Theo quy định mới của Bộ luật Hình sự (sửa đổi), từ 1/1/2018, các doanh nghiệp, đối tượng cố tình chây ì, trốn đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động có thể bị phạt tiền đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm…
Trốn đóng BHXH vẫn diễn biến phức tạp
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết 31/10/2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố là 16.602 tỷ đồng, giảm 64 tỷ đồng so với tháng trước, tỷ lệ nợ bằng 6,3% so với kế hoạch thu năm 2017, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, nợ BHXH: 11.433 tỷ đồng, chiếm 68,8% tổng số nợ; Nợ BHTN: 613 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng số tiền nợ; Nợ BHYT: 4.556 tỷ đồng, chiếm 27,4% tổng số tiền nợ.
Trong tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN có: 2.991 tỷ đồng là số tiền NSNN chưa chuyển cho các đối tượng được do NSNN đóng, hỗ trợ đóng BHYT, chiếm 65,7% tổng số nợ BHYT.
Đáng chú ý, tình trạng trốn đóng BHXH tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra phức tạp. Hiện có đến 102.900 đơn vị đang nợ BHXH, tương đương với số tiền 14.700 tỷ đồng và làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của 2,6 triệu lao động.
Tính đến hết tháng 10/2017, BHXH Việt Nam đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 11.804 đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, đã phát hiện 28.942 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian phải tham gia với số tiền 60.506 triệu đồng; đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 356 đơn vị sử dụng lao động với số tiền xử phạt là 4.862 triệu đồng (đã thu 843 triệu đồng). Ngoài ra, cơ quan BHXH đã khởi kiện 8.800 vụ với số tiền khoảng 6.000 tỷ đồng. Tòa án các cấp đã xử 3.986 vụ, tương đương với 16% tổng số nợ, số vụ.
Trước thực trạng trên, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết: Từ ngày 1/1/2018 tới đây, khi Bộ luật Hình sự (sửa đổi) chính thức có hiệu lực và có đầy đủ văn bản hướng dẫn, BHXH Việt Nam sẽ chuyển hồ sơ các doanh nghiệp cố tình nợ đọng, trốn đóng BHXH của người lao động sang cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý hình sự.
Có thể bị phạt tù đến 7 năm
Theo đó, Điều 126 Bộ luật Hình sự (sửa đổi) quy định: Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với hành vi: Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hoặc Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm đối với hành vi: Phạm tội 02 lần trở lên; Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với các hành vi: Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên; Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
Ngoài ra, Điều 216 còn quy định, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo Bao Phapluat
Link nội dung: https://phaply.net.vn/tu-112018-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-co-the-bi-phat-tu-den-7-nam-a187472.html