Chủ tịch nước: Đồng ý TANDTC xây dựng Đề án tăng cường hòa giải trong giải quyết tranh chấp dân sự

Tại Phiên họp thứ tư BCĐ Cải cách tư pháp TW, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, BCĐ cơ bản đồng ý giao TANDTC triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.

 

 Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương chủ trì Phiên họp lần thứ tư Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương chủ trì Phiên họp lần thứ tư Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương)

Chiều 15/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương (Ban Chỉ đạo) tổ chức Phiên họp thứ Tư. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cho ý kiến vào Dự thảo báo cáo kết quả công tác tư pháp năm 2018 và chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2018; báo cáo của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam về kết quả hợp tác với UNDP về khảo sát chỉ số công lý và phương hướng xây dựng chỉ số tư pháp; báo cáo của TANDTC về việc đổi mới và tăng cường công tác hoà giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính...

Tại phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành Dự thảo báo cáo kết quả công tác tư pháp năm 2017 và đánh giá cao kết quả đã đạt được trong năm 2017. Đa số các ý kiến đồng ý về sự cần thiết nghiên cứu xây dựng chỉ số tư pháp, đề xuất giao Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam nghiên cứu Đề án về xây dựng chỉ số tư pháp.

Đồng thời, khẳng định việc phát huy vai trò của hòa giải, đối thoại nhằm quán triệt tinh thần của Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị là “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải, trọng tài...”. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần lập thành dự án trước khi triển khai thí điểm. Dự án cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng, thời gian, kinh phí, tài liệu, địa điểm triển khai thí điểm.

Phát biểu kết luận phiên họp, tổng kết những kết quả triển khai nhiệm vụ công tác của Ban Chỉ đạo trong năm 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo đã thực hiện nghiêm túc chủ trương “tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp” do Đại hội lần thứ XII của Đảng thông qua và các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Trong đó, nổi bật là tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức luật sư, trợ giúp pháp lý, công chứng, giám định tư pháp, thừa phát lại; hoàn thiện các đề án về vị trí việc làm, triển khai thực hiện các đề án về phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp; chỉ đạo việc đổi mới phương thức hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến hoạt động tư pháp.

Cùng với đó là việc tăng cường hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức nước ngoài trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ tư pháp, cải cách tư pháp; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, các quy định của pháp luật về hoạt động tư pháp... Ban Chỉ đạo cũng đã chỉ đạo việc nghiên cứu Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ phát sinh theo yêu cầu của Bộ Chính trị.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương đã tiếp tục kiện toàn, đổi mới tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp cấp tỉnh; phân công rõ trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan ở địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Luật sư, Luật Lý lịch tư pháp, Luật Tương trợ tư pháp...; chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các đề án về vị trí việc làm trong từng cơ quan, đơn vị.

Thông báo ý kiến về báo cáo, đề xuất của Đảng đoàn Hội luật gia Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam về khảo sát chỉ số công lý; cơ bản tán thành phương hướng xây dựng chỉ số tư pháp nêu trong báo cáo của Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam.

Do đây là vấn đề mới, phức tạp, liên quan đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống tư pháp, Chủ tịch nước đề nghị Hội Luật gia Việt Nam cân nhắc kỹ ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo và Ban Thư ký, đồng thời lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, các nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài để xây dựng được bộ tiêu chí phù hợp, có tính khả thi trình Ban Chỉ đạo xem xét, cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện.

Đối với báo cáo, đề xuất của Ban cán sự Đảng TANDTC, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo cơ bản đồng ý giao TANDTC triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và tiến hành thí điểm hòa giải, đối thoại tại TAND thành phố Hải Phòng.

Về chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo năm 2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Ban Chỉ đạo tiếp tục thực hiện chế độ họp định kỳ 3 tháng/lần theo đúng quy định của Bộ Chính trị và Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo. Cùng đó, Ban Chỉ đạo và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quán triệt thực hiện đúng đắn quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ cụ thể nêu trong Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016 - 2021; bảo đảm thực hiện nghiêm túc chủ trương “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp...” do Đại hội lần thứ XII của Đảng đã thông qua; các nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2018 trên từng lĩnh vực cụ thể...

Theo Congly

Link nội dung: https://phaply.net.vn/chu-tich-nuoc-dong-y-tandtc-xay-dung-de-an-tang-cuong-hoa-giai-trong-giai-quyet-tranh-chap-dan-su-a187803.html