Đại án ngân hàng: Phức tạp về tội danh, tố tụng kéo dài …

(Pháp lý) - Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa 14, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt ra các câu hỏi liên quan đến các đại án kinh tế, tham nhũng ngành ngân hàng được đưa ra xét xử trong năm 2017. Qua đó, nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng tố tụng kéo dài đối với các vụ án tham nhũng kinh tế lớn được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được đề ra.

Hai đại án lớn nhất ngành ngân hàng

Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ xảy ra tại VietinBank là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam tính đến thời điểm lúc bấy giờ (đầu năm 2014) và là một trong những đại án kinh tế lớn nhất với 23 bị cáo hầu tòa cùng 47 luật sư bào chữa. Nếu xét về số tiền thiệt hại, tuy không bằng vụ Epco Minh Phụng nhưng mức độ thiệt hại thực tế thì lại là lớn nhất từ trước đến nay, thời gian phạm tội kéo dài từ năm 2007 đến năm 2011. Tổng số tiền các đối tượng đã huy động trong vụ án này lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng, thông qua lãi suất cao, đánh tráo hồ sơ, làm giả chứng từ…

[caption id="attachment_188128" align="aligncenter" width="410"] Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm (nguồn ảnh: thanhnien.vn)
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm (nguồn ảnh: thanhnien.vn)[/caption]

Huỳnh Thị Huyền Như nguyên là Phó phòng quản lý rủi ro VietinBank chi nhánh TP.HCM, Quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của 9 công ty, 4 ngân hàng, 3 cá nhân. Các ngân hàng bị lừa là VietinBank, ACB, Navibank, TP Bank, VIB chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và 5 công ty Phương Đông, Hưng Yên, An Lộc, SBBS, Hoàn Cầu gần 1.100 tỷ.

Kết thúc phiên tòa năm 2014, Huyền Như bị tuyên án chung thân và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các cá nhân, ngân hàng, còn các bị cáo khác lĩnh các mức án khác nhau. Tòa cũng tuyên hủy một phần vụ án liên quan 5 công ty để xét xử lại, cũng như đề nghị điều tra bổ sung Huyền Như tội tham ô.

Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh cho rằng có dấu hiệu cho thấy Huyền Như phạm tội "tham ô tài sản.". Theo quyết định trả hồ sơ, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng khi năm công ty mở tài khoản thanh toán tiền gửi vào Vietinbank và chuyển vào tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, Huyền Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng nhiều thủ đoạn gian dối để chuyển toàn bộ số tiền này ra khỏi hệ thống gửi tiền của Vietinbank rồi chiếm đoạt. Hành vi này của Huyền Như có dấu hiệu "tham ô tài sản" chứ không phải "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 7/1/2015, Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm liên quan đến số tiền gửi hơn 1.000 tỷ đồng của năm công ty tại Vietinbank bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt. Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng điều tra về phần bị tuyên hủy. Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vẫn cho rằng Huỳnh Thị Huyền Như đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của năm công ty. Tuy nhiên Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung theo hướng Huỳnh Thị Huyền Như tham ô tài sản như nói trên. Đến tháng 5/2017, một lần nữa tòa án TPHCM lại trả hồ sơ để điều tra bổ sung thêm.

Trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ đồng xảy ra tại VietinBank từ năm 2007 đến tháng 9/2011, kết luận điều tra, bản cáo trạng và bản án sơ thẩm lần thứ nhất đều xác định Huyền Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Huyền Như phải phạm tội tham ô tài sản mới đúng. Khi xét xử phúc thẩm lần một, tòa án cấp phúc thẩm cũng cho rằng hành vi của Huyền Như là hành vi tham ô tài sản nên đã hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại nhằm truy tố lại đối với Huỳnh Thị Huyền Như thêm tội tham ô tài sản. Tuy nhiên đến nay, cơ quan điều tra vẫn kết luận Huyền Như chỉ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chứ không phạm tội tham ô như bản án phúc thẩm nhận định.

Nếu như đến thời điểm năm 2014 thì vụ Huyền Như được coi là đại án lớn nhất ngành ngân hàng. Nhưng tính đến thời điểm hiện nay thì vụ Phạm Công Danh mới là đại án lớn nhất với số tiền được xác định thiệt hại lên đến 18.000 tỷ đồng.

Ở giai đoạn 1, Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng VNCB, Phan Thành Mai – nguyên tổng giám đốc cùng các đồng phạm nguyên là cán bộ ngân hàng, cán bộ tập đoàn Thiên Thanh đã thụ án tổng cộng 122 năm tù, trong đó Phạm Công Danh lĩnh án 30 năm.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 12/2012 đến tháng 5/2014, Phạm Công Danh đã đề ra chủ trương, chỉ đạo, tổ chức phân công cho những nhân viên dưới quyền của VNCB và những nhân viên làm thuê tại Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến ngân hàng Xây dựng, cơ quan điều tra còn khởi tố 4 cựu cán bộ của tổ giám sát đặt tại VNCB trong năm 2015.

[caption id="attachment_188129" align="aligncenter" width="410"] Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa phúc thẩm (nguồn ảnh: TTXVN).
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa phúc thẩm (nguồn ảnh: TTXVN).[/caption]

Qua quá trình điều tra, cho thấy Phạm Công Danh còn có nhiều hành vi sai phạm liên quan đến một số ngân hàng khác nên vào ngày 11-3-2016, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định tách vụ án hình sự với nội dung liên quan đến 3 ngân hàng là Sacombank, TP Bank và BIDV thành giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh.

Đến nay, Viện KSND tối cao đã hoàn thành và tống đạt cáo trạng truy tố giai đoạn 2 vụ án, truy tố thêm nhiều bị can khác, trong đó có nhiều bị can là nhân viên ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV; người đại diện pháp nhân của các công ty do Danh lập ra và dùng hồ sơ của các công ty này đi vay vốn cho Danh sử dụng mục đích riêng...

Tiếp tục mở rộng vụ án ở VNCB, hồi đầu tháng 8 năm nay cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bắt tạm giam hai cựu lãnh đạo to nhất của Sacombank là ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang vì ký duyệt cho ông Phạm Công Danh vay trái quy định, gây thất thoát 1.800 tỷ đồng.

Cùng với hai người này còn có 23 bị can khác cũng bị khởi tố cùng với tội danh "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại 4 ngân hàng gồm: VNCB, Tiên Phong Bank, BIDV và Sacombank.

Như vậy, hành vi của Phạm Công Danh vi phạm một loạt các luật, nghị định, thông tư quy định về các hoạt động tín dụng, như: Thông tư số 01/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay, đi vay, mua bán có kỳ hạn giấy tờ có giá trị giữa các tổ chức tín dụng quy định "Tổ chức tín dụng không được thực hiện các hoạt động gửi tiền, nhận tiền gửi (trừ tiền gửi thanh toán và các giao dịch gửi tiền, nhận tiền gửi có kỳ hạn tối đa 3 tháng) tại tổ chức tín dụng..."; vi phạm quy định tại khoản 18, điều 4, và khoản 1 điều 126 của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010... khi Danh là Chủ tịch HĐQT VNCB - không thuộc đối tượng được vay vốn tại VNCB và cũng không thuộc đối tượng được VNCB cấp tín dụng nhưng cố tình chỉ đạo việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết về việc dùng tiền của VNCB gửi liên ngân hàng với Sacombank, TPBank, BIDV, dùng tiền gửi này để cầm cố, bảo lãnh cho chính các công ty của Danh vay vốn.

Đối với bị can Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank, là người đã giới thiệu Danh với Phan Huy Khang, nguyên Tổng Giám đốc ngân hàng Sacombank; cùng Khang chỉ đạo các nhân viên ngân hàng Sacombank làm các thủ tục hợp pháp hóa để giải ngân cho các công ty của Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ lập khống. Khi cho vay đã tính trước khoản lãi vay của 12 tháng để yêu cầu VNCB dùng tiền gửi bảo lãnh và hết hạn cho vay đã tự thu hồi tiền vay thông qua tiền gửi, gây thiệt hại cho VNCB 1.835 tỷ đồng.

Vụ án xảy ra khiến Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) bị thua lỗ trầm trọng, mất khả năng thanh toán với số tiền trên 32.255 tỷ đồng, trong đó bị âm 18.469 tỷ đồng. Tuy nhiên, VNCB không những không bị giải thể hoặc tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật mà được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chỉ xác định hành vi phạm tội của Phạm Công Danh và đồng phạm là “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”.

Bình luận về tội danh đối với bị cáo đầu vụ, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, việc truy cứu trách nhiệm hình sự Phạm Công Danh về hai tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” là chưa chính xác, mà lẽ ra phải truy cứu trách nhiệm hình sự Phạm Công Danh và đồng phạm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mới đúng. Bởi lẽ, trong số hơn 18.000 tỷ đồng Phạm Công Danh đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn rút ra từ VNCB và lập các chứng từ khống để vay của 3 ngân hàng khác, Danh dùng hơn 10.000 tỷ đồng mua cổ phần cho nhóm của mình và trả nợ cá nhân hoặc trả nợ cho Tập đoàn Thiên Thanh.

Như vậy, Phạm Công Danh đã chủ mưu cùng các đồng phạm gây thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng qua 2 vụ án. Và mới đây nhất, vụ án được mở rộng điều tra với diễn biến mới là khởi tố ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 11/9, thông tin từ Viện KSND Tối cao cho biết, cơ quan này đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 2. Theo quyết định trả hồ sơ của Viện KSND Tối cao, sau khi tiếp nhận kết luận điều tra đề nghị truy tố từ cơ quan điều tra Bộ Công an, nhận thấy còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, Viện KSND Tối cao quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm làm rõ bản chất vụ án.

Vì sao trả hồ sơ nhiều lần?

Những năm gần đây, quy mô các vụ án xảy ra trong ngành tín dụng ngân hàng ngày càng lớn cả về hành vi và hậu quả, giá trị tiền, tài sản thất thoát đặc biệt lớn, số người phạm tội ngày càng gia tăng, có cả cán bộ giữ vai trò chủ chốt, có chức vụ, quyền hạn. Tính chất các vụ án về tín dụng, ngân hàng ngày càng phức tạp. Hành vi phạm tội có tổ chức liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều người tham gia, trong đó có nhiều cán bộ đảng viên, nhiều người có trình độ chuyên môn cao. Đối tượng phạm tội trong lĩnh vực này thường lợi dụng sơ hở hoặc thiếu đồng bộ, chưa đầy đủ của cơ chế, chính sách pháp luật, sự quan liêu, yếu kém nghiệp vụ, sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, kiểm sát của cơ quan quản lý để cố ý làm trái, tham nhũng và vi phạm các quy chế, quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng….

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhận định: Qua tố tụng các vụ án xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đôi khi lúng túng trong xác định tội danh cũng như phạm vi trách nhiệm hình sự đối với những người có hành vi phạm tội, không thấy hết được bản chất của hành vi, còn bị chi phối bởi ý kiến chỉ đạo của ban chuyên án hoặc của cấp trên nên việc khởi tố, truy tố, xét xử một số vụ chưa đúng người, đúng tội; chưa thấy hết sự câu kết giữa các bị cáo là người đứng đầu trong các ngân hàng đã thông đồng, thao túng ngân hàng. Có vụ án do cán bộ tố tụng không nắm chắc các dấu hiệu cấu thành tội phạm nên thường khởi tố sai tội danh. Chỉ khi các phương tiện thông tin vào cuộc, các chuyên gia pháp luật phân tích mới thấy sai. Tuy nhiên, việc sửa sai cũng không kịp thời, còn mang tư tưởng bảo thủ. Có vụ rõ ràng bị cáo phạm tội tham ô tài sản nhưng lại khởi tố, truy tố, xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội “cố ý làm trái…” hoặc không có hoạt động cho vay nhưng lại khởi tố, truy tố, xét xử các bị cáo về tội liên quan đến hoạt động cho vay; có trường hợp các bị cáo không có hành vi chiếm đoạt mà chỉ sử dụng trái phép tài sản nhưng lại khởi tố, truy tố, xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Vẫn còn tình trạng nhiều án tham nhũng kéo dài, trả lại hồ sơ nhiều lần, có vụ chuyển tội danh, bỏ lọt tội phạm cần có những giải pháp thỏa đáng trong thời gian tới.

Giải pháp nào?

Chất vấn tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đại biểu Lê Thị Nga đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ giải pháp để khắc phục tiến độ chậm, kéo dài trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại án kinh tế tham nhũng. Giải trình về vấn đề này, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, công tác phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua còn có một số hạn chế, chưa đáp ứng được mong muốn của Đảng, Nhà nước, nhân dân; một số vụ án điều tra còn chậm về thời gian. Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, tội phạm tham nhũng là tội phạm đặc biệt, có trình độ chuyên môn, quan hệ rộng, nhiều thủ đoạn tinh vi che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra.

Tham nhũng thường được nhiều người thực hiện, thời gian diễn ra khá lâu, được che đậy bởi nhiều hình thức khác nhau, đối tượng tham gia có liên kết chặt chẽ với nhau, thông tin khép kín. Các đối tượng thường cất giấu tài sản, tài liệu chứng cứ khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. Việc điều tra các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài thường phải thông qua các hoạt động tương trợ tư pháp hình sự, qua nhiều cơ quan chức năng nên thời gian kéo dài.

Thực tế hiện nay, công tác giám định tư pháp, nhất là giám định kế toán, tài chính... còn nhiều bất cập, vướng mắc dẫn đến thời hạn điều tra kéo dài, đặc biệt có vụ chưa xử lý được. Một số văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn thiếu, chưa chặt chẽ, dẫn đến khó khăn trong xác định hướng xử lý giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, phải trả hồ sơ điều tra, bổ sung nhiều lần.

[caption id="attachment_188130" align="aligncenter" width="410"] Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại Quốc hội (nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn tại Quốc hội (nguồn ảnh: baochinhphu.vn)[/caption]

Bên cạnh đó công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn một số hạn chế. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tăng cường phối hợp cơ quan thanh tra, kiểm toán, tòa án, kiểm sát, hải quan... đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, đẩy nhanh điều tra các vụ án, tránh tình trạng vụ án kéo dài, điều tra lại nhiều lần.

Trước tình trạng tố tụng nhiều án tham nhũng kéo dài, trả lại hồ sơ nhiều lần, có vụ chuyển tội danh, liệu có bỏ lọt tội phạm hay không và đặc biệt tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhìn nhận: khó khăn phổ biến là giám định tư pháp, ví dụ như vụ án Phạm Công Danh phải giám định tới 5 lần mới có cơ sở. Theo Viện trưởng, có những vụ án tham nhũng, kinh tế quy mô lên tới hàng nghìn tỷ đồng nên phần đánh giá thiệt hại khó khăn, trong thời hạn cho phép điều tra không thể xét hết được. Vì thế Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đưa ra chủ trương: Điều tra rõ tới đâu, truy tố, xét xử tới đó, phần còn lại đưa vào vụ án khác. Xử lý theo phương thức này giúp đưa tội phạm ra ánh sáng theo từng hành vi nhưng về tổng thể lại khó chứng minh đầy đủ tội phạm.

Ngoài ra, việc kéo dài tố tụng án còn phụ thuộc thời gian cung cấp tài liệu của cơ quan chuyên môn, thời gian cung cấp nội dung của cơ quan giám định, yêu cầu thu hồi tài sản, giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án... Quy mô lớn của các vụ án cũng là áp lực cho cơ quan chức năng. Cụ thể như vụ án Phạm Công Danh có 50 bị can; vụ án Hà Văn Thắm cũng có 51 bị can tại các tỉnh, thành khác nhau.

Việc kéo dài, trả lại án để điều tra bổ sung nhiều lần cũng liên quan tới năng lực, trình độ của cơ quan tố tụng trong đó có ngành kiểm sát... Ngoài ra, tâm lý sợ oan sai đã dẫn tới cầu toàn trong yêu cầu điều tra, đánh giá chứng cứ dẫn tới trả hồ sơ để giải quyết triệt để vụ án nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình tố tụng.

Để giải quyết tình trạng kết quả giám định ngăn cản, gây kéo dài thời gian xử lý nhiều vụ án tham nhũng, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng; chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp xây dựng thông tư liên tịch quy định hướng dẫn về các trường hợp cần thiết giám định trong giải quyết án tham nhũng kinh tế chức vụ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực này; đặc biệt là ngăn chặn việc lạm dụng giám định để ngăn trở, kéo dài việc giải quyết vụ án, quyết định không chính xác, không khách quan, giám định bổ sung, giám định lại. Dự kiến, Thông tư này sẽ được ban hành trước 1/1/2018.

Thành Chung

Link nội dung: https://phaply.net.vn/dai-an-ngan-hang-phuc-tap-ve-toi-danh-to-tung-keo-dai-a188127.html