

Về mặt khách quan: Người phạm tội vi phạm quy định về xây dựng có thể thực hiện một trong các hành vi sau đây:Vi phạm các quy định về khảo sát; Vi phạm các quy định về thiết kế; Vi phạm các quy định về thi công; Vi phạm các quy định về sử dụng nguyên liệu, vật liệu; Vi phạm các quy định về sử dụng máy móc; Vi phạm các quy định về nghiệm thu công trình; Vi phạm các quy định khác về xây dựng.

Ngoài ra, vi phạm các quy định khác về xây dựng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về xây dựng ngoài các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này; nếu hành vi vi phạm các quy định về xây dựng mà chưa gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm.

Về hình phạt đối với tội danh này được điều luật quy định như sau: Phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm khi phạm tội thuộc khoản 1 Điều này; Phạt tù từ ba năm đến mười năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp tại khoản 2 Điều này; Phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm khi phạm tội thuộc khoản 3 Điều này.

Ngoài ra còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản

Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 đã quy định về tội danh này. Theo đó:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

 Quang cảnh một phiên bán đấu giá quyền sử dụng đất tại Bắc Giang (nguồn ảnh: stp.bacgiang.org.vn)
Quang cảnh một phiên bán đấu giá quyền sử dụng đất tại Bắc Giang (nguồn ảnh: stp.bacgiang.org.vn))

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Có tổ chức; Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho người khác 300.000.000 đồng trở lên; Phạm tội 02 lần trở lên; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Chủ thể của tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản: Là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Khách thể của tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản: Là hành vi xâm phạm quy định quản lý nhà nước về hoạt động bán đấu giá.

Hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá bao gồm: Lập danh sách khống về người đăng ký mua tài sản bán đấu giá; Lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động bán đấu giá tài sản; Thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản.

Mặt chủ quan của tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản: Là lỗi cố ý trực tiếp.

Hình phạt của tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản: Khung 1: bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; Khung 2: bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm;

Hình phạt bổ sung: còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

(Còn nữa…)

Trong 15 tội danh hoàn toàn mới có năm tội danh thuộc nhóm các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, gồm: tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán; tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tội gian lận bảo hiểm y tế; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Còn lại 10 tội danh thuộc nhóm các tội phạm [khác] xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, như: tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng; tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; tội vi phạm quy định về cạnh tranh; tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản; tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.


Điều đáng chú ý trong quy định của Bộ luật Hình sự 2015, đó là phần lớn các tội danh mới cũng như nhiều tội danh hiện có thuộc lĩnh vực kinh tế được áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền (chứ không phải hình phạt chính là hình phạt tù như hiện nay), kể cả tội phạm rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, luật mới đã có sự cân nhắc việc áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính để phân hóa xử lý phù hợp với tính chất của hành vi phạm tội mang tính vụ lợi. Cụ thể như, hình phạt tiền chỉ áp dụng đối với loại tội rất nghiêm trọng nhưng đơn thuần mang tính vụ lợi như: tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội đầu cơ...

Đối với các tội cũng có tính chất vụ lợi nhưng hậu quả gây hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người thì không áp dụng hình phạt tiền, kể cả trường hợp phạm tội nghiêm trọng như các tội: sản xuất, buôn bán hàng giả; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh...

Nhóm PV (thực hiện)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/tim-hieu-ve-15-toi-danh-moi-thuoc-nhom-cac-toi-phamxam-pham-trat-tu-quan-ly-kinh-te-ky-1-a188570.html