Hiệu quả kinh doanh của DNNN rất tù mù, giám sát lỏng lẻo. Tại nhiều DN, chỉ phát hiện khi sự việc đã kết thúc, để lại khoản lỗ nghìn tỉ đồng rất khó khắc phục.
Sự việc nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cùng 4 nguyên lãnh đạo của các công ty con vừa bị khởi tố, bắt tạm giam không chỉ làm dài thêm danh sách đại án kinh tế mà còn làm tăng thêm những quan ngại của dư luận về hiệu quả kinh tế cũng như vai trò của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Ngân sách đang trả nợ thay
Xét về hiệu quả kinh doanh của DNNN, VRG không phải trường hợp cá biệt khi để xảy ra thua lỗ hàng nghìn tỉ đồng.
Chỉ tính riêng ngành công thương đã có 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ, Chính phủ đang chỉ đạo tháo gỡ quyết liệt nhưng dự kiến đến hết năm 2018 mới có khả năng xử lý căn bản, năm 2020 hoàn thành xử lý tất cả tồn tại. Trong danh sách này có Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem). Đầu năm 2017, Vinachem đề xuất Chính phủ trả nợ thay 125 triệu USD - một phần của khoản vay của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã đầu tư cho dự án Đạm Ninh Bình thua lỗ. Nhưng Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ từ chối trả nợ thay với lý do Vinachem chưa nỗ lực tìm phương án trả nợ mà chỉ nhắm đến mục đích được khoanh nợ và Chính phủ hỗ trợ.
Thông tin từ Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính cho biết ngân sách đang phải trả nợ thay cho nhiều DNNN. Hiện nay, Quỹ Tích lũy trả nợ đang định kỳ phải trả nợ thay cho Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin, nay là SBIC), Giấy Phương Nam, một phần dự án xi măng Đồng Bành, Tam Điệp, Hoàng Mai, Hạ Long được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài nhưng làm ăn thua lỗ, khó khăn không trả được nợ.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính đến năm 2016, DNNN chiếm 32% nguồn vốn kinh doanh, 39% tài sản cố định và đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, khu vực này chỉ tạo ra 24% doanh thu, dưới 20% giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm tỉ trọng nhỏ trong lĩnh vực thương mại nội địa, nông thủy sản.
Đáng lưu ý là hiệu quả kinh doanh của DNNN rất tù mù, giám sát lỏng lẻo. Không ai biết dòng vốn của nhà nước đang chảy như thế nào nên không thể cảnh báo rủi ro, yếu kém mà chỉ phát hiện khi sự việc đã kết thúc. Tại nhiều DN, khi phát hiện làm ăn không hiệu quả thì đã mất vốn, để lại khoản lỗ nghìn tỉ rất khó khắc phục. Một trong những nguyên nhân là do khu vực DNNN thiếu công khai, minh bạch thông tin. Trong một báo cáo về tình hình cổ phần hóa (CPH) DNNN, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết hiện mới có 241/620 DNNN công bố thông tin, còn lại trên 60% không công bố thông tin về hoạt động cũng như kế hoạch CPH.
Chưa quyết tâm thay đổi
Theo các chuyên gia kinh tế, sự hoạt động kém hiệu quả của DNNN đang tạo ra gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế và là rào cản tăng trưởng cho khu vực tư nhân. Vì vậy, thay vì tiếp tục đổ nguồn lực vào khu vực này, cần "thay máu" DNNN theo hướng CPH, thoái vốn nhà nước tại các DN để tạo động lực tăng trưởng mới.
Tuy nhiên việc CPH, thoái vốn DNNN lại đang ở điểm nghẽn. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định đến nay đã có khoảng 4.516/6.000 DNNN được CPH, đạt 96,5% kế hoạch nhưng lại chỉ có 8% vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân. Như vậy, nhìn từ mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, phân bổ lại nguồn lực thì kết quả gần như bằng 0 vì nhà nước vẫn nắm 81% vốn tại DNNN trong khi hiệu quả sử dụng vốn rất thấp, phải cần đến 2,15 đồng vốn mới tạo ra được 1 đồng doanh thu. Còn khu vực DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần 1,42 đồng và 1,12 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu. Ông Trần Đình Thiên thẳng thắn cho rằng thuật ngữ "CPH" DNNN đã đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong thời gian qua nhưng tiếp tục kéo dài có thể sẽ làm chậm mục tiêu chuyển đổi nguồn lực sang khu vực có hiệu quả hơn. "Có lẽ đến thời điểm này, khi Đảng đã xác định khu vực kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, yêu cầu xóa bỏ mọi kỳ thị, phân biệt với khu vực này thì nên thay thay thuật ngữ "CPH" bằng "tư nhân hóa", để có sự rõ ràng về tư duy" - ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng tổng giá trị tài sản của các DNNN nắm giữ lên tới trên 5 triệu tỉ đồng. Nếu cải thiện được hiệu quả của DNNN thêm một điểm phần trăm thì khối tài sản này tạo giá trị tăng thêm khoảng 2,5 tỉ USD.
TS Nguyễn Đình Cung thẳng thắn cho rằng DNNN đã xảy ra những sai sót, thua lỗ rất lớn, không chỉ một lần mà nhiều lần, nhiều năm, có tác hại ghê gớm, làm tụt lại tốc độ phát triển, làm hao mòn nguồn lực của nền kinh tế. Với thực trạng đó, phải rút ra những bài học lớn, xem xét lại vấn đề một cách căn bản hơn, cốt lõi hơn thay vì chỉ xử lý từng dự án. Cần đánh giá lại toàn diện từng DN trên tất cả chỉ số cơ bản, từ đó giao nhiệm vụ cho từng DN cụ thể về thời hạn khắc phục, khi nào hòa vốn, khi nào có lãi... Nếu 6 tháng, lãnh đạo DN không có khả năng hoàn thành thì thay thế người khác, không phải chờ đến 2 năm như quy định hiện hành.
Tính đến năm 2016, có 17 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế 12.504 tỉ đồng. Trong đó, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam lỗ lũy kế 5.040 tỉ đồng, Tổng Công ty Viễn thông Toàn cầu Gtel lỗ 3.905 tỉ đồng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ 1.348 tỉ đồng. Tính riêng năm 2016, có 4 tập đoàn, tổng công ty ghi nhận khoản lỗ phát sinh là 1,3 triệu tỉ đồng.
(Nguồn: Báo cáo của Bộ Tài chính)
Ai làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
Về việc khởi tố nguyên Chủ tịch HĐTV VRG Lê Quang Thung cùng 4 cựu cán bộ của tập đoàn này, chiều 13-12, trao đổi với Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: "Những sai phạm tại VRG và một số công ty thành viên đã được Thanh tra Chính phủ kết luận. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra, xử lý. Ai sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật". Về khắc phục những tồn tại nêu trong kết luận thanh tra, ông Tuấn cho biết Thủ tướng đang giao cho Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, VRG báo cáo.
Trước đó, ngày 12-12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố đối với 5 bị can, gồm: Lê Quang Thung, nguyên Chủ tịch HĐTV VRG; Nguyễn Thành Châu, nguyên Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Văn Minh, nguyên kế toán trưởng Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Hồng Phú, nguyên Giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng; Hoàng Văn Sơn, kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng, về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại điều 165 Bộ Luật Hình sự.
V.DUẨN
Theo NLD
Link nội dung: https://phaply.net.vn/thay-mau-dnnn-phai-lam-tu-goc-a187734.html