Luật sư Phạm Công Út: Chỉ truy TNHS đối với Thẩm phán ra Quyết định, bản án trái luật là bỏ lọt tội phạm...

(Phap ly) - Những năm gần đây, đã có một số vụ án được khởi tố, xét xử xem xét trách nhiệm của Thẩm phán vì hành vi ra bản án, quyết định trái luật. Bàn về những vụ án nổi cộm trên, Luật sư Phạm Công Út (nguyên là Thẩm phán) cho rằng: trong nhiều trường hợp, việc đưa ra các quyết định liên quan đến tố tụng, bản án là của cả Hội đồng xét xử (HĐXX), bởi vậy nếu chỉ kết tội Thẩm phán thì e rằng sẽ bỏ lọt nhiều cá nhân có trách nhiệm khác…

“Bỏ lơ” tiền án của bị cáo, Thẩm phán “dính” tội

Còn nhớ năm 2015, ông Nguyễn Thành Đoàn, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Ninh Bình bị khởi tố về hành vi “Ra bản án trái pháp luật”. Theo đó, Cơ quan điều tra của VKSND Tối cao nhận được báo cáo của Viện KSND tỉnh Hà Nam với nội dung: Ngày 5/6/2012, TAND huyện Thanh Liêm (Hà Nam) xử phạt Bùi Hồng Luân (trú tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm) 12 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng về tội “Buôn bán hàng cấm”. Tuy nhiên khi đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo thì Luân lại phạm tội “Tổ chức đánh bạc”, bị Công an tỉnh Ninh Bình bắt quả tang. Xét xử bị cáo Bùi Hồng Luân, thẩm phán Nguyễn Thành Đoàn nhận định bị cáo Luân không có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, người phạm tội thành khẩn khai báo. Từ đó, HĐXX đã xử phạt Luân 27 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Tổ chức đánh bạc”.

Luật sư Phạm Công Út cho rằng: Nếu chỉ truy trách nhiệm hình sự với Thẩm phán về tội “Ra bản án, quyết định trái luật” là bỏ lọt tội phạm
Luật sư Phạm Công Út cho rằng: Nếu chỉ truy trách nhiệm hình sự với Thẩm phán về tội “Ra bản án, quyết định trái luật” là bỏ lọt tội phạm)

Theo đánh giá của Cơ quan điều tra - Viện KSND Tối cao, vụ án “Đánh bạc và tổ chức đánh bạc” do Công an tỉnh Ninh Bình phá là rất nghiêm trọng, với 20 bị can. Trong đó, nhiều bị cáo có tiền án, tiền sự. Số tiền đánh bạc và thu lợi bất chính lớn, quy mô tổ chức đánh bạc lớn. Tuy nhiên Thẩm phán Nguyễn Thành Đoàn và HĐXX TAND tỉnh Ninh Bình đã bỏ qua những tình tiết tăng nặng, cố tình áp đặt những tình tiết giảm nhẹ nhưng không có thực để xử cho tất cả các bị cáo án treo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền là trái pháp luật, trái với nguyên tắc xử lý hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự. HĐXX đã không tổng hợp hình phạt, không buộc Luân chấp hành hình phạt tù của bản án trước là trái với Điều 60, Bộ luật Hình sự.

Vì lý do đó, Thẩm phán Nguyễn Thành Đoàn đã bị khởi tố, truy tố về tội “Ra bản án trái pháp luật”.

Bình luận về vụ việc này, Luật sư Phạm Công Út cho rằng: Việc khởi tố hành vi ra bản án trái pháp luật đối với nguyên Thẩm phán Nguyễn Thành Đoàn là hồi chuông cảnh tỉnh đối với nhiều Thẩm phán khác.

Bị cáo Nguyễn Thành Đoàn  trước vành móng ngựa (Ảnh: Đinh Dụng)
Bị cáo Nguyễn Thành Đoàn trước vành móng ngựa (Ảnh: Đinh Dụng))

Ra quyết định trái luật và những hệ lụy

Mới đây, một Thẩm phán khác ở Sóc Trăng cũng bị khởi tố với tội danh “Ra quyết định trái pháp luật”. Theo hồ sơ, năm 2013, bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ phường 2, TP Sóc Trăng) mua căn nhà của ông Đặng Văn Muôn, có xác nhận công chứng. Sau đó, bà Ngọc bán căn nhà này lại cho người khác ở TPHCM và nhận 2 tỷ đồng tiền cọc, trong đó thoả thuận, bà này phải có trách nhiệm hoàn tất thủ tục sang tên từ chủ cũ trong vòng một tháng.

Tuy nhiên sau đó, vợ cũ của ông Muôn (bà Lẫm - PV) bất ngờ đến TAND TP Sóc Trăng yêu cầu huỷ bỏ giao dịch giữa ông Muôn và bà Ngọc, với lý do ông Muôn còn nợ tiền bà. Ngày 22/2/2013, Thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình ký quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm ông Muôn và bà Ngọc chuyển nhượng nhà dù hợp đồng giao dịch giữa hai bên đã được công chứng trước đó nhiều ngày. Do bị cấm nên ông Muôn không thể sang tên được cho bà Ngọc. Còn bà Ngọc cũng không giữ lời hứa với người mua nhà ở TPHCM nên người mua nhà đã kiện bà Ngọc đòi bồi thường 2 tỷ và yêu cầu toà buộc bà này bồi thường thêm 2 tỷ.

Sau đó, khi các bên thỏa thuận được với nhau, thì đã cùng nộp đơn đến TAND TP Sóc Trăng. Bà Lẫm có nêu rõ việc rút đơn thi hành án đối với ông Muôn. Còn bà Ngọc thì cung cấp thêm quyết định đình chỉ thi hành án giữa ông Muôn và bà Lẫm. Tuy nhiên, thẩm phán Bình bất chấp pháp luật để thụ lý và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) để ngăn chặn việc chuyển nhượng nhà của ông Muôn cho bà Ngọc, trong khi trước đó việc chuyển nhượng đã hoàn tất công khai và hợp pháp tại văn phòng công chứng. Cuối năm 2014, VKSND Tối cao kháng nghị hủy bản án do ông Bình xét xử. Theo VKSND Tối cao việc tòa án không chấp nhận sự thỏa thuận của bà Ngọc với đối tác là sai, vi phạm tố tụng.

Sau khi thẩm phán bị khởi tố, cho rằng thẩm phán ra quyết định trái luật khiến bản thân bị thiệt hại gần 5 tỷ đồng, nữ giám đốc doanh nghiệp ở Sóc Trăng yêu cầu tòa án bồi thường. “Quyết định áp dụng BPKCTT của TAND TP Sóc Trăng đã làm cuộc sống của gia đình tôi đảo lộn. Tôi quyết tâm đi đòi bồi thường. Nếu được bồi thường thì gần 5 tỷ đồng, tôi sẽ làm từ thiện sau khi trừ các chi phí cho Luật sư tham gia (nếu có), bà Ngọc cho hay.

Viện KSND Tối cao đọc lệnh khởi tố Thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình (bên trái) ở Sóc Trăng
Viện KSND Tối cao đọc lệnh khởi tố Thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình (bên trái) ở Sóc Trăng)

Bình luận về việc khởi tố Thẩm phán Bình về tội "Ra quyết định trái pháp luật" trong vụ án ở Sóc Trăng, ông Phạm Công Út cho rằng đó là một điển hình cho hành vi vi phạm xâm phạm đến hoạt động tư pháp. Ở đây có thể thấy việc khởi tố của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao là không sai, vì khi ra quyết định áp dụng BPKCTT để ngăn chặn việc mua bán, chuyển nhượng nhà của ông Ngọc, thẩm phán biết rõ là nhà này không còn tranh chấp về quyền của đồng sở hữu là bà Ngọc, do bà Lẫm đã rút đơn yêu cầu thi hành án, và cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định đình chỉ thi hành án, bà Ngọc có toàn quyền định đoạt đối với tài sản của mình, và đã tiến hành làm thủ tục chuyển nhượng hợp pháp, có công chứng với bên mua.

Đồng thời, bên bà Lẫm có yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng không phải đóng bất kỳ khoản tiền bảo đảm nào cho yêu cầu của mình, vì thế, khi thiệt hại xảy ra đối với yêu cầu của bà thì bà không phải chịu bồi thường thiệt hại mà... nhà nước phải bỏ ngân sách ra bồi thường. Việc lợi dụng điều khoản buộc thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định của tố tụng để Thẩm phán ra quyết định áp dụng BPKCTT mà không phải đóng bất kỳ khoản tiền bảo đảm nào khi ngăn chặn các hành vi mua bán, chuyển dịch trong vụ án này là hành vi ra quyết định áp dụng BPKCTT trái pháp luật.

Bỏ lọt tội phạm?

Đối với vụ án Thẩm phán Đoàn ở Ninh Bình bị khởi tố, xét xử về tội “Ra bản án trái pháp luật”, ông Phạm Công Út băn khoăn: Nếu xem xét toàn bộ vụ việc và dựa vào các quy định của pháp luật, thì việc chỉ kết tội thẩm phán mà bỏ qua nhiều cá nhân, tổ chức khác trong vụ thẩm phán bị xử tội ra bản án trái luật là chưa đủ. Bởi dù lý lịch bị can có trong hồ sơ vụ án, kết luận điều tra và bản Cáo trạng, nhưng cả tập thể Hội đồng xét xử vẫn cố tình bỏ qua tình tiết tái phạm tội để tuyên bị cáo mức hình phạt cải tạo không giam giữ là hoàn toàn trái pháp luật. Theo Luật sư Phạm Công Út: Lẽ ra cơ quan điều tra của VKSND tối cao phải khởi tố cả hội đồng xét xử vì hai hội thẩm nhân dân không thể xem là vô can, khi họ có quyền độc lập xét xử, chỉ tuân theo pháp luật. Trong vụ án này, họ có thể được xem là đồng phạm trong vụ án ra bản án trái pháp luật.

Còn vụ án Thẩm phán Bình ở Sóc Trăng bị khởi tố về tội “Ra quyết định trái pháp luật”, lẽ ra, cả Hội đồng xét xử sơ thẩm của vụ án này cũng phải bị xem xét khởi tố thêm hành vi ra bản án trái pháp luật, vì diễn biến tại phiên toà, phía nguyên đơn đã rút lại một phần yêu cầu, chỉ đòi lại số tiền cọc 2 tỉ đồng và bồi thường 1,9 tỉ đồng. Nhưng hội đồng xét xử vẫn tuyên theo yêu cầu khởi kiện ban đầu của bà Ngọc là tuyên bị đơn trả lại tiền cọc 2 tỉ đồng và bồi thường cho nguyên đơn 2 tỉ đồng là trái pháp luật, không tôn trọng quyền tự định đoạt của chính nguyên đơn, không căn cứ vào diễn biến tại phiên toà mà chỉ căn cứ vào bản án viết sẵn của thẩm phán.

Hiện nay, việc ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật không cần thiết phải chứng minh động cơ, mục đích, mà chỉ cần chứng minh yếu tố chủ quan là cố ý, biết là ra bản án hoặc quyết định này là trái pháp luật nhưng người tiến hành tố tụng vẫn thực hiện là đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Đồng thời, trong bản án, quyết định có nội dung nào xâm phạm đến tính đúng đắn của hoạt động tư pháp một cách trái pháp luật thì nội dung đó, gồm một phần hoặc toàn bộ bản án hoặc quyết định trái pháp luật ấy phải bị hủy bỏ và xem xét khởi tố về hành vi của người ra bản án hoặc quyết định của nội dung đó.

Cũng cần phải bàn thêm, dù rằng quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Thẩm phán TAND TP. Sóc Trăng được ban hành bởi Thẩm phán là trái pháp luật, nhưng khi có khiếu nại của đương sự thì Chánh án đã trả lời, bác đơn khiếu nại. Dù Chánh án Toà án thành phố này không có ý thức chủ quan là "cố ý", nhưng cũng đã góp phần gây thiệt hại cho uy tín và ngân sách của nhà nước hơn 4 tỉ đồng (do phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước) thì vị Chánh án này cũng phải bị truy trách nhiệm về hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng mới thể hiện sự đúng đắn và nghiêm minh của pháp luật.

Trả lời câu hỏi của Phóng viên trước thực tế, có hiện tượng không ít Thẩm phán nhận tiền của đương sự để ra quyết định, bản án trái luật. Khi đó có thể cấu thành một tội danh khác? Luật sư Phạm Công Út cũng cho rằng: Giả sử mà có trường hợp thẩm phán nhận tiền để ra bản án, quyết định trái luật thì có thể Thẩm phán sẽ bị khởi tố thêm về tội “Nhận hối lộ”. Khi ấy, việc nhận hối lộ độc lập với hành vi ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật…

Minh Minh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/luat-su-pham-cong-ut-chi-truy-tnhs-doi-voi-tham-phan-ra-quyet-dinh-ban-an-trai-luat-la-bo-lot-toi-pham-a187247.html