Nhìn lại bất cập của một số chính sách an sinh

(Pháp lý) - LTS: Cùng với sự đổi mới của Quốc hội trong hoạt động lập pháp, các Bộ, Ban Ngành thời gian qua cũng có nhiều tiến bộ, đổi mới, đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách phù hợp với thực tiễn đem lại hiệu quả mà biểu hiện cụ thể là đã góp phần quan trọng vào quản lý mọi mặt của đời sống xã hội theo pháp luật. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, có không ít chính sách pháp luật chậm đi vào cuộc sống, hoặc chính sách gây khó cho dân, chưa tạo ra sự bình đẳng trong xã hội.

Làm thế nào để có những chính sách ổn định, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, hợp lòng dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội luôn là trăn trở không dễ giải quyết…

Điểm chung của những chính sách pháp luật mà chúng tôi nhắc đến dưới đây là tác động đến đông đảo người dân. Chính bởi vậy, khi chính sách có kẽ hở, gây khó khăn khi áp dụng, không đảm bảo công bằng, phân biệt đối xử, dễ gây bức xúc cho dân dẫn đến hệ lụy phải sửa, hoãn hiệu lực và gây nhiều tốn kém khác cho xã hội.

Quy định quản lý dân cư có nhiều bất cập

Điều 13 của Tuyên bố chung về các quyền con người của Liên Hiệp Quốc nêu rõ: Mỗi người đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú của mình trong phạm vi nhà nước. Các nước là thành viên Liên Hiệp Quốc không được phép hạn chế quyền tự do cư trú, tự do đi lại - một trong những quyền tự do cơ bản của con người. Việc hạn chế quyền tự do cơ bản của con người phải là những ngoại lệ cần thiết và chỉ được áp dụng cho những trường hợp được luật pháp xác định rõ ràng. Là thành viên của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện các quyền này.

Bỏ sổ hộ khẩu và thay thế chứng minh nhân dân là câu chuyện đã được cân nhắc nhiều lần tại Nghị trường. Trong Luật Cư trú áp dụng từ năm 2007 ghi rõ công dân có quyền tự mình lựa chọn, quyết định nơi thường trú, nơi tạm trú theo quy định nhưng lại quy định thêm: “Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”. Nghĩa là các thủ tục của cơ quan thẩm quyền chưa hoàn thiện, quyền tự do cư trú của công dân cũng bị ảnh hưởng.

Quản lý  dân cư bằng công nghệ hiện đại là yêu cầu mới của thực tiễn mà pháp luật cần sớm điều chỉnh
Quản lý dân cư bằng công nghệ hiện đại là yêu cầu mới của thực tiễn mà pháp luật cần sớm điều chỉnh)

Mặc dù Nghị định 31/2014/NĐ-CP năm 2014 của Chính phủ nghiêm cấm sử dụng hộ khẩu để hạn chế quyền công dân, nhưng thực tế để được đăng ký hộ khẩu thì phải kèm các điều kiện khác do chính quyền các địa phương quy định. Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 còn cho phép các thành phố trực thuộc trung ương được ban hành các quy định riêng về điều kiện để được đăng ký hộ khẩu (chẳng hạn điều kiện về diện tích tối thiểu của nhà đang thuê).

Kèm theo đó, sổ hộ khẩu là điều kiện để được hưởng phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội, nên nó vừa là nguyên nhân gây ra hàng loạt bất công, bất bình đẳng về cơ hội và bức xúc trong xã hội; đồng thời gây ra phí tổn xã hội, tổn thất lớn về kinh tế; vừa tạo cơ hội, điều kiện cho tham nhũng, hối lộ...

Việc quản lý di dân bằng hộ khẩu vừa không ngăn cản, điều phối được dòng người từ nông thôn đổ vào thành thị, vừa góp phần làm cho đời sống của họ ngày càng khó khăn hơn, khiến sự bất bình đẳng xã hội ngày một lớn hơn.

Năm 2016, Viện xã hội học (thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và nhóm nghiên cứu của World Bank đã công bố Báo cáo hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam (ở 5 tỉnh, thành phố: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông). Lần đầu tiên, câu chuyện hộ khẩu được nhìn từ những con số thực tế và gây choáng: Có ít nhất 5,6 triệu người không có hộ khẩu thường trú tại nơi họ đang cư trú, trong đó 36% là dân cư của TP.HCM và 18% dân cư ở Hà Nội. 40% số người không có hộ khẩu thường trú này đều đã lưu trú trên 6 năm (trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, thường trú trên 5 năm là đủ điều kiện để được nhập hộ khẩu). Thống kê mạch lạc đó đã cho thấy việc quản lý bằng hộ khẩu không những không đạt được những mục tiêu điều tiết dân cư mà còn tạo ra bất công cho xã hội. Và việc áp dụng các quy định pháp luật về quản lý dân cư hiện nay có không ít những lỗ hổng, bất cập.

Đến quy định làm khó lao động nữ

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 (sửa đổi) kể từ khi được ban hành đến nay ít nhất đã có 3 Điều luật bị phản ứng ngay khi chưa có hiệu lực, nếu được thực thi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người lao động (NLĐ). Theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH 2014 (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào ngày 20/11/2014, NLĐ không được nhận BHXH một lần sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH. Quy định này sau đó đã gây bức xúc trong đông đảo NLĐ vì quyền lợi của họ bị ảnh hưởng lớn.

 Chính sách pháp luật về BHXH cần được quan tâm sửa đổi cho phù hợp thực tiễn để bảo vệ lợi ích của số đông người lao động
Chính sách pháp luật về BHXH cần được quan tâm sửa đổi cho phù hợp thực tiễn để bảo vệ lợi ích của số đông người lao động)

Chỉ sau đó khoảng 7 tháng, Quốc hội phải thông qua Nghị quyết về việc sửa quy định tại Điều 60 của luật này, theo hướng cho NLĐ được nhận BHXH một lần.

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 10 và tháng 11 vừa qua, chuyện cô giáo dạy mầm non Trương Thị Lan (tỉnh Hà Tĩnh) sau 37 năm công tác, nghỉ hưu với mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng đã khiến dư luận dấy lên câu hỏi "tại sao lại có sự bất hợp lý như vậy?". Điều 56 và Điều 74 Luật BHXH 2014 (sửa đổi) quy định về mức lương hưu hằng tháng cũng đã được dư luận nêu ra những bất cập trước khi có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2018, đặc biệt là với lao động nữ. Nếu chiếu theo quy định của Điều 56 và Điều74, không ít lao động nữ có dưới 30 năm đóng BHXH, nếu nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 sẽ có tỉ lệ lương hưu thấp hơn (cao nhất lên đến 10%) so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu trong năm 2017. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của lao động nữ.

Tính đến ngày 1/1/2018, sẽ có khoảng 110.000 lao động nghỉ hưu trong đó có khoảng 50.000 lao động nữ. Theo cách tính của Khoản 2, Điều 56 Luật BHXH thì nam thiệt ít hơn vì nam có lộ trình 5 năm, còn nữ thì tính ngay nên sẽ bị thiệt nhiều hơn. Trong 50.000 lao động nữ nghỉ hưu sẽ có khoảng 21.000 người bị thiệt. Đặc biệt sẽ có khoảng 4.000 lao động nữ thiệt nhiều nhất khoảng 5-10% lương hưu.

Hạn chế này khiến các cơ quan bảo vệ lao động nhất là lao động nữ “nóng như lửa” khi thời điểm Luật cận kề. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì đề xuất vẫn tính lương hưu cho lao động nữ như cách tính cũ. Bộ Lao động Thương binh Xã hội đề xuất tạm dừng thực hiện Khoản 2 Điều 56 Luật BHXH. Nhiều người đặt câu hỏi, những vấn đề trên gặp phải là do đâu? Do tầm nhìn người làm luật hay những hạn chế khác?

Chính sách thuế thu nhập cá nhân chưa công bằng…

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế  (2014) đã có hiệu lực từ cách đây gần 2 năm. Theo quy định của luật này thì cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm (tương đương với 8,33 triệu đồng/tháng) trở lên phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Và quy định này không nhận được sự đồng thuận của một bộ phận cá nhân đang tham gia kinh doanh. Bởi vì theo Luật thuế TNCN, cá nhân kinh doanh chỉ phải nộp thuế TNCN đối với phần thu nhập còn lại (được xác định bằng doanh thu trừ các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập) sau khi đã trừ đi các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện, giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 9 triệu đồng/tháng và giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/tháng. Việc tính thuế TNCN mới không khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Luật bảo hiểm y tế (BHYT) (sửa đổi) và Luật BHXH (sửa đổi) với mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, có 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế và 50% người dân trong độ tuổi lao động tham gia BHXH. Trong khi đó, đây là hai chính sách vô cùng quan trọng nhằm bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

 Chính sách thuế thu nhập cá nhân còn bất cập, chưa công bằng (Ảnh minh họa)
Chính sách thuế thu nhập cá nhân còn bất cập, chưa công bằng (Ảnh minh họa))

Cũng liên quan đến chính sách thuế, Luật Thuế TNCN đã được ban hành năm 2007 và có hiệu lực từ năm 2009. Đến nay, dù được sửa đổi, bổ sung vài lần nhưng không ít bất cập, trái khoáy. Luật Thuế TNCN rất cứng nhắc trong việc quy định về miễn giảm thuế cho người bị bệnh hiểm nghèo và người thân của người nộp thuế bị bệnh hiểm nghèo. Theo đó, người bị bệnh hiểm nghèo được miễn giảm thuế rất ít, người có người thân bị bệnh hiểm nghèo dù rất tốn tiền thuốc men, điều trị nhưng vẫn phải nộp thuế TNCN hàng tháng mà không được miễn giảm.

Khắt khe với người bị bệnh hiểm nghèo nhưng những quy định về thuế TNCN lại khá thông thoáng với những người chuyển nhượng bất động sản. Luật Thuế TNCN quy định: Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất thì được miễn thuế; đồng thời người chuyển nhượng bất động sản tự khai và chịu trách nhiệm về tính trung thực về kê khai của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh hệ thống thông tin quản lý cá nhân của cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có ngành thuế còn chưa đáp ứng; công tác kiểm tra, đối chiếu cần rất nhiều thời gian thì ít nhất trong vài năm đầu, cơ quan chức năng không thể kiểm soát được từng cá nhân có bao nhiêu nhà ở, đất ở. Đây chính là kẽ hở để không ít người có nhiều nhà ở, đất ở khi chuyển nhượng sẵn sàng kê khai là tài sản duy nhất để không phải nộp thuế. Thực tế này đang diễn ra hàng ngày và khá phổ biến, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Hệ thống văn bản pháp luật về thuế quy định giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giá thực tế ghi trên hợp đồng, tại thời điểm chuyển nhượng nhưng không thấp hơn giá đất do UBND tỉnh, TP quy định. Thực tế trên thị trường bất động sản, giá đất mua bán thường cao hơn giá đất do UBND tỉnh, TP quy định. Nhưng vì lợi ích của cả người mua và người bán (bên bán được nộp thuế TNCN ít hơn, bên mua nộp lệ phí trước bạ thấp hơn), nên họ thường thoả thuận ghi giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn thực tế. Và để được cơ quan Nhà nước chấp nhận hồ sơ, họ chỉ ghi trên hợp đồng mức giá ngang bằng hoặc cao hơn chút đỉnh so với giá UBND tỉnh, TP quy định. Như thế sẽ được nộp thuế thấp hơn số thực tế phải nộp. Kết quả là, cả đôi bên mua bán đất cùng có lợi, chỉ riêng Nhà nước chịu thất thu thuế.

Thêm vào đó, Khoản 1 Điều 4 Luật Thuế TNCN quy định: “thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng, cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau” thì được miễn thuế TNCN. Lợi dụng quy định này, nhiều trường hợp đã sử dụng mối quan hệ bắc cầu để trốn thuế. Cụ thể, hai chị em dâu chuyển nhượng bất động sản cho nhau là đối tượng phải nộp thuế. Nhưng để lách luật, người chị dâu làm thủ tục chuyển nhượng cho bố chồng, sau đó bố chồng lại chuyển nhượng tiếp cho người em dâu. Cả hai lần chuyển nhượng này đều thuộc đối tượng được miễn thuế. Thế là từ việc phải nộp thuế, hai chị em dâu chịu khó đi vòng, chuyển nhượng bắc cầu để tránh phải nộp thuế.

Chính sách pháp luật về xã hội, dân sinh nếu bất cập sẽ gây ra những hệ lụy lớn cho xã hội. Bởi vậy một yêu cầu cấp thiết khi thấy những chính sách bất cập là phải sửa đổi kịp thời, đồng thời trong quá trình sửa đổi hay làm các chính sách mới phải luôn có những cân nhắc, tính toán hợp lý để phù hợp và bao quát được thực tiễn.

Anh Tâm (tổng hợp)

Link nội dung: https://phaply.net.vn/nhin-lai-bat-cap-cua-mot-so-chinh-sach-an-sinh-a187763.html