2017 là năm thuận lợi với một số lãnh đạo như Tập Cận Bình, Abe nhưng cũng là năm đặt ra nhiều thách thức với những người khác như Merkel.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Trong năm đầu tiên với cương vị tổng thống Mỹ, Trump đã khiến nhiều đồng minh và đối tác trên thế giới thấp thỏm khi có những bước đi hiện thực hóa chính sách "nước Mỹ trước tiên" như rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), rút khỏi Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris và đe dọa xem xét lại các thỏa thuận thương mại song phương.
Ông còn phá vỡ lập trường lâu năm của Mỹ về vấn đề Israel - Palestine khi bất ngờ công nhận Jerusalem là thủ đô nhà nước Do Thái, gây phẫn nộ cho người Hồi giáo. Những màn đấu khẩu nảy lửa của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gây lo ngại về nguy cơ chiến tranh.
Tuy nhiên, ông Trump cũng đã có một chiến thắng vang dội khép lại năm 2017 với việc luật cải cách thuế trị giá 1.500 tỷ USD của phe Cộng hòa được thông qua. Giới chuyên gia nhận định năm 2018 sẽ không dễ dàng với Trump khi ông phải đối mặt với các vấn đề trong nước như căng thẳng nội bộ, mức tín nhiệm thấp và vấn đề đối ngoại như căng thẳng với Triều Tiên hay quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Tổng thống Nga Putin
Ông Putin vẫn có mức tín nhiệm rất cao trong nước và nhiều khả năng tiếp tục đắc cử tổng thống Nga vào tháng 3/2018. Tuy nhiên, ông phải đối mặt với một nền kinh tế trì trệ. Nga còn bị cấm tham dự Olympic 2018 do cáo buộc vận động viên nước này sử dụng doping.
Những hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp hơn với Mỹ dưới thời Trump đã tiêu tan. Những cáo buộc từ phía Mỹ rằng Nga can thiệp cuộc bầu cử và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga ngày càng nhiều thêm.
Tuy nhiên, tại Trung Đông, Putin đã ghi được chiến thắng lớn trên trường quốc tế khi tiếp tục hậu thuẫn Assad ở Syria, đảm bảo sự hiện diện của quân đội Nga trong khu vực và củng cố vị thế của Nga là một nhà môi giới quyền lực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
2017 là năm rất thuận lợi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông đã củng cố quyền lực một cách mạnh mẽ. Ông tiếp tục cương vị Tổng bí thư, được tôn vinh ngang tầm với các cố lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. GDP của Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng trưởng và ảnh hưởng của nước này trên trường quốc tế cũng gia tăng.
Tuy nhiên, ông Tập cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như căng thẳng bán đảo Triều Tiên hay quan hệ thương mại khó đoán với Mỹ. Ông Trump đã nhiều lần công khai bày tỏ thất vọng về việc Bắc Kinh chưa gây sức ép đủ mạnh với Bình Nhưỡng.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Ngày 1/1, Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đang trong giai đoạn cuối cùng của việc phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Ngày hôm sau, Tổng thống đắc cử Trump viết trên Twitter rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ có vũ khí như vậy.
Nhưng sau 11 tháng, Kim Jong-un đã thách thức Trump bằng 16 lần thử tên lửa và một vụ thử hạt nhân, trong đó có ICBM có thể vươn đến Mỹ.
Khẩu chiến giữa ông Trump và ông Kim lên cao với những đe dọa quyết liệt và liên tục. Căng thẳng nhiều khả năng tiếp tục vào năm 2018, khi những lo ngại về nguy cơ chiến tranh gia tăng và các lệnh trừng phạt khắt khe nhất với Triều Tiên đi vào hiệu lực.
Thủ tướng Đức Angela Merkel
Đây là một năm khó khăn đối với Merkel, người ban đầu phải sửa chữa mối quan hệ của mình với Tổng thống Mỹ Donald Trump và sau đó đối đầu với sự trỗi dậy của phe cánh hữu trong cuộc bầu cử Đức.
Bà bảo toàn vị trí thủ tướng thành công nhưng đảng của bà đã mất hơn một triệu phiếu bầu cho đảng cực hữu Sự lựa chọn vì Đức (AfD), vì nhiều cử tri bất bình với quyết định mở cửa biên giới Đức cho hơn một triệu người tị nạn năm 2015. AfD đã gây chấn động khi lần đầu tiên vào quốc hội trong nửa thế kỷ và Merkel thừa nhận đó là thách thức lớn với bà.
Merkel tiếp tục gặp trở ngại khi nỗ lực lập liên minh cầm quyền ba đảng thất bại. Cây bút của CNN Atika Shubert nhận xét rằng bà Merkel cần phải nhanh chóng tạo lập được một liên minh cầm quyền hiệu quả để đương đầu với các thách thức.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Năm 2017 là năm của Macron khi ông giành chiến thắng áp đảo trước ứng viên cực hữu Marine Le Pen, trở thành tổng thống Pháp trẻ nhất trong lịch sử. Chiến thắng của Macron có ý nghĩa to lớn, loại bỏ nguy cơ Pháp rời EU, cho thấy sự lên ngôi của các chính đảng trẻ trung và ngăn chặn xu hướng dân tộc cực hữu ở châu Âu.
Các vấn đề trên trường quốc tế như sự hỗn loạn về chính trị ở London, Washington và Berlin, cùng với tầm nhìn đầy tham vọng của Macron khiến ông được kỳ vọng là "lãnh đạo mới của thế giới tự do". Tuy nhiên, Tổng thống Pháp vẫn chưa biến những tuyên bố về thúc đẩy tự do và hội nhập quốc tế thành hiện thực, BBC đánh giá.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
Abe là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên tiếp cận Trump sau khi ông đắc cử. Ông dành cho Tổng thống Mỹ những lời tán thưởng, tặng Trump một cây gậy golf mạ vàng và sắp xếp một bữa trưa với món bánh hamburger quen thuộc khi Tổng thống Mỹ đến Nhật. Hai nhà lãnh đạo cũng thường xuyên điện đàm với nhau. Có thể nói Thủ tướng Nhật đã thành công trong việc xây dựng mối quan hệ thân thiết với một người khó đoán như ông Trump.
Ông Abe đã nhấn mạnh quan điểm cứng rắn với Triều Tiên sau khi nước này phóng hai quả tên lửa qua Nhật Bản và điều đó đã giúp ông tái đắc cử, mặc dù có nhiều tranh cãi xoay quanh đề xuất sửa đổi hiến pháp. Ông bước vào năm 2018 với đà tiến lớn, bao gồm cả sự tăng trưởng kinh tế tốt nhất của Nhật trong gần hai thập kỷ.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad
Ông Assad đã tận dụng tốt cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng để củng cố quyền lực ở Syria. Việc Iran và Arab Saudi đối đầu với nhau đã khiến quốc tế bớt chú ý đến Assad và những cáo buộc về tội ác chiến tranh của ông trong khu vực.
Nga vẫn tiếp tục hậu thuẫn Syria trong khi IS liên tục mất địa bàn và phiến quân chống chính phủ ngày càng nhận được ít viện trợ và vũ khí. Điều đó đồng nghĩa với việc chiếc ghế của Assad vẫn chưa lung lay.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
Erdogan luôn muốn biến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thành một hệ thống mà quyền lực tập trung vào tổng thống. Ông đã làm được điều đó trong năm 2017 khi thành công trong cuộc trưng cầu dân ý về việc thay đổi hiến pháp.
Sau 14 năm cầm quyền, ông vẫn là một người gây tranh cãi khi bắt giam các nhà báo và thanh trừng nhiều công chức. Tuy nhiên, ông đã nâng được vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ, đảm bảo họ có tiếng nói mang sức nặng khi các cuộc khủng hoảng khu vực xảy ra.
Thái tử Arab Saudi Mohammed Bin Salman
Thái tử Mohammed Bin Salman đã có những động thái củng cố quyền lực mạnh mẽ trong năm nay. Ông được cho là người đứng sau một loạt vụ bắt bớ các hoàng tử và tỷ phú bị cáo buộc tham nhũng.
Trong nước, ông đã ghi điểm với giới trẻ khi cho phép phụ nữ lái xe, mở rạp chiếu phim và hạn chế quyền hạn của các cơ quan tôn giáo. Trên bình diện quốc tế, ông trở thành đối tác đối thoại đáng tin cậy của Trump và các nhà lãnh đạo toàn cầu khác. Tầm nhìn năm 2030 của ông về cải tổ nền kinh tế Arab cũng được hoan nghênh rộng rãi ở nước ngoài.
Nhưng năm 2018 là sẽ là cuộc kiểm tra với nhà lãnh đạo 32 tuổi này. Nếu ông không thực hiện cải cách thành công thì công chúng có thể sẽ oán giận. Cuộc chiến ở Yemen, nơi Arab Saudi can thiệp quân sự, cũng đang hứng chịu sự chỉ trích quốc tế.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy
Năm 2017 có lẽ là năm mà ông Rajoy muốn quên. Nước ông phải đối mặt với cuộc khủng hoảng hiến pháp lớn nhất kể từ khi chấm dứt chế độ độc tài của tổng thống Francisco Franco. Catalonia đòi độc lập với một cuộc trưng cầu ý mà Madrid coi là vi hiến.
Cuộc khủng hoảng lắng dịu khi ông Rajoy đình chỉ quyền tự trị của khu vực. Tuy nhiên, ông phải hứng chịu thêm một thất bại vào tháng 12 khi phe đòi ly khai lại chiến thắng trong các cuộc bầu cử khu vực ở Catalonia.
Theo VNE
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhin-lai-nam-2017-cua-cac-lanh-dao-the-gioi-a188565.html