Xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH cần có giải pháp toàn diện

(Pháp lý) - Tính đến hết 31/10/2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố là 16.602 tỷ đồng (giảm 64 tỷ đồng so với tháng trước, tỷ lệ nợ bằng 6,3%) so với kế hoạch thu năm 2017, so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nợ BHXH là 11.433 tỷ đồng (chiếm 68,8% tổng số nợ); Nợ BHTN là 613 tỷ đồng (chiếm 3,7% tổng số tiền nợ); Nợ BHYT là 4.556 tỷ đồng (chiếm 27,4% tổng số tiền nợ). Đây là thực trạng đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc chi trả các chế độ BHXH, gây thiệt thòi quyền lợi cho người lao động. Thực trạng này cần có những quy định pháp luật toàn diện để xử lý.

Nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động

Trong những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH có diễn biến phức tạp. Theo thống kê, từ năm 2007 – 2016, BHXH Việt Nam đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH với 103.199 lượt đơn vị sử dụng lao động. Qua kiểm tra, phát hiện đề nghị xử phạt vi phạm hành chính pháp luật về BHXH 7.765 vụ và đã xử phạt vi phạm hành chính 2.020 vụ; đề nghị truy thu về Quỹ BHXH 331,5 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2016, số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp là 7.795 tỷ đồng, chiếm 3,30 % so với tổng số tiền phải thu. Hiện nay, có khoảng hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có 150.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Như vậy, số doanh nghiệp trốn đóng BHXH là khoảng 150.000 doanh nghiệp với trên 05 triệu lao động. Ngoài ra, các hành vi gian lận, khai man, lập hồ sơ BHXH khống để hưởng các chế độ BHXH... Trong đó, nổi lên là hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động, gây ra nhiều hệ luỵ phát sinh ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và ảnh hưởng đến hệ thống an sinh xã hội hiện nay.

[caption id="attachment_188244" align="aligncenter" width="410"]   Trung tướng Trần Văn Vệ - Quyền Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) và bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ký kết quy chế phối hợp. Ảnh: NĐT
Trung tướng Trần Văn Vệ - Quyền Tổng cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) và bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ký kết quy chế phối hợp. Ảnh: NĐT[/caption]

Thực tế cho thấy, cơ chế, chế tài xử lý nợ chậm đóng BHXH cho người lao động chưa nghiêm nên doanh nghiệp cố tình chây ỳ trốn đóng hoặc chiếm dụng BHXH của người lao động. Bên cạnh đó, do quy định mức phạt lãi suất chậm đóng BHXH và mức phạt tối đa đối với hành vi chậm đóng BHXH thấp nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng các qui định này chiếm dụng tiền BHXH của người lao động. Doanh nghiệp sử dụng số tiền đó để đầu tư trở lại sản xuất, kinh doanh và chấp nhận nộp phạt. Vì tổng số tiền phải nộp phạt và lãi chậm đóng BHXH thấp hơn so với lãi suất vay ngân hàng. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn lách luật bằng cách hợp đồng miệng hoặc kí liên tiếp chuỗi hợp đồng theo thời vụ hoặc chuỗi hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng hoặc kéo dài thời gian thử việc. Vì theo quy định của Luật BHXH năm 2006, người lao động có hợp đồng lao động dưới 3 tháng không phải tham gia BHXH bắt buộc.

Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, trước đây hành vi trốn đóng BHXH xảy ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp vừa, nhỏ và hộ gia đình. Với thủ đoạn lợi dụng kẽ hở này của pháp luật, đơn vị sử dụng lao động đã không đăng kí tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động nhằm trốn đóng BHXH cho người lao động. Nếu bị phát hiện thì doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt. Điển hình: Năm 2014, tại TP. Hồ Chí Minh, qua công tác thanh, kiểm tra, cơ quan BHXH đã phát hiện Công ty Sunrising Kim Vina đã sử dụng một chuỗi hợp đồng thời vụ 3 tháng, nhưng trên thực tế 500 công nhân đều làm việc trên 1 năm. Công ty Vina Haeng Woon Quận 8, kéo dài thời gian thử việc 1.000 công nhân, sau hơn 1 năm làm việc mới được ký hợp đồng lao động và đóng BHXH. Doanh nghiệp Thuận Kiều Plaza Quận 5, gần 200 người lao động đã làm việc gần 10 năm vẫn không được ký hợp đồng lao động mà chỉ là hợp đồng miệng và không được tham gia BHXH.

Bên cạnh việc trốn đóng BHXH, người sử dụng lao động xây dựng mức đóng BHXH thấp hơn mức quy định, doanh nghiệp đã lập và sử dụng hai hệ thống số lương khác nhau. Trong đó, một hệ thống lương dùng để chi trả lương thực tế cho người lao động; một hệ thống lương khác dùng để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính mức đóng BHXH (mức lương này chỉ bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng một chút). Với thủ đoạn này, các doanh nghiệp đã trốn đóng một khoản tiền BHXH mà theo quy định pháp luật họ phải đóng cho cơ quan BHXH. Điển hình: Qua kiểm tra, thanh tra tại Công ty TNHH J and V, tỉnh Đồng Nai, phát hiện nhiều trường hợp người lao động có tới 2 hợp đồng lao động. Mức lương ký trên hợp đồng lao động thực trả là 12.000.000 đồng/tháng, mức lương ký hợp đồng lao động để tham gia BHXH chỉ là 2.000.000 đồng/tháng (bằng với mức lương tối thiểu vùng).

Những chế tài mới hạn chế hành vi trốn đóng BHXH

Điều 216 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động quy định: Người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm với các trường hợp cụ thể như: Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động. Ngoài ra, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm với các hành vi: Phạm tội 02 lần trở lên; Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động được quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.

[caption id="attachment_188245" align="aligncenter" width="410"] Phòng giao dịch Một cửa tại BHXH thành phố Pleiku (Gia Lai).  Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Phòng giao dịch Một cửa tại BHXH thành phố Pleiku (Gia Lai).
Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN[/caption]

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm với các hành vi cụ thể như: Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Như vậy, Bộ luật Hình sự 2015 cũng Luật BHXH 2015 và các Thông tư hướng dẫn sẽ ngày càng tiếp cận hơn các quy định pháp luật về BHXH góp phần bảo đảm quyền lợi cho người lao động và xây dựng hoàn thiện chế độ an sinh xã hội trong thời kỳ hội nhập.

Thành Chung

Link nội dung: https://phaply.net.vn/xu-ly-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-trong-linh-vuc-bhxh-can-co-giai-phap-toan-dien-a188243.html