Hội nghị toàn quốc tổng kết 6 năm thi hành Luật thanh tra và 3 năm thi hành Luật tiếp công dân

Ngày 12-12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 6 năm thi hành Luật thanh tra và 3 năm thi hành Luật tiếp công dân. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, công tác thanh tra cũng như công tác tiếp công dân từ trước đến nay luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cơ quan, tổ chức.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, qua 6 năm triển khai Luật thanh tra, Luật thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành luôn được bảo đảm triển khai và tuân thủ trên thực tế; các chính sách, pháp luật về thanh tra đã thực sự đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả tốt trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước; các mặt công tác thanh tra đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo)

Qua công tác thanh tra trên phạm vi toàn quốc đã phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và kiến nghị khắc phục; đã tích cực, chủ động trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, chất lượng hoạt động thanh tra chưa đồng đều, nhiều cuộc thanh tra chưa đáp ứng quy định về thời hạn, nhất là về thời hạn báo cáo kết quả thanh tra, ban hành kết luận thanh tra. Hoạt động thanh tra và kết luận thanh tra còn có biểu hiện thiếu khách quan, minh bạch, rõ ràng.

“Nhiều kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra chưa được thực hiện nghiêm, nhất là trong việc xử lý người có hành vi vi phạm, khắc phục yếu kém trong quản lý, thu hồi tiền sai phạm nộp ngân sách; còn có hiện tượng thiếu khách quan, nể nang trong việc kiến nghị xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm…”, Phó Tổng Thanh tra cho hay.

Ngoài ra, còn có sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, phổ biến là sự chồng chéo trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước và kiểm toán Nhà nước.

Sau 3 năm thi hành Luật tiếp công dân (TCD), công tác TCD của các ngành, các cấp đã đi vào nền nếp và quy củ hơn. Lãnh đạo các địa phương đã quan tâm giải quyết theo thẩm quyền các vụ việc công dân đến khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm những vụ việc đông người, phức tạp, tồn đọng, bảo đảm an ninh trật tự, nhất là trong thời gian có các sự kiện chính trị quan trọng. Việc tổ chức đối thoại giữa thủ trưởng của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị để trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân thực chất hơn.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, người đứng đầu đơn vị, nhất là ở cấp cơ sở, chưa quan tâm đầy đủ, chưa xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác TCD; có nơi, có lúc còn biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; không ít công chức còn lúng túng trong công tác TCD; nhiều trường hợp xử lý đơn không đúng quy định của pháp luật. Một số địa phương chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm trong việc giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; thiếu chủ động kiểm tra, rà soát…

Tại hội nghị, các ý kiến tập trung phân tích, đánh giá việc thực hiện Luật thanh tra, Luật tiếp công dân, những ưu điểm, hạn chế trong việc thực hiện. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, về công tác tiếp công dân.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, trong thời gian qua, việc thi hành Luật thanh tra và Luật tiếp công dân đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật thanh tra qua hơn 6 năm cho thấy công tác thanh tra còn nhiều hạn chế, bất cập, nhiều việc quan trọng, thiết thực cần phải làm rõ, có những việc cần phải làm ngay để áp dụng, đáp ứng mong đợi của người dân và thực tiễn quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra trong tình hình mới.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý, quán triệt một số nội dung: Triển khai đúng, kịp thời, có hiệu quả công tác thanh tra theo định hướng và kế hoạch thanh tra đã được Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt; Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/2017/CT-TTg ngày 17-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động, công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, tránh chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động của mỗi ngành; đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra...

Cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc các quy định về quy trình nghiệp vụ và đạo đức công vụ trong công tác thanh tra; Thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra, kể cả thẩm quyền về áp dụng chế tài, đảm bảo kết luận thanh tra phải đúng, khách quan, minh bạch, rõ ràng, tức là xác định rõ mức độ sai phạm, kết luận đúng, cụ thể về sai phạm và kịp thời, từ đó có xử lý, kiến nghị xử lý, không để "chậm, nguội", không quá hạn trong hoạt động thanh tra và kết luận thanh tra.

“Hiện nay, công tác thanh tra có nhiều nỗ lực cố gắng rất tốt nhưng còn nhiều cuộc thanh tra kéo dài, các pháp luật chung, pháp luật thanh tra về quyền hạn là chưa làm hết trách nhiệm, có những kết luận chần chừ, kéo dài cuộc thanh tra hoặc có kết quả rồi nhưng không kết luận, có kết luận lại nhập nhằng, không đảm bảo áp dụng đầy đủ pháp luật, thậm chí kết luận sai. Đây là những vấn đề cần phải nhìn nhận hết sức nghiêm túc trong công tác thanh tra”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra từ trong nội bộ ngành Thanh tra, từ phía các cơ quan nhà nước khác và từ phía xã hội, người dân nhằm nâng cao tỷ lệ chất lượng kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra…

“Tổng kết thi hành Luật thanh tra cần chỉ ra những điều chưa hợp lý, bất cập để điều chỉnh, sửa đổi, nhưng quan trọng hơn là định hướng, xây dựng thiết chế thanh tra trong bộ máy nhà nước theo mô hình nào cho phù hợp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đề nghị: Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cần lãnh đạo, chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với công tác tiếp công dân của địa phương, cơ quan; tổ chức tốt công tác tiếp công dân ở tất cả các cấp, các ngành; chú trọng thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân định kỳ, thường xuyên và đột xuất theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải bố trí thời gian tiếp công dân, trực tiếp gặp và đối thoại với công dân, kịp thời giải quyết đúng chính sách, pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo; UBND các cấp chủ động rà soát, nắm tình hình, kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lý các trường hợp khiếu kiện đông người, vượt cấp ngay tại cơ sở, hạn chế tối đa khiếu nại đông người, vượt cấp…

Theo Noichinh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/hoi-nghi-toan-quoc-tong-ket-6-nam-thi-hanh-luat-thanh-tra-va-3-nam-thi-hanh-luat-tiep-cong-dan-a187681.html