Chính sách pháp luật và lòng dân

“Lấy dân làm gốc” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong điều kiện hiện nay, phát huy quyền làm chủ của nhân dân được coi là một biểu hiện tập trung của tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Trước nay, Đảng đã vận dụng thấm nhuần tư tưởng trên, đề ra những chủ trương lớn rất trúng và hợp lòng dân, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển , đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc.

Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân hiện nay càng cần phải quán triệt nguyên tắc: mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải hợp với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân, phải làm cho nhân dân hiểu, thấm nhuần, biến thành ý chí và hành động của toàn dân và đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên có một thực tế đáng lo ngại hiện nay, khi triển khai một số chủ trương lớn thành những chính sách pháp luật cụ thể, đã bị một số cơ quan chức năng, một số cán bộ có chức có quyền vận dụng sai, làm khó cho dân, không đặt lợi ích của dân lên hàng đầu, cá biệt có những trường hợp làm chính sách để phục vụ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm . Những chính sách pháp luật cá biệt như vậy đã bị dân phản ứng, nhẹ thì góp ý phản biện thông qua báo chí với mong mỏi sửa đổi chính sách, nặng thì phản đối bằng hành động cụ thể.

BOT Cai Lậy và “thước đo” lòng dân đối với quyết sách của Bộ GTVT

Sự việc nóng hổi nhất thời gian này đó là việc dân phản đối thu phí qua BOT Cai Lậy. Tỉnh Tiền Giang không “hạ được nhiệt” vì cho rằng sự việc vượt tầm kiểm soát, quá thẩm quyền. Bộ Giao thông vận tải thì thụ động. Chỉ đến khi Thủ tướng triệu tập họp (tối ngày 4/12) với lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan cùng với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang , sau đó Thủ tướng ra quyết định tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy 1 – 2 tháng, thì sự việc mới được hạ nhiệt.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ xem xét toàn diện dự án và lắng nghe dân.

Giới tài xế quanh khu vực trạm BOT Cai Lậy hò reo sau khi biết quyết định của Thủ tướng vào tối 4/12 (Ảnh: NAM TRẦN – tuoitre.vn)
Giới tài xế quanh khu vực trạm BOT Cai Lậy hò reo sau khi biết quyết định của Thủ tướng vào tối 4/12 (Ảnh: NAM TRẦN – tuoitre.vn))

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định chủ trương xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là đúng đắn và cần tiếp tục hình thức này để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Trên tinh thần đó, trong khi Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện phương án cuối cùng trình Thường trực Chính phủ quyết định, các cơ quan liên quan cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm như khai tăng khối lượng, cũng như xem lại mức phí và vị trí đặt trạm thu phí để vừa bảo đảm quyền lợi của người dân vừa góp phần thúc đẩy các dự án BOT giao thông. Kiên quyết không được để vấn đề kinh tế phát sinh thành các bất ổn xã hội.

Lật lại “ lịch sử ra đời” BOT Cai Lậy, theo tuoitre.vn thông tin: Ông Nguyễn Văn Thể khi còn là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ trưởng) là người đã ký quyết định phê duyệt dự án BOT Cai Lậy, đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1.

Điều đáng nói, theo tuoitre.vn, các quyết định của Thứ trưởng Thể khi đó là bất thường. Theo đó, ngày 19/9/2013, tức là ba tháng trước khi phê duyệt dự án tuyến tránh quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ký quyết định công bố danh mục đầu tư dự án này để kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT. Danh mục kèm theo quyết định này ghi rõ dự án chỉ có duy nhất hạng mục tuyến tránh chiều dài 12km, nền đường rộng 12m, có hai làn xe. Ngày 11/11/2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký văn bản đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến tránh theo hình thức hợp đồng BOT. Đến lúc này dự án chỉ có tuyến tránh 12km.

Thế nhưng, trong quyết định phê duyệt dự án ngày 19/12/2013 thì lại "lòi" thêm hợp phần "tăng cường mặt đường quốc lộ 1 qua Tiền Giang dài 26,5km, từ km1987+560 đến km2014", bên cạnh hợp phần chính là xây dựng mới tuyến tránh dài 12km. Quyết định này cũng do ông Thể ký.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Bộ Giao thông Vận tải đã chuẩn bị kế hoạch đưa thêm hợp phần tăng cường mặt đường qua thị xã Cai Lậy từ trước nhằm hợp thức hóa vị trí đặt trạm thu phí bên ngoài tuyến tránh. Ngày 5/11/2013, tức chỉ một ngày sau khi HĐND và UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản thống nhất vị trí đặt trạm thu phí ngoài tuyến tránh, ông Thể chủ trì cuộc họp thông qua báo cáo cuối kỳ dự án tuyến tránh quốc lộ qua thị xã Cai Lậy. Tại cuộc họp này ông Thể kết luận bổ sung hợp phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1 hiện tại, đồng thời đổi tên dự án để bao gồm cả đầu tư xây dựng tuyến tránh và tăng cường mặt đường trên Quốc lộ 1. Và hơn một tháng sau, ông Thể đặt bút ký quyết định phê duyệt dự án này có nội dung khác xa so với dự án cũng do ông ký ba tháng trước.

Như vậy cho đến thời điểm này, chưa có kết luận chính thức về tính đúng sai của BOT Cai Lậy.

Tuy nhiên với những bất thường mà báo chí đã chỉ ra từ khâu thẩm định xem xét tính toán phê duyệt dự án BOT Cai Lậy của Bộ Giao thông Vận tải năm 2013, đến quá trình vận hành dự án, đặc biệt là đến khâu thu phí dự án bị dân phản đối quyết liệt…thì không thể nói đây là một quyết định đúng vì quyết định có bất thường, đặc biệt đây là quyết định chưa phù hợp lòng dân, làm thiệt thòi tới lợi ích của người dân khi đi qua tuyến đường này.

Thông tư bị “tuýt còi”, lùi thời hạn thực hiện do dân không thông, khó áp dụng

Cứ mỗi năm, Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp lại thống kê được hàng trăm văn bản trái luật, vi hiến, sai sót…, trong đó có những cái đã… “kịp đi vào cuộc sống”, gây khó khăn cho dân và hành dân.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) mới đây đã có thông báo gửi Bộ GTVT kiến nghị xử lý đối với Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT, liên quan đến quy định dừng đăng kiểm do chưa nộp “phạt nguội”.

Cụ thể, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có ý kiến về khoản 6 Điều 4 Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT, quy định: “Hành vi không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới: 6… kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định”. Cục Kiểm tra VBQPPL cho rằng quy định nói trên có một số điểm không phù hợp. Đáng chú ý, quy định này chưa phù hợp với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (khoản 3 và khoản 6 Điều 55).

“Việc thực hiện kiểm định là trách nhiệm theo luật đối với chủ phương tiện cũng như cơ quan đăng kiểm. Chủ phương tiện có trách nhiệm đưa phương tiện đi kiểm tra định kỳ và cơ quan đăng kiểm có trách nhiệm thực hiện việc kiểm định để kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện. Luật Giao thông đường bộ không quy định về trường hợp không kiểm định” – thông báo của Cục Kiểm tra VBQPPL nêu rõ.

“Mặc dù Luật Giao thông đường bộ quy định Bộ trưởng Bộ GTVT có trách nhiệm quy định và tổ chức thực hiện kiểm định xe cơ giới, tuy nhiên, Luật không quy định và cũng không giao Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về trường hợp không kiểm định” – Cục Kiểm tra VBQPPL nêu quan điểm.

“Sự thiếu rõ ràng, minh bạch của quy định này gây ra khó khăn, vướng mắc trong việc hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật đối với cả cơ quan nhà nước cũng như người dân” – thông báo của Cục nhận định.

Từ những phân tích trên, Cục đề nghị Bộ GTVT xử lý ngay quy định chưa phù hợp tại khoản 6 Điều 4 Thông tư số 70.

Mới đây, một Thông tư khác vừa ban hành cũng phải tạm hoãn lùi thời hạn thực hiện. Đó là Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên & Môi trường về nội dung hướng dẫn ghi tên các thành viên có quyền sử dụng đất lên sổ đỏ hộ gia đình. Thông tư đã gây xôn xao dư luận, gây ra những phản biện trái chiều, người cho rằng nội dung Thông tư tốt, người cho là Thông tư gây rắc rối, gây khó cho dân khi áp dụng…

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ luật Dân sự 2015 không còn khái niệm hộ gia đình. Trong khi đó, hiện nay tranh chấp về quyền sử dụng đất trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất hết sức nhức nhối. Nhiều tranh chấp gia đình đã xảy ra, cũng như xử lý vấn đề nợ xấu của ngân hàng, tòa án không thể phát mại được.

Bộ trưởng giải thích, thực tế Thông tư 33 chỉ điều chỉnh một trong 16 trường hợp về hình thức sở hữu được ghi trên sổ đỏ, cơ bản là giải quyết các trường hợp phát sinh, trước khi có Luật Đất đai 2013. Theo Luật Đất đai 2013, nếu cấp cho chủ thể hộ gia đình thì đã ghi đầy đủ các thành viên trong Hộ gia đình. Thông tư 33 cũng quy định chủ thể là các hộ gia đình sử dụng đất.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, Thông tư 33 này quy định đối với các trường hợp chuyển tiếp, trước khi có Luật Đất đai 2013 thì việc giải quyết hoàn toàn do các hộ gia đình tự nguyện, nhưng Thông tư lại không nói rõ vấn đề này. Về tính pháp lý, việc ban hành Thông tư 33 hoàn toàn đúng quy định của pháp luật và cần thiết, cấp bách với cuộc sống. Nhưng Thông tư ban hành còn có cách hiểu khác nhau, chưa rõ ràng và trên thực tế, quy định của Luật Đất đai đã điều chỉnh về cơ bản việc cấp mới nên những vấn đề phát sinh đã có cơ chế hiện hành đang giải quyết được”, ông Hà giải thích.

Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận Thông tư 33 quy định việc ghi tên các thành viên trong gia đình vào sổ đỏ còn thiếu rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Do vậy cần thiết phải lùi thời gian có hiệu lực.

Thông tư số 70 của Bộ GTVT và Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên & Môi trường đã bị “tuýt còi” và lùi hiệu lực thi hành
Thông tư số 70 của Bộ GTVT và Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên & Môi trường đã bị “tuýt còi” và lùi hiệu lực thi hành)

Như vậy có thể thấy, Bộ TN và MT đã cầu thị lắng nghe dân và đã kịp sửa sai. Chính sách ban hành ra nếu phát hiện sai thì phải kịp thời sửa sai, phải kịp thời cầu thị lắng nghe dân. Có như vậy chính sách pháp luật mới đi vào cuộc sống, được dân ủng hộ, dân tuân thủ thực thi. Dân ủng hộ, tuân thủ chính sách pháp luật thì xã hội mới phát triển ổn định bền vững.

Bài học nào cho công tác xây dựng chính sách

Để đảm bảo các VBQPPL được ban hành chuẩn chỉnh, không vi hiến, trái luật, có tính khả thi… thì Quốc hội đã ban hành Luật Ban hành VBQPPL.

Luật Ban hành VBQPPL 2015 đã quy định tường minh việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, tổ chức khác, các chuyên gia, nhà khoa học…

Chẳng những vậy, quy trình thẩm định dự thảo Thông tư cũng đã được luật hóa. Thậm chí nếu chính sách nào có quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người dân, doanh nghiệp… thì còn phải thành lập hội đồng tư vấn thẩm định. Sau các bước vô cùng chặt chẽ ấy, hồ sơ dự thảo Thông tư mới được trình lên Bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Nếu còn ý kiến khác nhau thì các cơ quan liên quan phải thống nhất, hoàn thiện, chỉnh lý để Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ xem xét, ký ban hành Thông tư.

Luật Ban hành VBQPPL cũng đã quy định rõ: “Người đứng đầu… phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng”.

Tất cả dẫn giải trên đây để nói rằng: Luật đã có quy định rất chặt chẽ về quy trình ban hành những chính sách pháp luật cụ thể, đặc biệt những chính sách pháp luật ảnh hưởng tới số đông người dân. Vấn đề là các Bộ, Ban, Ngành, các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng có tuân thủ đầy đủ quy trình đó hay không, có lắng nghe, thấu hiểu và có đặt lợi ích người dân lên trên hết hay không mà thôi?

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực sự "lấy dân làm gốc", cần phải: luôn tôn trọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phải lấy mục đích bảo vệ cho nhân dân sống yên vui, hạnh phúc làm đầu, phải vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ; lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình. Đặc biệt, cần phải kiên quyết đấu tranh chống lại mọi biểu hiện xâm phạm lợi ích của nhân dân, vi phạm quyền làm chủ của dân, những thói mệnh lệnh, cửa quyền, ức hiếp nhân dân, không chú ý giải quyết những kiến nghị của nhân dân”. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị thời sự đối với công tác cán bộ, công tác chính sách…

Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đất nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới đặt ra, tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của nhân dân. Vì vậy những người được trao quyền thực thi biến chủ trương thành hành động, ban hành ra chính sách pháp luật càng phải quan tâm đặc biệt , vận dụng thấm nhuần tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó cần quán triệt một nguyên tắc tối thượng: mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải hợp với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân, phải làm cho nhân dân hiểu, thấm nhuần, biến thành ý chí và hành động của toàn dân và đi vào cuộc sống.

Lấy dân làm gốc phải bằng hành động cụ thể, phải biến những chủ trương đúng thành chính sách pháp luật cụ thể hợp lòng dân. Sai thì phải kịp thời sửa sai, phải kịp thời cầu thị lắng nghe dân. Có như vậy chính sách pháp luật mới đi vào cuộc sống, được dân ủng hộ, dân tuân thủ thực thi. Dân ủng hộ, tuân thủ chính sách pháp luật thì xã hội mới phát triển ổn định bền vững. Lắng nghe dân, nhường dân, phụng sự dân, vì lợi ích của dân, dân sẽ luôn ủng hộ tuyệt đối.

Và bài học sâu sắc nhất cần được rút ra đối với những người được trao quyền ban hành chính sách pháp luật, đó vẫn là bài học “lấy dân làm gốc”.

Phương Anh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chinh-sach-phap-luat-va-long-dan-a187865.html