Đó là khẳng định của ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước về nội dung đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020".
Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020" (Quyết định số 1058/QĐ-TTg) với mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Theo đề án, quá trình tái cơ cấu gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng những hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định và an toàn hệ thống; giảm số lượng TCTD yếu kém để có số lượng các TCTD phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản.
Đề án nêu rõ: "Bổ sung quy định cho phép BHTG Việt Nam được tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; trước mắt, tập trung đối với Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, cũng như bảo vệ quyền lợi của tổ chức và cá nhân gửi tiền". Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đầu mối nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan theo hướng: Quy định cụ thể để bảo đảm tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các TCTD yếu kém phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời tiệm cận với thông lệ quốc tế. Bổ sung các quy định về tăng cường xử lý sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của TCTD, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động ngân hàng và cho phép BHTG Việt Nam được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, bổ sung nội dung cho phép BHTG Việt Nam được tham gia sâu hơn vào cơ cấu lại TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.
Mục tiêu giữ ổn định các TCTD là kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực của ngành NH ở giai đoạn 1 của Đề án tái cơ cấu các TCTD (2011-2015), kể cả ở những thời điểm có một số TCTD khó khăn. Đến thời điểm này, theo chia sẻ của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, các ngân hàng đang hoạt động rất tích cực và đang có nhiều biện pháp triển khai quyết liệt tiếp theo.
NHNN đã và đang triển khai giai đoạn 2 tái cơ cấu các TCTD theo Quyết định 1058 của Chính phủ. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Khi triển khai đề án này, trên nền tảng những kết quả của giai đoạn 1, NHNN đã và đang tích cực xây dựng các đề án phê duyệt cho từng ngân hàng, kể cả các ngân hàng lành mạnh cũng như các ngân hàng còn đang có những khó khăn.
Với đề án này, đặc biệt khi Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD vừa được thông qua sẽ là điều kiện pháp lý quan trọng cho các giải pháp, biện pháp thực hiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2 có được những kết quả tích cực trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu là một trong những dấu mốc quan trọng trong quá trình tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020. WB cũng nhận định, Nghị quyết 42 đã giải quyết được một số trở ngại để xử lý nợ xấu hiệu quả, bao gồm cả các biện pháp cải thiện để bên cho vay có khả năng thực thi hiệu lực đối với tài sản đảm bảo nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thu hồi tài sản thế chấp và giải chấp nợ xấu. Nghị quyết 42 cũng tạo điều kiện tăng cường giao dịch nợ xấu trên thị trường thứ cấp. Bên cạnh đó, văn bản pháp quy hướng dẫn triển khai các nguyên tắc Basel II cũng đang được xây dựng và dự kiến sẽ cải thiện về quản lý rủi ro ở các ngân hàng và xử lý được những rủi ro trong các hoạt động ở khu vực ngân hàng.
Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cũng cho rằng Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD là các văn bản pháp lý quan trọng để tạo ra một cơ chế đồng bộ - nối tiếp bởi các biện pháp triển khai giúp xử lý nhanh chóng các khoản nợ xấu, khơi thông dòng vốn đang bị đóng băng tại VAMC. Đại diện cơ quan này chia sẻ tuy tiến trình tái cơ cấu TCTD vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, song khi nhìn tổng quan chung, triển vọng phát triển của ngành NH Việt Nam đã được đẩy mạnh bởi những bứt phá này. Vấn đề tiếp theo cần quan tâm đó là làm thế nào để triển khai hiệu quả chúng.
Trong quá trình tái cơ cấu các TCTD suốt thời gian qua, NHNN đặt ra nhiều nguyên tắc và mục tiêu. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, có hai nguyên tắc quan trọng và xuyên suốt trong cả tiến trình tái cơ cấu các TCTD. Thứ nhất, phải “đảm bảo cho sự ổn định hoạt động của mỗi TCTD, kể cả các TCTD yếu kém hiện nay. Và nguyên tắc đó cũng đã và đang được triển khai bằng nhiều giải pháp. Thứ hai, là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền”.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: “Tất cả người gửi tiền tại các TCTD, kể cả TCTD nhà nước cũng như TCTD cổ phần, Quỹ Tín dụng nhân dân cũng đều được đảm bảo quyền lợi chính đáng. Đây cũng là chỉ đạo, chủ trương của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ để đảm bảo cho quyền lợi chính đáng của người dân gửi tiền tại các TCTD".
Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD là một quá trình thường xuyên, liên tục. Với những kết quả, nỗ lực mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong năm 2017 sẽ tạo nền tảng vững chắc cho bước phát triển, đổi mới của ngành trong thời gian tiếp theo.
Năm 2018 sẽ là năm quan trọng với ngành ngân hàng khi NHNN triển khai các quy định về xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng. Việc thực thi Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng một cách hiệu quả sẽ tạo ra một cơ chế đồng bộ giúp xử lý nhanh chóng, dứt điểm các khoản nợ xấu, khơi thông dòng vốn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Theo ANTT
Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhnn-dam-bao-quyen-va-loi-ich-hop-phap-cua-nguoi-gui-tien-la-muc-tieu-cao-nhat-a187888.html