Đẩy mạnh công tác điều tra, giám định, thu hồi tài sản tham nhũng

Ngày 29-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ, Ba Đình và Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14.

Tại các cuộc tiếp xúc, ý kiến cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 4 quốc hội khóa 14 với nhiều nội dung về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Đặc biệt, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này có nhiều đổi mới, đi thẳng vào vấn đề, không né tránh, phần nào đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của cử tri cả nước. Cử tri cũng đánh giá cao tình hình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời gian qua, đặc biệt việc tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC trong điều kiện tình hình trong nước, khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, đã góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri)

Về công tác phòng, chống tham nhũng, ghi nhận và biểu dương những kết quả tích cực đã đạt được, tuy nhiên cử tri bày tỏ mong muốn công tác phòng, chống tham nhũng cần phải được triển khai liên tục, quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa. Cử tri Phan Văn Nhâm, quận Tây Hồ cho biết: “Nhân dân rất phấn khởi với quyết tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là người đứng đầu của Đảng là đồng chí Tổng Bí thư về công tác này. Tuy nhiên, cử tri vẫn còn một số băn khoăn, mặc dù gần đây, nhiều vụ án lớn đã bị đưa ra xem xét xử lý, nhưng kết quả chưa thật sự thuyết phục, tài sản thu hồi được đến đâu? liệu có còn “vùng cấm”, “vùng nể” hay không? Cử tri Phan Văn Nhâm cho rằng, xử lý tội phạm tham nhũng mà không thu được tài sản, sẽ làm cho kẻ tham nhũng nhờn luật, sẵn sàng "hy sinh đời bố, củng cố đời con".

Cùng quan điểm này, cử tri Bùi Đình Chí (Giảng Võ, Ba Đình) nêu, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cử tri mong muốn công tác kiểm tra giám sát phải thực hiện thường xuyên hơn nữa để xử lý kịp thời các cá nhân tổ chức sai phạm; cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện về công tác cán bộ, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân thành bại; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu...

Về vấn đề tinh giản biên chế, cử tri Nguyễn Văn Dũng (phường Kim Mã, Ba Đình) cho rằng, Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được thông qua tại Kỳ họp là kịp thời, được cử tri hoan nghênh. Song cử tri còn kiến nghị những trường hợp bổ nhiệm số lượng cấp phó vượt quá quy định cần xử lý nghiêm. Lộ trình giảm biên chế cần cục thể hơn, xác định rõ con số cần thực hiện đến cuối nhiệm kỳ là bao nhiêu theo yêu cầu của Trung ương Đảng và Quốc hội.

Tại các cuộc tiếp xúc, nhiều vấn đề nóng trong xã hội cũng được cử tri nêu ý kiến như phải xử lý nghiêm tình trạng ngược đãi trẻ em xảy ra tại một số cơ sở mầm non gần đây; chấn chỉnh việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan, bộ ngành nhà nước, đặc biệt là việc ban hành văn bản liên quan đến việc cấp sổ đỏ của Bộ Tài nguyên Môi trường được cho là gây rối, làm hoang mang lòng dân..

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn của cử tri, cho biết, tất cả các ý kiến này sẽ được phản ánh đầy đủ đến Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Đồng tình với đánh giá của cử tri về kết quả kỳ họp thứ 4 quốc hội khóa 14, Tổng Bí thư cho biết, kỳ họp Quốc hội lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Phân tích nguyên nhân, bối cảnh và kết quả đạt được cho chúng ta thêm nhiều bài học sâu sắc.

Trao đổi với cử tri về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có nhiều cố gắng, được triển khai hiệu quả, bài bản hơn, tuy nhiên so với yêu cầu thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Theo Tổng Bí thư, hiện vẫn còn một số khâu yếu cần được khắc phục như khâu điều tra, giám định, thu hồi tài sản tham nhũng và sự chuyển biến ở các cấp dưới chưa mạnh mẽ.

"Tôi đã nhiều lần nói đây là cuộc đấu tranh rất gian khổ, lâu dài, kiên quyết và kiên trì, không thể nóng vội, bước đi phải chắc chắn, làm nhưng phải giữ ổn định", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

Theo Tổng Bí thư, không phải kỷ luật nhiều là thành công, "cốt đánh thức người ta dậy, đừng vi phạm pháp luật, mở đường cho người ta tiến tới mới là thành công". Việc điều tra tội phạm tham nhũng cần thu thập chứng cứ rõ ràng, phải có thời gian, không vội, nhưng không vì vậy mà trì hoãn, kéo dài và quyết không thể để chìm xuồng.

Tổng Bí thư cho biết, hiện nay khâu yếu vẫn là điều tra, giám định, thu hồi tài sản… sắp tới cần đẩy mạnh hơn nữa.

Theo Noichinh

Link nội dung: https://phaply.net.vn/day-manh-cong-tac-dieu-tra-giam-dinh-thu-hoi-tai-san-tham-nhung-a187107.html